Khái Niệm Tội Phạm Về Chức Vụ Là Gì? - Luật Hoàng Anh

1. Căn cứ pháp lý

Điều 352 Chương XXIII Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội khái niệm tội phạm về chức vụ như sau như sau:

Điều 352. Khái niệm tội phạm về chức vụ

1. Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

2. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.”

2. Khái niệm các tội phạm về chức vụ

Theo Khoản 1 Điều 352 Bộ luật Hình sự quy định các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Việc qui định khái niệm tội phạm về chức vụ trong Bộ luật hình sự là hoàn toàn cần thiết đáp ứng yêu cầu khách quan của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay. Đây là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng phân biệt tội phạm về chức vụ với các hành vi vi phạm pháp luật khác của người có chức vụ, quyền hạn nhằm xử lý đúng đắn và chính xác đối với các tội phạm này. Căn cứ vào tính chất và đặc điểm của hành vi phạm tội, các tội phạm về chức vụ được phân thành hai nhóm: Các tội phạm về tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ.

Hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức là những hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ do pháp luật hoặc điều lệ quy định, những hoạt động này nhằm thực hiện chức năng và mục đích đã đề ra. Ví dụ: Theo quy định của pháp luật thì cán bộ, công chức phải chí công, vô tư, không được lợi dụng chức vụ để trục lợi, nhưng trong cơ quan, tổ chức nào đó có cán bộ đã tham ô, nhận hối lộ, hoặc lấy tiền của cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để đưa hối lộ... là đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức đó. Có thể nói, những hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức bị xâm phạm do các tội phạm về chức vụ gây ra, chính là những quy định của pháp luật hoặc của điều lệ buộc phải làm mà không làm, cấm không được làm thì lại làm. Những quy định cụ thể này được thể hiện trong từng hành vi phạm tội cụ thể trong từng tội phạm về chức vụ trong chương này.

3. Người phạm tội về chức vụ

Người thực hiện tội phạm hay chủ thể của những tội phạm về chức vụ là chủ thể vô cùng đặc biệt.

Theo Khoản 2 Điều 352 quy định: người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Người có chức vụ, quyền hạn chỉ có thể trở thành chủ thể của các tội phạm về chức vụ khi hành vi phạm tội được thực hiện trong khi thi hành công vụ, nếu họ thực hiện hành vi phạm tội ngoài phạm vi thi hành công vụ thì không thuộc trường hợp phạm tội về chức vụ. Tuy nhiên, điều khẳng định này không bao gồm các trường hợp phạm tội có đồng phạm (nhiều người tham gia), trong đó có người không thực hiện hành vi phạm tội trong phạm vi thi ành công vụ, nhưng trong một vụ án cụ thể, tội phạm mà họ thực hiện phải có người thực hiện hành vi phạm tội trong khi thi hành công vụ.

Mặc dù các tội phạm về chức vụ là do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhưng không vì thế mà cho rằng trong một vụ án cụ thể chỉ có những người có chức vụ thực hiện tội phạm mà không có những người khác. Những người có chức vụ nhất thiết phải là người trực tiếp thực hiện tội phạm, nếu là vụ án có đồng phạm thì họ phải là người thực hành, còn những người khác không có chức vụ có thể là người tổ chức, người xúi dục hoặc người giúp sức.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Bộ luật Hình sự

Luật Hoàng Anh

Từ khóa » đặc điểm Của Tội Phạm Về Chức Vụ