Nơi đàn Sếu Bay Về - Báo Đồng Tháp
Có thể bạn quan tâm
Cùng với hoa sen, sếu đầu đỏ - một loài chim quý hiếm được ghi vào sách đỏ thế giới - cũng là biểu tượng của Đất Sen hồng. Thật tự hào với những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc thật lung linh giữa thiên nhiên hoang sơ với những điệu múa của đàn sếu vào mùa. Nhưng rồi lại thật nặng lòng, xen lẫn xót xa, khi loài chim quý hiếm ấy trở về hàng năm thưa vắng dần. Các nhà khoa học cảnh báo đó là do con người làm biến dạng hệ sinh thái tự nhiên. Người Đồng Tháp thì khoắc khoải chờ mong khoảnh khắc đàn sếu quay về!!!
Ảnh: Thanh Phong
Như thường lệ, cũng là mượn hình ảnh “con sếu thiên nhiên” để nói chuyện về những “con sếu khởi nghiệp” trên mảnh đất Sen hồng! Thì cũng vậy đó thôi, những “con sếu” cũng đã từng bay đi bốn phương trời, để lao động, để học tập, và giờ đây, “con trước, con sau” tuần tự bay trở về lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất này. Hay nói theo ngôn ngữ truyền thông, đó là xu hướng “bỏ phố về làng”! Những “con sếu” trở về khởi nghiệp trên mảnh đất ông cha đã từng khai mở, nơi chôn nhau cắt rốn của mình! Một “hành trình ra đi là để trở về nguồn cội, trở về nơi nuôi dưỡng hạt giống tâm hồn” như lời một chuyên gia từng chia sẻ!
Những con sếu, dù chưa phải là đông đảo, đang lẳng lặng trở về nơi “nuôi dưỡng hạt giống tâm hồn”. Và giờ đây, chính mình bắt đầu hành trình tiếp tục “ươm mầm” cho những “hạt giống” khác, cho bản thân, gia đình và quê hương xứ sở. Những “con sếu khởi nghiệp” đó đã hấp thu những cái hay, cái mới ở những xứ sở khác, giờ trở về với hành trang đầy ắp kiến thức và kỹ năng, nghị lực và khát vọng, để dấn thân, để tìm ra giá trị của riêng mình. Những hoài bão của tuổi trẻ lại được nung nấu thêm bằng ngọn lửa đam mê cháy bỏng, những “con sếu” đã biến “những điều không thể thành những điều có thể” một khi có ý chí và niềm tin! Cũng là những tài nguyên xung quanh nhà, trong vườn, ngoài ruộng, đó thôi. Cây sen, củ ấu, trái xoài, mảng cầu, cam quýt...; cói lác, lục bình; cái bánh dân gian ngoại làm ngày xưa; chiếc khăn rằn bao đời gắn bó với người nông dân quê mình... Từ những thứ bình dị ấy, những “con sếu khởi nghiệp” đã tạo ra những sản phẩm có thương hiệu làm cho giá trị gia tăng cao hơn trước đây ông cha đã làm.
Thật bất ngờ và cũng rất đổi tự hào với những ý tưởng, sản phẩm của những “con sếu khởi nghiệp”! Chính những “con sếu” đó đã tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cho một “Đồng Tháp khởi nghiệp”! Chính những con sếu đó nhận được cảm hứng từ xã hội, để rồi bằng sự thành công của mình truyền cảm hứng ngược lại xã hội! Điều hạnh phúc là dù trở về vì mục đích gì, những “con sếu khởi nghiệp” đều chia sẻ với nhau một triết lý: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Mỗi “con sếu” có hoàn cảnh xuất thân khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, năng lực khác nhau, lý do trở về cũng khác nhau, nhưng đều có một mẫu số chung, đó là “nơi trở về” - Mảnh đất Sen hồng luôn nuôi dưỡng, chở che và kỳ vọng vào “đàn sếu khởi nghiệp”! Mỗi “con sếu” là một câu chuyện, mỗi sản phẩm khởi nghiệp là một câu chuyện, “Đàn sếu khởi nghiệp” lại là cả một câu chuyện được kể với tất cả sự tự hào!
Những “con sếu khởi nghiệp” ban đầu trở về một cách thầm lặng, đơn lẻ, rồi bắt đầu nhập lại thành nhóm, tạo thành “bầy”. Vậy là, các “con sếu” đã đi đúng lý thuyết “đàn sếu bay”, con bay trước nâng cánh con bay sau, tạo lực hút để các con bay sau dễ dàng cất cánh bay theo. Có “con sếu khởi nghiệp” bay về với tinh thần mạnh mẽ, với đôi cánh vững chải, nhưng cũng có “con sếu” bay về còn ngượng ngùng, thăm dò. Nhưng có sao đâu, rồi từng con, từng con, sẽ hoà nhập với nhau, chắp cánh cho nhau thôi. Tinh thần “cho đi là nhận lại”, cách “nghĩ cho người khác” bắt đầu lan toả trên mảnh Đất Sen hồng! Mỗi “con sếu khởi nghiệp” đều hiểu được một chân lý: “Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu chết đi trong nghèo khó thì đó chính là lỗi của bạn”!
Đàn sếu thiên nhiên cần đến các quần thể sinh vật sống chung và phát triển trong một môi trường nhất định. Một khi môi trường bị mất cân bằng, đàn sếu sẽ bay đi tìm đến nơi khác. Cũng như vậy, muốn giữ chân “những con sếu trở về” và thu hút thêm “những con sếu khác”, cần tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sự sáng tạo để tăng trưởng nhanh. Hệ sinh thái đó giúp cho những “con sếu khởi nghiệp” đủ sức chống chọi “những cơn giông bão” mang tên thị trường, đứng vững lúc “trái gió, trở trời” khi chưa “đủ lông, đủ cánh”. Hệ sinh thái đó chăm sóc thức ăn cho những “con sếu khởi nghiệp” từ những kiến thức, kỹ năng, tâm thế cho đến nguồn lực,... Hệ sinh thái đó kết nối các chuyên gia, cung cấp các công nghệ, phát triển thị trường. Hệ sinh thái đó tạo không gian nối kết những “con sếu khởi nghiệp” lại với nhau, không để con sếu nào bị đơn độc, vì đơn độc một mình thì khó mà đi xa, thậm chí có thể bị “gãy cánh” trên đường bay.
Vậy là, hệ sinh thái khởi nghiệp có nhiệm vụ chăm lo “lót ổ” cho thật chu đáo, ấm áp, giúp những “con sếu” trên hành trình được huấn luyện để trở thành “những con đại bàng” sải cánh kiêu hùng trên bầu trời bao la. Nơi đáng sống là do mỗi người chúng ta vun đắp từ hôm nay, trên “mảnh đất đời người” này!
“Từng đàn chim bay đi, tiếng ca rộn ràng. Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân”. Hãy cùng chúc cho những “con sếu khởi nghiệp” luôn tung cánh giữa bầu trời cao, vừa khẳng định giá trị bản thân mình, vừa góp phần mang lại mùa Xuân đầy ước vọng cho mảnh Đất Sen hồng tươi đẹp này!
Xích Lô
Từ khóa » Trường Sếu
-
Trường Sếu | Facebook
-
Sếu đầu đỏ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Sếu Sarus – Wikipedia Tiếng Việt
-
Khi đàn Sếu Trở Về - Tạp Chí Môi Trường
-
Vườn Quốc Gia Tràm Chim Vắng Bóng Sếu đầu đỏ
-
Mùa Sếu Trở Về: Tìm Hiểu Về 3 Loại Sếu Quý Hiếm Tại Việt Nam
-
Sếu…vẫn Chưa Về
-
Rồi Sếu Sẽ Bay Về! - ThienNhien.Net | Con Người Và Thiên Nhiên
-
Sếu Và Người - Kỳ Cuối: Cuộc Gặp Người Và Sếu
-
Chim Trời Phiêu Du Ký: Sếu ơi ! - Báo Gia Lai điện Tử
-
Đất Lành, Chim đậu - BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
-
Sếu đầu đỏ Về Lại đồng Cỏ Bàng Phú Mỹ