Không Hiểu Sao Mẹ Chồng Tôi Rất Thích "ôn Nghèo Kể Khổ"

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Mẹ chồng em có thú vui khác người. Không phải chỉ là chuyện ôn nghèo kể khổ, mà bà rất thích kể lể dài dòng, chi tiết về những khó khăn phải chịu đựng trong đời.

Lúc nhỏ ở nhà với ông bà ngoại bà kể khổ đến cơm không có mà ăn, dép không có mà đi. Lúc lấy chồng thì bà còn khổ hơn, từ chồng làm lương tiền ba đồng ba cọc, chồng ham nhậu nhẹt, đến sinh con đầu lòng (là chồng em bây giờ) chồng không hề đỡ đần, quan tâm, sinh được mấy ngày đã phải đi làm thuê kiếm tiền.

Các câu chuyện của bà thường có chung mở đầu “ngày xưa tôi phải…”, và kết luận “các anh chị bây giờ sung sướng”. Hồi đầu em chỉ hơi khó chịu về chuyện này, mỗi thời mỗi khác, đâu thể cứ so sánh vậy được. Em cũng hỏi chồng, sao bố lại để mẹ phải vất vả, chồng em bảo bà cứ quen nói quá lên vậy thôi, chứ sự thật cũng đâu đến nỗi.

Em kể chuyện cho mẹ ruột nghe, mẹ bảo em nên thông cảm, thế hệ của bà trưởng thành qua suốt thời kỳ khó khăn, nên muốn dạy con cháu bằng những bài học đã trải qua.

Em đã cố, nhưng em thấy mẹ chồng rõ ràng có niềm vui khoe… khổ. Khách khứa bạn bè đến chơi nhà, có gì đâu mà phải “giáo dục”, phải kể lể.

Vậy mà hễ ai khen bà mạnh khỏe, tóc còn đen, da còn căng mịn, là bà kể ngay ngày xưa tôi khổ lắm thế này thế kia… Bà “túm” lấy người ta mà kể, lại còn bảo: “Con dâu, con trai bây giờ sướng, có điều kiện chăm sóc, chứ như tôi thì…”.

Đến giờ thì em ngán tận cổ thói quen này. Hình như chuyện khổ của mẹ chồng không bao giờ cạn, mà ngày càng dài ra, ly kỳ hơn. Em phải làm sao cho bà bớt “khoe khổ” bây giờ?

Thúy Vy (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Thúy Vy thân mến,

Bản thân việc “ôn nghèo kể khổ” không có gì xấu. Đó là một phương pháp giáo dục lâu đời, mục tiêu hoặc là nhấn mạnh vào sự tương phản, theo cách thấy được cái khổ để biết giá trị của sự sung sướng; hoặc nhấn mạnh vào nguyên nhân - kết quả, theo cách ngày xưa đã rất cố gắng chịu khó chịu khổ mới được như ngày nay.

Nhưng chuyện gì làm quá đà cũng gây kết quả trái ngược. Nhất là giữa những thế hệ khác nhau, hoàn cảnh xã hội nhiều thay đổi, không phải lúc nào cảm hứng ôn nghèo kể khổ cũng được chia sẻ.

Nói vậy, nhưng sửa thói quen này hoàn toàn không dễ. Em cố gắng đừng phản ứng hay nghi ngờ những câu chuyện mẹ chồng kể, cứ xem đó là tài sản riêng của bà.

Nếu có dịp nói chuyện, em thử nói với mẹ những khó khăn của hiện tại. Thời nào cũng có cái khó, cái khổ riêng. Em cũng thử “kể khổ”, “khoe khổ” với bà, để bà hiểu cảm giác của em, hiểu những lo lắng của em khi nghe người lớn than vãn, kể lể.

Nhớ nhé, mục tiêu của em không phải là thay đổi suy nghĩ của mẹ - vì khó thay đổi lắm, mình chỉ mong hạn chế bớt thói quen kêu ca, kể lể, “khoe khổ”.

Thỉnh thoảng, khi mẹ kể chuyện gì “không khổ”, cả nhà nhớ động viên, khen chuyện của mẹ hay. Bài học nào nhận được trong đời đối với người trong cuộc cũng luôn là thú vị, quý giá, em chịu khó quan tâm lắng nghe một chút, chắc chắn sẽ tìm ra cách động viên mẹ kể những chuyện vui hơn, đỡ khổ hơn.

Đó cũng là một cách để thay đổi dần nội dung khoe khổ trong những câu chuyện của bà. Chúc em sống vui trong gia đình mình, em nhé.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Từ khóa » Kể Lể Hay Kể Lể