Khiếu Nại Là Gì? - Quy định Về Khiếu Nại

Khiếu nại là gì?Quy định về khiếu nạiMua tài khoản Hoatieu Pro để trải nghiệm website Hoatieu.vn KHÔNG quảng cáo & Tải tất cả các File chỉ từ 69.000đ. Tìm hiểu thêm Mua ngay Từ 69.000đ

Khiếu nại là gì? Khiếu nại là một quyền năng quan trọng để công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu về khiếu nại và biết phải khiếu nại thế nào?

Thế nào là khiếu nại?

  • 1. Khiếu nại là gì?
  • 2. Ví dụ về khiếu nại
  • 3. Quyền khiếu nại và tố cáo của công dân
  • 4. Người khiếu nại là?
  • 5. Giải quyết khiếu nại là?
  • 6. Quy trình khiếu nại
  • 7. Thời hạn khiếu nại

1. Khiếu nại là gì?

Theo điều 2 Luật Khiếu nại 2011, khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

=> Căn cứ để khiếu nại là quyết định, hành vi đó phải xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại

2. Ví dụ về khiếu nại

Ví dụ về khiếu nại

Ví dụ: UBND huyện X có quyết định thu hồi đất của A, A có căn cứ cho rằng quyết định thu hồi này là không chính xác vì A đã nộp thuế đất đầy đủ, đất không thuộc diện thu hồi. Nên A đã khiếu nại quyết định thu hồi đất của UBND huyện.

3. Quyền khiếu nại và tố cáo của công dân

Công dân có quyền khiếu nại tố cáo. Quyền khiếu nại của công dân được quy định và điều chỉnh tại Luật Khiếu nại 2011. Quyền tố cáo của công dân được quy định tại Luật Tố cáo 2018

Trong đó, tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

  • Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
  • Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

4. Người khiếu nại là?

Người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại.

5. Giải quyết khiếu nại là?

Theo điều 2 Luật Khiếu nại 2011, giải quyết khiếu nại là việc thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại.

6. Quy trình khiếu nại

Khiếu nại được thực hiện qua các bước sau:

Bước 1:

Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Người khiếu nại có thể làm đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp; được tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại.

Bước 2:

Người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Bước 3:

Người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Để hiểu thêm về quy trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại, mời các bạn tham khảo bài: Quy trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện theo mấy bước?

7. Thời hạn khiếu nại

Trong thời hạn bao lâu thì công dân không còn quyền khiếu nại?

Điều 9 Luật Khiếu nại 2011 quy định:

Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Trên đây, Hoatieu.vn đã trả lời câu hỏi Khiếu nại là gì? Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết có liên quan tại mục Hành chính, mảng Hỏi đáp pháp luật

Các bài viết liên quan:

  • Tuyển dụng công chức Hải quan 2021
  • Độ tuổi ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026
  • Hiệu trưởng là công chức hay viên chức?

Từ khóa » Vi Dụ Khiếu Nại Hành Chính