“Khai Sáng An Biên” - Vở Chèo đầu Tiên Về Nữ Tướng Lê Chân

Vở chèo phát sóng sẽ thu hút được sự quan tâm, yêu mến của nhiều người xem

Vở chèo “Khai sáng An Biên” do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố chỉ đạo thực hiện, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Hoàng Mai là đạo diễn, Trưởng Đoàn chèo Vũ Huy Thành là tác giả kịch bản. Đây là một vở chèo đầu tiên khắc họa một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất hình ảnh của Nữ tướng Lê Chân có công lao to lớn đối với Hải Phòng. Nữ tướng Lê Chân, người thủ lĩnh có tầm nhìn xa, lựa chọn một miền đất hoang vu nhưng có nhiều tiềm năng, lợi thế, lập lên Trang An Biên trù phú, một vị trí chiến lược lừng danh là “Hải tần phòng thủ”, cũng chính là thành phố thân yêu của chúng ta hôm nay. Qua đó, vở chèo còn tái hiện lại lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta .

Vở chèo đã khắc họa lại hình ảnh của nữ tướng Lê Chân khi bà còn ở tuổi trăng tròn. Ngày đó, ở làng Vẻn xứ Đông Triều, bà là một người thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, thạo cung kiếm, tinh thông mưu lược. Thái thú Tô Định trong một lần kinh lý qua đây, nghe danh đột ngột mang kiệu hoa tới bắt ép Lê Chân làm tỳ thiếp. Do không được chấp thuận, Tô Định đã đem quân giao chiến. Tô Định đã giết cả cha mẹ bà là ông Lê Đạo làm nghề thầy thuốc và bà Trần Thị Châu.

Mang nợ nước, thù nhà, bà tìm thầy học binh thư, võ nghệ. Để bảo toàn nhân dân Làng Vẻn, bà Lê Chân đã phải nén đau thương, cùng dân làng dời quê đến miền đất mới. Với tầm nhìn của thủ lĩnh tài ba, bà Lê Chân đã chọn vùng đất hoang vu nhưng có nhiều tiềm năng phát triển để lập ngôi làng mới, lấy tên cũ là Làng Vẻn, trang ấp cũ là An Biên. Làng Vẻn nhanh chóng hưng thịnh, trở thành căn cứ phòng thủ miền biển phía đông; phát huy lợi thế về giao thương, thủy sản, chăn tằm, dệt lụa, mãi mã, chiêu binh, ngày đêm luyện quân chờ ngày đền nợ nước, trả thù nhà.

Hay tin Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Nữ tướng Lê Chân cùng dân An Biên về vùng Mê Linh tụ nghĩa. Là tướng tài năng bậc nhất dưới cờ Trưng Vương, Nữ tướng Lê Chân đã có công lớn trong cuộc chiến giành lại giang sơn. Trưng Vương phong bà là Thánh Chân công chúa; Chưởng quản binh quyền; Đông hải đại tướng quân.

Bằng nghệ thuật chèo, những lời thoại liên kết với nhau như một bài thơ, mang đậm chất dân gian, truyền thống dân tộc; Hệ thống nhân vật rất đa dạng, thể hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng của ông cha ta, vở chèo gieo vào trong lòng khán thính giả nhiều cảm xúc, ấn tượng khó phai.

Trưởng đoàn Chèo Vũ Huy Thành cho biết: Trong một thời gian ngắn, và để thực hiện nghiêm chỉnh công tác phòng, chống dịch Covid-19, các diễn viên, nghệ sĩ phải chia thành các nhóm nhỏ, bố trí luyện tập phân đoạn, sau đó sẽ ghép lại với nhau. Vì vậy, điều kiện xây dựng vở chèo cũng khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, Đoàn Chèo Hải Phòng đã ra mắt vở chèo “Khai sáng An Biên” trên sóng truyền hình Hải Phòng đúng trong dịp kỷ niệm ngày giải phóng Hải Phòng.

Tác giả Vũ Huy Thành đã xây dựng 16 nhân vật trong vở chèo, trong đó có một nửa là các nhân vật lịch sử, còn lại là các nhân vật hư cấu. Theo đó, vai nữ tướng Lê Chân là một vai diễn có “sức nặng” lớn được giao cho nghệ sĩ trẻ Thùy Dương. Đây là một nghệ sĩ được đánh giá là có tài năng, có nội lực, đã hoàn thành tốt vai nữ tướng Lê Chân, để thể hiện được thần thái của nhân vật-một người phụ nữ thông minh, xinh đẹp, hoạt bát, có tầm nhìn chiến lược trong xây dựng, mở mang bờ cõi, lại yêu nước, thương dân.

Bên cạnh đó, nhân vật ông Lê Đạo-cha của nữ tướng do nghệ sĩ Hoàng Văn Toàn, mẹ của nữ tướng là bà Trần Thị Châu do nghệ sĩ Thanh Mai, thái thú Tô Định do nghệ sĩ Trần Hoàng Phúc, thể hiện đều rất “nhập vai”.

Các vai diễn hư cấu như: cao lão là người thầy dạy võ của nữ tướng Lê Chân; lão ngư phủ -một người rất hiểu địa hình địa thế của vùng đất mới… cũng đều được các nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn thể hiện rất tốt.

Vở chèo “Khai sáng An Biên” đã được dàn dựng thành công trong điều kiện có nhiều khó khăn, được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao về nội dung, chất lượng nghệ thuật, là sự tri ân công đức của nữ tướng Lê Chân đối với Hải Phòng. Hy vọng, khi vở chèo phát sóng sẽ thu hút được sự quan tâm, yêu mến của nhiều người xem, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Đó là lời nhắc nhớ đầy ý nghĩa về lịch sử, về cội nguồn, về sự biết ơn đối với những người có công trong đấu tranh, bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước để hôm nay ta biết sống “đẹp” hơn, biết cống hiến hơn nữa…

Xuân Hạ

Từ khóa » Cách Vẽ Nữ Tướng Lê Chân