Khi Người Trẻ Bỏ Phố Về Quê (Bài 2)

Bài 2: "Sỏi đá" hóa thành "cơm"

Thị thành với nhiều xa hoa, nhịp sống ồn ào, hối hả đã không còn đủ sức "níu chân” đôi vợ chồng trẻ từng đến đây lập nghiệp. Bỏ lại phố phường, vợ chồng đưa nhau về quê, cùng xây nên mái nhà nhỏ, đơn sơ nhưng đủ ấm, ngày ngày vui sống đời bình yên.

Đi để trở về

Như bao bạn bè cùng trang lứa, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Bảo Tân và Võ Thị Thùy Mỵ (xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) mong muốn được lên thành phố để tiếp tục học tập, mở mang kiến thức và phát triển tương lai. Mỗi người chọn cho mình một hướng đi riêng. Tân tiếp tục theo đuổi việc học tại Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM; Mỵ chọn Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An để bước sang trang mới của cuộc đời. Yêu xa nhưng 2 bạn đều hướng về một tương lai gần ở bên nhau.

Hướng đến mục tiêu sống xanh, sạch nên hầu hết thức ăn đều do Tân và Mỵ tự trồng

Nhiều người nghĩ về quê dễ sống nhưng không phải vậy. Khi trở về, tôi càng cảm nhận sự vất vả trong những ngày đầu. Để có thể sống ở quê, các bạn nên chuẩn bị trước một nền tảng để lúc về không bỡ ngỡ và cảm thấy “bị sốc” khi chạm phải những trở ngại, lời bàn tán của xóm giềng”.

Trần Bảo Tân

"Chân ướt, chân ráo" lên TP.HCM, sống và học tập ở môi trường mới - nơi phố thị nhộn nhịp, đông đúc, xa hoa, Tân như bước vào một thế giới khác hẳn chốn quê nhà. “Khi ấy, tôi cảm giác mình như “người trong rừng” khi mới bước chân lên thành phố phồn hoa. Mọi thứ đều lạ lẫm với tôi” - Tân thổ lộ. Cuộc sống chốn thị thành không cho Tân nhiều thời gian để thích nghi, bởi Tân còn phải tự lập, bươn chải kiếm tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày, học phí ở nơi mà mọi thứ đều đắt đỏ. Vừa làm, vừa học, Tân tích lũy kiến thức lẫn kinh nghiệm sống cùng “tinh thần thép” vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Tốt nghiệp cao đẳng năm 2011, Tân bắt đầu công việc theo đúng chuyên ngành. Năm đầu tiên làm giám sát công trình, Tân đi khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nhưng rồi, những áp lực công việc, những cuộc nhậu khiến Tân có một suy nghĩ khác về nghề dù vẫn tiếp tục học liên thông đại học.

Tân tâm sự: “Ngay những ngày đầu đi làm, tôi đã cảm thấy mình không phù hợp với công việc. Những chuyến đi xa không hẹn trước, những buổi tiệc tùng cuối tuần, áp lực công việc đè nặng cuốn tôi vào sự mệt mỏi. Nhìn vào những người thành đạt trong công ty, tuy kiếm được nhiều tiền nhưng đó không phải là cuộc sống tôi mong muốn. Khi ấy, tôi bắt đầu nhen nhóm ý định bỏ phố về quê”.

Không thể “tay trắng” về quê hay chỉ vì suy nghĩ bốc đồng, nhất thời, Tân chọn bám trụ lại thành phố thêm một thời gian, trang bị cho mình đủ kiến thức, bản lĩnh để khi trở về có thể “sống được ở quê”. Tân nhận ra, học tiếng Anh là “hành trang” quan trọng cho con đường trở về và bám trụ ở quê sau này. Vậy là, Tân tự học tiếng Anh, kết bạn với những người nước ngoài để luyện tiếng Anh và học hỏi những điều hay từ họ.

“Được bạn bè giới thiệu, tôi có cơ hội đi Campuchia để làm việc. Chính mong muốn được về quê sống thôi thúc tôi mạnh dạn đưa ra quyết định rẽ sang hướng khác dù ngày tốt nghiệp đại học đã cận kề. Mượn gia đình 1 triệu đồng, tôi mua chiếc xe đạp 700.000 đồng, qua Campuchia làm việc. Nơi đất khách, tôi được bạn bè giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình và khả năng tiếng Anh tiến bộ rõ rệt khi sống, làm việc trong môi trường chủ yếu sử dụng thứ tiếng này” - Tân chia sẻ.

Sau khoảng 1 năm ở xứ người, tự tin với vốn tiếng Anh, Tân về lại Việt Nam, tiếp tục “đầu tư” cho tương lai. Tân đi làm công việc văn phòng, dạy tiếng Anh và học làm bánh khoai mỡ để sau này về quê, có thêm một nghề “nho nhỏ mà bỏ túi”. “Hồi mới bán bánh khoai mỡ, tôi chạy xe rong ruổi khắp các con phố ở Biên Hòa (Đồng Nai) nhưng không dám ngừng lại để bán vì ngại. Nhưng rồi tôi nghĩ, “cứ chạy thế này mãi thì làm sao bán hết bánh khoai mỡ”. Vượt qua chính mình, những chiếc bánh khoai mỡ cũng bán hết khi tôi dừng xe trước cổng một trường học” - Tân kể. Thời gian này, Mỵ và Tân vừa kết hôn, cùng nhau đồng hành trong cuộc sống, công việc để chuẩn bị bước chuyển cho ý định “đi để trở về”.

Rành nghề bán bánh khoai mỡ, đã có kinh nghiệm dạy tiếng Anh, Tân và Mỵ quyết định về quê, mang theo cả kiến thức về thiết kế web, marketing, đồ họa,... mà Tân từng học. “Cảm thấy đủ “hành trang”, có thể làm việc tại nhà, vợ chồng tôi trở về vào cuối năm 2018 - sau gần 10 năm rời quê hương” - Tân nói.

Về quê xây nhà đất, sống đời bình yên

Ở cuối con đường chỉ vừa một chiếc xe máy đi qua, 2 bên là hàng tre đan vào nhau như mái vòm, khuất sau rặng cao su xanh mướt là ngôi nhà nhỏ, tổ ấm của vợ chồng trẻ Tân, Mỵ. Ngôi nhà “một trệt, một tầng” của vợ chồng khá đặc biệt, được xây hoàn toàn bằng đất. Bên hông nhà là lối đi được lát gạch tàu dẫn vào gian bếp nhỏ. Phía trước nhà, hàng hoa sao nhái khoe sắc hồng; hoa cải vừa lác đác điểm vàng vài bông. Cạnh bên, một luống cải bẹ xanh, cải bẹ dún, đám rau cần, rau đắng, củ cải trắng,... cũng tốt tươi nhờ đôi tay vun trồng, chăm bón của 2 vợ chồng. Một liếp bắp, một hàng đậu Hà Lan tím,... là những loại thực phẩm được Mỵ trồng thêm để đổi bữa, bảo đảm những món ăn hàng ngày sạch và phong phú nhiều loại rau, củ, quả.

Căn nhà đất nhỏ nhưng chứa đựng niềm hạnh phúc lớn và là chốn bình yên của Tân cùng Mỵ

Thoạt nhìn, cứ ngỡ ngôi nhà được xây rất giản đơn bởi nguyên vật liệu chỉ có đất, tre, cây khô,... Nhưng không, hành trình xây nhà khá vất vả, do vợ chồng trẻ tự tay dựng lên, chứa đựng cả tình yêu, sự kỳ vọng về một tương lai tươi đẹp phía trước. “Ngày mới về, nhìn xung quanh toàn cây cối rậm rạp cũng nản lắm!” - Mỵ nhớ lại. Cuối cùng, khó khăn không làm chùn bước bởi ý chí, quyết tâm và sự đồng lòng là sức mạnh được tiếp thêm cho Tân cùng Mỵ. Kể lại những ngày tự tay đắp đất xây nhà, Tân nói tỉ mỉ: “Để có đất làm tường nhà, tôi đào ao nhỏ phía sau nhà mẹ, còn vợ xúc từng khối đất cho lên xe cút kít, sau đó cả 2 cùng đẩy đến mảnh đất của bà ngoại để lại, bắt tay dựng nhà”.

“Đẩy đất, trộn đất với rơm cho thành khối rồi đắp tường. Có hôm đắp miệt mài, mồ hôi nhễ nhại mà nhìn lại, tường mới cao được vài tấc” - Mỵ kể thêm. “Nản lắm chứ!” - cả 2 vợ chồng đồng thanh. Nhưng theo Tân, khi đã quyết định về quê thì phải chấp nhận vượt qua khó khăn để thực hiện ý tưởng. Và ngôi nhà cứ thế ngày một cao thêm, hoàn thành trong 3 tháng. Vậy là, “sỏi đá” đã hóa thành “cơm” từ sức bền bỉ, ý chí quyết tâm của vợ chồng Mỵ.

Không gian bên trong ngôi nhà được sắp xếp gọn gàng, khoa học. Trong nhà, phòng khách với bộ sofa bằng đất được lót thảm lông, có ô cửa nhỏ làm bằng kính xe hơi. “2 vợ chồng đến tiệm sửa xe, xin kính xe hơi cũ đã bỏ đi, mang về tận dụng làm cửa sổ cho ngôi nhà” - Tân nói. Góc làm việc của Tân, Mỵ là một chiếc bàn làm bằng tấm gỗ nhỏ. Giữa gian nhà là một không gian xanh với chiếc xích đu nhỏ, phía dưới trồng hàng cây lưỡi hổ, phía trên treo vài chậu dây leo. Tầng trên của căn nhà bố trí phòng ngủ. Ngôi nhà với không gian giản dị, mộc mạc, tinh tế, tuy nhỏ nhưng đủ ấm, là chốn bình yên của vợ chồng Tân, Mỵ.

Những ngày ở quê, Tân và Mỵ làm việc ít lại, dành thời gian bên gia đình nhiều hơn, tận hưởng cuộc sống hòa mình vào thiên nhiên. Lối sống ấy nghe có vẻ chân quê nhưng lại rất hiện đại mà Tân học được từ những người nước ngoài từng gặp, từng tiếp xúc trong khoảng thời gian còn ở phố.

Hiện 2 bạn chủ yếu dạy tiếng Anh trực tuyến cho người Việt trong nước và ở nước ngoài tại nhà

Nhờ “hành trang” chuẩn bị trước đó, Tân và Mỵ có công việc ổn định tại nhà. Hiện 2 bạn chủ yếu tập trung vào công việc dạy tiếng Anh trực tuyến cho người Việt trong nước và ở nước ngoài. Những kiến thức khác như thiết kế web, marketing,... cũng hỗ trợ Tân, Mỵ rất nhiều trong công việc. Riêng nghề bán bánh khoai mỡ, năm đầu về quê, Tân và Mỵ vẫn duy trì nhưng sau đó dần chuyển sang cho gia đình kinh doanh.

Mỵ kể: “Hồi mới về quê, nhiều người cũng bàn tán về cách sống của vợ chồng tôi khi thấy suốt ngày ở nhà, không đi làm. Cất nhà đã lạ so với người ta mà cuộc sống còn lạ hơn nhưng dần dà, mọi người cũng hiểu và biết về cách sống, công việc của vợ chồng tôi, từ đó không còn “bàn ra tán vào” nữa”.

Hiện ngoài làm việc hơn 4 tiếng/ngày, Tân và Mỵ dành thời gian bên nhau, tận hưởng cuộc sống thoải mái và trồng rau, củ quanh nhà. Hướng đến mục tiêu sống xanh, sạch nên hầu hết thức ăn đều do Tân và Mỵ tự trồng. Thích ăn rau nào, củ nào, 2 bạn bắt tay trồng loại đó. Những ngày đầu chưa nắm kỹ thuật, đôi lúc không thu hoạch được gì nhưng qua quá trình tìm hiểu, đúc kết kinh nghiệm, giờ thì hầu hết cây trồng nào cũng xanh, tốt, phục vụ nhu cầu thức ăn cho gia đình Tân, Mỵ.

“Chồng ấp ủ ước mơ về quê sống, tôi rất ủng hộ nhưng đôi lúc cũng lo lắng, liệu mình có sống tốt hay sẽ rơi vào vòng lẩn quẩn cơm, áo, gạo, tiền. Nhưng tin tưởng chồng, tin rằng “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn” nên tôi rời phố, theo về quê. Đến giờ nghĩ lại, tôi chỉ hối hận là mình không về quê sớm hơn. Bởi, cuộc sống này đúng như mơ ước của vợ chồng tôi” - Mỵ bộc bạch.

Trong căn nhà đất nhỏ nhưng chứa đựng niềm hạnh phúc lớn và là chốn bình yên của Tân cùng Mỵ. Nơi ấy, vợ chồng trẻ được là chính mình khi làm công việc yêu thích, sống hòa mình với thiên nhiên và tách biệt với những ồn ào, náo nhiệt của phố thị./.

(còn tiếp)

Thùy Hương - Ngọc Thạch

Bài cuối: Bí quyết thành công của “người trong cuộc”

Từ khóa » Cuộc Sống Bỏ Phố Về Quê