Kê Biên, Xử Lý Tài Sản & Quyền Khởi Kiện | Le & Tran

Giai đoạn thi hành án nói chung và thi hành án dân sự nói riêng ít ai quan tâm, nhưng nó đóng vai trò rất quan trọng đối với một vụ án tranh chấp. Nếu người phải thi hành án có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành thì lúc này cơ quan thi hành án có quyền cưỡng chế thi hành án. Việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án là một trong các biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008, sửa đổi, bổ sung 2014 (Luật THADS). Và trình tự, thủ tục kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án được pháp luật quy định khá chặt chẽ; nó thường được áp dụng nhiều trong thực tế.

Căn cứ Điều 207 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Tài sản thuộc hình thức sở hữu chung là tài sản chung.”

Và theo quy định tại Điều 74 Luật THADS; khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP; Điều 2, Điều 7 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC việc kê biên, xử lý tài sản trong khối tài sản chung được quy định như sau:

Nội dung Ẩn 1 Điều kiện Kê biên Tài sản Chung 2 Xác định Phần Tài sản trong Khối Tài sản Chung 2.1 Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau: 2.2 Đối với tài sản chung chưa xác định được phần sở hữu, sử dụng: 3 Quyền ưu tiên Mua của Chủ sở hữu chung 4 Thủ tục Mua Tài sản Chung

Điều kiện Kê biên Tài sản Chung

Cơ quan THADS chỉ kê biên, xử lý đối với tài sản chung là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong các trường hợp sau:

  • Khi các tài sản khác không đủ để thi hành án; hoặc
  • Khi có đề nghị của đương sự.

Xác định Phần Tài sản trong Khối Tài sản Chung

Tài sản chung của người phải thi hành án với người khác có thể xác định được phần sở hữu hoặc chưa xác định được phần sở hữu, phần sử dụng của các chủ sở hữu chung.

Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:

  • Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án.
  • Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Đối với tài sản chung chưa xác định được phần sở hữu, sử dụng:

  • Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc Chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.
  • Đối với tài sản thuộc sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng: Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được Chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
  • Đối với tài sản thuộc sở hữu, sử dụng của hộ gia đình: Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong gia đình biết. Cũng giống như tài sản chung của vợ chồng, nếu các thành viên hộ gia đình không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được Chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Quyền ưu tiên Mua của Chủ sở hữu chung

Khi bán tài sản chung, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản. Giá bán ưu tiên mua cho chủ sở hữu chung đối với phần tài sản chung của người phải thi hành án là giá đã định.

Thủ tục Mua Tài sản Chung

  • Đối với tài sản là bất động sản và động sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng. Chấp hành viên ra quyết định bán tài sản cho chủ sở hữu chung hoặc ra quyết định giao tài sản cho người được thi hành án.
  • Đối với tài sản là động sản nhưng không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì Chấp hành viên lập biên bản giao tài sản cho chủ sở hữu chung hoặc người được thi hành án.

Có thể thấy, các quy định pháp luật hiện hành đã quy định tương đối đầy đủ và rõ ràng về hướng xử lý và trách nhiệm của các bên liên quan trong vấn đề xác định tài sản thuộc sở hữu chung, đồng thời, quy định về quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung. Nhưng trong thực tế làm thế nào để việc xử lý tài sản của người phải thi hành án có chung với người khác bảo đảm thi hành đúng pháp luật, hạn chế thấp nhất khiếu nại của đương sự là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng. Vì vậy đòi hỏi Chấp hành viên phải hết sức chặt chẽ trong quá trình tổ chức thi hành. Và để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các bên đương sự cần hiểu rõ một số nguyên tắc chung như sau:

Khi tiến hành kê biên tài sản, tài sản thuộc sở hữu riêng được kê biên trước, sau đó kê biên tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác.

  • Chấp hành viên chỉ kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung sau khi có văn bản tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của các chủ sở hữu chung hoặc đã có bản án của Tòa án về việc xác định tài sản chung.
  • Trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, Chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế.
  • Tài sản chung trong các vụ án hôn nhân gia đình, chia thừa kế đã được Tòa án giải quyết thì không thuộc trường hợp áp dụng theo Điều 74 nêu trên, vì người được thi hành án, người phải thi hành án đều là những người trong cùng bản án, quyết định.

Nếu bạn muốn thảo luận với chúng tôi về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án dân sự và tìm giải pháp cho việc kê biên, xử lý tài sản chung hoặc thực hiện quyền khởi kiện theo quy định của Luật Thi hành án Dân sự,  vui lòng liên hệ các Luật sư Thi hành án của chúng tôi tại info@letranlaw.com.

Từ khóa » Kê Biên Phát Mại Là Gì