Khảo Cứu Cách Ghi địa Danh Thuần Việt Trong

Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Năm 2011 >> Số 2
Lã Minh Hằng
Khảo cứu cách ghi danh thuần Việt trong Các trấn tổng xã danh bị lãm (Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (105) 2011, Tr.34 - 41)

Cập nhật lúc 16h15, ngày 28/03/2013

KHẢO CỨU CÁCH GHI ĐỊA DANH THUẦN VIỆT TRONG

CÁC TRẤN TỔNG XÃ DANH BỊ LÃM

TS. LÃ MINH HẰNG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn thư tịch ghi bằng chữ Hán, chữ Nôm là căn cứ quan trọng để nghiên cứu lịch sử nông thôn Việt Nam nói chung và địa danh học nói riêng. Hiện nay tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ khá nhiều tư liệu ghi chép về địa danh như Ô châu cận lục (1548 - 1553), Phủ biên tạp lục (1776), Hoàng Việt nhất thống dư địa chí(1860), Nhất thống dư địa chí (1806), Đại Nam dư địa chí ước biên (1905), Nam Việt dư địa chí (1889 - 1916), Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam nhất thống chí lược biên, Hải Dương địa dư. Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỉ XIX mới xuất hiện các công trình chuyên khảo cứu giới thiệu về địa danh, như Các trấn tổng xã danh bị lãm (1802-1819), Danh mục các làng xã Bắc kì (1928)(1)Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc kì (1999)(2). Trong 3 bộ sách nêu trên, Các trấn tổng xã danh bị lãm (CTTXDBL) được nhắc đến nhiều hơn trong các luận án và công trình khảo cứu về địa danh sau này. CTTXDBL có 567 địa danh được ghi bằng chữ Nôm (địa danh thuần Việt). Bài viết lần này tập trung khảo cứu về cách ghi địa danh thuần Việt trong CTTXDBL thông qua việc khảo sát về cấu tạo hình thức và nội dung của các địa danh nêu trên.

1.Cấu trúc nội bộ của địa danh

Nói đến cấu trúc nội bộ tức là muốn đề cập đến mặt nội dung của địa danh, bài viết sẽ tập trung khảo cứu địa danh thuần Việt trên phương diện ngữ âm và văn tự sử dụng.

1.1. Địa danh thuần Việt xét về mặt ngữ âm

Trong các nghiên cứu về địa danh đều xác định: một phức thể địa danh gồm thành tố chung và địa danh - tên riêng khu biệt đối tượng (gọi tắt địa danh - LMH), ví dụ: thôn Yểu, núi Kim Quan Sơn… có thôn, núi là thành tố chung, YểuKim Quan Sơn là địa danh. Địa danh được ghi bằng văn tự của các dân tộc (chữ Hán, chữ Nôm Việt, Nôm Tày…) Trong bài viết này, chúng tôi tập trung khảo cứu về địa danh ghi bằng các dạng chữ Nôm (Nôm Việt, Nôm Tày… còn gọi địa danh thuần Việt). Địa danh thuần Việt ghi trong CTTXDBL có số lượng âm tiết không thống nhất: có địa danh có 1, 2, 3 và thậm chí có địa danh có tới 6 âm tiết.

* Địa danh 1 âm tiết: Các địa danh thuần Việt 1 âm tiết dùng để ghi tên gọi riêng của đơn vị hành chính cấp thôn (30 địa danh), vạn(3) (4 địa danh), sách(4) (1 địa danh) và trại (1 địa danh). Các tên gọi thường được dùng để đặt tên cho các đơn vị hành chính nêu trên gồm các từ:

- Danh từ chỉ loại địa hình: Bãi, Bến, Cồn, Đống, Lũng, Mả, Ngòi,Non, Núi, Ruộng; Rào (tiếng Tày, nghĩa “sông nhỏ”). Ví dụ: thôn Ngòi, vạn Cồn, thôn Rào…

- Danh từ chỉ đơn vị hành chính: Xóm, Làng. “Làng” và “xóm” vốn là đơn vị hành chính, nay lại được dùng để ghi tên thôn, ví dụ: thôn Làng, thôn Xóm;

- Danh từ chỉ đặc trưng, sản vật riêng của từng địa phương, như: Bừa (nghĩa “cái bừa”), Ngói, Gà,Hến, Voi đều được dùng ghi địa danh. Ví dụ: vạn Hến, vạn Gà, vạn Ngói, trại Voi;

- Danh từ chỉ ước muốn của dân địa phương: Sang (nghĩa “giàu sang”), Sống (nghĩa “sinh sống”). Ví dụ: thôn Sang, thôn Sống;

Địa danh 01 âm tiết là địa danh nguyên gốc. Một số địa danh 01 âm tiết có thể dùng làm yếu tố chính phụ cho cấu trúc địa danh mới với số lượng âm tiết nhiều hơn.

* Địa danh 2 âm tiết: Từ các địa danh chỉ loại địa hình (1 âm tiết) có thể tạo nên nhiều các địa danh khác nhau với số lượng âm tiết nhiều hơn (2 hoặc 3 âm tiết) theo công thức: từ chỉ loại địa hình + X = ĐỊA DANH MỚI.

Ví dụ: danh từ chỉ loại địa hình “Bến” đã được dùng làm tên gọi cho nhiều thôn ở trấn Hải Dương và trấn Thanh Hóa, bằng cách thêm 01 yếu tố khu biệt vào sau “bến”, tạo thành các địa danh mới, như: trang Bến Bãi, xã Bến Chuông, thôn Bến Đá, phường Bến Hanh, trang Bến Vàng… lúc này “bến” trở thành yếu tố chính phụ trong kết cấu định danh song tiết của các địa danh mới, là thành tố chung cho nhiều địa danh mới.

Các từ chỉ loại địa hình (1 âm tiết) đóng vai trò thành tố chung (còn gọi thành tố phụ) trong kết cấu địa danh 02 âm tiết, gồm: bãi, bến, cồn, đồng, đống, eo, kênh, khuổi và nậm (nghĩa “suối”), lũng, na và nội (/nà) (nghĩa “đồng ruộng”), ngòi, núi, non, pha, quán, suối, trại và trạm.

Các yếu tố như: cây, bè, lò… cũng có thể trở thành yếu tố tham gia cấu tạo địa danh mới theo công thức: cây + tên giống cây được trồng ở địa phương; hoặc: bè + phương vị từ (thượng/hạ).

Ngoài ra, có 1 số địa danh mang tính cá biệt, riêng có của từng địa phương, không tuân theo công thức cấu tạo nêu trên, ví dụ: thôn Doi Suối, thôn Soi Hai, trang Thầy Đại, trại Bào Giai (trấn.Nghệ An) và sách Thúy Đá (trấn.Thanh Hoa)

* Địa danh 3 âm tiết: loại này có số lượng không nhiều. Nhóm các địa danh loại này mang tính cá biệt cao, không theo 1 quy tắc cấu tạo chung. Bởi vậy, chúng không có sức sản sinh các địa danh mới (như loại địa danh 2 âm tiết). Áp dụng phương pháp phân tích các thành tố trực tiếp tham gia cấu tạo địa danh thôn Chợ Bến Đá, có thể nhận thấy:

Chợ Bến Đá (tên thôn, địa danh 3 âm tiết)

chợ + Bến Đá (tên thôn, địa danh 2 âm tiết)

Bến (tên thôn, địa danh 1 âm tiết)) + đá

Như vậy, “bến” là tên gọi của 1 thôn ở ven sông có bến sông → thôn Bến (địa danh 1 âm tiết, địa danh cấp 1). Ở 1 địa phương khác lại thấy dùng “bến” với tư cách là yếu tố gốc kết hợp với yếu tố chỉ loại hình thổ nhưỡng “đá” để đặt tên cho bản thôn do có bến sông được xây bằng đá → địa danh thôn Bến Đá (địa danh cấp 2, cấp trung gian). Lại thấy có địa phương kết hợp “Bến Đá” với “chợ” (đơn vị hành chính) để ghi địa danh thôn Chợ Bến Đá (địa danh cấp 3). Khi đặt tên như vậy, dân thôn muốn phân biệt tên gọi thôn bản mình với tên gọi các thôn làng khác: thôn Chợ Bến Đất, thôn Chợ Bến Cát, hay thôn Chợ Bến Cá… Các địa danh thôn Ngõ Hàng Trứng (phủ Hoài Đức- thuộc phố Đông Thái, nằm trong khu phố cổ Hà Nội ngày nay), thôn Ngõ Hàng Cờ (phủ Hoài Đức)… đều có thể áp dụng phương pháp nêu trên để phân tích cấu tạo.

Các địa danh khác như: phường Bến Cao Ngạn, phường Ngã Ba Côn, phường Ngã Ba Mặc, động Bàn Nà Điền đều thuộc nhóm các địa danh 3 âm tiết.

* Địa danh 4 âm tiết: Trong địa danh 4 âm tiết, “võng nhi” và “tứ chiếng” là 2 yếu tố có sức sản sinh địa danh mới, công thức như sau:

võng nhi/ tứ chiếng + X = ĐỊA DANH MỚI

Ví dụ: vạn Võng nhi ông Hương; phường Tứ chiếng trúc võng

Một số địa danh 4 âm tiết khác có cấu trúc tự do, không tuân theo quy tắc cấu tạo, ví dụ: trại Bò y kéo đưa,trại Pha lạn suối phát;

Có thể thấy rõ, trong số các loại nêu trên thì các địa danh 3 - 4 âm tiết có số lượng hạn chế và gần như không tuân thủ theo quy tắc cấu tạo nhất định; đia danh 1 và 2 âm tiết giữ vai trò chủ đạo, hai loại này có mối quan hệ qua lại khá gần gũi.

1.2. Ngôn ngữ, văn tự sử dụng trong địa danh

Để ghi lại địa danh thuần Việt, có thể dùng chữ Nôm Kinh hoặc chữ Nôm dân tộc. Có địa danh chỉ dùng một dạng văn tự để ghi lại, tuy nhiên cũng không ít địa danh được ghi bằng 2 dạng văn tự khác nhau. Xét trên phương diện ngôn ngữ văn tự, có thể chia thành 2 nhóm chính như sau:

a. Nhóm địa danh chỉ ghi bằng 1 dạng văn tự (thuần nhất về phương diện ngôn ngữ văn tự): hoặc dùng chữ Nôm Kinh hoặc dùng chữ Nôm dân tộc

* Với các địa danh 1 âm tiết, ngôn ngữ sử dụng hiển nhiên chỉ có một dạng duy nhất (đơn nhất về văn tự). Ví dụ:

Các địa danh ghi bằng chữ Nôm Kinh: Bãi, Bến ������, Cồn 𡑱, Đống, Mả 𡏢, Ngòi 𣳢, Non 𡽫, Nước, Núi 𡶀, Ruộng 𤳽; Xóm 𥯎, Làng, Bừa, Ngói 𤬪, Gà , Hến , Voi , Sang 𢀨, Sống 𤯩.

Các địa danh ghi bằng chữ Nôm dân tộc, như: Lũng, Rào .

* Với địa danh đa âm tiết, trong phần khảo cứu này, chúng tôi bước đầu tập trung vào nhóm địa danh 2 âm tiết. Hiện tượng thuần nhất về ngôn ngữ văn tự thể hiện ở việc cả 2 yếu tố cấu thành địa danh đều được ghi bằng chữ Nôm Kinh hoặc đều được ghi bằng chữ Nôm dân tộc. Sơ đồ cấu tạo của loại địa danh này như sau:

- CHỮ NÔM KINH + CHỮ NÔM KINH: trong các địa danh thôn Bến Đá 𣷷𥒥, trang Trại Sẻ寨𪀆, thôn Cầu Cháy𤈜, xã Bãi Ruộng 𡌣𤳽, trang Bến Bãi 𣷷𡌣, trại Cây Gạo𥺊, thôn Bãi Đồng罢同, thôn Bãi Giữa沛𡨌, trại Cây Dừa核椰… cả 2 yếu tố cấu thành địa danh đều được ghi bằng chữ Nôm Kinh.

- CHỮ NÔM DÂN TỘC + CHỮ NÔM DÂN TỘC thuộc vào loại này là trường hợp hai yếu tố cấu thành của các địa danh: phố Nà Phja 那岂, trại Nà Pja 那把, trại Phja Hoảng 岂恍, trại Pé Luông 𣷭篭… đều được ghi bằng chữ Nôm Tày.

b. Nhóm địa danh không thuần nhất về ngôn ngữ, văn tự: ở mỗi một đơn vị địa danh loại này có sự hiện diện song song của hai dạng văn tự khác nhau. Thuộc vào nhóm này gồm có các dạng sau:

* CHỮ NÔM KINH + CHỮ NÔM DÂN TỘC:

Ví dụ 1: trong kết cấu địa danh trại Khuổi Tôm 𤂬𩵽(trấn Cao Bằng), có “khuổi” (Nôm Tày, nghĩa “suối”) kết hợp với “tôm” (Nôm Kinh);

Ví dụ 2: trong kết cấu địa danh xã Đồng Na同那(xứ Thái Nguyên) và địa danh thôn Ruộng Na 𤳽那(trấn Nghệ An) đều có na (chữ Thái) kết hợp với đồng (hoặc ruộng) (chữ Nôm Kinh).

* CHỮ HÁN + CHỮ NÔM KINH

Trong kết cấu địa danh thôn Phú Ruộng富𤳽, có phú (chữ Hán nghĩa “giàu có”) kết hợp với ruộng (chữ Nôm Kinh); trong kết cấu địa danh sách Kim Đèn金畑, có kim (chữ Hán nghĩa “vàng bạc”) kết hợp với đèn (chữ Nôm Kinh). Hai địa danh nêu trên đều có cấu trúc theo trật tự từ pháp tiếng Hán (định ngữ đứng trước trung tâm ngữ), “phú” và “kim” trong trường hợp này không phải là chữ Nôm (thuộc tiểu loại vay mượn), đây là một chữ Hán.

* CHỮ NÔM DÂN TỘC + CHỮ HÁN:

Ở vùng miền núi phía Bắc, nhân dân hai nước Việt - Trung có quan hệ láng giềng, thăm hỏi, thông thương hàng ngày. Các ghi chép về địa danh ở vùng biên đã phản ánh mối quan hệ gần gũi đó: bên cạnh các địa danh ghi bằng văn tự dân tộc, không ít các địa danh được cấu tạo bởi 2 yếu tố: chữ Hán + chữ dân tộc. Ví dụ các địa danh trại Nà Điền那田, động Khuổi Đạt 𤂬達và động Khuổi Trạng 𤂬状(trấn Cao Bằng)… có , khuổi (chữ Nôm Tày) kết hợp với điền, đạt hoặc trạng đều là các chữ Hán.

Có thể thấy, mỗi địa danh ra đời gắn với lịch sử, xã hội, địa lí, dân cư, ngôn ngữ của một dân tộc, một vùng đất nhất định: các địa danh được ghi bằng 1 chữ Nôm Kinh (hoặc bằng chữ Nôm dân tộc) kết hợp với 1 chữ Hán đã thể hiện mối quan hệ gắn bó về lịch sử lâu dài trong quá trình tiếp xúc với văn hoá Hán của cộng đồng cư dân Việt, thể hiện tình hình địa lí, cư dân của các dân tộc miền núi phía Bắc nơi có đường biên và có hoạt động thông thương lâu đời với nước láng giềng Trung Quốc. Các địa danh được ghi bằng 1 chữ Nôm Kinh kết hợp 1 chữ Nôm dân tộc đã thể hiện tình hình cộng cự, tinh thần đoàn kết dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam cùng chung tay xây dựng thôn xóm, bản làng.

2. Cấu trúc hình thức của địa danh

Một địa danh được cấu tạo bởi hai bộ phận: nội dung và hình thức. Khảo cứu về hình thức của địa danh, tức là đi tìm hiểu nguyên tắc đặt tên, nói cách khác là đi tìm hiểu phương thức định danh

Khảo cứu CTTXDBL thấy: ngoài một số ít địa danh có cấu trúc đơn (gồm các địa danh đơn âm và địa danh đa tiết mang tính chất đơn lẻ, không có khả năng sản sinh địa danh mới) một phức thể địa danh trong CTTXDBL thông thường gồm hai bộ phận: thành tố chung và tên riêng. Thành tố chung trong phức thể địa danh phần lớn chỉ loại hình địa lí như đồi, núi, sông, suối, xã, thôn, bản, cầu, đường, cửa khẩu và nhìn chung ý nghĩa của thành tố chung chủ yếu phản ánh bức tranh địa hình ở mức độ khái quát. Tên riêng, thực chất là địa danh, được cấu tạo theo các phương thức định danh khác nhau. Giữa hai bộ phận này có mối quan hệ chính phụ (thành tố chung = yếu tố chính và tên riêng = yếu tố phụ). Khảo cứu phương thức định danh trong CTTXDBL, có thể thấy:

* Thành tố chung, gồm: danh từ chỉ loại hình địa lí, hoặc danh từ chỉ đơn vị hành chính; danh từ chung chỉ loài (cây, hoa, con), từ chỉ ngành nghề buôn bán hoặc sản xuất (dùng chữ “hàng”); các danh từ khác, gồm: từ chỉ người (ông, bà), số từ (ba), các yếu tố còn rơi rớt lại của tổ hợp phụ âm đầu trong tiếng Việt cổ (cá) và từ cổ (kẻ).

* Tên riêng: để thuận lợi cho việc khảo cứu, chúng tôi đã chia tên riêng thành các nhóm: tên riêng chỉ đơn vị hành chính; loại hình di tích; phương vị từ; kích thước; đặc điểm hình thức; loại địa hình; địa chất; động, thực vật và sản vật của địa phương và một vài yếu tố khác. Khả năng kết hợp của 2 bộ phận này khá linh hoạt, tùy thuộc vào nhận thức thế giới khách quan của chủ thể định danh. Một vài địa danh sau đây cho thấy rõ khả năng kết hợp của 2 bộ phận này:

- Địa danh Đồng Núi, Đồng Na, Bến Bãi → kết hợp giữa loại hình địa lý (thành tố chung) và loại hình địa lý (tên riêng);

- Địa danh Kênh Trong, Bãi Giữa, Lũng Bắc, Lũng Đông → kết hợp giữa loại hình địa lý (thành tố chung) và phương vị từ (tên riêng);

- Địa danh Non Liễu, Khuổi Tôm → kết hợp giữa loại hình địa lý (thành tố chung) và động thực vật được nuôi trồng ở địa phương (tên riêng);

- Địa danh Bè Thượng, Bè Hạ → kết hợp giữa phương tiện giao thông (thành tố chung) và phương vị từ (tên riêng). Sau đây là bảng tổng hợp các thành tố tham gia cấu thành địa danh song tiết:

Bảng 1: TỔNG HỢP CÁC THÀNH TỐ CẤU THÀNH ĐỊA DANH SONG TIẾT

Thành tố chung

Tên riêng

1. Loại hình địa lý: bãi (7)(5), bến (9), chiềng (5), cồn (9), đồng (15), đống (4), eo (2), kênh (15), khuổi (28), lũng (29), na (2), nà (34), nậm (2), ngòi (3), núi (2), non (4), nội (3), pha (3), phja (2), suối (7)

2. Đơn vị hành chính: chùa (2), hương (2), làng (9), mường (9), quán (2), trại (4), trạm (6), triền (11), vạn (2)

3. Danh từ chung chỉ loài: cây (6), hoa (3), hàng (15)

4. Phương tiện giao thông:cầu (17), bè (2), cửa (9)

5. Yếu tố khác: kẻ (17), la (67), bà (6), ông (13), ba (12), cá (5)

1. Loại hình địa lí

Doi, nương, than, ruộng, đồng, sơn, giang, núi, suối, sơn, bãi, cầu, khe, nội, giang, xuyên, na, ngòi, cống, phja

2. Đơn vị hành chính

Làng, xóm, thôn, trại

3. Loại hình di tích

Quán, đình, chùa, miếu, am, lăng, điếm

4. Phương vị từ

Đông, tây, nam, bắc, đoài, trong, giữa, thượng, trung, hạ

5. Kích thước

Luông (lớn), pja (bé), dài

6. Đặc điểm hình thức

Bằng (phẳng), bạc, vàng, huảng

7. Địa chất

Đá, cát, ngói

8. Động, thực vật; sản vật

Tôm, sẻ, trai, lau, bông, cải, cá, gà, bún, đàn, gạo…

9. Khác

Mỗ, đơ, kì, tiên, bụt...

Giữa thành tố chung và tên riêng có thể xảy ra các khả năng kết hợp sau:

SƠ ĐỒ KHÁI QUÁT PHƯƠNG THỨC ĐỊNH DANH

Thành tố chung

Kết hợp với

Tên riêng

1. Loại hình địa lý

1. Loại địa hình

2. Đơn vị hành chính

2. Đơn vị hành chính

3. Danh từ chung chỉ loài

3. Loại hình di tích

4. Phương tiện giao thông

4. Phương vị từ

5. Yếu tố khác

5. Kích thước

6. Đặc điểm hình thức

7. Địa chất

8. Động, thực vật; sản vật

9. Khác

Khảo cứu khả năng kết hợp của thành tố chung na (/) cho thấy: na (Tày) và nà (Thái) đều có nghĩa “đồng ruộng”, người dân Tày, dân Thái đã đặt tên cho làng bản mình bằng cách cho thêm yếu tố khu biệt nghĩa vào phía sau, dùng để ghi các địa danh: phố Nà Hinh (xứ Lạng Sơn), thôn Nà Trung (trấn Nghệ An), trại Nà Pja (xứ Lạng Sơn)(6)

Qua thống kê, có 34 địa danh dùng na (hoặc ) làm thành tố chung trong kết cấu định danh, ghi tên riêng cho các đơn vị hành chính các cấp ở vùng núi phía Bắc và dải đất Trung Bộ của Việt Nam, gồm: trại (15 địa danh), phố (10 địa danh), phường (1 địa danh), xóm (3 địa danh), xã (2 địa danh) và thôn (3 địa danh). Địa danh dùng yếu tố “na” (hoặc “nà”) làm thành tố chung được phân bố như sau: các trấn Cao Bằng và xứ Lạng Sơn có 30/34 địa danh (chiếm tỉ lệ 88,2%), xứ Nghệ An, Thanh Hóa có 2/34 địa danh, trấn An Quảng có 1/34 địa danh và xứ Tuyên Quang có 1/34 địa danh. Kết quả thống kê nêu trên cũng đã phản ánh đúng thực trạng cư dân ở các vùng này: theo điều tra dân số các tỉnh miền núi phía Bắc, người Tày chiếm 60,4% dân số tỉnh Bắc Cạn; ngược lại, tỉnh Thanh Hoá, tộc Thái chỉ chiếm 5,82% (tộc Kinh chiếm 84,59%) dân số toàn tỉnh. Đây cũng là lí do giải thích địa danh mang yếu tố “na” (hoặc “nà”) ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam chiếm tỉ lệ áp đảo. Điều này cho thấy, địa danh là cứ liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử, địa lý của địa phương.

THAY LỜI KẾT

Địa danh phần nào phản ánh cách nhìn nhận, đánh giá chủ quan hay khách quan của con người đối với hiện thực cuộc sống sinh động và phong phú. Vì thế bên cạnh chức năng cá thể hóa đối tượng, địa danh còn có chức năng phản ánh hiện thực khách quan. Đây là chức năng cơ bản, góp phần tạo nên tính có lí do của địa danh và lớp ý nghĩa sinh động ẩn dưới bề mặt con chữ.

Có thể thấy: cho đến nay, mặc dù vỏ ngữ âm đã bị thay đổi chút ít, ngữ nghĩa không còn bảo lưu được nguyên nghĩa hoặc lại được giải thích theo từ nguyên dân gian, nhưng lần theo địa danh Nôm trong CTTXDBL chúng ta có thể dựng lại được địa bàn cư trú và các điểm tụ cư lâu đời của từng cộng đồng người, giúp chúng ta có căn cứ để hiểu thêm về thực trạng địa lý của các vùng miền cũng như tâm lí, tình cảm của chủ thể định danh. Với lẽ đó, Địa danh học là một ngành học cần được quan tâm nghiên cứu hơn nữa trong mối liên quan đến các bộ môn Văn hoá học, Lịch sử, Dân tộc học.(7)

Chú thích:

(1) Tên tiếng Pháp Nomenclature des Communes du Tonkin của Ngô Vi Liễn do nhà in Lê Văn Tân phát hành năm 1928. Sách được viết bằng chữ Pháp (tên phố ở Hà Nội), chữ Việt (tên làng, phủ, huyện, châu, tỉnh và thành phố) và chữ Hán (tên làng).

(2) Tên tiếng Pháp Répertoire des toponymes et des archives villageoises du Bắc kỳ. Tác giả Vũ Thị Minh Hương, Nguyễn Văn Nguyên và Philippe Papin biên tập.

(3) Vạn: đơn vị hành chính ở vùng cư dân làm nghề đánh cá, tương đương “làng” ở vùng đồng bằng.

(4) Sách: đơn vị hành chính ở miền núi, tương đương “làng” ở vùng đồng bằng.

(5) Từ trong ngoặc chỉ số địa danh được tạo ra từ thành tố chung đó (qua kết quả thống kê trong CTTXDBL.

(6) Pja (tiếng Tày), đọc thanh không → nghĩa “cá”, đọc thanh nặng → nghĩa “nhỏ, bé”.

(7) Trân trọng cảm ơn Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đã giúp tôi thực hiện bài viết này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỉ XIX, Dương Thị The - Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn, Nxb. KHXH, H. 1981.

2. Ngô Vi Liễn: Danh mục các làng xã Bắc kì (1928) (tên tiếng Pháp Nomenclature des Communes du Tonkin), in trong Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc kỳ,Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1999.

3.Vũ Thị Minh Hương, Nguyễn Văn Nguyên và Philippe Papin: Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc kì (tên tiếng Pháp: Répertoire des toponymes et des archives villageoises du Bắc kỳ), Viện Viễn đông Bác cổ Pháp, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Cục Lưu trữ nhà nước, H.1999.

4. Trần Thị Phương Hằng: Đặc điểm lịch sử văn hóa địa danh thành phố Điện Biên và tỉnh Điện Biên, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, 2009.

5. Từ Thu Mai: Nghiên cứu địa danh Quảng Trị: Luận án Tiến sĩ khoa học Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, H. 2004

6. Hoàng Văn Ma - Lục Văn Pảo - Hoàng Chí: Từ điển Tày - Nùng - Việt, Nxb. Từ điển bách khoa, H. 2006.

7. Địa danh và những vấn đề lịch sử - văn hóa của các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái Việt Nam, Hội nghị Thái học Việt Nam lần thứ V, Nxb. Thế giới, H. 2009.

8. 各鎮總社名備覽, kí hiệu A.570/1-2, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

9 Trang điện tử tỉnh Cao Bằng http://doitacaav.vn

10. Trang điện tử tỉnh Thái Nguyên http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1i_Nguy%C3%AA

11. Trang điện tử tỉnh Thanh Hoá http://tuoitrethanhhoa.com/forum/nguoi-xu-thanh/5-cong-dong-dan-toc-tinh-thanh-hoa.html.

12. Bản đồ điện tử Thanh Hóa.

http://thanhhoa365.com/map/index.asp?nID=862&newid=23.

13. Địa danh ở Quảng Nam, Hà Quang Năng (chủ biên), Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Sở Khoa học và công nghệ - Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Hà Nội - Quảng Nam, 2009 (Tài liệu đánh máy)./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (105) 2011, Tr.34 - 41)

In
Lượt truy cập:

Từ khóa » Cách Viết Chữ địa Hán Nôm