Không Chủ Quan Với Triệu Chứng Sặc Sữa ở Trẻ Sơ Sinh - Báo Đắk Lắk
Có thể bạn quan tâm
Sặc sữa ở trẻ sơ sinh là hiện tượng sữa trào ngược lên mũi vào đường thở khiến trẻ khó thở, ho sặc sụa, tím tái… Tình trạng này vô cùng nguy hiểm bởi nếu không được xử trí kịp thời, trẻ sẽ tử vong hoặc để lại các di chứng như: tổn thương não, ngừng tim, viêm phổi, suy hô hấp…
Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu nhi - sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết khoa thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bị sặc sữa ở trẻ sơ sinh. Rất may những trường hợp nêu trên đều được xử trí kịp thời và trẻ qua cơn nguy kịch. Nguyên nhân gây nên tình trạng sặc sữa ở trẻ sơ sinh là do dạ dày trẻ nằm dọc nên lượng sữa trong dạ dày rất dễ trào ra ngoài, có những trẻ chỉ cần oằn mình là sữa đã trào ra. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến trẻ dễ sặc sữa hơn cả là do cha mẹ hoặc người giữ trẻ để trẻ bú không đúng tư thế, cho trẻ bú quá no, cho trẻ bú khi đang khóc, đang ho, sữa mẹ nhiều khiến trẻ nuốt không kịp, hoặc lỗ ở núm bình sữa quá to làm sữa chảy nhanh trẻ không nuốt kịp, trẻ bị mất tập trung khi đang bú sữa, mải nghe nhìn xung quanh, cười/khóc với người khác… Ngoài ra, những trẻ sinh non tháng, nhẹ cân cũng rất dễ bị sặc sữa.
Khi cho trẻ bú nên bế trẻ cao đầu, ở tư thế thoải mái, phải cho trẻ bú từ từ. Ảnh: Trần Lan |
Theo các bác sĩ, có nhiều dấu hiệu nhận biết trẻ bị sặc sữa, như: khi trẻ đang bú hoặc sau bú đột ngột ho mạnh, ọc sữa qua mũi, miệng, sặc sụa, tím tái, khóc thét lên, cơ thể có thể mềm nhũn hoặc co cứng. Trường hợp nặng, trẻ có thể bị ngưng tim, ngưng thở. Do đó, việc xử trí đúng cách trong những phút đầu tiên ngay sau khi trẻ bị sặc sữa là điều vô cùng quan trọng, giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. “Khi chẳng may trẻ bị sặc sữa, người nhà cần hết sức bình tĩnh thực hiện sơ cứu trẻ. Ngay lập tức cho trẻ nằm nghiêng, tiến hành vỗ lưng kích thích để trẻ thở và có phản xạ khóc. Hoặc người lớn có thể dùng miệng hút mạnh vào mũi và miệng trẻ. Hút càng mạnh, càng nhanh càng tốt, nếu để chậm sữa sẽ vào sâu trong khí quản, hút khó ra, trẻ bị tắc thở lâu khó cứu. Khi trẻ hồng hào trở lại thì lau sữa còn vương lại. Trường hợp trẻ vẫn tím môi và tay chân, không có dấu hiệu thở hay phản xạ khóc thì tiến hành các bước sau: Cho trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay và cánh tay phải, dùng lòng bàn tay trái vỗ mạnh và nhanh 5 cái vào lưng trẻ nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để tống sữa ra khỏi đường hô hấp. Hay đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh 5 cái ở nửa dưới của xương ức, dưới đường nối hai vú khoảng 1 - 2 cm. Lặp lại 5 - 6 lần cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục, khóc òa lên, da hồng hào trở lại. Nếu trẻ chưa thở lại thì lặp lại quy trình trên. Cùng với đó, người nhà có thể kết hợp biện pháp hà hơi, thổi ngạt. Cụ thể là ngậm mũi và miệng trẻ thổi vào cho đến khi thấy lồng ngực hơi nhô lên. Sau đó, đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Tuấn hướng dẫn.
Ngoài ra, để đề phòng con bị sặc sữa, cha mẹ không nên cho trẻ vừa bú vừa ngủ, không đùa với trẻ khi đang bú khiến trẻ cười dễ sặc. Khi cho bú nên bế trẻ cao đầu, ở tư thế thoải mái, phải cho trẻ bú từ từ, không vội vàng, nhất là trẻ còn yếu, sinh non tháng. Khi trẻ ho hoặc khóc phải ngừng cho trẻ bú ngay, không để sữa tiếp tục chảy xuống miệng. Nếu thấy sữa mẹ chảy xuống quá nhiều mà trẻ chưa kịp nuốt, người mẹ có thể dùng hai ngón tay kẹp bớt đầu vú lại ngăn bớt sữa xuống. Đối với trẻ không bú mẹ, ăn sữa công thức thì nguy cơ sặc sữa cao hơn trẻ bú mẹ. Do đó, khi cho trẻ bú bình, cần chú ý đầu núm vú cao su không quá rộng, tốt nhất đục 1 - 2 lỗ bằng đầu kim băng ở bên núm vú. Khi cho trẻ bú, nên nghiêng bình sữa khoảng 45 độ. Khi dùng thìa cho trẻ ăn thì nên đổ từ từ, trẻ nuốt hết mới cho ăn thìa khác. Khi trẻ bú, ăn xong, có thể cho nằm thẳng, gối cao và bế vác lên vai và vỗ lưng 10 phút cho trẻ ợ hơi. Đồng thời theo dõi trẻ ít nhất nửa giờ sau khi bú. Đặc biệt bác sĩ cũng lưu ý: không nên cho trẻ nằm gối lõm giữa. Nếu gặp tình huống bị sặc, trẻ sẽ không thể nghiêng đầu sang trái hay phải để tránh nguy hiểm được.
Mỹ Hạnh
Từ khóa » Cách Nhận Biết Sặc Sữa
-
Sặc Sữa ở Trẻ Sơ Sinh Rất Nguy Hiểm - Hướng Dẫn Nhận Biết Và Sơ Cứu
-
Đề Phòng Sặc Sữa ở Trẻ Sơ Sinh | Vinmec
-
Nhận Biết Biểu Hiện Của Trẻ Bị Sặc Sữa Vào Phổi Giúp Con Vượt Qua ...
-
Dấu Hiệu Trẻ Bị Sặc Sữa Vào Phổi Bạn Cần Chú ý để Ngăn Ngừa Rủi Ro
-
Trẻ Sơ Sinh Bị Sặc Sữa: Hướng Dẫn Cách Xử Lý Và Phòng Ngừa Hiệu ...
-
Chăm Sóc Và Xử Trí Khi Trẻ Sơ Sinh Bị Sặc Sữa - CDC Bắc Ninh
-
CÁCH NHẬN BIẾT VÀ XỬ TRÍ KHI BÉ CÓ NHỮNG BIỂU HIỆN ...
-
Cách Xử Trí Khi Bé Bị Sặc Sữa Lên Mũi | Sở Y Tế Nam Định
-
Hướng Dẫn Xử Lý Sặc Sữa ở Trẻ Sơ Sinh - Điều Dưỡng Phạm Thị Vân ...
-
Sặc Sữa Nhận Biết Và Xử Trí - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Bé Sơ Sinh Suýt Tử Vong Do Sặc Sữa, Bác Sĩ Chỉ 3 Cách Sơ Cứu ... - Eva
-
Dấu Hiệu Nhận Biết Trẻ Bị Sặc Sữa Vào Phổi, Ba Mẹ Cần Phải Biết
-
Trẻ Bị Sặc Sữa, Bột, Cháo Những điều Các Mẹ Cần Biết
-
XỬ TRÍ SẶC SỮA Ở TRẺ NHỎ - Bệnh Viện Phụ Sản Nhi Bình Dương