Khẩu Ngữ Trong Viễn Cảnh Văn Hóa - Lịch Sử

Lượt xem: 336

 IU.M. LOTMAN*

1.

     Nhà nghiên cúu lịch sử và nhà lí luận văn hoá khi nghiên cứu vẫn quen dựa vào văn bản, tức là dựa vào một loại hình phát ngôn cụ thể,- mà đặc trưng của nó là sự định hình,- và một ý nghĩa văn bản phổ quát nào đó[1]. Tuy nhiên, chúng tôi buộc phải chỉ ra rằng, các văn bản không tạo ra toàn bộ văn hoá[2], mà chỉ là một phần của nó[3]. Chẳng những thế, nội sự tồn tại của loại không phải – văn bản[4] cũng đủ cho phép làm nổi bật trên cái nền tổng thể các văn bản một tổ hợp nào đó quyết định nền văn hoá ấy. Bởi vậy, trong quan hệ ngôn ngữ học, cùng là một phát ngôn, mà nó có thể “trở thành văn bản” hay không trở thành văn bản còn tuỳ thuộc vào ngữ cảnh văn hoá chung và chức năng của nó trong ngữ cảnh ấy.

     1.1 Có hai loại ngôn ngữ tự nhiên có thể hoạt động với tư cách là “những ngôn ngữ khác nhau” (đáng lưu ý là, trong đó có một ngôn ngữ được tin cậy hơn – văn hoá hơn, cổ xưa hơn, thiêng liêng hơn, giàu có hơn và v.v…, ở đây, sự bình đẳng giá trị đối với bản thân các nhân tố đại diện văn hoá bị loại bỏ). Tuy nhiên, có thể có sự tách ra về mặt chức năng của một ngôn ngữ với xu hướng xuất hiện các phương ngữ, thậm chí các ngôn ngữ về sau này. Chỉ cần lấy thí dụ về các trường hợp, với loại hình giao tiếp này thì ngôn ngữ bằng lời được củng cố, còn với loại hình giao tiếp kia thì ngôn ngữ điệu bộ được ghi nhận, cũng đủ thấy rõ, chính sự khác biệt nói trên làm này sinh xu hướng sử dụng các ngôn ngữ khác nhau. Khả năng những phương tiện giao tiếp bị cấm kị trong trường hợp này, nhưng lại được phép sử dụng trong trường hợp khác, buộc ta phải giả định, rằng sự xuất hiện của văn tự không chỉ liên quan tới nhu cầu ghi lại thông tin trong kí ức tập thể (“tôi ghi lại cái đã nói để nó được lưu giữ”), mà còn liên quan tới sự cấm đoán truyền đạt thông tin ấy bằng các phương tiện thông thường (“tôi vẽ àtôi viết, vì nói về điều đó bị nghiêm cấm”).

     1.2 Một trong những khác biệt đáng kể giữa hai loại hình giao tiếp là người tiếp nhận loại không phải-văn bản bao giờ cũng trực tiếp hiện diện, có cùng mức độ thực tế và sự cụ thể ngang với người gửi thông tin. Thông thường, họ được định vị trong một không gian, thời gian chung nào đó, nếu không gán cho các khái niệm ấy một ý nghĩa quá nghiêm nhặt. Giữa người nhận và người chuyển văn bản cần có một số khác biệt về chất nhất định.

       1.2.1 Dấu hiệu chứng tỏ cái không phải – văn bản biến thành văn bản (ngoài phương thức định hình, sự tăng cường mức độ và tính cố định cùng các đặc điểm khác mà chúng tôi đã nói trong tài liệu trước) là sự thay đổi bản chất của người nhận: khi quyết định cụ thể của toà án liên quan tới một tình huống rắc rối nào đó được ghi vào biên niên sử của ngành tư pháp như một pháp lệ, nó sẽ trở thành một đạo luật, tức là có đặc tính sử dụng không phải dành cho những nhân vật cụ thể – những người tham gia tố tụng của một vụ án cụ thể, mà là một độc giả tiềm năng nào đó. Bằng chứng về việc một lá thư rút ra từ tài liệu thư tín cá nhân trở thành văn bản chính luận, hay một bài thơ ghi trong sổ thơ gia đình chuyển thành văn học chỉ là sự khác biệt giữa việc chỉ định người nhận trong văn bản (việc nhắm tới E.D. Panova trong Những lá thư triết học của Chaadaev, của tiêu đề bài thơ trữ tình có chỉ trực tiếp người nhận) với địa chỉ thực. Khi nhà thơ in bất kì một bài thơ nào trên tạp chí thì người nhận được chỉ ra trong văn bản sẽ được thay bằng người khác – một người nhận trừu tượng, người nhận nói chung (kiểu như: “mỗi người nhận”).

     1.3 Một đặc điểm nữa của văn bản so với cái không phải-văn bản là độ tin cậy rất cao của nó. Các văn bản được xem là đại diện đích thực của văn hoá, như những thông tin hoàn toàn chính xác, trong khi đó, loại không phải – văn bản có thể trở thành thông tin chính xác, mà cũng có thể trở thành thông tin dối trá ở mức độ ngang nhau.

       1.3.1 Khái niệm tin cậy có quan hệ với bản chất đặc biệt của người tiếp nhận. Nếu trong giao tiếp của loại không phải-văn bản, cả người phát thông tin, lẫn người tiếp nhận đều nghiêng về phía quen biết cá nhân, điều ấy sẽ mang lại cho sự trao đổi thông tin của họ đặc tính thân mật, tâm tình và, như chúng ta thấy, nó ảnh hưởng mạnh mẽ tới hành vi giao tiếp, thì khi trao đổi các văn bản, cả hai bên giao tiếp đều mang tính trừu tượng. Nhưng giữa họ vẫn thấy có sự khác biệt đáng kể trong mức độ tin cậy: người nhận chỉ có độ tin cậy thấp nhất và có thể được xác định như một người “bất kì”, người gửi có sự tin cậy ở mức độ cao nhất. Ở trường hợp cao nhất, sự hợp nhất nói trên giữa tính trừu tượng với tính đơn nhất = cái đơn nhất cho phép sử dụng tên riêng thích hợp với nó – với độ tin cậy cao nhất sẽ buộc ta phải nhìn thấy trong đó một Nhân vật Đặc biệt. Cho nên, nếu mô hình cao nhất của ở sự tiếp xúc của cái  không phải – văn bản sẽ là sự giao tiếp cá nhân, tâm tình giữa hai người giao tiếp quen biết có thể biểu thị bằng những tên riêng và có kí tức chung đều phát triển, thì hình thức hoàn bị của giao tiếp văn bản sẽ là sứ điệp[5] của Chúa Trời (cái đơn nhất trừu tượng) dành cho mỗi người (số đông trừu tượng), sứ điệp của sự tin cậy tuyệt đối gửi cho đối tượng không tin cậy tuyệt đối.

       1.3.2 Hệ quả của những gì đã nói là sự tiếp xúc không phải – văn bản thường ngả về phía tiếp xúc chốc lát – nó không định hình trong kí ức tập thể và, ngược với tiếp xúc văn bản – thường chỉ ghi vào kí ức chung của một loại văn hoá nào đó.

2.

     Là những ngôn ngữ khác nhau, hay chí ít, do nghiêng về khác biệt tối đa về mặt ngôn ngữ học, các hệ thống biểu hiện của văn bản và không phải-văn bản trong khuôn khổ của một loại văn hoá nào đó nhận thấy bản thân như một ngôn ngữ duy nhất. Điều này được thể hiện ở nỗ lực mô tả chúng bằng những phương tiện ngữ pháp duy nhất, nên đã tạo ra một cấu trúc siêu ngữ duy nhất nào đó dành cho chúng.

     2.1 Do các hệ thống nói trên tự nhận thức như những hệ thống duy nhất, nên mới xuất hiện một sự ảnh hưởng qua lại thường trực giữa chúng với nhau. Ở những giai đoạn văn hoá khác nhau (hay ở những nền văn hoá khác nhau), cấu trúc này hay cấu trúc kia được xem là hình ảnh lí tưởng của ngôn ngữ nói chung và, do đó, là chuẩn mực đối với cấu trúc trúc khác, cấu trúc bị xem là “sai”. Nhưng vì muốn thực hiện một tổ hợp chức năng văn hoá nào đó, bao giờ cũng cần tới hai hệ thống, không thể loại nổi cái sự “sai” ấy. Đã xuất hiện quan niệm cho rằng, trong phạm vi ngôn ngữ, luôn tồn tại hai hệ thống “đúng” và “sai”. Chẳng những thế, hệ thống “sai” vẫn được phép sử dụng trong những phạm vi nào đó và luôn có nỗ lực (bao giờ cũng vô bổ) tiêu diệt nó. Hệ thống “đúng” được xem là phổ quát, dù trong thực tế, nó cũng chỉ được sử dụng trong một phạm vi giao tiếp xác định. Ngoài ra, dù bản thân các đại diện của ngôn ngữ vẫn xem hệ thống “đúng” là hệ thống phổ quát và ngang hàng với ngôn ngữ, trong thực tiễn, thông thường, nó hẹp hơn rất nhiều so với lĩnh vực sử dụng của hệ thống “sai”[6].

     2.2 Sự tồn tại tất yếu của các hệ thống ngôn ngữ “đúng” và “sai” buộc chúng ta phải tin rằng, ở bậc hành chức thực tế, mỗi ngôn ngữ phát triển cao[7] bao giờ cũng có hai ngôn ngữ. Sự thống nhất sẽ xuất hiện ở siêu cấp như là kết quả của sự tự mô tả bằng ngôn ngữ.

3.

     Các văn bản là cái được nhập vào kí ức văn hoá tập thể, là cái được bảo tồn. Điều này dẫn đến thực tế là ngôn ngữ của các văn bản luôn phụ thuộc vào bản chất của thiết chế ghi nhớ. Trong xã hội chưa có chữ viết, nó cần tới những hạn định bổ sung của loại hình ghi nhớ mà, rõ ràng, khiến nó xích lại gần với cấu trúc của thi ca, tục ngữ, cách ngôn. Sự xuất hiện của văn tự dẫn tới chỗ, ngôn ngữ của các văn bản được đồng nhất với văn viết, còn không phải-văn bản thì đồng nhất với khẩu ngữ.

     3.1 Văn viết và khẩu ngữ được tổ chức theo những cách hoàn toàn khác nhau.

       3.1.1. Khẩu ngữ là lời nói dùng cho người đối thoại, người này không chỉ trực tiếp có mặt, mà còn có sự quen biết cá nhân. Điều này khiến cho một kí ức chung nào đó hiện diện ở hai bên giao tiếp trở nên phong phú hơn, chi tiết hơn so với kí ức trừu tượng chung vẫn có ở toàn bộ tập thể. Văn viết nhắm tới loại kí ức thứ hai này. Cho nên, những gì mọi người nói một ngôn ngữ nào đó chưa biết đều được đưa vào thông tin bằng văn viết, còn cái được đưa vào khẩu ngữ, chỉ mỗi người này là chưa rõ. Vì thế, văn viết bao giờ cũng được chi tiết hoá cao độ. Khẩu ngữ loại bỏ những gì người đối thoại đã biết. Còn những gì người đối thoại đã biết, người nói sẽ dựa vào sự tham chiếu với thế giới ngoài văn bản, với cá nhân người tiếp nhận để xác định. Dựa vào sự phân tích này, người nói đưa ra kết luận về mức độ gần gũi giữa kinh nghiệm của mình với kinh nghiệm của người đối thoại và, theo đó, về khối lượng kí ức chung của họ. Vì số bậc trên thang phân cấp của hệ thống mở rộng kí ức chung không có giới hạn, nên khẩu ngữ sẽ tạo ra một loạt sai sót và tỉnh lược cực kì đa dạng. Trong khi đó, lời văn viết bao giờ cũng ổn định, do nó được định hướng vào một dung lượng kí ức trừu tượng và tương đối ổn định đối với một ngôn ngữ cụ thể và một thời đại văn hoá cụ thể. Bởi vậy, văn viết và khẩu ngữ khác nhau không chỉ ở nội dung thông tin, mà còn ở cách sử dụng hết sức khác nhau đối với các phương tiện ngôn ngữ giống nhau. Biểu hiện cao nhất của khẩu ngữ, ở phương diện này, là lời nội tâm – lời nói hướng tới bản thân mình tạo ra sự đồng nhất tuyệt đối giữa kí ức của người phát và người nhận và sự tỉnh lược đối đa của văn bản. Trường hợp cao nhất của văn viết là tài liệu chính thức, ngôn ngữ công văn.

       3.1.2 Nhưng sự khác nhau giữa văn viết và khẩu ngữ không chỉ ở cách sử dụng khác nhau các phương tiện ngôn ngữ như nhau, mà còn ở xu hướng nghiêng về các phương tiện giao tiếp hoàn toàn khác nhau. Khẩu ngữ được gắn chặt một cách hữu cơ vào sự hỗn đồng hành vi như vốn dĩ: nét mặt, điệu bộ, vẻ ngoài, thậm chí trang phục, kiểu mặt – tất cả những gì được giải mã nhờ sự hỗ trợ của các dạng kí hiệu học động học và thị giác đều là một bộ phận của nó. Văn viết rời rạc, tuyến tính, khẩu ngữ có xu hướng tập trung và cấu trúc liền mạch. Nó tránh xa các cấu trúc lôgíc, xích lại gần các cấu trúc hình hiệu và huyền thoại.

     Đồng thời, các loại hình kí hiệu khác nhau: kí hiệu ngôn từ, kí hiệu tạo hình – cử chỉ, điệu bộ, kí hiệu tạo hình – âm thanh v.v…, đều nhập vào khẩu ngữ vừa như yếu tố của các ngôn ngữ khác nhau, vừa với tư cách của những yếu tố tạo nên một ngôn ngữ duy nhất. Ở phương diện này, tổ chức khẩu ngữ gần cận tối đa với hệ thống kí hiệu điện ảnh. Văn viết là kết quả phiên dịch cái hệ thống đa bình diện ấy sang cấu trúc của văn bản ngôn từ thuần tuý. Có thể giải thích nó như là việc dùng ngôn từ để mô tả cả các yếu tố bằng ngôn từ, lẫn những yếu tố phi ngôn từ của khẩu ngữ. Bởi vậy, trong tương quan với khẩu ngữ ở các loại văn hoá được định hướng vào lời, văn viết thực hiện chứ năng của một siêu ngữ. Đồng thời, có thể giả định rằng, sự định hướng một chiều vào lời có trước sự định hướng một chiều vào sự viết và về loại hình là bước ngoặt văn hoá. Về mặt loại hình, việc tạo ra các văn bản khẩu ngữ thuần tuý bằng ngôn từ cũng tượng tự như tạo ra các văn bản viết thuần tuý bằng ngôn từ. Cả loại này lẫn loại kia đều có tính nhân tạo, chúng phục vụ cho một phạm vi giao tiếp quan phương rất hẹp, đặc điểm khu biệt của chúng là độ tin cậy và sự nổi trội cao từ thế giới giao tiếp ngoài văn bản. Có một cuộc cải cách thuộc loại này còn sớm hơn, ấy là sự tách ra của các văn bản có điệu bộ lễ nghi và sự đối lập chúng với các điệu bộ dễ thay đổi ngoài văn bản.

     Bởi vậy, có thể kết luận, hình thức viết của lời nói là kết quả của hàng loạt nỗ lực nhân tạo và có tính mục đích rõ ràng nhằm tạo ra một ngôn ngữ được điều chỉnh đặc biệt, có chức năng giữ vai trò siêu ngữ trong hệ thống văn hoá chung. Nó rất thích hợp với vai trò như vậy. Như một phương tiện giao tiếp trực tiếp giữa hai người giao tiếp trực tiếp nào đó, nó tỏ ra cồng kềnh, bất tiện và cực kì lãng phí.

     3.2 Khi giữ vai trò của siêu ngữ, một hệ thống giao tiếp nào đó bắt đầu giành được vị trí đặc biệt trong ý thức tập thể: nó được gán cho những đặc điểm của một mô hình phổ quát và những lĩnh vực còn lại của văn hoá bắt đầu biến đổi theo hình ảnh và kiểu mẫu của nó. Những bình diện khó biến đổi, hoặc không thể biến đổi của chúng thường bị tuyên bố là những thứ không quan trọng hoặc thậm chí không tồn tại. Khẩu ngữ đang phải trải nghiệm sự biến đổi như thế  trong ý thức văn hoá của thời đại chữ viết: người ta xem nó là một biến thể hư hỏng của văn viết và đánh giá nó qua lăng kính của văn viết.

4.

     Khẩu ngữ và văn viết thường xuyên ảnh hưởng lẫn nhau, ở những thời đại văn hoá khác nhau, sự ảnh hưởng này thường bộc lộ như là ý đồ đồng hoá các qui tắc khẩu ngữ – văn viết hoặc, ngược lại, các qui tắc văn viết – khẩu ngữ. Thêm vào đó, ở mỗi trường hợp như thế, chúng ta chứng kiến sự phiên dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia: ở một loạt trường hợp, chúng ta nhận ra nỗ lực đưa động tác,  điệu bộ vào văn bản văn viết, sự cụ thể hoá cá nhân người viết[8], trong một loạt trường hợp khác lại có sự chuyển đổi hệ thống phức (polysystème) sang hệ thống đơn (monosystème).

     4.1 Để đảm bảo tin chắc sự vô căn cứ của quan niệm cho rằng, khẩu ngữ là phiên bản thu gọn của văn viết, chỉ cần xem xét một thí dụ nhỏ.

     Theo một quan niệm phổ biến, thì các cấu trúc cú pháp kết hợp phức tạp thường là những hình thức điển hình của văn viết. Người ta gần như đối lập chúng với các cấu trúc kết hợp hội thoại. Lịch sử cú pháp văn viết thường được phác hoạ trong những đường nét chung nhất như sau: thoạt đầu, chữ viết định hình các cấu trúc hội thoại – đó là thời kì thao túng của các cấu trúc kết hợp. Những cấu trúc phức tạp hơn dành riêng cho văn viết sau đó mới được tạo ra. Muốn biết quan niệm ấy đúng đắn đến đâu, chỉ cần nghiên cứu các văn bản viết cổ xưa nhất, nói một cách ước lệ, các văn bản “hình hiệu”, xem chúng là cái gì.

     Trong các văn bản của Nga thời trung đại, nhờ tính chất cổ xưa nói chung của chúng, rất dễ tìm thấy một trong những qui luật của kiểu tư duy huyền thoại. Tất cả các hiện tượng của thế giới đều được chia thành những sự kiện then chốt, “rường cột”, những sự kiện nhất thành bất biến, vĩnh viễn không thể biến mất, bởi chúng đã nhập vào cấu trúc của thế giới. Những “công việc khởi nguyên” ấy và những người thực hiện chúng giữ một vai trò đặc biệt trong trật tự thế giới và cư ngụ ở đó đời đời, chẳng bao giờ mất đi, khi thì biến vào chiều sâu vũ trụ, khi thì đổi mới trong những hành vi giống như thế của con người ở các thế hệ tiếp theo. Hành vi của hậu bối chỉ là cái thoảng qua, thoáng chốc[9]. Họ chỉ tồn tại trong khuôn khổ của sự lặp lại “những hành động khởi nguyên”. Quan điểm này không chỉ tìm thấy sự tương đồng trong cặp đối lập văn viết và khẩu ngữ, mà còn trực tiếp nói lên sự hiện diện của sự đối lập như thế trong ý thức văn hoá. Hành động “khởi nguyên” tuyệt hảo tựa như được ghi vào một thứ Kinh Vũ Trụ nào đó (hình tượng Kinh Vũ Trụ có một ý nghĩa hết sức đặc biệt ở thời đại sáng tạo huyền thoại). Thời gian quá khứ – hiện tại – tương lai không có ý nghĩa quan trọng đối với những “sự kiện khởi nguyên”, giống như  đối với văn bản viết . Nguyên tắc tổ chức cơ bản của nó là dấu hiệu về sự tồn tại. Văn bản được chia thành những văn bản có thật, đã được ghi lại và không – thật, vẫn chưa được ghi vào Kinh sách. Nhưng lúc đọc, khi chuyển từ văn bản viết sang văn bản được xướng âm lên, thông tin sẽ có dấu hiệu thời gian: văn bản đã được đọc, đang được đọc ở thời hiện tại và những văn bản sẽ được đọc. Theo cách tương tự, “những hành động khởi nguyên” có thể tồn tại hay chưa tồn tại, nhưng, được lặp đi lặp lại trong hành vi tiếp theo của mọi người (Svejatopolk giết anh, “cải tân” tội lỗi của Cain, các nhân vật yêu thích của tác giả Bài ca binh đoàn Igor thuyết phục kẻ thù “loan truyền vinh quang của tổ tiên”, tức là làm mới lại vinh quang của các bậc cao tổ và tằng tổ: “cao tổ” và “tằng tổ” trong Bài ca là phạm trù huyền thoại có quan hệ với “thời khởi thuỷ”), chúng chuyển qua bình diện thời gian. Bởi vậy, xuất hiện hai lớp trật tự thế giới: thế giới huyền thoại, giống như văn bản viết (quan niệm cho rằng, nó có trước văn bản lịch sử là kết quả xét lại sau này từ quan điểm tư duy lịch đại; từ quan điểm nội tại của ý thức huyền thoại, lớp thứ nhất này nằm bên ngoài cái thời gian sau khi nó bắt đầu được xác lập, chứ không phải ở thời gian trước đó, và là cái khởi nguyên, chứ không phải cái trước đó – quan hệ này có thể giống như quan hệ của ngôn ngữ với lời nói trong hệ thống của Saussure) và lớp lịch sử, tựa như sự đọc nó bằng miệng.

       4.1.1. Tính chất hai lớp của thế giới cổ xưa được phản ánh ở sự xuất hiện hai loại hình thông tin: một loại liên quan tới các nền tảng của trật tự thế giới và được ghi lại trong các văn bản, một loại liên quan tới khu vực đa dạng của những hành vi và sự kiện chốc lát, thoáng qua và được lưu lại trong phạm vi giao tiếp khẩu ngữ.

     Việc nghiên cứu văn bản cổ giúp chúng ta tin chắc, loại văn bản này có xu hướng nghiêng về phía các hình thức phát ngôn theo kiểu xác nhận, mặc nhiên. Giữ ưu thế tuyệt đối là những câu đơn giản, chúng được nối kết với nhau theo nguyên tắc luỹ tích như những câu đẳng lập, với sự trợ giúp của các liên từ kết hợp. Xin dẫn các văn bản sau đây làm thí dụ: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất. Đất là vô hình và trống không; sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước. Đức Chúa trời phán rằng: “Phải có sự sáng”, thì có sự sáng. Đức Chúa Trời thấy sự sáng là tốt lành, bèn phân sáng ra cùng tối. Đức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày; sự tối là đêm. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhất” (Kinh Thánh, Q. I Sáng thế, Ch.I, tr.1-5).

Kì lân – mãnh thú – cha của loài thú

Vì sao kì lân là cha loài dã thú?

Vì kì lân là cha của loài thú –

Và nó đi dưới đất

Núi cao không giam cầm được nó

Cả những dòng sông sâu cũng vậy;

Khi nó bước ra từ trái đất ẩm ướt,

Rồi nó tìm kiếm kẻ thù,

Tìm sư tử – mãnh thú hung ác!

Nó gặp sư tử ngay giữa đồng quang,

Những con thú bắt đầu ẩu đả:

Con nào cũng muốn thành chúa tể

Ngự trên đầu muôn loài thú dữ

Và ẩu đả nhau hoài, quyết đoạt hơn thua[10].

     Nếu bảo rằng, ý thức của con người không phân được nguyên nhân với kết quả và toàn bộ hệ thống các quan hệ lô gíc được biểu đạt bằng các cấu trúc kết hợp, mà chỉ dựa vào việc chúng không được phản ánh trong các văn bản viết, thì thật là quá ngây thơ. Sự thiếu phân biệt các phạm trù này khiến con người không thể định hướng một cách thực tế trong thế giới thường nhật bao bọc quanh nó. Sẽ tự nhiên hơn, nếu giả định rằng, các quan hệ ấy không được phản ánh trong văn bản, vì theo bản chất, văn bản viết không cần phản ánh chúng. Khẩu ngữ là khu vực của các quan hệ kết hợp (đúng hơn, của các quan hệ lô gíc đứng phái sau chúng). Sự thật, hay đúng nhất là, trong trường hợp này, động tác, điệu bộ và ngữ điệu nhấn mạnh thực hiện chức năng mà các liên từ kết hợp vẫn giữ trong những thông tin đã quen thuộc với chúng ta. Ở giai đoạn vận động tiếp theo của văn hoá, khi hoạt động của con người, sự hỗn loạn của thực tại đương đại có vẻ đã xứng đáng đưa vào kí ức tập thể và lịch sử đã trở thành nội dung của các văn bản, mới xuất hiện nhu cầu dùng văn tự ghi lại sự trần thuật khẩu ngữ. Đến đây thực sự có nhu cầu tìm ra trong văn viết các phương tiện thích hợp để biểu đạt mối liên hệ bằng điệu bộ. Và thế là xuất hiện các cấu trúc kết hợp muộn hơn – đó là kết quả của sự phản ánh lời khẩu ngữ đa kênh trong tính đơn kênh của văn viết.

5.

     Khi chúng ta chuyển qua phạm vi nghệ thuật, mối tương quan giữa văn viết và khẩu ngữ sẽ còn phức tạp hợn. Ở đây có thể nhấn mạnh hai giai đoạn cơ bản: 1) Giai đoạn thống trị của văn hoá ngôn từ đồ hoạ, trong khuôn khổ này, lời hội thoại được tái tạo bằng các phương tiện văn tự; ở đây, văn học nghệ thuật giữ giữ vai trò chủ đạo. 2) Giai đoạn thống trị của các bộ môn nghệ thuật dựa vào kĩ thuật để tạo ra khả năng ghi lại khẩu ngữ như là thực tế vốn dĩ trong toàn bộ tính đa kênh của nó (điện ảnh). Đến đây, xuất hiện khả năng sáng tạo ra một loại văn hoá dựa trên một cơ sở hoàn toàn khác về nguyên tắc. Nhưng đấy là vấn đề vượt ra ngoài phạm vi của bài viết này.

_________ [1] Xem: Những công trình nghiên cứu cấu trúc – loại hình. M., 1962. Tr. 144-154. Iu.M. Lotman.- Những bài báo về loại hình văn hoá. Tartu, 1970. Tr. 66-77.

[2] Trong bản tiếng Nga: “не summa culturae”.- ND.

[3] Iu.M. Lotman.- “Toạ đàm” giữa A.A. Ivanov và N.G. Sernysevski. Vấn đề đặc điểm của công việc nghiên cứu các nguồn lịch sử – văn học// “Những vấn đề văn học”. 1966. № 1.

[4] “Không phải-vănbản” – tiếng Nga: “не-текст”.- ND.

[5] Tiếng Nga: “обращение”.- ND.

[6] Xem: B.A. Uspenski.- Vấn đề tương quan ngữ nghĩa của các hình thức đối lập hệ thống giáo hội Slavơ và Nga trong lịch sử ngôn ngữ Nga// Wiener Slavistisches Jahrbuch, Bd. 22. 1976. Wien,Ss. 92 – 100; B.A. Uspenski.- Ngữ pháp Nga đầu tiên trong tiếng Nga. M., 1975, tr. 53-56 v.v… Xin ngỏ lời cảm ơn B.A. Uspenski vì những chỉ dẫn quí báu.

[7] Có thể nói, ngôn ngữ “phục vụ cho loại văn hoá phát triển cao”, nhưng bất kì một hệ thống văn hoá nào mà chúng ta đã biết, ở bình diện này, cũng hoạt động như  loại văn hoá “phát triển cao”. Trong thực tế không ai bắt gặp và về lí thuyết, rõ ràng, không thể có các loại văn hoá chỉ có một ngôn ngữ duy nhất phục vụ.

[8] Liên hệ: Phát biểu của Rivarol: “Trong phong cách của Rousseau có điệu bộ và từ cảm thán. Ông không viết – lúc nào ông cũng đứng trên diễn đàn” (Oeuvres complètes de Rivarol. Т. V. Paris, 1808. P. 332). Vjamski rất thích lời phát biểu ấy, xem: Iu.M.. Lotman.- Pushkin và Rivarol//Kỉ yếu khoa học của Tổng hợp Tartu. Quyển 98 (Những công trình nghiên cứu ngữ văn Nga và Slavơ. T.3).Tartu, 1960.Tr,313.

[9] Xem: Iu.M. Lotman.- “Hãy loan truyền vinh quang của tổ tiên”// Kỉ yếu khoa học Tổng hợp Tartu. Quyển 414 (Những công trình nghiên cứu ngữ văn Nga và Slavơ. T.28).Tartu, 1977.

[10] Những bài thơ cổ do Kirse Danilov sưu tầm, tuyển chọn. М., Л., 1958. Tr. 274.

(1978)

Người dịch: Lã Nguyên

Nguồn: М. Ю. Лотман.- СЕМИОСФЕРА.-  Санкт-Петербург, “Искусство-СПБ”, 2000 г. Cтр. 518-528.

Thánh Địa Việt Nam Học (https://thanhdiavietnamhoc.com)

Từ khóa » Câu Khẩu Ngữ Là Gì