VÀI NÉT XUNG QUANH HIỆN TƯỢNG GHI ÂM BẰNG HAI MÃ CHỮ TRONG BẢN GIẢI ÂM "PHẬT THUYẾT ĐẠI BÁO PHỤ MẪU ÂN TRỌNG KINH" HOÀNG THỊ NGỌ Viện Nghiên cứu Hán Nôm Trong văn bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (xin gọi tắt là Phật thuyết) có xuất hiện một loại chữ nôm cổ. Đó là loại dùng hai mã chữ riêng biệt để ghi một tiếng Việt. Hiên tượng này rất ít người biết đến. Vấn đề cần bàn tới là: có tồng tại một loai chữ như vậy trong lịch sử văn tự nước ta? Thực tế, trong các cách phân loại chữ Nôm từ trước đến nay chỉ có một người nhắc đến hiện tượng này đó là Nguyễn Ngọc San. Trong cuốn Cơ sở ngữ văn Hán Nôm(1), Nguyễn Ngọc San cho rằng trong loại cữ Nôm định hướng bằng chính âm đầu, thành tố pụ có thể tách ra đứng thành mã riêng. Cũng có người nghi ngờ sự tồn tại của loại chữ Nôm này, họ cho rằng đó là do sự khắc in, tách rời các con chữ ra mà thôi. Trong khuôn khổ có hạn của bài viết, chúng tôi xin nêu một vài suy nghĩ nhỏ xung quanh vấn đề này. I. Độ tin cậy của văn bản. Bản giải âm Phật thuyết lưu giữ lại được nhiều hiện tượng ghi một tiếng bằng hai mã chữ riêng biệt, trong khi các văn bản ở gần thời điểm với nó ít còn những hiện tượng như vậy. Có lẽ có những lý do đặc biệt giúp cho sự bảo lưu những dạng mã chữ này. Trước hết vì nó may mắn nằm trong một bản kinh Phật. Ta đã biết Trịnh Quán in lại bản kinh này vào khoảng đầu thế kỷ XVIII, sau khi được phong Tuyên Quânj công năm 1730(2). Theo sách Lịch triều tạp kỷ (quyển 3, Nxb Khoa học xã hội, năm 1995, trang 390, 391, 425), vào những năm 1726-1730 chính quyền Lê - Trịnh rất chú trọng đến Phật giáo. Triều đình đã ban ra một loạt các quy định về thể lệ các chùa trong cả nước, về việc chuẩn định cho các sự trụ trì, các quy định về áo mặc và chế độ đối với các nhà sư.... Mục đích của chính quyền Lê - Trịnh là làm trong sáng đạo Phật, làm cho đạo Phật được tôn trọng hơn. Kinh Phật thuyết là một trong những bản kinh có nội dung phù hợp với đạo đức theo quan niệm Nho giáo cho nên được chú trọng, in lại nhiêu lần, phổ biến rộng rãi. Riêng việc in lại bản kinh có phần giải âm bằng chữ Nôm do Trịnh Quán, mọt người trong tông thất họ chúa Trịnh tham gia thực hiện, cũng đủ thấy rõ tính thuyết phục của lời Phật thuyết trong bản Kinh này. Do sự thiêng liêng của một bản kinh Phật, nhất là trong đó lại ghi lại lời thuyết giáo của Đức Phật, cho nên môic khi tái bản, không ai dám tự ý sửa chữa "hiệu đính" và có lẽ cũng không ai dám sửa lại các dạng chữ của sách Phật. Có lẽ đây là một lý do khiến cho bản kinh giữ lại được khá trung thành hiện trạng của bản gốc và chữ Nôm trong văn bản này giữ lại được các dạng vốn có của nó, không bị thay đổi, lược bớt các yếu tố rườm rà khó hiểu khi bien soạn, in ấn lại. Với các lý do đó, ta thấy đây là một văn bản giải âm bằng chữ Nôm đáng tin cậy nhất trong số các văn bản Nôm ở gần thời điểm với nó hiện còn. 2. Trong lịch sử đã từng có cách ghi một từ bằng hai chữ. Trong cuốn Sứ Giao châu tập của Trần Cương Trung viết vào khoảng thế kỷ XIV có hiện tượng dùng hai mã chữ ghi một âm đọc: 日(nhật) được dịch sang tiếng Việt là 孛耒(bột lồi) người dịch đã dùng hai mã 孛(bột) và 耒(lồi) để ghi âm blời sau này thành trời. Hoàng Xuân Hãn còn cho biết thêm một tư kiệu về cách ghi dùng hai mã chữ để ghi một từ: "Năm 1293, Trần Phụ, sứ nhà Nguyên sang Thăng Long, có ghi trong bài An Nam tức sự chừng hai mươi âm Việt, trong đó có: Thiên gọi Pu-lơi, Nguyệt gọi Pu-lâng(3) Trong cuốn An Nam dịch ngữ(4), một cuốn từ điển đối chiếu Hán Việt khác được biên soạn vào khoảng thế kỷ XV, thế kỷ XVI cũng có một số trường hợp ghi bằng hai mã chữ như sau: - Trong các chữ số 248, 294, 299 mục Điểu thú môn từ 牛(ngưu) nghĩa là trâu, được ghi 革蔞(cách lâu) Vương Lộc tái lập là /klâu/trâu. - Trong chữ số 512, mục Thân thể môn, được ghi là 托爛(thác lan) Vương Lộc tái lập là /tlán/ >trán. - Chữ số 89 mục Địa lý môn 大石(đại thạch) được ghi là 戛喇大/ Ca la ta/, được tái lập Cả La-đá (nghĩa : hòn đá to) Đá cũng được ghi như vậy trong chữ số 230, mục Hoa mộc môn khi dịch từ 石榴(thạch lựu) 喇大溜/La ta liou/- nghĩa là la đá lựu. Trường hợp này vì là người nước ngoài, không hiểu hết được ngữ nghĩa của từ tiếng Việt, nên mới có sự dịch từng từ như vậy. Nhưng điều đó lại giúp ta thêm một cứ liệu để khẳng định rằng đá đã có thời được ghi bằng hai mã chữ. Trong một số văn bản có niên đại gần với bản giải âm Phật thuyết như: bốn bài phú đời Trần, Quốc âm thi tập, Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa...Cũng còn lưu lại cách ghi dùng hai mã chữ để ghi một tiếng như: - Trong bài phú Vịnh Vân Yên tự, từ đá xuất hiện 2 lần đều được ghi 羅石多(la đá), trong câu: "La đá từng thê dốc, một hòn ươm [ ](5) vịn một hòn" "Voi là đá tính từ chẳng đố" (theo Hoàng Xuân Hãn, sđd) - Trong Quốc âm thi tập (bản Dương Bá Cung sưu tập, in lại năm 1868) có 2 trường hợp: Dùng bà ngựa ((婆) 馭) để ghi ngựa trong câu Bà ngựa (婆馭) gầy thiếu dẻ chăn (bài I) Bà ngựa (婆馭) dù lành nào Bá Nhạc (bài II4) Dấu vết của từ này còn tìm thấy trong tiếng Pakatan ngựa được đọc là mangơ/mana/(6) Dùng la đa (?多) ghi đá, trong câu: Dấu người đi la đá (?多) mòn (Bài 21) Trường hợp đá được ghi bằng hai mã chữ còn thấy trong Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa: "Bàn thạch la đá cả thay" "Thạch khối hòn la đá chồng" (Địa lý bộ nhị) Trong từ điển Việt - Bồ- La ghi mưa la đá nghĩa là mưa đá. Từ nhiều nguồn cứ liệu có thể thấy la đá là một từ Việt cổ, có hình thức song tiết, tiền thân của từ đá hiện nay, được ghi lại trong chữ Nôm dưới dạng hai mã chữ tách rời. Chúng tôi nghĩ rằng khác với việc khắc in trong các văn bản Nôm cổ như bốn bài phú đời Trần, Quốc âm thi tập, Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa....có thể còn nhiều từ được ghi bằng hai mã chữ nhưng mã thứ nhất đã bị loại bỏ đi trong quá trình biên tập, in ấn lại. Nguyên nhân chủ yếu của sự loại bỏ đó là do quá trình đơn tiết hóa xẩy ra trong tiếng Việt tác động vào văn tự, văn tự cũng phải biến đổi theo để ghi sát ngôn ngữ, những yếu tố rườm rà, khó hiểu với người đương thời sẽ bị lược bỏ, đó cũng là xu hướng phát triển tất yếu của văn tự. 3. Dùng hai mã chữ tách rời để ghi một từ là một cách ghi các tiền âm tiết đã từng tồn tại trong tiếng Việt cổ Theo các nhà nghiên cứu ngữ âm học lịch sử tiếng Việt thì từ thế kỷ XVII trở về trước, trong tiếng Việt có tồn tại một số các tổ hợp phụ âm đầu như: bl, kl, ml, tl....Treo thời gian, dần dần các tổ hợp phụ âm đầu này có sự biến đổi rụng đi một trong hai thành tố, thường là rụng đi thành tố thứ nhất. Thành tố còn lại. có thể là giữ nguyên phụ âm đầu hoặc là chuyển đổi thành một phụ âm khác theo quy luật phát triển của ngữ âm tiếng Việt. Những tổ hợp phụ âm đầu này để lại dấu vết khá rõ trong một vài vùng thổ ngữ và trong chữ Nôm. Trong các văn bản Nôm hiện còn (là các bản được in lại) các tổ hợp phụ âm đầu này thường được ghi lại dưới dạng một một mã chữ. Mã chữ có tổ hợp phụ âm đầu thường được ghi chép bởi hai thành tố ghi âm thuần túy. Trong văn bản Phật thuyết, các tổ hợp phụ âm đầu trên còn lưu lại dấu vết khá rõ, được biểu hiện dưới cả hai dạng một mã chữ và hai mã chữ. Có trường hợp thể hiện dưới cả hai dạng mã chữ như tổ hợp phụ âm/kl/ghi tr hiện nay: Trông được ghi bằng một mã: 龙車(cư(7) + long), được ghi bằng hai mã như 車籠(cư và lung),个笼(cá và lung) Những tổ hợp phụ âm đầu trong văn bản Phật thuyết được thẩm định một cách tin cậy qua sự chuyển dịch cụ thể từ chữ Hán sang chữ Nôm. Chỉ riêng cách ghi băng hai mã chữ tách rời của các tổ hợp phụ âm đầu ít nhất đã thấy có 11 trường hợp, xuất hiện 13 lần. Ngoài việc ghi các tổ hợp phụ âm đầu, loại chữ Nôm 2 mã chữ tách rời này con được dùng để ghi các âm tiền thanh hầu hóa vốn có trong tiếng Việt. Theo Haudricourt(8) thì các ngôn ngữ ở bán đảo Đông Dương đều có một nét chung là có những âm tiền thanh hầu hóa /?b/ và /?d/, chúng nảy sinh từ các âm đầu nổ vô thanh /p/ và /t/, chúng liên tục xuất hiện và biến mất mà không giải thích được nguyên do. Khoảng thế kỷ XII, trong tiếng Việt lại xuất hiện các âm/?b/ và /?d/. Chúng xuất hiện như sự nối tiếp của một quá trình đã được khơi mào từ thế kỷ X, khi Việt Nam bắt đầu tự chủ và tiếng Hán ở Việt Nam biến đổi theo quy luật ngữ âm của nội bộ tiếng Việt để tạo ra cách đọc Hán Việt. Nói khác đi nó là hệ quả của quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. M.Ferlus(9) đã thêm âm /?j/ và sau này Nguyễn Ngọc San(10) bổ sung thêm âm /?g/, làm cho các âm tiền thanh hầu hóa có môt hệ thống khép kín. Diffloth Gerard và Nguyễn Tài Cẩn(11) lại cho tằng các âm tiền thanh hầu hóa này là những âm hút vào ъь ??, với những đặc chưng cấu âm khác với b, d, j, g. Những cứ liệu để khẳng định về các âm tiền thanh hầu hóa không nhiều, nhất là các cứ liệu bằng chữ Nôm. Văn bản giải âm Phật thuyết lại cung cấp cho ta đầy đủ các cứ liệu về các âm này dưới dạng hai mã chữ, giống như cách ghi các tổ hợp phụ âm đầu, ví dụ: Chữ Nôm | Hán | Âm Việt | 巴低 | ba đê | ?để (để) | 巴怛 | ba đát | ?đứt (đứt) | 阿貶 | a biếm | ?băm (băm) | 多边 | đa biên | ?bên (bên) | 阿計 | a kế | ?gầy (gầy) | 阿枯 | a khô | ?gõ (gõ) | 阿質 | a chất | ?giặt (giặt) |
Ngoài những cách ghi đã đề cập trên, trong văn bản còn có nhiều trường hợp khác nữa được ghi bằng hai mã chữ. Những tiền âm tiết trong các tiếng đó cũng cần được xác định rõ tính chất và vị trí của nó trong lịch sử phát triển ngôn ngữ và văn tự dân tộc. Tiếng Việt hiện đại là ngôn ngữ âm tiết tính cao. Nhưng trong tiếng Việt cổ, âm tiết cấu tạo theo một mô hình không giống mô hình âm tiết hiện đại: nó bao gồm một âm tiết chính và một âm tiết phụ gọi là yếu tố tiền âm tiết. Trong quá trình phát triển của lịch sử ngữ âm tiếng Việt, dạng thức âm tiết chính được bảo lưu, còn âm tiết phụ (tiền âm tiết) dầm dầm bị phai mờ và cuối cùng không còn tồn tại nữa. Sự xuất hiện và phát triển của các yều tố tiền âm tiết trong tiếng Việt cổ cũng được ghi lại trong văn tự. Xu hướng phát triển đó có thể chia làm 3 giai đoạn như sau: - Giai đoạn 1: tiền âm tiết được biểu hiện ở mã thứ nhất trong loại chữ Nôm dùng hai mã tách rời để ghi một từ, ví dụ: Mã I Tiền âm tiết | ----------------- | Mã II Âm tiết chính | 巴(ba) | 低(đê) | ---------------? để--------------- |
- Giai đoạn 2: tiền âm tiết tháp vào âm tiết chính. Trong chữ Nôm, tiền âm tiết chỉ còn thể hiện ở loại chữ một mã chữ ghi một từ, mã mày được ghép bởi 2 thành tố ghi âm. Mã I | Mã II | Mã III | 巴(ba)------- | ------------低(đê)___________ | ___________(? để) |
- Giai đoạn 3: tiền âm tiết hầu như không còn được ghi lại trong chữ Nôm nữa. Qua việc khảo sát sơ bộ chữ Nôm trong văn bản giải âm Phật thuyết có thể thấy rằng trong lịch sử phát triển chữ Nôm, có hiện tượng dùng 2 mã chữ tách rời để ghi một từ Việt, nhất là trong chữ Môm ở thời kỳ đâu. Đây là những lưu tích về ngôn ngữ của một giai đoạn lịch sử được phản ánh trong hệ thống văn tự tương ứng. Điều này giúp ta có thêm những cứ liệu quý gúa dể tìm hiểu về thời kỳ đầu của sự phát triển văn tự trong mối liên quan với ngôn ngữ dân tộc. Chú thích: 1. Nguyễn Ngọc San: Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, Nxb Giáo dục 1987, tr.202. 2. Xem Hoàng Thị Ngọ: "Vài nét về tình hình văn bản của bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu âm trọng kinh", Tạp chí Hán Nôm, số 3 năm 1995. 3. Hoàng Xuân Hãn - Tập san khoa học xã hội, số 5, năm 1975, Paris, trang 4. 4. An Nam dịch ngữ do Vương Lộc , giới thiệu, chú giải, Nxb Đà Nẵng, 1995. 5. Ký hiệu móc [ ] đánh dấu chữ bị thiếu. 6. Nguyễn Ngọc San - Tiếng Việt lịch sử, Nxb Giáo dục 1993, trang 53. 7. mn có âm cổ là cư (Từ nguyên) 8. A. Haudricourt - La phonologie panchronique - P. 1976. 9. M.Ferlus - Vietnamien et proto Viet Muong - ASEMI - 1975. 10. Nguyễn Ngọc San - Tiếng Việt lich sử, Nxb Giáo dục, 1993 11. Nguyễn Tài Cẩn - Giáo trình lịch sử Ngữ âm tiếng Việt, Nxb Giáo dục, 1995. (Thông báo Hán Nôm học 1995, tr.258-267). |