Khiếu Nại Là Gì? Tố Cáo Là Gì? Khái Quát Về Khiếu Nại Và Tố Cáo?

Mục lục bài viết

  • 1 1. Khiếu nại là gì? Tố cáo là gì?
  • 2 2. Đặc điểm của khiếu nại và tố cáo:
  • 3 3. Vai trò của giải quyết khiếu nại, tố cáo:
  • 4 4. Các hình thức khiếu nại hiện hành:
  • 5 5. Thủ tục khiếu nại quyết định hành chính:
  • 6 6. Quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân:

1. Khiếu nại là gì? Tố cáo là gì?

Khiếu nại là gì?

Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại quy đinh: “việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình“.

Tố cáo là gì?

Cùng với khiếu nại, quyền tố cáo của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật tố cáo và nhiều văn bản pháp luật khác. Khái niệm tố cáo có thể được hiểu dưới nhiều giác độ khác nhau, dưới góc độ pháp lý, theo Điều 2 của Luật Tố cáo thì tố cáo được quy định: “là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức“. Theo đó, tố cáo được chia làm 02 loại: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực là việc công dân báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đối với việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Giải quyết khiếu nại là gì? 

Khoản 11 Điều 2 Luật khiếu nại năm 2011 quy định: “giải quyết khiếu nại là việc thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại”. Căn cứ vào các quy đinh của Luật khiếu nại, Luật tố cáo và đặc trưng của của hoạt động quản lý hành chính nhà nước, TS Trần Văn Sơn đã đưa ra khái niệm giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước “là hoạt động kiểm tra, xác minh, kết luận về tính hợp pháp, tính hợp lý của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước để có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và lợi ích chung của nhà nước và xã hội.”

Giải quyết tố cáo là gì?

Giải quyết tố cáo là việc xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và việc quyết định xử lý của người giải quyết tố cáo. Khác với khiếu nại, các bước giải quyết tố cáo chỉ được Luật khiếu nại, tố cáo quy định mang tính chất nguyên tắc. Theo quan điểm của những người nghiên cứu, giải quyết tố cáo cũng bao gồm 3 bước giống như các bước giải quyết khiếu nại (chuẩn bị giải quyết; thẩm tra, xác minh; ra báo cáo cáo xác minh, kết luận, kiến nghị việc xử lý và hoàn chỉnh hồ sơ)

Pháp chế là gì?

Điều 12 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.” Pháp chế là một chế độ và trật tự pháp luật trong đó tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân đều phải tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để và chính xác. Pháp chế cần được đề cao thành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Nó đòi hỏi việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước phải được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật; mọi công chức nhà nước phải nghiêm chỉnh và triệt để tôn trọng pháp luật khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, mọi vi phạm pháp luật đều phải xử lý nghiêm minh. Thực hiện tốt nguyên tắc pháp chế là cơ sở đảm bảo cho bộ máy nhà nước hoạt động nhịp nhàng, đồng bô, phát huy đầy đủ hiệu lực của mình và bảo đảm công bằng xã hội.

Bảo đảm pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước là gì?

Bảo đảm pháp chế là tổng thể các biện pháp, phương tiện tổ chức pháp lí do các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân áp dụng nhằm thực hiện chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước và các tổ chức ấy cũng như việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.

Căn cứ vào nội dung và tính chất của các biện tổ chức – pháp lí, chúng ta có thể phân biệt các biện pháp bảo đảm pháp chế cơ bản gồm hoạt động giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước, hoạt động kiểm tra của các cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động xét xử của tòa án, hoạt động kiểm tra, giám sát của tổ chức xã hội và công dân. Những biện pháp này khi xét về tính chất có khác nhau nhưng nội dung của chúng đều thể hiện quyền lực của nhân dân lao động với sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

2. Đặc điểm của khiếu nại và tố cáo:

a. Đặc điểm của khiếu nại và giải quyết khiếu nại

Thứ nhất, mục đích của khiếu nại là bảo vệ và khôi phục lại quyền và lợi ích của người bị khiếu nại đã bị quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước xâm hại.

Thứ hai, về chủ thể khiếu nại, Khoản 1 Điều 1 và Điều 101 Luật khiếu nại thì chủ thể có quyền khiếu nại bao gồm: công dân, cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức; cá nhân, tổ chức nước ngoài có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan trực tiếp đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại. vip-popki.net/prostitutka-odessa

Thứ ba, đối tượng của khiếu nại hành chính là các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước.

Thứ tư, khiếu nại được thực hiện theo thủ tục hành chính được quy định trong Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b. Đặc điểm của tố cáo và giải quyết tố cáo

Thứ nhất, mục đích của tố cáo không chỉ để bảo vệ quyền và lợi ích của người tố cáo mà còn để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, xã hội và của tập thể, của cá nhân khác và nhằm trừng trị kịp thời, áp dụng các biện pháp nghiêm khắc để loại trừ những hành vi trái pháp luật xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, của cá nhân.

Thứ hai, chủ thể thực hiện quyền tố cáo theo như quy định trong Luật khiếu nại, Luật tố cáo chỉ có thể là công dân. Như vậy, khác với khiếu nại, là cả công dân, cơ quan tổ chức đều có quyền khiếu nại, nhưng thực hiện quyền tố cáo chỉ quy định cho đối tượng là cá nhân, quy định này nhằm cá thể hoá trách nhiệm của người tố cáo, nếu có hành vi cố tình tố cáo sai sự thật thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, đối tượng tố cáo là các hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Thứ tư, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Khác với khiếu nại, người khiếu nại phải thực hiện quyền khiếu nại với đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của mình thì đối với tố cáo, người tố cáo có thể tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đến cơ quan nhà nước. Nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết thì cơ quan đó có trách nhiệm chuyển đơn tố cáo.

3. Vai trò của giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Quản lí hành chính nhà nước là hoạt động chấp hành, điều hành được thực hiện bởi các cơ quan hành chính nhà nước nhằm thi hành pháp luật và tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của Nhà nước. Cơ quan hành chính nhà nước thực hiện các hoạt động khác nhau để đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lý hành chính nhà nước. Trong đó, hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những hoạt động quản lí nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước. Giải quyết khiếu nại và tố cáo có những vai trò sau:             

+ Một là, thông qua hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của cấp dưới. Để từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém và xử lí hành vi vi phạm pháp luật để xây dựng một nền hành chính vững mạnh, trong sạch, chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

+ Hai là, hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo là một hoạt động bảo đảm pháp chế trong quản lí nhà nước, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, bảo vệ lợi ích của nhà Nước, xã hội, bảo vệ trật tự kỷ cương, trật tự pháp luật, xử lí những hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước trước hết phải tuân theo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.

+ Ba là, thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vừa bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh, trí tuệ của nhân dân trong việc tham gia quản lí nhà nước, vừa bảo đảm kỷ cương, kỷ luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lý hành chính nhà nước.

+ Ngoài ra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có vai trò bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao hoạt động quản lý hành chính nhà nước và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo thực chất là giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân và đây cũng là một đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì thế, để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì các cơ quan hành chính nhà nước phải thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Giải quyết tốt, có hiệu quả khiếu nại, tố cáo là nhân tố tích cực tác động trở lại với hoạt động chấp hành và điều hành của cơ quan hành chính nhà nước.

4. Các hình thức khiếu nại hiện hành:

Tóm tắt câu hỏi: 

Xin chào luật sư, tôi muốn hỏi vấn đề sau mong luật sư tư vấn giúp. Theo quy định của pháp luật thì có những hình thức khiếu nại nào? Có bắt buộc phải khiếu nại thông qua hình thức là viết đơn hay không? Xin chân thành cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Điều 33 Luật Khiếu nại, tố cáo thì người khiếu nại có thể khiếu nại bằng một trong ba hình thức: Khiếu nại bằng đơn, khiếu nại trực tiếp hoặc khiếu nại thông qua người đại diện.

– Trường hợp việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên.

– Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp (tại cơ quan có thẩm quyền) thì cán bộ có trách nhiệm phải hướng dẫn người khiếu nại viết thành đơn hoặc ghi lại các nội dung như ở phần trên, có chữ ký của người khiếu nại.

-Trường hợp việc khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện phải có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và việc khiếu nại phải thực hiện theo đúng thủ tục quy định như trên.

5. Thủ tục khiếu nại quyết định hành chính:

Tóm tắt câu hỏi:

Chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: Doanh nghiệp A nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của đội 1 đội quản lý thị trường thị trường thuộc chi cục quản lý thị trường thành phố Cần Thơ. Doanh nghiệp A thấy không thỏa đáng. Hỏi doanh nghiệp A khiếu nại đến ai? Cảm ơn luật sư!

Luật sư tư vấn:

Khiếu nại theo khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại 2011 là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại.

Người bị khiếu nại là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại.

Trình tự, thủ tục khiếu nại theo Điều 7 Luật khiếu nại 2011 như sau:

– Khi có căn cứ quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc khởi  kiện ra Tòa án theo quy định Luật tố tụng hành chính 2015.

– Nếu không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lần 2 đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện ra Tòa án để giải quyết theo thủ tục  của Luật tố tụng hành chính 2015.

Căn cứ Điều 17, Điều 19 Luật khiếu nại 2011 quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại được xác định như sau:

Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.

Đội quản lý thị trường nói trên trực thuộc chi cục quản lý thị trường thành phố Cần Thơ. Do vậy, trong trường hợp này, doanh nghiệp có quyền khiếu nại lần đầu đến đội trưởng đội quản lý thị trường. Nếu không được giải quyết thì bạn có quyền khởi kiện theo Luật tố tụng hành chính 2015 hoặc khiếu nại lần 2 đến chi cục trưởng cục quản lý thị trường để được giải quyết.

6. Quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân:

Tóm tắt câu hỏi:

Xin chào Luật sư, xin cho em hỏi 2 vấn đề: – xin luật sư cho em ví dụ thế nào là khiếu nại, thế nào là tố cáo – xin luật sư cho em xin quy trình giải quyết ví dụ khiếu nại, tố cáo ở trên. Xin chân thành cảm ơn luật sư?

Luật sư tư vấn:

Định nghĩa về Tố cáo và Khiếu nại được quy định lần lượt tại khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2011 và khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 như sau:

– Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

– Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Ví dụ:

Anh A là công chức tại UBND xã X. Trong quá trình làm việc, anh A bị Chủ tịch UBND xã X, huyện Y ra quyết định kỷ luật trái pháp luật. Sự việc được nhiều người biết, trong đó có anh B cũng là đồng nghiệp của anh  A tại UBND xã X cảm thấy bất bình.

  • Luật áp dụng

– Khiếu nại: Luật Khiếu nại 2011

– Tố cáo: Luật Tố cáo 2011

  • Người thực hiện

– Khiếu nại:

Người khiếu nai: Anh A

(Người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Quyết định kỷ luật)

– Tố cáo:

Người tố cáo: Anh B

(Người biết về hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch UBND xã X gây thiệt hại về lợi ích cho anh A)

  • Đối tượng

– Khiếu nại: Quyết định hành chính kỷ luật trái pháp luật của Chủ tịch UBND xã X

– Tố cáo: Hành vi ra quyết đinh kỷ luật trái pháp luật của Chủ tịch UBND xã X

  • Yêu cầu thông tin

– Khiếu nại: Không quy định người khiếu nại chịu trách

– Tố cáo: Người tố cáo phải trung thực và chịu trách nhiệm về việc tố cáo sai sự thật nếu cố tình, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu cáo, vu khống theo quy định của Bộ luật Hình sự.

  • Thẩm quyền giải quyết

– Khiếu nại:

Khiếu nại lần đầu: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã X (Điều 17 – Luật Khiếu nại 2011)

Khiếu nại lần 2: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Y (Điều 18 – Luật Khiếu nại 2011)

– Tố cáo:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Y (Khoản 2 Điều 13 Luật Tố cáo 2011)

  • Trình tự giải quyết

– Khiếu nại:

Việc giải quyết khiếu nại lần đầu được thực hiện theo trình tự sau đây:

– Thụ lý giải quyết khiếu nại;

– Xác minh nội dung khiếu nại;

– Tổ chức đối thoại;

– Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu;

– Gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu;

Nếu anh A không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện Hành chính theo thủ tục Luật Tố tụng Hành chính 2015. Thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai theo trình tự sau đây:

– Thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai;

– Xác minh nội dung khiếu nại lần hai;

– Tổ chức đối thoại lần hai;

– Giải quyết khiếu nại lần hai;

– Gửi, công bố quyết định giải quyết khiếu nại.

(Cụ thể quy định tại Mục 2, Mục 3 Trình tự, thủ tục giải quyết Khiếu nại – Luật Khiếu nại 2011)

– Tố cáo:

Việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự sau đây:

1. Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo;

2. Xác minh nội dung tố cáo;

3. Kết luận nội dung tố cáo;

4. Xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo;

5. Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

(Cụ thể quy định tại Mục 2 Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo – Luật Tố cáo 2011)

  • Thời hạn giải quyết

– Khiếu nại:

1. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

2. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.

– Tố cáo:

1. Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.

2. Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.

Từ khóa » Vi Dụ Khiếu Nại Hành Chính