Không Thể Một Làng Có Hai Nơi Thờ Nguyễn Trãi

Xã Nhị Khê hiện đã có di tích nhà thờ Nguyễn Trãi được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1964, song nhà thờ này thực chất là nhà thờ họ Nguyễn có quy mô nhỏ hẹp nằm trên khuôn viên đất do dòng họ quản lý. Năm 2004, nhà thờ xuống cấp, địa phương lập dự án tu bổ và xây dựng nhà phương đình trong khuôn viên trường học cũ của thân phụ của cụ Nguyễn Trãi là nhà nho Nguyễn Phi Khanh, cách khuôn viên nhà thờ khoảng 500 mét.

Bà Lê Thị Liễu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho rằng các hạng mục kiến trúc có quy mô nhỏ hẹp, không gian phân tán nên chưa bao hàm, tương xứng với ý nghĩa, giá trị của khu di tích.

Hồ sơ thiết kế khu lưu niệm Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi do UBND huyện Thường Tín lập năm 2017, trong số các hạng mục xây dựng có cả đền thờ mới. Đây chính là vấn đề mà nhiều nhà khoa học không đồng tình.

Nhiều nhà khoa học cho rằng nhà thờ Nguyễn Trãi đã được công nhận di tích cấp quốc gia và nó vẫn vẹn nguyên các giá trị văn hóa, lịch sử. Đặc biệt, trên phạm vi cả nước không một làng nào có hai nhà thờ hoặc hai đền thờ, thờ chung một vị thần hay một Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, huyện Thường Tín biện luận nhà thờ Nguyễn Trãi thuộc sở hữu của dòng họ Nguyễn ở Nhị Khê, việc quản lý cũng như phát huy giá trị di tích vẫn thuộc quyền của dòng họ nên cần thiết phải xây dựng đền thờ không có tính thuyết phục. Việc xây dựng mới đền thờ Nguyễn Trãi sẽ tạo nên sự bất hòa không đáng có giữa dòng họ Nguyễn ở Nhị Khê với chính quyền địa phương.

Đồng quan điểm này, Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích khẳng định, không thể xóa bỏ một nhà thờ đã tồn tại nhiều năm trong lịch sử và đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Việc tạo ra hai nơi thờ Danh nhân Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê hoàn toàn không hợp lý. Từ trước đến nay, nhà thờ Nguyễn Trãi đã làm tốt vai trò của nó trong lịch sử và hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu thăm viếng, thờ tự, tín ngưỡng, tưởng niệm Danh nhân Nguyễn Trãi, vì vậy cần tiếp tục duy trì, bảo tồn, tôn tạo nhà thờ hiện nay.

Hiện, các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà khoa học cũng như huyện Thường Tín cùng thống nhất không xây mới đền thờ mà chỉ xây nhà lưu niệm và nhà trưng bày cùng các hạng mục khác tại Khu tưởng niệm Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Nhà lưu niệm không phải thiết kế như một ngôi đền cổ song vẫn cần có đầy đủ các yêu cầu về văn hóa tâm linh, có bàn thờ, có bát nhang... với ý nghĩa biểu trưng để tránh sự lẫn lộn, trùng lặp với nhà thờ Nguyễn Trãi hiện nay. Vì vậy không nên làm tượng và các đồ thờ liên quan. Nhân vật biểu trưng ở đây ngoài Nguyễn Trãi nên có cả nhà nho Nguyễn Phi Khanh - thân phụ của Nguyễn Trãi.

Cần nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng

Theo dự thảo quy hoạch tổng thể khu lưu niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, diện tích đất dự kiến xây dựng khu lưu niệm rộng tới 3,5 ha trên cơ sở mở rộng khu Ao Huê, Vườn Ổi, trong đó một công trình chức năng chính là nhà lưu niệm hay còn gọi là đền chính có diện tích 300 m2 và 15 hạng mục khác phụ trợ cho công trình chính. Tính tất cả các hạng mục xây dựng trong khu này, tổng diện tích đất là 1.210 m2, chiếm 3% diện tích khu đất.

Từ khóa » Di Tích Lưu Niệm Danh Nhân Là Gì