Khèn Bầu Saenghwang Và Những Nhạc Phẩm Tiêu Biểu - KBS WORLD
Có thể bạn quan tâm
Ý nghĩa của cây khèn bầu Saenghwang ở Hàn Quốc
Tương truyền rằng ở Hàn Quốc thời xưa khi tể tướng Wang San-ak của triều đại Goguryeo vào thế kỷ VI tấu đàn tranh sáu dây Geomungo, một chú hạc đen đã bay tới và nhảy múa theo điệu nhạc. Còn vua Munmu (Văn Vũ) dưới thời Silla thống nhất thế kỷ VII đến lúc qua đời vẫn không khỏi lo lắng cho vận mệnh đất nước nên đã hóa rồng để báo mộng cho vua Sinmun (Thần Văn) dùng tre chế một cây sáo thần có tên gọi là Manpasikjeok (Vạn ba tức địch, có nghĩa là “Cây sáo khiến mọi sóng gió bão bùng đều tan biến và vạn vật trở nên êm đềm”). Thổi sáo Manpasikjeok có thể gọi mưa cho mùa hạn, dẹp lũ trong mùa mưa, làm dịu hàng vạn con sóng lớn, dẹp tan quân địch, làm thanh thản lòng người, xóa bỏ mọi sầu tư và mang đến cho con người niềm hạnh phúc ấm êm. Giờ đây, có lẽ mọi người đều cho rằng đó chỉ là những câu chuyện viển vông phi khoa học. Nhưng điều này đã phản ánh quan niệm của người xưa về sức mạnh đặc biệt của nhạc khí đối với đời sống tinh thần của con người. Trong số những nhạc khí thần bí này có cây khèn bầu Saenghwang. Theo thần thoại của Trung Quốc, Nữ Oa (vị nữ thần tạo ra loài người) đã tặng cho nhân loại cây khèn bầu Saenghwang để mang lại niềm vui cho cuộc sống nhân gian. Khèn bầu Saenghwang được biết tới là nhạc cụ của các vị thần tiên.
Cấu trúc và hình tượng tiêu biểu của khèn bầu Saenghwang
Theo quan niệm của người Hàn, “Bicheon” là những vị tiên thần thông quảng đại có thể bay trên bầu trời nhưng lại không có cánh như các vị thần ở phương Tây. Các vị tiên vừa bay trên bầu trời trong tà áo tha thướt ẩn hiện giữa các tầng mây vừa diễn tấu các loại nhạc khí là hình ảnh tượng trưng về các vị thần ở Hàn Quốc. Giờ đây đến chùa chiền ở Hàn Quốc, khách tham quan có thể thấy diện mạo của vị thần tiên Bicheon trên các bức tranh hoặc tượng khắc trong chùa. Trong số đó, tranh khắc thần tiên trên chuông đồng ở chùa Sangwon (Thượng Viện) được đúc năm 725 sau Công nguyên được đánh giá là đẹp nhất. Trên mặt chuông khắc hình vị thần thổi khèn bầu Saenghwang và vị thần chơi đàn hạc nhỏ Gonghu (Không hầu) thướt tha trên đám mây lơ lửng giữa bầu trời. Khèn bầu Saenghwang có thân được làm bằng quả bầu, bên trên có cắm nhiều ống tre mảnh, trong các ống tre có gắn một lưỡi gà làm bằng kim loại mỏng, khi hơi thổi vào bầu rồi thoát ra ngoài qua các ống tre sẽ làm rung lưỡi gà kim loại và tạo ra âm thanh với nhiều cung bậc trầm bổng véo von thần bí. Người Hàn Quốc xưa kia ví hình dáng cây khèn bầu Saenghwang với hình dáng linh vật phượng hoàng và âm thanh của loại nhạc cụ này với âm thanh của loài rồng linh thiêng.
Thời hậu Joseon, trong tác phẩm Songhachwisaengdo (Tùng hạ xuy sinh đồ, tạm dịch là “Thổi khèn bầu Saenghwang dưới bóng thông”) của danh họa Kim Hong-do, hiệu Danwon (Đan Nguyên), có vẽ một cậu bé ngồi thổi khèn bầu Saenghwang dưới bóng thông cổ thụ với hai búi tóc cột cao. Các tiểu đồng xuất hiện trong các bức tranh cổ xưa kia thường có hai búi tóc cột cao, lưng đeo bầu rượu, eo quấn váy lông ngắn cũng giống như quần áo của các bậc thần tiên. Có thể cảm nhận thấy cậu bé thổi sáo trong tranh Songhachwisaengdo (Tùng hạ xuy sinh đồ) của danh họa Kim Hong-do chính là tiểu thần tiên. Truyền rằng có một thái tử có tên là “Tấn” dưới thời nhà Chu Trung Quốc, từ thủa nhỏ đã không quan tâm tới việc triều chính, tới năm 15 tuổi thì gặp một vị đạo sĩ và bắt đầu học ống sinh (tức khèn bầu Saenghwang). Tới một ngày phụ vương và phụ mẫu thôi cai quản việc triều chính bay lên trời, vị thái tử đã cưỡi một chú hạc trắng muốt và thổi ống sinh để tiễn biệt cha mẹ. Trên bức tranh cũng lưu lại một câu thơ kể về vị thái tử này, rằng:
Như phượng hoàng sải cánh, những ống tre ống dài ống ngắn
Âm thanh vang vọng khán nguyệt đường hơn cả tiếng rồng hú gọi
Trong tranh Songhachwisaengdo (Tùng hạ xuy sinh đồ), dáng dấp cành thông vươn lên giống như hình ảnh rồng thăng thiên. Tưởng như mượn cành thông để mô tả âm thanh khèn bầu vang vọng theo gió cuốn như xua tan, xóa sạch mọi nỗi sầu thảm của con người.
* Nhạc phẩm Bicheonsang (Tiên nữ bay lên bầu trời) / Son Beom-ju (khèn bầu Saenghwang), Kim Chang-su (đàn Sitar và đàn Tambura), Kim Gyeong-su (trống Buk và trống vò nước)
* Nhạc phẩm Baramgot (tạm dịch là “Mũi gió”) / Kim Gye-hee (khèn bầu Saehwang)
* Nhạc phẩm Oblivion / Kim Hyo-yeong (khèn bầu Saenghwang)
Từ khóa » Khèn Bầu
-
Khèn Bầu 6 ống Của Người Mạ ở Đắk Nông - .vn
-
“Khèn Bầu 6 ống” Của Người Ê Đê
-
Kèn Bầu Chất Lượng, Giá Tốt 2021
-
CHIẾC KHĂN PHIÊU - ĐỘC TẤU KHÈN BẦU TUYỆT ĐỈNH - YouTube
-
Kèn Sona, Kèn Hát Văn, Kèn Bầu | Shopee Việt Nam
-
Khèn Bầu Của Người Phù Lá - Báo Yên Bái
-
NTO - Nghệ Nhân Khèn Bầu Chamaléa Thanh - Bao Ninh Thuan
-
Kèn Bầu - NAVER Từ điển Hàn-Việt
-
“Khèn Bầu 6 ống” Của Người Ê Đê
-
Khèn Bầu - STT 019 - Nhạc Cụ Trần Trung - Chắp Cánh Tâm Hồn
-
“Giữ Lửa” âm Sắc Tiếng Khèn Bầu - Báo Bình Thuận
-
NTO - Nghệ Nhân Khèn Bầu Kadá Phượng - Bao Ninh Thuan