Kê Biên Là Gì? - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Kê biên là gì?
  • Đặc điểm của kê biên
  • Các trường hợp áp dụng biện pháp kê biên
  • Quy trình thủ tục kê biên như thế nào?
  • Thời gian kê biên

Trong thi hành án dân sự hoặc thi hành án hình sự, chúng ta thường đề cập tới vấn đề kê biên. Vậy định nghĩa về kê biên là gì?, đặc điểm kê biên ra sao?, các trường hợp cụ thể phải kê biên như thế nào?, quy trình thủ tục và thời gian kê biên ra sao?

Mời quý vị tham khảo nội dung của bài viết của chúng tôi sau đây để nắm rõ các vấn đề vướng mắc trên.

Kê biên là gì?

Kê biên là hoạt động bảo đảm thi hành án do cơ quan thi hành án tiến hành kiểm kê, lập danh sách tài sản thuộc sở hữu của bị can, bị cáo hoặc người có trách nhiệm dân sự theo bản án, quyết định của Toà án.

Đặc điểm của kê biên

Ngoài giải thích về khái niệm kê biên là gì? thì sau đây chúng tôi sẽ nêu các đặc điểm của kê biên bao gồm:

– Chỉ được áp dụng với tài sản thuộc sở hữu của Bị can, bị cáo người có trách nhiệm dân sự

– Chỉ được áp dụng trong khoảng thời gian nhất định

– Mục đích của việc kê biên là đảm bảo đối tượng có trách nhiệm dân sự, bị can, bị cáo không tẩu tán tài sản để trốn tránh thực hiện trách nhiệm của mình.

Các trường hợp áp dụng biện pháp kê biên

Biện pháp kê biên được áp dụng đối với bị can, bị cáo bị áp dụng hình phạt tiền, chịu trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự hoặc đương sự có trách nhiệm dân sự theo bản án, quyết định của Toà án.

Tài sản không được phép kê biên:

Theo quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án dân sự, tài sản không được phép kê biên gồm có:

Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do Ngân sách Nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức.

Tài sản của người phải thi hành án là cá nhân, gồm: Số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới; số thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh của người phải thi hành án và gia đình; vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm; đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương; công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của người phải thi hành án và gia đình; đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình.

Tài sản của người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, gồm: Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động; nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh; trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

Quy trình thủ tục kê biên như thế nào?

Khi bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực, hết thời gian thi hành án mà người chấp hành án dù có điều kiện thi hành bản án nhưng không thực hiện hoặc theo yêu cầu của bên đương sự, chấp hành viên có quyền ra biên bản cưỡng chế kê biên tài sản để thi hành án.

Chấp hành viên cần tiến hành xác minh tài sản của người chấp hành án, ghi rõ từng loại tài sản thuộc quyền sở hữu của người chấp hành án.

Đối với tài sản thuộc sở hữu của người chấp hành án mà đã được chuyển đổi quyền sở hữu kể từ khi bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực thì có thể yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu.

Sau khi kê biên tài sản xong, chấp hành viên tổ chức định giá tài sản theo quy định của pháp luật. Sau khi có kết quả thẩm định giá tài sản, tiến hành xử lý tài sản theo quy định của pháp luật để đảm bảo thi hành án. Chủ thể nhận chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xác minh quyền sở hữu đối với Tài sản bị kê biên.

Thời gian kê biên

Biện pháp cưỡng chế kê biên chỉ được áp dụng với chủ thể phải thi hành án mặc dù có điều kiện thi hành nhưng không thi hành, do đó chỉ khi nào hết thời hạn tự nguyện thi hành án(15 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực) mà người phải thi hành án không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản.

Hoặc trong trường hợp có dấu hiệu người chấp hành án có khả năng sẽ tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thì biện pháp kê biên cũng sẽ được áp dụng. Trên đây là quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục kê biên tài sản.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến định nghĩa về kê biên là gì?, đặc điểm kê biên ra sao?, các trường hợp cụ thể phải kê biên như thế nào?, quy trình thủ tục và thời gian kê biên ra sao?.

Từ khóa » Kê Biên Phát Mại Là Gì