Khoa Quản Lý Giáo Dục

I. Giới thiệu chung

Khoa Quản lý Giáo dục, trường Đại học Giáo dục được thành lập theo quyết định số 2049/QĐ – TCCB, ngày 6 tháng 7 năm 2009 của Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục trên cơ sở kế thừa và phát triển từ Tổ quản lý Giáo dục Khoa Sư phạm Đại học Quốc gia Hà nội (được xây dựng từ năm 1999).

Với chức năng chính là đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên ngành quản lý giáo dục từ cấp học đại học đến tiến sĩ đạt kiến thức nền tảng phong phú, hiện đại và sát thực tế, đáp ứng nhu cầu của xã hội về đội ngũ quản lý giáo dục. Khoa Quản lý Giáo dục với đội ngũ các nhà giáo là giáo sư, phó giáo sư – tiến sĩ đầu ngành về khoa học giáo dục và quản lý giáo dục đã và đang đào tạo cho xã hội số lượng lớn các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý và các chuyên viên quản lý giáo dục. Hiện nay khoa Quản lý Giáo dục đang được sử dụng một đội ngũ hùng hậu gồm 78 giảng viên và viên chức, trong đó bao gồm giáo viên cơ hữu và giảng viên kiêm nhiệm, thỉnh giảng theo hợp đồng. Trong số 78 giảng viên tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học có 10 giáo sư, 35 phó giáo sư và 33 tiến sỹ..

Đứng trước xu hướng toàn cầu hóa và gia tăng áp lực nhanh chóng từ trong và ngoài nước về yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trong mỗi nhà trường đòi hỏi các cán bộ quản lý giáo dục, các nhà quản trị trường học cần có những thay đổi từ chính mình. Tại Khoa Quản lý Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi đã sẵn sàng góp phần đào tạo các thế hệ cán bộ quản lý giáo dục trong giai đoạn mới hội tụ trí tuệ, năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu của xã hội thông qua sự hợp nhất các lý thuyết về quản lý giáo dục, quản trị trường học tiên tiến hiện nay cùng với các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiệu trưởng sẽ được Bộ Giáo dục chính thức ban hành.

Với nỗ lực tiếp cận tối đa nhu cầu người học, Khoa Quản lý Giáo dục đã xây dựng nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau với sự đa dạng về nội dung và mô hình triển khai. Cụ thể là chương trình đạo tạo trình độ thạc sĩ Quản lý Giáo dục và thạc sĩ Quản trị trường học theo cả hai hướng nghiên cứu, ứng dụng. Bên cạnh đó, các chương trình đạo tạo Tiến sĩ vốn là ưu thế của Đại học Giáo dục cũng ngày càng được đổi mới và hoàn thiện cung cấp cho người học cơ hội tham gia học tập và nghiên cứu với những mục tiêu khác nhau phù hợp với nhu cầu của cá nhân. Các chương trình đào tạo đang được thực hiện tại Khoa Quản lý Giáo dục là sản phẩm trí tuệ của tập thể các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, quản lý giáo dục, phát triển chương trình, các nhà quản lý vĩ mô và các cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục với tư cách là học viên, cựu học viên và cả với tư cách người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, chương trình còn có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế đến từ các trường Đại học có uy tín về đạo tạo chuyên ngành Quản lý Giáo dục như Birmingham University; Glassgow University; Waigato University...

Mục tiêu của chương trình đào tạo phản ánh được tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản giáo dục đào tạo, trong đó cụ thể là các yêu cầu đặt ra đối với cán bộ quản lý giáo dục, đó cũng là bao gồm 5 tiêu chuẩn và 21 tiêu chí về Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông trong dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Các học phần như: chuyên đề Xây dựng chiến lược nhà trường, Quản lý đề án, Xây dựng văn hóa nhà trường nhằm quản trị nhà trường một cách hiệu quả, bền vững trong bối cảnh nhiều thay đổi; chuyên đề Giám sát hoạt động dạy học, giáo dục, Quản lý đào tạo, Kỹ năng quản lý, lãnh đạo... góp phần hoàn thiện năng lực xây dựng môi trường giáo dục chuẩn mực của một nhà trường sư phạm; chuyên đề Huy động cộng đồng phát triển giáo dục, Quan hệ truyền thông... giúp nhà trường kết nối được với cộng đồng, huy động sức mạnh của cộng đồng và xã hội trong xây dựng và phát triển nhà trường; chuyên đề Quản lý CNTT trong nhà trường, Ngoại ngữ, Tin học...hình thành và phát triển ở người học năng lực chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng CNTT trong quản lý nhà trường. Nội dung các chương trình còn hướng tới mục tiêu đào tạo những nhà lý lãnh đạo, quản lý nhà trường có tư duy sáng tạo, góp phần vào phát triển một nền giáo dục có tính bền vững. Tính cập nhật, hiện đại, linh hoạt, khoa học và thực tiễn là điểm dễ nhận ra của các chương trình đào tạo đang được triển khai tại Khoa. Tính chất này còn được phản ánh và phát huy trong các chương trình bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng theo nhu cầu mà Khoa Quản lý Giáo dục đang thực hiện.

Trung thành với quan điểm “đáp ứng yêu cầu thực tiễn giáo dục và nhu cầu của người học”, ngoài việc coi trọng nội dung, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cũng được phân bổ thời gian hợp lý, khoa học, các học phần được sắp xếp một cách mạch lạc và nhất quán. Chiến lược giảng dạy phù hợp với lý thuyết học tập dành cho người lớn, ưu tiên sử dụng mô hình hóa trong dạy học. Chúng tôi tiên phong trong việc cung cấp hỗ trợ về huấn luyện, thực hành và tư vấn của chuyên gia đáp ứng nhu cầu của người học một cách thường xuyên nhất. Ưu tiên việc kết nối bối cảnh thực tiễn trong hoạt động quản lý đang diễn ra trong nhà trường, các hình thức tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm (visiting school) được chủ động thiết kế đưa vào chương trình với từng loại hình nhà trường cụ thể như trường mầm non, trường phổ thông, cơ sở đào tạo, dạy nghề...

Bất kể mục tiêu của người học ra sao, chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Khoa Quản lý Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ hứa hẹn là điểm khởi đầu cho ước mong nghề nghiệp của cá nhân. Mỗi học viên tại khoa Quản lý Giáo dục sẽ được trao một công cụ tuyệt vời để đảm nhận vai trò là người lãnh đạo nhà trường trong giai đoạn mới.

II. Cơ cấu tổ chức

1. Ban chủ nhiệm Khoa

- Chủ nhiệm Khoa: PGS.TS Dương Thị Hoàng Yến

- Phó chủ nhiệm Khoa: TS. Mai Quang Huy

2. Danh sách giảng viên

- Bộ môn Quản lý cơ sở giáo dục

+ CNBM: PGS.TS Đặng Xuân Hải

+ TS. Nguyễn Thị Tuyết

- Bộ môn Lý luận quản lý

+ CNBM: GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc

+ PGS.TS Dương Thị Hoàng Yến

+ TS Nguyễn Phương Huyền

- Bộ môn Khoa học quản lý chuyên ngành

+ CNBM: TS. Phạm Văn Thuần

+ PGS.TS Trịnh Văn Minh

+ TS Đỗ Thị Thu Hằng

3. Danh sách giảng viên tham gia đào tạo (xem tại đây)

III. Các nhiệm vụ chính

1. Đào tạo

- Cử nhân

Hệ đào tạo cử nhân đại học trang bị cho người học những kiến thức chuyên môn toàn diện về ngành đào tạo, kỹ năng áp dụng kiến thức vào hoạt động thực tiễn, năng lực làm việc độc lập, năng lực nghiên cứu, tự học và sáng tạo để áp dụng vào những hoạt động thực tiễn trong giáo dục.

Hiện nay, hệ đào tạo cử nhân của khoa gồm có đào tạo vừa học vừa làm, đào tạo văn bằng hai...

- Thạc sĩ

Mục tiêu đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Giáo dục là đào tạo học viên có phẩm chất chính trị, vững vàng về kiến thức, năng động, sáng tạo, nắm vững lý thuyết và kỹ năng thực hành; có khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề trong công tác Quản lý giáo Dục.

Học viên được đào tạo theo chương trình này, khi tốt nghiệp, có thể làm việc ở các cơ sở đào tạo đại học, các cơ quan quản lý giáo dục, các tổ chức quốc tế hoạt động về giáo dục hoặc có thể tiếp tục theo học ở bậc đào tạo trình độ tiến sĩ.

- Tiến sĩ

Chương trình đào tạo nhằm bồi dưỡng nâng cao cho nghiên cứu sinh những kiến thức chuyên sâu, hiện đại về giáo dục học, về khoa học quản lý nói chung, quản lý giáo dục nói riêng, về những vấn đề kinh tế - xã hội của phát triển giáo dục, kiến thức chuyên sâu chuyên ngành hẹp và kỹ năng về quản lý giáo dục.

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, Tiến sĩ quản lý giáo dục có thể đảm nhiệm tốt các công tác tại các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở đào tạo, các tổ chức xã hội, giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu khoa học giáo dục hoặc tham gia thiết kế, triển khai và quản lý các dự án giáo dục.

2. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

Song song với nhiệm vụ đào đạo, nghiên cứu khoa học được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, vấn đề nghiên cứu mới, kết quả nghiên cứu thể hiện tính đi trước, đón đầu được những xu thế phát triển của hệ thống giáo dục

Các hướng nghiên cứu chính đã và đang triển khai thực hiện:

- Chính sách giáo dục

- Hệ thống giáo dục

- Các cơ chế quản lý

- Quản lý các thiết chế giáo dục

- Quản lý các hoạt động giáo dục

- Quản lý phát triển các chương trình giáo dục

- Quản lý chất lượng giáo dục

- Quản lý nguồn nhân lực trong giáo dục

- ....

3. Phục vụ cộng đồng

Ngoài các nhiệm vụ đào tạo chính qui bậc cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ chuyên ngành Quản lý Giáo dục, Khoa Quản lý Giáo dục đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện chương trình bồi dưỡng cán bộ Quản lý Giáo dục từ bậc mầm non đến đại học. Tham gia các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ Quản lý Giáo dục các cấp trong khuôn khổ các dự án của Bộ Giáo dục & Đào tạo và các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.

IV. Các hướng nghiên cứu luận văn thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Giáo dục

1. Danh mục tên luận văn thạc sĩ

- Danh mục Luận văn thạc sĩ K9 QLGD

- Danh mục Luận văn thạc sĩ K10 QLGD

- Danh mục Luận văn thạc sĩ K11 QLGD

- Danh mục Luận văn thạc sĩ K12 QLGD

- Danh mục Luận văn thạc sĩ K13 QLGD

- Danh mục Luận văn thạc sĩ K14 QLGD (Quyết định giao đề tài Đợt 1, Đợt 2)

2. Hướng nghiên cứu luận văn, luận án (xem tại đây)

V. Quan hệ quốc tế

Trong quá trình đào tạo và phát triển, đội ngũ cán bộ Khoa Quản lý Giáo dục đã không ngừng phấn đấu và nâng cao quyết tâm xây dựng và bước đầu đã đạt được những thành quả về hợp tác quốc tế như:

+ Chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ Quản lý Giáo dục với đại học New England (Australia).

+ Dự án nâng cao năng lực và tăng cường khả năng đào tạo trong lĩnh vực quản lý giáo dục tại Việt Nam do cơ quan hợp tác quốc tế về giáo dục đại học Hà Lan (NUFFIC) tài trợ.

+ Một số chương trình liên kết đào tạo khác.

VI. Danh hiệu thi đua

- Về danh hiệu cá nhân : 1 HCLĐ hạng nhì, 2 NGƯT, 1 BK TTCP, 03 BK của GĐ ĐHQGHN, 01 BK của UBND Tỉnh, 1 lượt CSTĐ cấp Bộ, 4 lượt CSTĐ cấp ĐHQGHN, 01 Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ”.

- Về tập thể : 5 năm liền đạt TTLĐXS, 03 lần được BK ĐHQGHN, bằng khen của bộ trưởng Bộ GD&ĐT năm 2015.

+ Chi bộ Đảng: Từ năm 2009 đến năm 2015 đạt danh hiệu cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh và có năm đạt được danh hiệu cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

+ Công đoàn: Từ năm 2009 đến năm 2015 luôn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, đặc biệt năm học 2013-2014 đạt danh hiệu Công đoàn vững mạnh xuất sắc.

VII. Địa chỉ liên hệ

Văn phòng Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN

Địa chỉ: Phòng 603, 604 Nhà C0, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN

Số 182, Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: 0247 3017 123 (máy lẻ 3603, 3604)

Giáo vụ Khoa

Ths. Nguyễn Thị Na

Email: nant@vnu.edu.vn

Từ khóa » đại Học Sư Phạm Ngành Quản Lý Giáo Dục