Khó Thở Kéo Dài Có Thể Báo Hiệu Bệnh Tim, Phổi - VnExpress

Khó thở, đôi khi được mô tả là "đói không khí", là một vấn đề về hô hấp khá phổ biến. Theo GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Giám đốc chuyên môn, cố vấn cao cấp Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, trung bình cứ 4 người đến khám bệnh về hô hấp thì có một người than phiền về chứng khó thở. Triệu chứng này được người bệnh mô tả cảm giác thiếu oxy, mệt mỏi, tức ngực, hụt hơi, hơi thở đứt quãng.

Tình trạng khó thở có thể xảy ra từ nhẹ đến nặng, khó thở khi gắng sức, khó thở khi leo cầu thang, khó thở từng lúc hoặc liên tục... Để điều trị chứng khó thở cần xác định đúng nguyên nhân.

Các triệu chứng khó thở thường gặp

Một người lớn khỏe mạnh có nhịp hít vào và thở ra ở trạng thái bình thường là 12- 18 lần một phút. Những biểu hiện của chứng khó thở gồm: ho, cảm thấy ngột ngạt hoặc ngạt thở, thở gấp, tức ngực, thở nhanh, nông, tim đập nhanh, thở khò khè, có thể có khó thở ra hoặc khó hít vào hoặc cả hai.

Giáo sư Châu cho biết, thường thì khó thở có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm. Vì thế, người bệnh cần đi khám ngay khi gặp phải một trong các triệu chứng: khó thở trong thời gian dài không rõ nguyên nhân; khó thở khởi phát đột ngột nhưng nghiêm trọng; khó thở thành cơn tái đi tái lại; giảm hoặc mất khả năng hoạt động do khó thở; khó thở kèm các triệu chứng như đau tức ngực; buồn nôn; khó thở khi nằm; sưng bàn chân và mắt cá chân; sốt, ớn lạnh và ho; thở khò khè, gầy sút cân...

Chớ coi thường chứng khó thở - dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng về tim, phổi. Ảnh: Shutterstock.

Khó thở là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng về tim, phổi. Ảnh: Shutterstock.

Giáo sư Châu cho biết, khó thở có thể là kết quả của tình trạng thiếu oxy trong máu, tức là mức oxy trong máu thấp. Vì thế, nếu người bệnh chủ quan với chứng khó thở mà không có biện pháp điều trị nào, não sẽ không được cung cấp đủ oxy để hoạt động trong thời gian dài, dẫn đến hiện tượng suy giảm nhận thức, giảm trí nhớ tạm thời hoặc vĩnh viễn. Đi kèm là một loạt biến chứng nguy hiểm khác như tổn thương não, thoái hóa não, đột quỵ, suy tim...

Nguyên nhân gây khó thở

Khó thở được coi là hiện tượng bình thường trong một số trường hợp gắng sức như: tập thể dục quá sức, leo núi, leo cầu thang quá nhiều hoặc làm việc nặng trong thời gian dài mà không nghỉ ngơi. Tình trạng này sẽ tự hết sau khi bạn ngưng các hoạt động thể chất kể trên. Tuy nhiên, giáo sư Châu cũng lưu ý, nếu khó thở xảy ra với tần suất liên tục mà không phải do vận động gắng sức, rất có thể bạn đang bị một bệnh lý nào đó.

Cơn khó thở bắt đầu một cách đột ngột, được gọi là khó thở cấp tính. Nguyên nhân dẫn đến khó thở cấp tính có thể do viêm phổi; cơn hen phế quản, hít phải dị vật cản trở đường hô hấp; dị ứng; thiếu máu; tiếp xúc với carbon monoxide nồng độ cao; suy tim; hạ huyết áp (huyết áp thấp); thuyên tắc phổi (một cục máu đông tồn tại trong động mạch phổi); tràn khí màng phổi, đôi khi do quá lo lắng về một vấn đề nào đó.

Nếu một người bị khó thở kéo dài hơn một tháng, tình trạng này được gọi là chứng khó thở mạn tính. Nguyên nhân có thể do bệnh hen suyễn; bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD); vấn đề tim mạch; thừa cân - béo phì; bệnh phổi kẽ; giãn phế quản, ngừng thở khi ngủ...

Ngoài ra, một số bệnh lý về phổi và tim khác cũng có thể dẫn đến hiện tượng khó thở như: viêm thanh khí phế quản cấp; chấn thương phổi; ung thư phổi; u trung thất; bệnh lao; lao nội phế quản; viêm màng phổi; tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi; phù phổi (xảy ra khi quá nhiều chất lỏng tích tụ trong phổi); tăng áp động mạch phổi; bệnh sarcoidosis (các cụm tế bào viêm phát triển trong phổi); bệnh cơ tim (viêm cơ tim, giãn cơ tim...); rối loạn nhịp tim; suy tim; viêm màng ngoài tim (tình trạng các mô bao quanh tim bị viêm).

Những người dễ mắc chứng khó thở

Theo giáo sư Châu, bên cạnh những người đang mắc các bệnh lý về tim và phổi, một số đối tượng dưới đây dễ có nguy cơ bị khó thở.

Phụ nữ mang thai

Khó thở nhẹ là triệu chứng rất thường gặp khi mang thai. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này như: thai phụ thở nhanh hơn, lượng máu trong cơ thể tăng lên nên tim phải làm việc nhiều hơn khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi trong quá trình hít thở, thể tích phổi giảm đi khi thai nhi phát triển gây áp lực lên cơ hoành vào cuối thai kỳ, thiếu máu...

Phụ nữ mang thai những tháng cuối nên nghỉ ngơi nhiều để tránh bị khó thở, hụt hơi. Ảnh: Shutterstock.

Phụ nữ mang thai những tháng cuối nên nghỉ ngơi nhiều để tránh bị khó thở, hụt hơi. Ảnh: Shutterstock.

Người mắc bệnh lý mạn tính

Chứng khó thở có thể xuất hiện khi bệnh nhân đang trải qua giai đoạn phát triển của một số bệnh lý, chẳng hạn như ung thư, đái tháo đường, bệnh về gan, thận...

Trẻ sơ sinh

Các bệnh lý đường hô hấp trên gây ra trạng thái khó thở cấp tính. Đây là một cấp cứu nhi khoa tương đối phổ biến. Ngoài ra, dị tật đường thở, hít phải dị vật và viêm nắp thanh quản cũng là các nguyên nhân phổ biến gây khó thở ở trẻ sơ sinh.

Nhịp thở của trẻ sơ sinh thường nhanh hơn người trưởng thành. Thông thường, trẻ sơ sinh hít thở 30-60 lần mỗi phút. Trẻ 6 tháng tuổi thì nhịp thở bình thường sẽ giảm xuống còn 25-40 lần mỗi phút.

Các bệnh lý tai mũi họng

Polype mũi, viêm mũi xoang dị ứng, vẹo vách ngăn mũi... cũng có thể gây cho người bệnh cảm giác khó thở.

Xét nghiệm máu là bước quan trọng trong quá trình thăm khám, chẩn đoán cho bệnh nhân bị chứng khó thở. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

Xét nghiệm máu là bước quan trọng trong quá trình thăm khám, chẩn đoán cho bệnh nhân bị chứng khó thở. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

Phương pháp điều trị chứng khó thở

Giáo sư Châu khuyến nghị, để điều trị chứng khó thở, bệnh nhân cần đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán nguyên nhân từ đó đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp.

Có chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý

Thừa cân - béo phì và lười vận động có thể là nguyên nhân gây khó thở, người bệnh nên hướng đến thực đơn ăn uống lành mạnh hơn và tập thể dục thường xuyên nhằm đưa cân nặng trở về giới hạn bình thường. Trong trường hợp đang bị một bệnh lý mạn tính, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp.

Phục hồi chức năng phổi

Nếu bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giãn phế quản, xơ phổi, tổn thương phổi sau Covid -19 và các vấn đề về phổi khác, bệnh nhân cần được chăm sóc bởi các bác sĩ chuyên khoa hô hấp. Bác sĩ sẽ đưa ra những liệu pháp điều trị phù hợp với tình trạng của người bệnh bao gồm thuốc, thở oxy, thở máy hoặc tiến hành liệu trình phục hồi chức năng phổi. Theo giáo sư Châu, đây là chương trình "tập thể dục cho phổi", các bác sĩ hoặc kĩ thuật viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn kỹ thuật thở và các kỹ thuật khác giúp phổi hoạt động hiệu quả hơn.

Duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học để phòng ngừa các bệnh lý tim và phổi. Ảnh: Shutterstock.

Duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học để phòng ngừa các bệnh lý tim và phổi. Ảnh: Shutterstock.

Phòng tránh khó thở

Theo giáo sư Châu, để ngăn ngừa tình trạng khó thở, người bệnh cần điều chỉnh lối sống và tập luyện các thói quen có lợi như không hút thuốc lá, duy trì cân nặng hợp lý. Ngoài ra, khi có tình trạng khó thở xảy ra, người bệnh cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Ô nhiễm môi trường và các hóa chất độc hại trong không khí cũng có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp. Vì vậy, mỗi người nên tập thói quen đeo khẩu trang mỗi khi ra đường. Nếu làm việc trong môi trường có chất lượng không khí kém, hãy sử dụng khẩu trang để lọc các chất gây kích ứng phổi, và đảm bảo nơi làm việc luôn sạch sẽ, thông thoáng.

Thu Hà

Từ khóa » Khó Thở Cả 2 Thì