Lễ Hội Truyền Thống Nữ Tướng Lê Chân Năm 2019: Độc đáo, đậm đà ...

Lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 12 – 14/3 (tức ngày 7 – 9/2 âm lịch) tại quần thể Khu di tích Nữ tướng Lê Chân.

Lễ hội Nữ tướng Lê Chân là một trong những lễ hội lớn của thành phố Hải Phòng

Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được quận Lê Chân khôi phục lại từ năm 2011 và được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016. Theo ông Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Hải Phòng, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân hiện nay được tổ chức ở nhiều nơi như Hà Nội, Hà Nam, Đông Triều (Quảng Ninh) và nhất là ở Hải Phòng, nơi Nữ tướng có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa - thành phố Hải Phòng ngày nay.

Việc quận Lê Chân khôi phục Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân theo đúng nghi thức cổ và trở thành lễ hội thường niên là rất đáng trân trọng, thể hiện trách nhiệm và lòng thành kính của các thế hệ con cháu hôm nay, góp phần tôn vinh công đức của Nữ tướng Lê Chân. Bởi thế, lễ hội không chỉ là của riêng quận Lê Chân, mà còn là lễ hội lớn của thành phố Hải Phòng.

Chợ quê luôn thu hút đông đảo người dân và du khách

Chia sẻ về niềm vinh dự, tự hào này, Chủ tịch UBND quận Lê Chân Phạm Tiến Du cho biết: việc quận Lê Chân duy trì tổ chức lễ hội hằng năm không chỉ khơi dậy niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng, phát huy các nét đẹp văn hoá, nghi lễ truyền thống mà qua đó còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp, tri ân công lao to lớn của Nữ tướng Lê Chân, đồng thời tiếp tục phát huy các giá trị di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của Tượng đài Nữ tướng, đền Nghè, đình An Biên, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền dân tộc, sinh hoạt lễ hội truyền thống, lễ hội du xuân của người dân địa phương.

Đặc biệt, thông qua Lễ hội Nữ tướng Lê Chân sẽ tăng cường quảng bá các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến du khách trong, ngoài thành phố. Cùng với đó, Lễ hội còn góp phần ôn lại truyền thống, giáo dục con cháu lòng yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tự hào dân tộc và trách nhiệm của mỗi người dân đối với vùng đất nơi mình sinh ra, với thành phố Hải Phòng và đất nước Việt Nam.

Nhiều trò chơi dân gian được tái hiện trong Lễ hội

Bởi vậy, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2019 được tổ chức vào dịp tháng 2 âm lịch hàng năm sẽ tiếp tục là điểm đến mang đậm ý nghĩa truyền thống sâu sắc trong lòng du khách, đặc biệt là tạo khí thế phấn khởi, thi đua lao động sản xuất, thiết thực hưởng ứng, chào mừng các sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn của thành phố và đất nước.

Chủ tịch UBND quận Lê Chân Phạm Tiến Du, cho biết: Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm nay chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách bởi sự đặc biệt của lễ hội với lễ rước bộ và lễ đọc chúc văn mà không phải lễ hội nào cũng có được. Đây cũng chính là hồn cốt của lễ hội này. Lễ rước bộ được chia thành 2 đoàn, với sự tham gia của hơn 1000 người dân địa phương trong trang phục truyền thống. Đoàn rước từ Đền Nghè đi theo các tuyến phố Lê Chân - Mê Linh – đường Nguyễn Đức Cảnh – đường trước Quán Hoa – đường Quang Trung.

Đoàn rước từ đình An Biên đi theo các tuyến phố: Hai Bà Trưng - Cát Cụt - Nguyễn Đức Cảnh - tượng đài Nữ tướng Lê Chân và cùng hợp lại tại khu vực quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân để tổ chức lễ khai mạc với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo thành phố; các ngành, các địa phương cùng đông đảo nhân dân và du khách.

Lễ khai mạc được tổ chức trang trọng vào tối 13-3 (tức ngày 8-2 âm lịch) ngay chân tượng đài Nữ tướng Lê Chân, trung tâm thành phố góp phần đưa không khí lễ hội lan tỏa rộng khắp đến toàn bộ người dân Hải Phòng. Cùng thời điểm trên, tại đình An Biên, Đền Nghè cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa độc đáo như: lễ cáo yết, lễ dâng hương, lễ rước, lễ tạ…tất cả đều được thực hiện theo nghi thức truyền thống.

Bên cạnh phần Lễ, phần Hội với đầy ắp các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như: Chợ quê; Cờ người và các trò chơi dân gian; Vật tự do; Biểu diễn võ dân tộc ; Chương trình Văn nghệ dân gian và Duyên dáng Lê Chân …

Theo Trưởng Phòng Văn hóa-Thể thao (VHTT) quận Lê Chân Vũ Thị Việt Hà, Chợ quê vốn được coi là “thương hiệu” của quận Lê Chân năm nay tiếp tục được chọn là điểm nhấn của Lễ hội với nhiều món ăn dân dã mang đậm bản sắc văn hóa miền biển Hải Phòng.

Tham gia chợ quê, du khách còn như được hòa mình vào không gian xưa với các trò chơi dân gian (bịt mắt bắt vịt, đánh chắt, chuyền, trò chơi ô ăn quan, nhảy dây, nhảy bao bố, rồng rắn lên mây...); xem viết thư pháp hay nghe hát xẩm, đặc biệt hơn nữa là một góc chợ Hàng - nét riêng của Hải Phòng cũng được tái hiện tại đây để người dân, du khách tham quan, thưởng thức.

Ngoài ra, các hoạt động hưởng ứng khác như giải chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; biểu diễn võ dân tộc; chương trình cờ người … cũng được Ban tổ chức quan tâm đầu tư hoành tráng, công phu. Để Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2019 diễn ra thành công, UBND quận Lê Chân đã yêu cầu các phòng, ban, đơn vị liên quan xây dựng các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT...

Với sự chuẩn bị tích cực của quận Lê Chân, tin tưởng rằng Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2019 sẽ thành công và đem đến những ấn tượng đẹp, là cơ hội quảng bá các giá trị văn hóa; các điểm du lịch tâm linh của thành phố Cảng đến với du khách trong và ngoài nước.

Thái Bình

  • Hội LHPN quận Lê Chân: Khởi công 3 nhà “Mái ấm tình thương” tặng hội viên phụ nữ nghèo
  • Quận Lê Chân: Khởi công xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình có công với cách mạng
  • Quận Lê Chân: Đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án trọng điểm

Từ khóa » Cách Vẽ Nữ Tướng Lê Chân