Sếu Và Người - Kỳ Cuối: Cuộc Gặp Người Và Sếu

Chính cuộc gặp này, con sếu đầu đỏ được phát hiện đang sinh sống ở Tràm Chim và một chiến dịch bảo vệ loài chim quý hiếm này được phát động ngay sau đó.

ILoF79YA.jpgPhóng to

Giây phút yên bình của đàn sếu trên đồng cỏ năn Tam Nông, Đồng Tháp - Ảnh: Đức Tuyên

Kỳ 1: Đất và sếuKỳ 2: “Ngôi nhà” nào cho sếu?Kỳ 3: Nỗi lòng người gác sếu

Hành trình của người

Căn cứ vào một tài liệu nghiên cứu từ thời Pháp thuộc, năm 1984 các nhà khoa học đi tìm con sếu ở tận rừng U Minh (Cà Mau). Nhưng chuyến đi không thành vì ở đó không có con sếu nào. Cả nhóm quay về TP.HCM, giữa đường tấp qua Đồng Tháp ghé thăm lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Qua câu chuyện thân tình, PGS Lê Diên Dực bộc bạch: “Đi tìm con sếu mà không gặp, định về luôn” rồi ông mô tả sơ hình dạng con sếu. Ông Mười Nhẹ lục trong ký ức rồi sực nhớ: “Hình như tôi có nghe nói con này ở trong Đồng Tháp Mười”.

Ông Mười Nhẹ dẫn đoàn lên Hồng Ngự tìm kiếm mất hết ba ngày nhưng rồi con sếu như bóng chim tăm cá. Ông Mười Nhẹ nản, rủ: “Mấy thầy về Tam Nông chơi, sẵn kiếm đặc sản chuột đồng, khô cá lóc, rượu đế nhậu cho biết hương vị miền Tây”.

Trong cuộc nhậu đêm đó có ông Nguyễn Lam Sơn (Năm Rem), lúc đó là bí thư Huyện ủy Tam Nông, nghe ông Mười Nhẹ nói dẫn đoàn đi tìm sếu, ông Năm Rem vỗ đùi cái đét: “Tui mới lượm được một con, chắc nó chết vì bệnh, bộ lông còn ở nhà” - rồi chạy đi lấy. PGS Dực cầm bộ lông sếu trên tay mà nghẹn ngào: “Nó đây rồi”. Sáng sớm hôm sau, đoàn người đi thật nhẹ nhàng vào khu rừng tràm xã Tân Công Sính. Sếu về một bầy hơn 40 con. Nhóm nhà khoa học mừng quá ở luôn trong rừng từ sáng tới tối, quên cả đói khát.

Ngay đêm đó, ông Mười Nhẹ và nhóm của PGS Dực bàn nhau phương án bảo vệ con sếu và cả vùng đất Tràm Chim hoang sơ còn sót lại mà ít nơi nào trên thế giới có được. Một bản báo cáo được gửi ngay đến Hội Sếu quốc tế.

Hai năm sau đó, sau những chuyến đi lại khảo sát thực địa của các chuyên gia Hội Sếu quốc tế, lần đầu tiên một cuộc hội thảo quốc tế về sếu được tổ chức tại Đồng Tháp với sự tham dự của 14 quốc gia. Hội thảo công nhận Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi có được tài sản vô giá là sếu đầu đỏ, cần có biện pháp bảo vệ. Hội thảo cũng đề cử tiến sĩ Jeb Barzen, chuyên gia của Hội Sếu quốc tế, trực tiếp đến Tràm Chim tiếp tục nghiên cứu về sếu Việt Nam.

Năm 1990, cuộc hội thảo quốc tế lần thứ hai tiếp tục được tổ chức tại Đồng Tháp, lần này đặt vấn đề thành lập khu bảo tồn bảo vệ sếu và chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ môi trường ở các nước đang phát triển. Vấn đề được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận. Ngày 8-3-1991, Khu Bảo tồn sếu và môi trường thiên nhiên Tràm Chim được thành lập, bắt đầu hoạt động. Bộ máy ban đầu chủ yếu giao huyện Tam Nông quản lý.

Những thăng trầm của sếu

Nhưng rồi không phải ai cũng đồng tình với việc bảo vệ con sếu. Có ý kiến cho rằng: “Lo cho người ăn chưa đủ, đi lo chuyện trên trời”. Ngay cả một số cán bộ lãnh đạo cũng có ý kiến “nên phát triển Tràm Chim theo mô hình lúa - cá” để tăng thu nhập. Chạy theo mấy con sếu chỉ có đổ tiền vô mà chẳng lợi ích gì.

Nhiều người, có cả cán bộ nhảy vô xâu xé, chiếm đất nên từ diện tích gần 8.000ha ban đầu, Tràm Chim dần còn hơn 7.600ha. Dù vậy, tập thể lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp vẫn cương quyết giữ nguyên hiện trạng Tràm Chim, không làm lúa - cá mà để nguyên cỏ ma, cỏ năn, rừng tràm cùng các loài thủy sinh vật hoang dã khác, có chính sách tuyên truyền bảo vệ loài sếu quý hiếm. Cuối năm 1998, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định thành lập Vườn quốc Gia Tràm Chim - Tam Nông, mục đích gìn giữ nơi này nguyên trạng hoang sơ của vùng Đồng Tháp Mười thu hẹp, bảo vệ môi trường sống cho đàn sếu.

Thế nhưng thời điểm này lại phát sinh mâu thuẫn mới. Sau nhiều vụ cháy rừng nặng nề ở U Minh, Chính phủ quy định kỷ luật nặng lãnh đạo địa phương, đơn vị nào để xảy ra cháy rừng. Quy định đó được “áp” máy móc vào Tràm Chim. Để bảo vệ rừng, người ta cho đào kênh ngang dọc khắp Tràm Chim nhằm mục đích chia cắt, không để rừng cháy lan, giữ mực nước cao để phòng chống cháy rừng. Các nhà khoa học “la làng”: làm kiểu này là sai quy luật điều tiết nước tự nhiên của Đồng Tháp Mười, thảm thực vật tiêu hết, cỏ năn không còn...

Không còn cỏ năn, có nghĩa nơi ăn chốn ngủ của sếu cũng mất, chúng sẽ không về. Mà Tràm Chim không có sếu cũng đồng nghĩa không có Tràm Chim. Mục tiêu chính của Tràm Chim là bảo tồn đa dạng sinh học và những giá trị văn hóa lịch sử chứ không chỉ riêng chống cháy rừng.

Nhưng rồi Tràm Chim vẫn bị “xẻ” thành tám mảnh với hệ thống kênh mương ngang dọc. Tưởng là sẽ bảo vệ được rừng, dè đâu rừng cháy vẫn cháy. Tệ hại hơn, mấy con kênh là nơi tích tụ phèn mùa khô, cá gặp phèn chết hết. Dân “xuyệc” cá bên ngoài được “rộng đường” vào rừng khai thác triệt để hủy hoại tài nguyên.

Phải mất tám năm sau nhiều cuộc họp bàn ổn định tổ chức, nhân sự, nhiều cuộc hội thảo khoa học, Tràm Chim mới được “nắn” về với chức năng bảo tồn của nó.

Ông Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, cho biết hiện nay với hệ thống sáu cống và hai đập tràn điều tiết nước, mực nước trong vườn đã dần trở về với tự nhiên, thảm thực vật đang “hồi xuân” mạnh mẽ. Bằng chứng là hiện nay đứng trên cao nhìn xuống sẽ thấy một thảm xanh thực vật phủ kín hết khu vườn, so với hai năm trước đây vẫn thấy “lốm đốm da beo”.

Các loài chim đang sinh sôi nảy nở, cò trắng có tới hơn 60.000 con. Vấn đề cháy rừng đã có phương án phòng chống bằng cách “đốt chủ động”, đốt những lá khô, cỏ mục có kiểm soát để không còn tác nhân gây cháy, đồng thời dọn dẹp vệ sinh rừng, tạo điều kiện thực vật tái sinh tốt vào mùa mưa.

Ông Hùng cho biết từ năm 2004 Tràm Chim đã có tuyến du lịch xem đồng cỏ năn, rừng tràm, hái sen, câu cá và năm 2010 này đã có chương trình “đi ngắm sếu”. Tỉnh đang muốn đưa Tràm Chim thành thương hiệu xứng tầm.

Ấy là bước đầu tiên trong cuộc chiến mà con người đối diện với chính mình. Ở đó, không phải chỉ là câu chuyện đàn sếu mà là câu chuyện của một sự chọn lựa cho tương lai: đến với nó không phải bằng sự đánh đổi vội vã và bất chấp mọi sự trả giá. Tương lai là ở đó, con người còn một chốn để nương mình cạnh tín hiệu bình yên của vũ điệu loài chim báo sự an bình, thịnh vượng...

____________________

Khởi đăng hồ sơ:

Kỳ bí ở “thung lũng mất tích”

Những chuyện hư thật về một thung lũng với những “chiến binh” lạc lối không về, loài “thuốc giấu” mang lại niềm vui và sự bất hạnh, những chiếc máy bay bất ngờ bị hút xuống vực sâu... Mời bạn theo chân phóng viên Tuổi Trẻ đến với những câu chuyện mang hơi hướng đường rừng thời hiện đại.

Từ khóa » Trường Sếu