Khi Xử Phạt Vi Phạm Hành Chính Có Tình Tiết Giảm Nhẹ Thì Có Bắt Buộc ...

Cho tôi hỏi, khi xử phạt vi phạm hành chính có bắt buộc phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung không? Việc xử phạt vi phạm hành chính có tình tiết giảm nhẹ thì có được không áp dụng phạt bổ sung không? Mục lục bài viết Nội dung chính
  • Khi xử phạt vi phạm hành chính có bắt buộc phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung?
  • Tình tiết nào được xem là tình tiết giảm nhẹ trong quy định xử phạt vi phạm hành chính?
  • Khi xử phạt vi phạm hành chính có tình tiết giảm nhẹ thì có được không áp dụng phạt bổ sung hay không?

Khi xử phạt vi phạm hành chính có bắt buộc phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung?

Căn cứ theo Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định:

"Điều 21. Các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng
1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);
đ) Trục xuất.
2. Hình thức xử phạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.
Hình thức xử phạt quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.
3. Mỗi vi phạm hành chính được quy định một hình thức xử phạt chính, có thể quy định một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung kèm theo.
Hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật này.”

Theo đó, đối với hình thức xử phạt cảnh cáo và phạt tiền thì chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính, không được áp dụng là hình thức xử phạt bổ sung. Hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và trục xuất có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính. Mỗi vi phạm hành chính được quy định một hình thức xử phạt chính, có thể quy định một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung kèm theo. Hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính. Như vậy, luật không quy định bắt buộc phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung khi xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp hành vi vi phạm đó có quy định áp dụng hình thức xử phạt bổ sung thì mới bắt buộc phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung.

Xử phạt vi phạm hành chính

Xử phạt vi phạm hành chính

Tình tiết nào được xem là tình tiết giảm nhẹ trong quy định xử phạt vi phạm hành chính?

Tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:

"Những tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ:
1. Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;
2. Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;
3. Vi phạm hành chính trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
4. Vi phạm hành chính do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;
5. Người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
6. Vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;
7. Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu;
8. Những tình tiết giảm nhẹ khác do Chính phủ quy định."

Khi xử phạt vi phạm hành chính có tình tiết giảm nhẹ thì có được không áp dụng phạt bổ sung hay không?

Theo Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định:

"1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;
đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
e) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân."

Theo đó, việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng. Hiện không có quy định về việc nếu có tình tiếp giảm nhẹ thì không áp dụng hình phạt bổ sung. Tình tiết giảm nhẹ chỉ áp dụng đối với hình phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. Cụ thể tại Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:

"Điều 22. Cảnh cáo
Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản."

Tình tiết giảm nhẹ chỉ xét về việc giảm mức tiền bị xử phạt tại khoản 9 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020:

"4. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt."

Từ khóa » Hình Phạt Tiền được áp Dụng Khi Vi Phạm