Khoản Tiền Bù đắp Về Tinh Thần | Luật Sư Nha Trang
Có thể bạn quan tâm
“bù đắp về tinh thần” do bị xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín là khoản tiền mà người bị xâm phạm hoặc người thân thích của người bị xâm phạm được hưởng theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Trước khi ban hành Bộ luật Dân sự năm 1995, pháp luật chưa có quy định nào buộc người gây thiệt hại phải bồi thường khoản tiền này. Lý do là còn quan niệm cho rằng, tổn thất về tinh thần, danh dự, nhân phẩm, uy tín không thể lượng hóa để tính ra thành tiền được bởi “tinh thần” được coi là một phạm trù “phi vật chất”. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử cho thấy, việc buộc người gây thiệt hại phải bồi thường một khoản tiền để “bù đắp về tinh thần” cho người bị thiệt hại (nếu là sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm) hoặc cho người thân thích của người bị thiệt hại (nếu là tính mạng bị xâm phạm) là cần thiết, phù hợp với tập quán và truyền thống văn hoá xã hội của dân tộc Việt Nam và cũng là thông lệ trên thế giới.
Bộ luật dân sự năm 1995 ra đời đã quy định về khoản tiền “bù đắp về tinh thần” nhưng chỉ quy định: Tuỳ từng trường hợp, Toà án quyết định buộc người xâm phạm phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, còn khoản tiền đó là bao nhiêu thì Bộ luật không quy định. Do đó, thực tiễn xét xử các Toà án địa phương đã áp dụng không thống nhất. Để khắc phục tình trạng này, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; trong đó có khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết này thì:
– Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm,…
– Đối với khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp tính mạng bị xâm phạm thì người được nhận là những người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, người trực tiếp nuôi dưỡng nạn nhân. Mức bồi thường chung khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương, tính theo mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
– Đối với khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp sức khoẻ bị xâm phạm thì người bị thiệt hại đương nhiên được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần cần căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân,… Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương, tính theo mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
– Đối với khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị xâm phạm. Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương, tính theo mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Nội dung hướng dẫn trên đã được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 thay thế Bộ luật Dân sự năm 1995.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 610 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì người xâm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Như vậy, trải qua một thời gian dài với nhiều quan điểm khác nhau, khoản tiền “bù đắp tổn thất về tinh thần” đã được Quốc hội chính thức quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 một cách chi tiết, bảo đảm việc áp dụng khi xét xử các vụ án dân sự và vụ án hình sự có phần bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Sau khi Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực (01-01-2006), ngày 08-7-2006 Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trong đó có khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08-7-2006 thì:
Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.
– Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị thiệt hại. Trong mọi trường hợp, khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần cần căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân…Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
– Người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm trong trường hợp này là những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại. Trường hợp không có những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, thì người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại. Trong mọi trường hợp, khi tính mạng bị xâm phạm, những người thân thích của người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào địa vị của người bị thiệt hại trong gia đình, mối quan hệ trong cuộc sống giữa người bị thiệt hại và những người thân thích của người bị thiệt hại…Mức bồi thường chung khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho tất cả những người thân thích của người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của họ, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị xâm phạm. Trong mọi trường hợp khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào hình thức xâm phạm (bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình….), hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm…Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường”.
Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng hướng dẫn tương đối cụ thể về trường hợp bồi thường khoản tiền “bù đắp tổn thất về tinh thần” nhưng thực tiễn xét xử vẫn có nhiều trường hợp vướng mắc khi phải giải quyết khoản tiền “bù đắp tổn thất về tinh thần” đối với trường hợp tính mạng bị xâm phạm. Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mới hướng dẫn trường hợp có một người chết và có nhiều người được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, nhưng chưa hướng dẫn trường hợp có nhiều người bị chết mà có một người hoặc một số người thân thích với người đã chết được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần thì xác định mức bồi thường như thế nào?
Ví dụ: Khoảng 6 giờ ngày 29-3-2005, Nguyễn Quốc S lái xe ô tô tải biển kiểm soát 70H-3683 (do bà Nguyễn Thị Th là chủ sở hữu) chở 10 tấn hạt điều lưu thông trên quốc lộ 1A, hướng từ ngã tư An Sương về Thủ Đức. Khi đến giao lộ 1A và đường Nguyễn Văn Quá thuộc phường Tân Thới Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh, do không làm chủ tốc độ, xử lý tay lái kém, S để xe lao chéo sang trái đường đâm vào 3 xe máy đang đi từ hướng ngược chiều là: xe máy do anh Nguyễn Ngọc A điều khiển phía sau chở anh Sơn Ngọc T; xe máy do anh Vũ Hoài N điều khiển phía sau chở hai con là Vũ Thu H và Vũ Văn Q và xe máy do chị Nguyễn Thị M điều khiển. Sau khi đâm vào 3 xe máy trên, xe ôtô do S điều khiển còn tiếp tục lao vào quán cà phê ở phía trái đường, đâm vào 5 xe máy, 2 xe đạp và đâm vào ông Đoàn Văn N, Nguyễn Văn V, anh Nguyễn Ngọc Phan T.
Tai nạn xảy ra làm 4 người bị chết là anh Vũ Quốc N cùng với hai con của anh N là cháu Vũ Thu H, cháu Vũ Văn Q và anh Nguyễn Ngọc Phan T. Ngoài ra còn 7 người khác bị thương và hư hỏng một số tài sản.
Tại bản án hình sự sơ thẩm, ngoài việc quyết định về tội danh, hình phạt đối với Nguyễn Quốc S, các khoản tiền bồi thường thiệt hại về người và tài sản đối với những người khác, Toà án cấp sơ thẩm còn buộc bà Nguyễn Thị Th (chủ phương tiện) bồi thường cho gia đình anh N khoản tiền bù đắp về tinh thần là 12.600.000 đồng (36 tháng x 350.000 đồng).
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 15-12-2005, đại diện gia đình anh N kháng cáo đề nghị xét xử lại phần dân sự.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số, Toà án cấp phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm, buộc bà Nguyễn Thị Th bồi thường tổn thất về tinh thần cho vợ anh N số tiền 63.000.000 đồng (350.000 đồng/01 tháng x 180 tháng).
Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Th người phải bồi thường khoản tiền tổn thất về tinh thần không đồng ý với quyết định của Toà án cấp phúc thẩm nên đề nghị cấp giám đốc thẩm xét lại bản án phúc thẩm về quyết định này của Toà án cấp phúc thẩm.
Khi trao đổi, thảo luận về quyết định của Toà án cấp phúc thẩm đối với khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà Toà án cấp phúc thẩm quyết định buộc bà Nguyễn Thị Th phải bồi thường cho vợ anh N, có nhiều ý kiến khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP ngày 28-4-2004 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao chỉ mới có hướng dẫn là một người chết có một người thân thích hoặc có nhiều người thân thích thì tất cả những đó chỉ được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (nếu hai bên không thoả thuận được), mà chưa hướng dẫn trường hợp có nhiều người chết, có nhiều người thân thích thì mức bồi thường được xác định như thế nào. Mặt khác, tại khoản 2 Điều 610 Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ quy định: “Người xâm tính mạng của người khác” chứ không quy định một người hay nhiều người và mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Do đó, trường hợp trong một gia đình có nhiều người bị chết thì những mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa cũng không được vượt quá 60 tháng lương tối thiểu. Trong vụ án trên, anh Vũ Quốc N cùng với hai con của anh N là cháu Vũ Thu H, cháu Vũ Văn Q bị chết thì những người thân thích của anh N, cháu H và cháu Q chỉ được bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa không được vượt quá 60 tháng lương tối thiểu. Toà án cấp phúc thẩm buộc bà Nguyễn Thị Th bồi thường tổn thất về tinh thần cho vợ anh N số tiền 63.000.000 đồng (350.000 đồng/01 tháng x 180 tháng) là không đúng quy định của Bộ luật Dân sự .
Quan điểm thứ hai cho rằng, nếu trong một gia đình có nhiều người bị xâm phạm về tính mạng, thì người thứ nhất được bồi thường mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu, từ người thứ hai trở đi được tính theo tỷ lệ % giảm dần của mức tối đa 60 tháng lương. Ví dụ: Nếu người bị xâm phạm tính mạng thứ nhất được tính mức tối đa là 60 tháng lương, thì người bị xâm phạm tính mạng thứ hai được tính 80% của 60 tháng lương là 48 tháng lương, còn người bị xâm phạm tính mạng thứ ba được tính 60% của 60 tháng lương là 36 tháng lương. Theo quan điểm này thì trường hợp đối với 3 người chết trong vụ án trên những người thân thích của anh N, cháu H và cháu Q chỉ được bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa không được vượt quá 144 tháng lương tối thiểu.
Quan điểm thứ ba cho rằng, khoản 2 Điều 610 Bộ luật Dân sự quy định: “Người xâm phạm tính mạng của người khác” có nghĩa là xâm phạm đến tính mạng của một người chứ không thể hiểu là xâm phạm đến tính mạng của nhiều người khác. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu là đối với một người bị xâm phạm tính mạng. Nếu có nhiều người bị xâm phạm tính mạng, thì cứ mỗi người bị xâm phạm đến tính mạng, những người thân thích được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu. Nếu có 3 người bị xâm phạm tính mạng thì những người thân thích được hưởng tối đa không quá 180 tháng lương tối thiểu; ba người chết trong một gia đình mức độ tổn thất về tinh thần không thể như một người chết được. Giả thiết có ba người chết trong ba gia đình khác nhau thì người xâm phạm đến tính mạng cũng phải bồi thường khoản tiền cho mỗi người chết là không quá 60 tháng lương. Vậy có gì khác giữa ba người chết trong một gia đình với ba người chết trong ba gia đình, chưa kể ba người chết trong một gia đình sự đau thương mất mát về tinh thần còn cao hơn nhiều so với trường hợp ba người chết trong ba gia đình. Theo quan điểm này thì Toà án cấp phúc thẩm buộc bà Nguyễn Thị Th bồi thường tổn thất về tinh thần cho vợ anh N số tiền 63.000.000 đồng (350.000 đồng/01 tháng x 180 tháng) là đúng quy định của Bộ luật Dân sự.
Các quan điểm trên đều chứa đựng nhân tố hợp lý. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì chưa có quan điểm nào nêu ra được căn cứ xác đáng, chưa thể hiện đúng nội dung quy định của Bộ luật Dân sự, cũng như hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần.
Trước hết cần khẳng định rằng: khoản tiền “bù đắp tổn thất về tinh thần” không phải là đại lượng để xác định những thiệt hại về tinh thần mà người bị thiệt hại hoặc người thân thích của họ bị tổn thất. Bởi lẽ, những tổn thất về tinh thần không thể xác định được một cách chính xác hoặc tương đối chính xác như thiệt hại về vật chất; mức độ tổn thất về tinh thần nhiều hay ít cũng không phụ thuộc vào tính chất nguy hiểm của hành vi xâm phạm; cũng không phụ thuộc vào hình thức lỗi của người xâm phạm (cố ý hay vô ý), mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, giảm sút hoặc mất uy tín, bị xa lánh, bị hiểu lầm của người bị thiệt hại hoặc người thân thích của nạn nhân.
Mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm cũng là một đại lượng khó xác định. Không thể đưa ra một đại lượng chung cho mọi trường hợp, mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xác định. Thực tiễn xét xử cho thấy, có trường hợp một người bị chết nhưng những người thân thích của người đó không hề tỏ ra một chút đau thương, buồn phiền gì cả, thậm chí còn mong người đó chết cho “thoát nợ”. Ví dụ: Lê Hoàng N là một thanh niên hư hỏng từ Bð. Lớn lên, N lao vào con đường nghiện ngập, cờ bạc. Nhà chỉ có hai mẹ con nên bà H mẹ của N bất lực không dạy dỗ được H đành buông xuôi. Mỗi lần N xin tiền để cờ bạc, hút hít, nếu bà H không cho thì N chửi mắng bà thậm tệ. Có lần, N dùng dao doạ bà H nếu không đưa tiền thì sẽ giết. Mỗi lần, N đi đâu về nhà là bà H lo sợ tìm cách tránh mặt N. Bà H thường tâm sự với mọi người rằng, thằng N có chết đi thì tôi mới thoát nợ. Đã có lần, bà H định bỏ thuốc độc vào cơm cho N ăn nhưng bà lại sợ. Một hôm, có người báo cho bà H biết N thua bạc không có tiền trả đã đánh nhau với các con bạc khác và bị đâm chết. Biết N bị đâm chết, nhưng bà không khóc, cũng không buồn phiền mà tỏ ra yên tâm hơn vì từ nay bà được sống một cuộc sống bình yên, không nơm mớp lo sợ khi thấy N về nhà nữa. Trong trường hợp này, những tổn thất về tinh thần mà bà H phải chịu không đáng kể nếu không nói là không có. Ngược lại, có trường hợp tuy tính chất nguy hiểm của hành vi xâm phạm không lớn, người xâm phạm thực hiện hành vi của mình do vô ý, nhưng người bị thiệt hại hoặc người thân thích của nạn nhân lại lo âu, buồn phiền tột độ, thậm chí bị suy kiệt về sức khoẻ không phục hồi được. Ví dụ: Bà Vũ Thị C là vợ liệt sĩ có người con gái là Đặng Thị Phương D. Sau khi chồng hy sinh, bà C ở vậy nuôi con. Chị D lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà C. Năm 18 tuổi, Phương D thi đỗ vào trường Đại học Ngoại thương. Vì thương mẹ vất vả nên tuần nào Phương D cũng về thăm Mủ. Bà C thường tâm sự với bà con hàng xóm rằng, nếu cái D có bề gì thì chắc tôi cũng theo nó luôn. Bà chỉ yên tâm khi thấy D ở bên bà. Sang năm học thứ hai, Trường tổ chức cho sinh viên đi thăm quan và chuyến đi này, do lái xe ô tô vi phạm quy định về an toàn giao thông nên đã gây ra tai nạn làm 3 người chết trong đó có Phương D con gái bà C. Nhận được tin con chết, bà C như người mất trí, khóc than, bỏ ăn hàng tuần. Do quá buồn phiền, nên bà C bị mắc bệnh tâm thần dạng trầm cảm, gia đình phải đưa bà vào bệnh viện tâm thần điều trị. Trong trường hợp này, những tổn thất về tinh thần mà bà C phải chịu là rất lớn có bù đắp bao nhiêu cũng không đủ.
Như vậy, mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, giảm sút hoặc mất uy tín, bị xa lánh, bị hiểu lầm của người bị thiệt hại hoặc người thân thích của nạn nhân là căn cứ để quyết định mức tiền bù đắp tổn thất về tinh thần chứ không phải căn cứ vào mức độ lỗi của người gây thiệt hại. Vì vậy, khi xác định mức tiền để buộc người gây thiệt hại bồi thường cho người bị thiệt hại hoặc người thân thích của nạn nhân phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể và nhất thiết phải xác định mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, giảm sút hoặc mất uy tín, bị xa lánh, bị hiểu lầm của người bị thiệt hại hoặc người thân thích của nạn nhân.
Vấn đề còn lại và cũng là vấn đề trọng tâm của bài viết này vẫn còn các ý kiến khác nhau là: Trong một gia đình cùng một lúc có nhiều người bị xâm phạm đến tính mạng (nhiều người chết) thì xác định mức bồi thường như thế nào? Như trên chúng tôi đã phân tích, không thể xác định một cách máy móc cứ một người bị xâm phạm đến tính mạng (một người chết) thì mức bù đắp tổn thất về tinh thần là “một suất” (không quá 60 tháng lương tối thiểu) còn hai người chết thì mức bù đắp tổn thất về tinh thần là “hai suất” (120 tháng lương tối thiểu), còn ba người chết thì mức bù đắp tổn thất về tinh thần là “ba suất” (180 tháng lương tối thiểu). v. v… mà phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm của người thân thích của các nạn nhân mà xác định mức bù đắp tổn thất về tinh thần nhưng không được quá mức mà Bộ luật Dân sự đã quy định. Trường hợp có nhiều người bị xâm phạm tính mạng nhưng chỉ có một người được hưởng tiền bù đắp tổn thất về tinh thần thì trước hết phải xác định mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm nhưng mức tối đa cũng không quá 60 tháng lương tối thiểu đối với một người bị xâm phạm về tính mạng. Nếu có 3 người chết thì mức tối đa không quá 180 tháng lương tối thiểu. Chúng tôi đặt vấn đề như vậy là xuất phát từ quy định tại khoản 2 Điều 610 Bộ luật Dân sự: “người xâm phạm tính mạng của người khác” tức là, xâm phạm tính mạng của một người chứ không quy định “người xâm phạm tính mạng của nhiều người khác”. Mặt khác, việc một người có tới 3 người thân thích bị chết nếu các yếu tố khác tương tự như nhau thì thông thường mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm phải gấp 3 lần so với trường hợp chỉ có một người thân thích bị chết. Tuy nhiên, khi xác định khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho một người có 3 người bị xâm phạm tính mạng không nên đơn giản làm một phép tính số học: 1 người thì 60 tháng lương, 3 người thì lấy 60 x 3 = 180 tháng lương, làm như vậy thì quy định “bù đắp tổn thất về tinh thần” không còn ý nghĩa nữa.
Trở lại vụ án trên, việc Toà án cấp sơ thẩm chỉ buộc bà Th bồi thường 12.600.000 đồng khoản tiền bù đắt tổn thất về tinh thần cho chị Ph và Toà án cấp phúc thẩm sửa quyết định này, buộc bà Th bồi thường cho chị Ph 180 tháng lương với số tiền 63.000.000 đồng, chúng tôi có một số ý kiến như sau:
Xác định khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, Toà án cấp sơ thẩm đã không xác định có bao nhiêu người thân thích của anh N, 2 cháu H và Q được bù đắp tổn thất về tình thần. Ngoài chị Ph thì còn có ai thuộc diện được bù đắp tổn thất về tinh thần hay không? Toà án cấp sơ thẩm lại xác định anh Vũ Quốc Đ là em trai của anh N là nguyên đơn dân sự trong vụ án là không đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự. Nếu anh Đ có giấy uỷ quyền của chị Nguyễn Thị Ph (vợ của anh N) thì trong bản án phải viết: “nguyên đơn dân sự là chị Nguyễn Thị Ph uỷ quyền cho anh Đ tham gia phiên toà”. Tuy nhiên, trong vụ án này, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì ngoài chị Nguyễn Thị Ph (vợ anh N), còn có mẹ anh N (chưa xác định được họ tên) và con anh N là cháu Vũ Anh T (người chưa thành niên). Lẽ ra trong trường hợp này, Toà án cấp sơ thẩm phải xác định gia đình anh N có ba người được bù đắp tổn thất về tinh thần là: Chị Nguyễn Thị Ph đối với anh N, cháu H và Q; mẹ anh N đối với anh N và cháu Vũ Anh T đối với anh N. Nhưng Toà án cấp sơ thẩm chỉ xác định chị Nguyễn Thị Ph là người được bù đắp về tinh thần là chưa đầy đủ. Nếu Toà án cấp sơ thẩm xác định đầy đủ người được bù đắp tổn thất về tinh thần thì chắc chắn không quyết định có 36 tháng lương tối thiểu.
Khi xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm đã không phát hiện được những sai sót của Toà án cấp sơ thẩm nên vẫn xác định nguyên đơn dân sự là anh Đ, đồng thời lại xác định, hễ cứ một người bị chết thì người thân thích của họ được bồi thường khoản tiền bù đắp về tinh thần là 60 tháng lương, vậy gia đình chị Ph có 3 người chết thì được bồi thường “ba suất”, mà không xác định xem có bao nhiêu người được bù đắp tổn thất về tinh thần, không xác định mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm… của người được bù đắp tổn thất về tinh thần.
Theo khoản 2 Điều 610 Bộ luật Dân sự thì mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì Toà án mới quyết định, nhưng cả Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đều không tiến hành để hai bên thoả thuận, mà quyết định ngay là chưa thực hiện đúng tinh thần quy định tại khoản 2 Điều 610 Bộ luật Dân sự.
Ngoài ra, Toà án cấp phúc thẩm còn quyết định buộc bà Th bồi thường tiền mất thu nhập của anh N được tính trong thời gian 06 tháng, mỗi tháng 1.500.000 đồng, với tổng số tiền 9.000.000 đồng là không đúng với quy định tại Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2005 về thu nhập thực tế bị mất. Theo quy định tại Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 1995 thì các khoản phải bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Không có quy định về khoản tiền mất thu nhập của anh N sau khi anh N bị chết.
Với những sai lầm nghiêm trọng của Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm nêu trên, Chánh án TAND tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm và Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Chánh án, huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm về phần bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần và khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần và khoản tiền mất thu nhập của anh N để xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.
Từ khóa » Những Tổn Thất Về Tinh Thần
-
Bồi Thường Thiệt Hại Do Tổn Thất Về Tinh Thần Giải Quyết Như Thế Nào?
-
Thiệt Hại Về Tinh Thần Là Gì ? Quy định Pháp Luật Về Thiệt Hại Tinh Thần
-
Khi Nào Xác định Thiệt Hại Tinh Thần? Nguyên Tắc Và Mức Bồi Thường ...
-
Bồi Thường Tổn Thất Về Tinh Thần Tối đa Là Bao Nhiêu?
-
BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ TỔN THẤT TINH THẦN
-
Thiệt Hại Về Tinh Thần Là Gì? Xác định Mức Bồi Thường Thiệt Hại Tinh ...
-
Mức Tổn Thất Tinh Thần Như Thế Nào Là đúng Trong Vụ án Hiếp Dâm?
-
Quy định Luật Bồi Thường Thiệt Hại Tinh Thần 2020
-
Mức Bồi Thường Thiệt Hại Tinh Thần Cao Nhất Là Bao Nhiêu?
-
Những Tổn Thất được Xem Là Thiệt Hại Về Tinh Thần - Báo Vĩnh Long
-
BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ TỔN THẤT TINH THẦN - ILAW
-
Một Số Vướng Mắc Về Giải Quyết Bồi Thường Thiệt Hại Do Tính Mạng ...
-
Nguyên Tắc Xác định Thiệt Hại Do Xâm Phạm Quyền Sở Hữu Trí Tuệ
-
Thiệt Hại Do Hành Vi Xâm Phạm Quyền Sở Hữu Trí Tuệ được Bồi Thường