Trẻ Sơ Sinh Bị Sặc Sữa: Hướng Dẫn Cách Xử Lý Và Phòng Ngừa Hiệu ...

Trẻ sơ sinh bị sặc sữa, nôn trớ là tình trạng thường xuyên xảy ra do dạ dày bé còn nằm ngang. Sặc sữa thường không quá nguy hiểm nhưng mẹ vẫn nên cẩn thận đề phòng trường hợp sữa đi vào đường hô hấp và khiến trẻ khó thở, trường hợp nặng có thể tử vong.

Nuôi con bằng sữa mẹ vừa đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ vừa gia tăng sự gắn kết giữa mẹ và bé. Tuy nhiên, việc có nhiều sữa không phải lúc nào cũng là điều thuận lợi đối với mẹ và bé. Bởi vì khi sữa tiết nhiều nhưng bé bú không kịp sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bị sặc sữa lên mũi hoặc nôn trớ. Nếu mẹ thường gặp phải trường hợp này thì hãy tham khảo những cách xử lý khi trẻ sặc sữa mà Hello Bacsi đã tổng hợp được qua sự tư vấn của bác sĩ Trần Văn Đồng nhé!

Nguyên nhân khiến bé bú mẹ hay bị sặc sữa

Sữa mẹ quá nhiều

Lượng sữa quá quá nhiều có thể gây ra sự khó chịu cho cả mẹ và bé. Điều này đồng nghĩa rằng mẹ phải thử nhiều tư thế cho bú khác nhau để bé cảm thấy thoải mái và không bị sặc sữa khi bú.

Tốc độ dòng sữa chảy ra quá mạnh

Nguồn sữa mẹ dồi dào sẽ dẫn đến việc ngực tiết sữa nhanh và mạnh hơn. Vì vậy, khi sữa chảy mạnh nhưng bé nuốt không kịp sẽ dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh bị sặc sữa khi bú.

Tương tự như vậy, nếu mẹ cho bé bú bình thì tình trạng trẻ bị sặc sữa lên mũi có thể xảy ra nếu núm vú không phù hợp với miệng bé hoặc do ba mẹ giữ bình bú sai cách.

Ngoài ra việc cho trẻ bú quá no hoặc trẻ bú khi đang khóc, bú không đúng tư thế cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị sặc sữa.

Cách xử lý khi trẻ bú mẹ bị sặc sữa

sơ cứu trẻ sơ sinh bị săc sữa

Trẻ sơ sinh bị sặc sữa hoặc nôn trớ khi bú sữa là điều bình thường. Trong hầu hết trường hợp, mẹ chỉ cần dừng cho bú và bế đứng trẻ kết hợp vỗ nhẹ lưng thì bé có thể cảm thấy dễ chịu hơn. Ngược lại, nếu trẻ còn tỉnh táo nhưng vẫn còn ho và khó thở vì sặc sữa, bạn nên lập tức sơ cứu trẻ bằng những phương pháp sau đây:

1. Vỗ lưng

Đặt trẻ nằm sấp lại với tư thế đầu thấp hơn mông. Một tay đỡ phần cổ và ngực của trẻ, tay còn lại vỗ 5 cái liên tục với lực đủ mạnh vào vùng giữa 2 bả vai của trẻ.

Sau vỗ lưng thì nhẹ nhàng lật trẻ nằm ngửa trở lại. Nếu thấy trẻ vẫn chưa lấy lại sắc da hồng hào hoặc chưa thở bình thường được thì tiến hành:

2. Ấn ngực

Giữ trẻ ở tư thế nằm ngửa, đặt 2 ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa) của bạn vào giữa ngực trẻ và ấn xuống phần xương ức liên tục 5 lần. Động tác này sẽ đẩy không khí ra khỏi phổi của em bé và làm thông sự tắc nghẽn.

Bạn nên lặp lại các hoạt động sơ cứu như vỗ lưng hoặc ấn ngực vài lần cho đến khi bé cảm thấy dễ chịu và thở được bình thường. Nếu trẻ không thở hoặc bất tỉnh hoặc không phản ứng, tiến hành:

  • Gọi cấp cứu, gọi người cứu trợ
  • Đặt trẻ trên mặt phẳng cứng, tiến hành cấp cứu hồi sức tim phổi( cha mẹ cần được hướng dẫn kiến thức và thực hành cơ bản về cấp cứu)
  • Nếu việc sơ cứu tại nhà không hiệu quả, chẳng hạn như da bé vẫn tím tái, ho sặc sụa hoặc khó thở tăng lên thì bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.

Phòng ngừa trẻ bị sặc sữa như thế nào? 2 điều cơ bản quan trọng cần nhớ

1. Cho con bú ở tư thế thoải mái

trẻ sơ sinh bị sặc sữa

Nếu ngực bạn tiết quá nhiều sữa và dòng sữa chảy quá mạnh khiến trẻ nuốt không kịp thì bạn cần đặt đầu của bé cao hơn núm vú khi cho bú để tránh sặc sữa.

Khi bế con trên tay và cho bú, bạn có thể ngồi nghiêng ra sau một chút để làm chậm tốc độ dòng sữa chảy ra. Bên cạnh đó, một số tư thế cho bé bú như kiểu ôm bóng (football hold breastfeeding) hoặc đặt trẻ nằm nghiêng sẽ giúp mẹ và bé cảm thấy thoải mái cũng như hạn chế nguy cơ bé bị sặc sữa. Giúp trẻ ợ hơi bằng cách bế trẻ đầu cao ít nhất 30 phút sau khi bú, xoa nhẹ vào lưng trẻ.

Đối với trường hợp trẻ sơ sinh bị sặc sữa khi bú bình, trước tiên bạn nên chọn loại núm vú phù hợp với độ tuổi của con. Khi cho trẻ bú, ba mẹ nên nâng đáy bình cao một chút để sữa lấp đầy núm vú giúp cho trẻ tránh nuốt phải nhiều hơi. Đồng thời, cần giữ bình sữa nghiêng một góc 45 độ để giúp bé dễ kiểm soát tốc độ dòng sữa chảy ra và tránh sặc sữa khi bú.

2. Điều chỉnh nguồn sữa mẹ phù hợp với nhu cầu của bé

Sữa mẹ quá nhiều và tiết sữa quá nhanh so với khả năng bú của bé là nguyên nhân chính khiến trẻ sơ sinh bị sặc sữa. Do đó, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau để giảm tiết sữa:

  • Vắt bớt sữa ra ngoài trước khi cho bé bú có thể là cách hiệu quả. Tuy nhiên, để tránh ngực tiết nhiều sữa hơn thì mẹ lưu ý lần vắt sữa sau nên vắt ít hơn so với lần trước cho đến khi không cần phải vắt sữa nữa.
  • Khi tắm nên tránh kích thích mạnh vào vú, không để vòi nước chảy vào bầu vú.
  • Cho bé bú một bên vú trong nhiều cữ bú liên tiếp ( 4 giờ, để biết thời gian hoạt động tiết sữa của mỗi bên vú). Điều này sẽ giảm đi một số kích thích mà bên vú còn lại nhận được, từ đó hạn chế lượng sữa mẹ tiết ra.
  • Chườm mát ngực giữa các cữ bú để giảm tiết sữa. Trong trường hợp khó kiểm soát hơn, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng một số loại thảo mộc có tác dụng làm giảm nguồn sữa mẹ một cách an toàn và không gây mất sữa.
  • Có thể điều chỉnh lượng sữa tiết ra nhiều trong 1 lần bú bằng cách: kéo vú ra không để trẻ bú liên tục (đặc biệt với trẻ non tháng, phản xạ bú mút, nuốt chưa được tốt nên cần bú chậm, từ từ), dùng tay kẹp núm vú giúp làm chậm dòng sữa mẹ khi tiết ra.

Nếu mẹ đã giảm tiết sữa và cho con bú đúng tư thế nhưng tình trạng trẻ sơ sinh bị sặc sữa vẫn không được cải thiện thì cách tốt nhất là nên đưa bé đi khám. Các bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân cặn kẽ và điều trị kịp thời để giúp bé tránh những rủi ro do sặc sữa khi bú.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Từ khóa » Cách Nhận Biết Sặc Sữa