Nhìn Ra Thế Giới: Những Nông Dân Hiện đại Và Hành Trình Bỏ Phố Về ...

33 tuổi, chị Hồ Tư Cầm đã sở hữu một cuộc sống được coi là mơ ước đối với nhiều người. Có một sự nghiệp đầy hứa hẹn khi làm việc cho một công ty lớn thuộc danh sách Fortune 500 – 500 công ty lớn nhất của Mỹ, tiền bạc không phải là mối lo đối với chị Hồ Tư Cầm. Nhưng điều khiến chị luôn băn khoăn là cảm giác mệt mỏi và lạc lõng. Để tìm về với “nguồn cội”, chị đã quyết định rời bỏ thành phố, về quê và tận hưởng cuộc sống như một nông dân thực thụ.

Chị HỒ TƯ CẦM, 33 tuổi: “Sau khi suy nghĩ và trải nghiệm rất nhiều, tôi nhận ra rằng mình không thể tồn tại ở một thành phố lớn. Cách thức cuộc sống vận hành ở thành phố trái ngược hoàn toàn với những sở thích và thú vui của tôi. Tôi đã nỗ lực rất nhiều để tìm cách sống hạnh phúc tại một thành phố lớn, nhưng sau nhiều lần thay đổi, tôi vẫn cảm thấy lạc lõng. Và rồi tôi nhận ra rằng, tôi yêu thiên nhiên và muốn gần gũi hơn với thiên nhiên.”

Trước thế kỷ 20, Trung Quốc chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Người dân Trung Quốc đã trải qua hàng ngàn năm gắn bó với ruộng vườn. Tuy nhiên, làn sóng đô thị hóa đã dần hình thành nên các siêu đô thị đông đúc. Người dân cũng dần rời bỏ ruộng vườn để di cư vào thành thị. Cũng nhờ định hướng này mà hàng triệu người dân đã thoát khỏi đói nghèo, tiến tới một cuộc sống hiện đại hơn, trong một nền kinh tế phát triển, lấy tiêu dùng làm trung tâm. Tuy nhiên, sự đầy đủ về vật chất lại không thể khỏa lấp những khiếm khuyết về tinh thần. Hàng triệu thanh niên Trung Quốc đang sống trong vòng quay làm việc suốt ngày đêm. Sinh sống tại các đô thị cũng đồng nghĩa với chi phí sinh hoạt đắt đỏ, tắc nghẽn giao thông và nhiều áp lực vô hình.

Chị HỒ TƯ CẦM, 33 tuổi: “Những người như tôi nhận thấy rằng, tiện nghi về mặt vật chất không thể khiến chúng tôi hạnh phúc, vì trong sâu thẳm tôi vẫn cảm thấy không hài lòng. Tôi bắt đầu suy nghĩ, vậy mục đích sống của tôi là gì? Mình đang sống để làm gì. Kể cả khi kiếm được nhiều tiền và tận hưởng mọi trò giải trí, tôi cũng không hề cảm thấy hạnh phúc. Và khi không hạnh phúc, thì bạn buộc phải tìm một cách nào đó khác. Và tôi nghĩ rằng những người có trải nghiệm và suy nghĩ giống tôi đang ngày càng nhiều hơn.”

Từ một nhân viên tiếp thị năng nổ, hình ảnh giờ đây của chị Hồ Tư Cầm có lẽ sẽ khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên. Một ngày của chị bắt đầu từ rất sớm, và gắn bó hầu hết thời gian với mảnh vườn này. Chị học cách làm vườn, trồng khoai lang hữu cơ, không thuốc trừ sâu, đậu dài và các loại cây khác.

Chị HỒ TƯ CẦM, 33 tuổi: “Bạn thực sự muốn làm gì? Bạn muốn trở thành người như thế nào? Niềm tin và mục tiêu của bạn là gì? Những điều này hoàn toàn không được đề cập tới trong hệ thống giáo dục của thế hệ chúng tôi. Hầu như không có ai đề cập đến trạng thái tinh thần, giá trị của con người hay cách giáo dục gắn chặt với đời sống. Vì vậy tôi cảm thấy rằng tôi cần phải dành thời gian tự khám phá. Nếu không làm vậy, tôi sẽ chỉ lãng phí mỗi ngày để kiếm tiền, như một người máy. Tôi không muốn trở thành một người máy.”

Còn đối với anh Lương Phú Na, 34 tuổi, lý do bỏ phố về quê của anh là để tận hưởng một cuộc sống khỏe mạnh, yên bình và bền vững hơn. Từng là giám đốc quảng cáo cho một công ty lớn, anh thường xuyên cảm thấy kiệt sức vì phải làm việc quá nhiều.

Anh LƯƠNG PHÚ NA, 34 tuổi: "Tôi đã làm việc ở Quảng Châu trong 7-8 năm. Tôi công tác trong lĩnh vực quảng cáo cho ngành công nghiệp xe hơi và thường xuyên phải làm việc quá giờ. Rất nhiều lần tôi phải làm việc thâu đêm cho đến sáng, sau đó chỉ kịp tắm rửa vội vàng, thay quần áo để kịp quay lại họp cho đúng giờ. Tôi thấy kiểu sống như vậy thật vô nghĩa.”

Anh LƯƠNG PHÚ NA, 34 tuổi: “Thế hệ của chúng tôi phải chịu áp lực rất lớn. Và nếu như ở lại thành phố, thì chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn khác. Tất cả mọi người xung quanh đều nói rằng, bạn phải mua nhà, mua xe, lập gia đình, coi đó là thước đo thành công duy nhất. Bạn không thể có con đường nào khác. Và nếu bạn không có tiền, bạn cũng sẽ cảm thấy như bạn không còn sự lựa chọn nào khác.”

Gắn bó với cuộc sống nông thôn đã được 3 năm, đến bây giờ, anh vẫn không thể quên những ngày tháng đầu tiên khi vừa học nghề làm vườn, vừa làm việc trực tuyến để duy trì thu nhập. Tuy nhiên, đến bây giờ, anh Lương cảm thấy không cần thiết phải kiếm quá nhiều tiền, khi thức ăn mỗi ngày đến từ chính mảnh vườn tự tay anh chăm bón.

Anh LƯƠNG PHÚ NA, 34 tuổi: “Sau khi tới đây, tôi cảm thấy những gì mà tôi đã từng coi trọng, ví dụ như nhà và xe hơi, thực ra lại chẳng quan trọng đến thế. Một vài người thường xuyên lo nghĩ liệu chuyện gì sẽ xảy ra khi về già, nên họ phải làm việc cực kỳ chăm chỉ để kiếm tiền. Nhưng sau khi bắt đầu làm nông, tôi không còn những lo lắng này nữa. Tôi gặp các cụ già trong làng, có cụ đã 80 tuổi và họ vẫn rất khỏe mạnh. Và vì cơ thể của họ khỏe mạnh, nên họ cũng không cần đến những thứ như bệnh viện hay bác sĩ.”

Hiện đang có hàng triệu người giống như chị Hồ Tư Cầm và anh Lương Phú Na đã tham gia vào phong trào bỏ phố về quê. Điều này có nghĩa là một số ngành nghề sẽ mất đi số lượng lớn lao động, nhưng bù lại, một lực lượng nông dân mới đầy tiềm năng đã gia nhập vào ngành sản xuất nông nghiệp, với những ý tưởng mới. Chính phủ Trung Quốc coi đây là tiềm năng lớn để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai, với các công ty khởi nghiệp sáng tạo giúp kết nối người nông dân và thị trường.

Đây là Thurayya, và vườn bơ của gia đình chị. Mỗi khi có khách ghé thăm trang trại, Thurayya đều dẫn họ ra đây, và giới thiệu với họ từng ngóc ngách của khu vườn. Đây là nơi Thurayya vô cùng gắn bó.

Chị THURAYYA, 28 tuổi: “Những gì tôi dự định làm hôm nay là tôi sẽ bắt đầu trồng súp lơ và cải xoăn. Hiện nay tôi dành phần lớn thời gian để hái bơ, vì tôi chưa thành thạo việc làm nông. Tôi đã phải học cách cắt tỉa cây trên youtube.”

Cuộc sống thường ngày của chị Thurayya, 28 tuổi, không giống với bạn bè cùng trang lứa. Sinh ra và lớn lên tại thủ đô Beirut, Li-băng, nhưng cuối năm ngoái, chị đã quyết định chuyển về sống tại trang trại trồng bơ của gia đình, ở làng Sinay, miền Nam Li-băng.

Chị THURAYYA, 28 tuổi: “Nếu chỉ cố gắng sống qua ngày, đến lúc nào đó bạn sẽ kiệt sức. Tôi không thể hình dung ra mình đã làm gì khi sống tại Beirut. Khó có thể diễn tả chính xác. Tôi chỉ nhớ là mình đã thức dậy vào buổi sáng rồi lại lên giường ngủ vào buổi tối, cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Tôi cũng không biết phải chi tiêu thế nào vì không kiếm được nhiều tiền.”

Đại dịch COVID-19 ập đến, kéo theo khủng hoảng kinh tế chưa từng có, khiến cho việc sinh sống tại các thành phố lớn trở thành gánh nặng. Tiền thuê nhà của Thurayya đã tăng lên gấp 4 lần chỉ trong vòng 2 năm qua. Trở về sống tại vùng nông thôn được coi là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề.

Chị THURAYYA, 28 tuổi: “Hóa đơn tiền điện ở Beirut rất đắt đỏ, và cũng rất khó để thuê nhà tại thành phố này. Bạn cũng không thể sống ở trung tâm thành phố vì chi phí thuê nhà rất đắt đỏ, còn nếu sống xa trung tâm thì lại tốn quá nhiều tiền xăng xe. Phương tiện giao thông công cộng không thuận tiện, và rất dễ gặp tắc đường. Bạn phải suy nghĩ hàng triệu lần trước khi làm bất cứ điều gì.”

Không chỉ chi phí sinh hoạt được cắt giảm, mà cuộc sống tại thôn quê cũng khiến cho chị Thurayya cảm thấy bình an. Không sống tại thành phố, nhưng chị vẫn có thể làm việc từ xa cho một tổ chức phi lợi nhuận. Tất cả thời gian còn lại được Thurayya sử dụng để học hỏi kiến thức làm vườn và trồng trọt từ những nông dân tại địa phương. Youtube cũng là nơi Thurayya học được nhiều kiến thức hữu ích.

Chị THURAYYA, 28 tuổi: “Đất đai là thứ luôn tồn tại. Nếu bạn chịu khó bỏ mồ hôi công sức, bạn có thể gieo hạt, gặt hái và nhìn thấy thành quả lao động của mình. Sau những tháng ngày lao động vất vả, bạn sẽ có trong tay rau tươi, trái ngọt và tất cả lương thực mà bạn cần.”

Chị THURAYYA, 28 tuổi: “Tôi muốn được theo dõi quá trình gieo trồng, từ khi gieo hạt cho đến khi thu hoạch, và tôi muốn được tự tay làm tất cả những điều đó.”

Li-băng không thực hiện điều tra dân số từ năm 1932, vì vậy, chưa có thống kê chính thức về số lượng người dân từ thành thị chuyển về nông thôn. Khu vực nông thôn cũng thường được coi là vùng kém phát triển, nơi tập trung nhiều người nghèo. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, xu hướng đô thị hóa tại Li-băng dường như đang chậm lại, do cơ hội việc làm ở các thành phố lớn hiện không còn hấp dẫn. Chi phí sinh hoạt tại thành thị cũng cao hơn ít nhất là 30% so với các vùng nông thôn.

Ngân hàng Bloominvest tại Li-băng cho biết, trong năm 2021, số lượng giấy phép xây dựng bên ngoài thủ đô Beirut đã tăng đột biến. Trong khi đó, Công ty tư vấn Information International ước tính, khoảng 5-7% cư dân tại nông thôn hiện nay thực chất là người di cư từ các thành phố lớn. Ước tính, dân cư sinh sống tại nông thôn chiếm 25% tổng dân số Li-băng, khoảng 1,1 triệu người. Như vậy, ước tính đã có khoảng 55.000-77.000 người chuyển về sống tại khu vực nông thôn. Con số này có thể sẽ còn tiếp tục tăng lên nếu tình trạng khủng khoảng kinh tế nghiêm trọng hơn, thất nghiệp gia tăng và chi phí sinh hoạt ở các đô thị tiếp tục tăng cao.

Trong khi đó, UN-Habitat – Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc tại Li-băng dẫn lời thị trưởng các thành phố cho biết, số lượng người dân thành thị di chuyển về vùng ngoại ô là khá lớn, tuy chưa có con số thống kê chính xác. Anh Hassan Trad, 44 tuổi cũng là một trong số đó. Vốn là chuyên viên thiết kế đồ họa, nhưng giờ đây, anh lại thích làm việc trên những cánh đồng hơn là ngồi trong văn phòng. Sinh ra tại Beirut, nhưng ngôi làng Kfar Tibnit, phía Nam Li-băng mới là nơi anh lựa chọn để gắn bó.

Anh HASSAN TRAD, 44 tuổi: “Tôi cảm thấy ngộp thở, quả thực rất ngột ngạt. Kể từ khi đại dịch bùng phát cho đến nay, tôi chỉ quay về Beirut tổng cộng 6 lần. Trong 6 chuyến đi đó, có những người bạn mà tôi không thể gặp, vì tôi không thể ở thành phố lâu hơn được, tôi muốn trở về làng.”

Hassan Trad bắt đầu nung nấu ý định rời khỏi thành phố từ năm 2016. Tuy nhiên, phải đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát và gây ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống, anh mới có đủ động lực để rời bỏ cuộc sống đô thị. Anh và gia đình chuyển về ngôi làng này từ năm ngoái.

Anh HASSAN TRAD, 44 tuổi: “Tôi thực sự cảm thấy thoải mái hơn kể từ khi bắt đầu làm nông. Cảm giác thật yên bình. Đó là điều mà công việc văn phòng không thể có.”

Vì là vùng nông thôn nên mọi chi phí sinh hoạt đều rẻ hơn. Học phí chỉ bằng một nửa so với ở thành phố. Có 4 người con, nên điều này là vô cùng quan trọng đối với Hassan Trad. Gánh nặng cơm áo gạo tiền được giảm nhẹ, không chỉ vậy, cuộc sống ở làng quê ít áp lực hơn. Anh có thể duy trì đồng thời công việc thiết kế đồ họa cho một số khách hàng, lại vẫn có thời gian để phát triển một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Anh xác định, nghề nông sẽ là nghề mà anh gắn bó trong tương lai.

Anh HASSAN TRAD, 44 tuổi: “Tôi đã tận dụng cuộc khủng hoảng này để đến gần hơn với công việc đồng áng, để được làm việc với đất đai.”

Cuộc sống tại vùng nông thôn cũng dạy cho anh Hassan Trad nhiều kiến thức mới. Từ một người xa lạ với công việc đồng áng, đến nay, niềm vui mỗi ngày của anh là được ra đồng và trồng trọt. Những cỗ máy, lúc đầu còn xa lạ, thì giờ đây đã trở thành người bạn quen thuộc hàng ngày của anh.

Anh HASSAN TRAD, 44 tuổi: “Mỗi khi một điều gì đó mới xảy ra, một cuộc khủng hoảng mới, bạn biết đấy, mọi thứ bắt đầu chồng chất lên nhau. Và mỗi khi một cuộc khủng hoảng mới xảy ra, tôi thường tự nhủ rằng: Cảm ơn chúa, vì tôi đã rời Beirut. Tôi muốn nói về cả khía cạnh an ninh, kinh tế và xã hội.”

Anh Hassan Trad chia sẻ, lúc đầu, nhiều bạn bè tỏ ra ngạc nhiên với quyết định của anh, nhưng dần dần, khi có cơ hội ghé thăm và tìm hiểu về những gì mà anh đang làm, nhiều người đã bày tỏ mong muốn có cuộc sống giống như anh.

Cuộc sống tại thành phố vốn đã nhiều cạnh tranh, nay lại càng trở nên không dễ dàng do tác động của đại dịch, với tỉ lệ thất nghiệp cao nhất được ghi nhận trong bối cảnh COVID-19 lên tới 40%. Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, tỷ lệ nghèo đa chiều tại Li-băng đã tăng gấp đôi, từ 42% (năm 2019) đến 82% (năm 2020). Theo các nhà nghiên cứu, Li-băng hiện đang chứng kiến làn sóng “di cư đảo chiều” hay “di cư ngược”, khi nhiều người dân thành thị lựa chọn chuyển về sống tại khu vực nông thôn. Điều này là trái ngược hoàn toàn với quá trình đô thị hóa trước đây, khi nhiều người từ nông thôn di cư tới các thành phố lớn để sinh sống, với niềm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các chuyên gia từ Information International cũng xác định rõ những đối tượng chính thường lựa chọn trở về nông thôn, bao gồm sinh viên đại học và người lao động mất việc làm.

Lượng người lao động dồi dào trở về từ thành thị cũng được coi là cơ hội để phát triển vùng nông thôn tại Li-băng, đưa nông nghiệp trở lại là trụ cột của nền kinh tế. Và để đạt được mục tiêu này, bài toán đặt ra cho chính phủ Li-băng là đầu tư nhiều hơn cho sự phát triển của các làng quê, cải thiện điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kĩ thuật số. Với sự quan tâm và hỗ trợ, những nông dân trở về từ thành thị sẽ phát huy hiệu quả nhất vai trò của mình, thay đổi bộ mặt của vùng nông thôn, đồng thời xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Từ khóa » Cuộc Sống Bỏ Phố Về Quê