Khi đàn Sếu Trở Về - Tạp Chí Môi Trường
Có thể bạn quan tâm
Khi đàn sếu trở về
08/08/2016
Việt Nam từng là quê hương của sếu
Đã có thời cả vùng Đồng Tháp Mười mênh mông được xem là vương quốc của sếu đầu đỏ Phương Đông. Những năm 1980, cứ mỗi lần nắng ấm lên, mùa khô đến, cỏ năng kim bắt đầu hồi phục sau mấy tháng ngập chìm trong nước lũ, sếu đầu đỏ lại quay về.
Sếu đầu đỏ ở Tràm Chim |
Sếu đầu đỏ phương Đông là loài lớn nhất trong họ sếu, rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường. Sếu trưởng thành cao khoảng 150-180cm; sải cánh từ 220 - 250cm, trọng lượng trung bình 8 - 10kg. Chúng có chế độ ăn tạp, có thể ăn các thức ăn thô thường gặp tại đầm lầy và các vùng nước nông như rễ, củ cây, côn trùng, động vật giáp xác và một số loài thú có vú nhỏ.
Theo thống kê của Hội Sếu quốc tế, sếu đầu đỏ Phương Đông hiện nay còn khoảng dưới 1.000 con. Với tình trạng sinh cảnh sống bị thu hẹp do con người xâm lấn, biến đổi khí hậu làm cạn kiệt nguồn nước, nguồn thức ăn đã và đang dần đẩy loài chim quý hiếm này đến bờ vực tuyệt chủng.
Cuối những năm 1980, chương trình khai phá Đồng Tháp Mười đã được triển khai một cách toàn diện thông qua đào kênh, đắp đê và xây dựng nhiều công trình thủy lợi lớn để xả lũ, thau chua, rửa phèn, biến vùng đất hoang sơ nơi đây trở thành “vựa lúa” lớn nhất của Việt Nam.
Nhưng diện tích các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên bị suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động khai hoang của con người. Các đồng cỏ năng, cỏ bàng - nơi sinh sống và nguồn thức ăn của sếu cũng như nhiều loài chim nước, chim di cư khác cũng bị thu hẹp đáng kể. Những can thiệp của con người đã tác động tiêu cực đến sự đa dạng sinh học đặc trưng ở nơi đây. Đàn sếu cũng vì thế mà mỗi mùa lại phải đi tìm nơi trú chân mới.
Ngay cả Vườn quốc gia Tràm Chim, nơi được cố thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định thành lập vào năm 1998 với mục đích ban đầu là bảo tồn sếu đầu đỏ, cũng không ngoại lệ. Trước đây, sếu đầu đỏ về Tràm Chim ước tính lên đến khoảng 60% số lượng sếu di cư, nay chỉ còn vài chục cá thể. Năm 2002, Tràm Chim chỉ đón 11 cá thể sếu.
Tìm sinh cảnh mới, rời Tràm Chim, sếu ghé Hòn Chông. Năm 2001, sếu về Hòn Chông lên đến 336 cá thể. Nhưng ngay sau năm đó, các hoạt động du lịch và nuôi tôm ở Hòn Chông cũng bùng nổ, không còn chỗ cho đàn sếu dừng chân. Năm 2007, sếu về Hòn Chông chỉ còn 15 cá thể. Bỏ Hòn Chông, sếu lại qua Phú Mỹ. Năm 2009, Phú Mỹ đón 152 cá thể sếu đầu đỏ. Nhưng tình trạng tương tự cũng diễn ra như ở Hòn Chông. Từ năm 2010 trở về đây, số lượng sếu đầu đỏ trở về Phú Mỹ cũng chỉ lẻ tẻ vài nhóm nhỏ. Các hoạt động khai hoang, lấn đất của con người đã dần đẩy đàn sếu ra khỏi biên giới của Việt Nam.
Sếu đã đi về đâu?
Môi trường kém an toàn ở phía Việt Nam buộc loài sếu phải đi tìm những điểm dừng chân mới. Khu bảo tồn Anlung Pring của Campuchia với diện tích 220 ha, chỉ cách biên giới Kiên Giang khoảng 30 km, đã trở thành "nhà" của sếu đầu đỏ. Người dân ở Anlung Pring lần đầu tiên thấy sự hiện diện của khoảng 20 cá thể sếu đến kiếm ăn vào năm 2001. Cho đến nay, số lượng sếu đầu đỏ ở Anlung Pring tăng lên gấp nhiều lần, với số lượng từ 200 đến 300 con.
Thành công của Anlung Pring bắt nguồn từ ý thức bảo tồn thiên nhiên của Chính phủ và người dân Campuchia. Đất dành cho sếu là "bất khả xâm phạm", người dân không được phép canh tác, sử dụng tài nguyên trên đất dành cho sếu, vì vậy cảnh quan ở Anlung Pring gần như không thay đổi suốt hơn 1 thập kỷ qua. Ngoài ra, Chính phủ Campuchia cũng quy định rõ trong Luật bảo tồn sếu, các hành vi như lén lút giăng bẫy, đặt thuốc để săn bắn hoặc xâm lấn đất đai khu bảo tồn có thể bị phạt tù đến 10 năm.
Để hỗ trợ cho người dân trong vùng, Chính phủ Campuchia cho phép Anlung Pring tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái với quy mô hạn chế để đảm bảo không làm xáo trộn đời sống của loài sếu. Du khách đến tham quan phải tập trung tại điểm xem sếu với khoảng cách nhất định và chỉ được chiêm ngưỡng sếu qua ống tele được trang bị sẵn. Mỗi du khách sẽ phải trả một mức phí là 5 USD cho một ngày ngồi ngắm sếu ở Anlung Pring.
Sếu chỉ về những chốn bình yên
Để giữ chân đàn sếu, Chính phủ Việt Nam, các tổ chức bảo tồn và các nhà tài trợ đã cùng hành động để cải thiện môi trường sống của của các loài chim nước, chim di cư và sếu đầu đỏ. Nhiều dự án đã được xây dựng nhằm bảo tồn và phục hồi sinh cảnh đất ngập nước, hạn chế các mối đe dọa đối với sếu đầu đỏ và các loài chim nước ở những điểm dừng chân của sếu như Tràm Chim, Láng Sen, Kiên Lương … với ngân sách lên tới hàng triệu USD.
Năm 2007, chương trình hỗ trợ phục hồi sinh cảnh, bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước và hỗ trợ sinh kế của người dân sinh sống ở vùng đệm của WWF-Việt Nam tại Tràm Chim với sự tài trợ của WWF Quốc tế và Công ty CocaCola đã bước đầu phát huy tác dụng với sự trở về của 125 cá thể sếu đầu đỏ. Hiệu quả của chương trình và sự trở về của sếu trong những năm tiếp theo đã góp phần đưa Tràm Chim trở thành khu RAMSAR đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long và thứ 2.000 của thế giới vào năm 2012.
Năm 2014, tiếp nối thành công tại Tràm Chim, WWF-Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Khu bảo tồn Láng Sen, nay cũng đã trở thành khu RAMSAR thứ 2.227 của thế giới, biến 2.000 ha đất ngập nước với rừng tràm, đồng cỏ, lung sen của khu bảo tồn thành nơi sinh sản và trú đông quan trọng cho các loài chim di cư, các loài cá và điểm quay về cho sếu đầu đỏ.
Mặc dù vậy, việc kiến tạo sinh cảnh cho loài sếu đầu đỏ, đang gặp nhiều thách thức như việc sử dụng quá mức thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp sẽ làm gia tăng đáng kể khả năng tử vong của sếu đầu đỏ và các loài chim nước khác. Thực tế đã có một số cá thể sếu đầu đỏ bị bệnh hoặc chết do mắc lưỡi câu hoặc trúng thuốc trừ sâu. Bên cạnh đó là mặt trái của các hoạt động phát triển du lịch, đặc biệt đối với các khu đất ngập nước đã nhận danh hiệu Ramsar. Trong năm 2014, Tràm Chim đón hơn 61.000 lượt khách du lịch, tăng gấp 3 lần so với năm 2013 và năm 2015 là 135.000 khách. Khách du lịch sử dụng xuồng máy đi lại liên tục trên các tuyến kênh ngay sát các bãi ăn của sếu đầu đỏ đã gây ảnh hưởng tới môi trường sống của loài sếu.
Để bảo vệ loài sếu, đã đến lúc, chúng ta cần phải có hành động quyết liệt hơn và điều chỉnh quy mô, hình thức tổ chức của các hoạt động du lịch trong các khu bảo tồn. Không nên xem số lượng khách hay tổng thu nhập từ hoạt động du lịch là một chỉ số để đo mức độ thành công của một khu bảo tồn. Thước đo sự thành công của một khu bảo tồn nằm ở tốc độ phục hồi của hệ sinh thái, số lượng loài và quần thể của từng loài, ở số lượt người được nâng cao nhận thức về bảo tồn thông qua các hoạt động du lịch sinh thái và các mối đe dọa được loại trừ.
Vào tháng 3/2016, VQG Tràm Chim và Hội Sếu quốc tế (ICF) đã ghi nhận một cá thể sếu đầu đỏ được đeo vòng giám sát cách đây 18 năm đưa cả gia đình quay lại Tràm Chim. Đây là một tin vui không chỉ đối với giới bảo tồn, mà còn là niềm hạnh phúc, tự hào của Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Với các biện pháp bảo tồn toàn diện, hy vọng, trong tương lai không xa, Đồng Tháp Mười sẽ lại trở thành thiên đường của sếu đầu đỏ Phương Đông.
Hà Lê
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2016
Từ khóa » Trường Sếu
-
Trường Sếu | Facebook
-
Sếu đầu đỏ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Sếu Sarus – Wikipedia Tiếng Việt
-
Vườn Quốc Gia Tràm Chim Vắng Bóng Sếu đầu đỏ
-
Mùa Sếu Trở Về: Tìm Hiểu Về 3 Loại Sếu Quý Hiếm Tại Việt Nam
-
Sếu…vẫn Chưa Về
-
Nơi đàn Sếu Bay Về - Báo Đồng Tháp
-
Rồi Sếu Sẽ Bay Về! - ThienNhien.Net | Con Người Và Thiên Nhiên
-
Sếu Và Người - Kỳ Cuối: Cuộc Gặp Người Và Sếu
-
Chim Trời Phiêu Du Ký: Sếu ơi ! - Báo Gia Lai điện Tử
-
Đất Lành, Chim đậu - BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
-
Sếu đầu đỏ Về Lại đồng Cỏ Bàng Phú Mỹ