Lưu Niệm Danh Nhân Từ Nhận Thức đến Thực Tiễn: Cụm Di Tích Thờ ...

Lịch sử dựng nước, giữ nước trải dài nhiều ngàn năm của dân tộc ta đã sản sinh ra nhiều bậc anh hùng, danh nhân kiệt xuất và chính họ đã làm rạng rỡ non sông ta, đất nước ta, dân tộc ta. Cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức trong sáng của họ đã được ghi trong sử sách. Tên tuổi của họ đã được tạc trên biển đồng, bia đá; được tôn thờ như Thành hoàng Làng, như bậc thánh nhân trong các đình, đền, chùa, nghè, miếu để con cháu muôn đời ngưỡng mộ noi theo và được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, tạo nên đạo lý có tính truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, tạo nên tín ngưỡng văn hóa dân gian giàu bản sắc và riêng có.

Nếu nội hàm của khái niệm lưu niệm được hiểu ngắn gọn, cô đọng và hàm xúc là “giữ lại để làm kỷ niệm” và xem xét nó dưới góc độ sử học, chúng ta thấy có hai hình thức lưu niệm: Một là lưu niệm sự kiện lịch sử trọng đại; hai là lưu niệm tiểu sử, sự nghiệp, sinh hoạt đời sống của nhân vật lịch sử; còn dưới góc độ văn hóa/di sản văn hóa khái niệm lưu niệm được nhận diện qua di sản vật thể và phi vật thể. Ấy là: “Di tích lưu niệm danh nhân là công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của danh nhân”, “Nhà tưởng niệm danh nhân là công trình kiến trúc được xây dựng để tổ chức các hoạt động dâng hương tưởng niệm danh nhân” và “Lễ hội tưởng niệm danh nhân”.

Lưu niệm, tưởng niệm danh nhân đã hình thành, phát triển cùng với sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong trường kỳ lịch sử và là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân tộc ta và góp phần tạo nên nội lực gắn kết, biểu dương sức mạnh cộng đồng góp phần đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược mạnh về kinh tế, giàu tiềm năng về quốc phòng, chống trả thành công mọi âm mưu, thủ đoạn đồng hóa về văn hóa của các quốc gia phong kiến hùng cường phương bắc, thời cổ, trung đại, cũng như các đế quốc ở phương Đông lẫn phương Tây thời cận, hiện đại. Không mấy khó để nhận ra rằng: trên 3000 di tích lịch sử, văn hóa đã được Bộ Văn hóa (BVH), nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (BVHTTDL) xếp hạng từ năm 1962 đến nay, di tích lưu niệm sự kiện lịch sử, di tích lưu niệm, tưởng niệm danh nhân chiếm số lượng rất lớn.

Năm 2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã giao cho Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa chủ trì, nghiên cứu xây dựng “Đề án tổng thể về những hình thức tưởng niệm, lưu niệm danh nhân, nhân vật lịch sử và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, Nhà nước” với mục đích: Hệ thống hóa của hình thức tưởng niệm, lưu niệm danh nhân, anh hùng dân tộc mà cha ông chúng ta đã dày công xây đắp, trân trọng giữ gìn, trao truyền cho các thế hệ mai sau; tiếp thu có chọn lọc các hình thức lưu niệm, tưởng niệm danh nhân có tính phổ biến mà nhiều quốc gia trên thế giới đã làm, trên cở sở đó đưa ra các hình thức lưu niệm, tưởng niệm danh nhân (Trong đó có các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, Nhà nước – thời lập nước) và thực thi có hiệu quả quản lý Nhà nước các hình thức tưởng niệm, lưu niệm danh nhân. Chấp hành nghiêm chỉnh ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa đã chỉ đạo Bộ tiến hành nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tư liệu, hình ảnh, tổ chức các hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học nhằm làm sáng rõ các khái niệm danh nhân, anh hùng dân tộc, các hình thức tưởng niệm, lưu niệm danh nhân v.v… Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, khảo sát, phân tích, tổng hợp các nguồn tài liệu, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, năm 2006, Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa đã trình Ban Bí thư đề án mới trên và báo cáo xin ý kiến trực tiếp của Bộ Chính trị.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến đóng góp của các bộ ngành, của đông đảo các nhà khoa học, đề án nói trên đã được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện. Tại tờ trình số 78/TTr.BVHTT, ngày 24 tháng 05 năm 2007, Bộ Văn hóa Thông tin đã chính thức trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tổng thể về các hình thức lưu niệm, tưởng niệm danh nhân. Nội dung đề án đã đề cập, làm sáng rõ khái niệm danh nhân, cấp độ danh nhân, các hình thức tưởng niệm, lưu niệm danh nhân, và nhấn mạnh: “Nhà nước suy tôn và tổ chức lưu niệm, tưởng niệm danh nhân bằng các hình thức: Xếp hạng di tích lịch sử văn hóa; xây dựng nhà lưu niệm, tưởng niệm, bia lưu niệm, tượng đài danh nhân nơi công cộng; giới thiệu sự nghiệp của danh nhân trong bảo tàng; đặt tên danh nhân cho đường, phố, công trình công cộng, các giải thưởng và các quỹ xã hội; tổ chức kỷ niệm danh nhân; các hình thức khác về lưu niệm, tưởng niệm danh nhân”(1)

2.Cụm di tích thờ danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh

2.1 Đôi điều nhận biết về danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh

Tuệ Tĩnh không phải là bậc cao tăng, không phải là quốc sư trong các triều đại Lý – Trần rực rỡ, nhưng ông xứng đáng là bậc đại sư với công lao to lớn trong sự nghiệp nghiên cứu y dược học dân tộc, trong sự nghiệp bồi dưỡng, đào tạo nhiều thế hệ tăng ny về trồng, bảo quản, điều trị con bệnh bằng thuốc Nam theo phương châm “Thuốc nam chữa trị người nam”… với công lao to lớn trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của dân tộc, ông được người đời tôn vinh là Thần y đất Việt.

Rất tiếc là cho đến nay, chúng ta không biết chính xác ngày tháng năm sinh, năm mất của Tuệ Tĩnh. Qua các nguồn tài liệu, kể cả tài liệu dân gian chúng ta mới chỉ biết ông có tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, pháp hiệu là Tuệ Tĩnh, biệt hiệu là Hồng Nghĩa. Ông sinh ra ở Làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thái, nay thuộc thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ông là một cậu bé khôi ngô, thông minh sáng dạ, nhưng bất hạnh! Khi mới 6 tuổi ông mồ côi cả cha lẫn mẹ. May thay! Ông được nhà sư chùa Hải Triều ở Yên Trang gần đấy đưa về nuôi và cho ăn học. Năm lên 10 tuổi ông được sư chủ trì chùa Giao Thủy ở Sơn Nam đón về nuôi và cho học với nhà sư chùa Dũng Nhuệ trong huyện. Tại đây ông được gọi là Tiểu Huệ, nên có biệt danh là Huệ Tĩnh và được học văn hóa, lẫn học thuốc. Ông chăm học, chăm làm. Năm 22 tuổi ông đi thi Hương, đỗ cử nhân. Năm 30 tuổi ông trở về chủ trì chùa Yên Trang, ông động viên phật tử, tu sửa lại chùa này, đồng thời tham gia xây dựng mới 24 ngôi chùa khác ở hạt Sơn Nam và ở quê hương ông, dày công huấn luyện y học cổ truyền cho các tăng ny và sử dụng tới 74 chùa làm y xá chữa bệnh làm phúc cho dân. Năm 45 tuổi ông đi thi Đình, đậu Tiến Sỹ - ông không theo con đường quan lộ mà vẫn trung thành với phật pháp, kiên trì theo đuổi con đường đã chọn – tu thân tích đức, chữa bệnh cứu người, vận động nhân dân trồng cây thuốc Nam, hướng dẫn cách sử dụng để trị các bệnh thông thường, tiếng tăm độ thế, cứu người của ông nổi như cồn. 55 tuổi ông bị bắt đưa đi Trung Quốc chữa bệnh cho vợ vua Minh và ông đã trị chữa cho Hoàng hậu khỏi bệnh, vua Minh giữ ông lại, làm việc ở Viện Thái y, thời gian đó ở Trung Quốc ông được vua Minh phong là Đại y – Thiền Sư.

Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Hơn 30 năm vừa tu luyện, vừa hành nghề y dược học, Tuệ Tĩnh nổi danh với biệt tài sưu tầm, phát hiện các loại dược liệu là cây cỏ chung quanh nhân dân sinh sống, cứ trú làm thuốc chữa bệnh cho họ, hướng dẫn nhân dân trồng cây thuốc Nam trong vườn chùa, vườn đình, đền, nghè, miếu, trong vườn nhà dân và các phương cách sử dụng các cây thuốc đó để kịp chữa các bệnh thông thường – ông say sưa sưu tầm các bài thuốc chữa bệnh trong dân gian, thu thập các kinh nghiệm trị bệnh của Trung y, từ đó tạo dựng nên một sự nghiệp y dược mang tính dân tộc, đại chúng, sáng tạo, vượt thời đại với chủ trương “nam dược trị nam nhân”. Tư tưởng này của ông thể hiện quan điểm môi trường rất hiện đại với triết lý “Thiên nhân hợp nhất”, coi thiên nhiên với con người hòa hợp với nhau làm một, khuyên người đời chung sống với môi trường, dựa vào môi trường để khắc phục những tác động do chính môi trường gây ra cho con người.

Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh để lại cho đời hai tác phẩm bất hủ. Đó là: “Hồng nghĩa giác tư y thư” gồm 2 quyển nói về 13 phương thuốc gia giảm và 37 phương thuốc trị bệnh thương hàn. Là “Nam dược thần diệu” (thuốc nam hiệu nghiệm như thần) gồm 11 quyển nói về dược tính của 580 vị thuốc Nam, 10 khoa và 3873 phương thuốc điều trị 184 loại bệnh. Hai bộ sách nói trên đã được nhà xuất bản y học Hà Nội in bằng tiếng Việt với tên sách là: Tổng tập Tuệ Tĩnh – năm 1960, 600 trang. Qua nghiên cứu và kết quả thực nghiệm chữa bệnh cho nhân dân tại các y xá, Tuệ Tĩnh hiểu đến ngọn nguồn giá trị của cây cỏ, nắm bắt được dược tính của cỏ cây để chữa bệnh cứu người, thử hỏi có mấy ai được như Tuệ Tĩnh. Đội ơn ông cứu mạng, người đời tôn vinh ông là tổ sư nghề y dược nước Việt, vị thánh thuốc nam; là bậc đại y mở đường cho sự nghiệp nghiên cứu thuốc Nam, Tuệ Tĩnh đã xây dựng nền móng cho y học cổ truyền dân tộc một cách toàn diện bao gồm Lý, Pháp, phương dược với truyền thống chữa bệnh bằng thuốc nam theo phương châm “Nam dược trị nam nhân” (thuốc nam chữa bệnh cho người nam) và đường hướng dưỡng sinh chú trọng giữ gìn tinh khí thần để nâng cao sức khỏe kết hợp với xông hơi, xoa bóp, day huyệt…

Y đức, y đạo, y tài của Tuệ Tĩnh đã trở thành tấm gương sáng cho những người hành đạo y noi theo trên con đường y nghiệp của mình. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – một bậc đại danh y Việt Nam thế kỷ XVIII cũng chịu nhiều ảnh hưởng của Tuệ Tĩnh. Di cảo của Tuệ Tĩnh đã trở thành sách giáo khoa có vị trí trang trọng trong các trường đại học, cao đẳng y khoa nước nhà. Ngày nay phong trào xây dựng nhà Tuệ Tĩnh (vườn thuốc nam kết hợp với y xá chữa bệnh) khắp làng quê trong cả nước chứng minh sức sống và sự lan tỏa phương châm “Nam dược trị nam nhân” của ông. Ông xứng đáng là bậc danh nhân kiệt xuất của dân tộc.

2.2 Cụm di tích thờ đại danh y - Thiền sư ở Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương

Nhân dân ta có một truyền thống cực ký quý báu, ấy là: Chuộng anh hùng, trọng nghĩa khí, trọng đạo lý, tôn vinh và tôn thờ những người có công trạng to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Một trong những hình thức có tính phổ biến trong việc tôn vinh là: Xây dựng các đình, đền, chùa, miếu để tôn thờ sau khi người ấy quá cố một thời gian, bất kể người ấy ở vùng quê nào trên đất Việt và ngưỡng mộ các vị ấy như Thành hoàng làng, như thánh nhân cứu thế. Lật giở những trang vàng của 1000 Phật giáo Thăng Long – Hà Nội, chúng ta nhớ đến Thiền sư Tuệ Tĩnh. Ông không sinh ra và dĩ nhiên không lớn lên ở đất kinh thành, Phật y sự không hoằng dương cứu độ ở nơi này, nhưng khi ông mất, ông vẫn được thờ ở ngôi vị cao nhất của y miếu Thăng Long – Hà Nội. Nơi giữ gìn, tưởng niệm những giá trị sâu sắc của nho y Đại Việt. Tên ông cũng được đặt tên cho một con phố ở Thủ đô – Đó là Phố Tuệ Tĩnh. Ông được tôn thờ như vị thành hoàng làng ở Yên Lại, Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và chắc chắn nhiều địa phương khác trong phạm vi cả nước cùng có đền thờ ông. Còn trên quê hương ông – ngay tại huyện Cẩm Giàng có 3 nơi phụng thờ ông là: Chùa Giám, Đền Bia và Đền Xưa – Bài viết nhỏ này, chúng tôi chú ý tới 3 công trình thờ tự ông như trên.

Tam quan đền Bia, thôn Văn Thái, xã Cẩm Văn, Cẩm Giàng, Hải Dương.

Chúng tôi dùng cụm từ di tích lưu niệm, tưởng niệm Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh trên quê hương Cẩm Giàng là: Chùa Giám, Đền Xưa, Đền Bia bởi thấy giữa các di tích ấy có những mối tương quan gắn bó chặt chẽ với nhau ở các khía cạnh như sau: Một là cả ba di tích đều liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Đền Bia, thôn Văn Thái, xã Cẩm Văn tôn thờ tấm bia có ghi tạc lời di nguyện của ông: “Đời sau có ai bên nước sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”.

Đền Xưa, thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ - quê hương ông, nơi ông cất tiếng khóc chào đời.

Chùa Giám, thôn Tân Sơn, xã Cẩm Sơn – nơi ông được nuôi dưỡng, ăn học thuở hàn vi tới lúc thành tài. Ông có hai thời điểm sống, tu luyện và hành nghề ở đây, vì thế chùa Giám không chỉ là di tích Lịch sử, văn hóa – kiến trúc nghệ thuật mà đích thực còn là di tích lưu niệm tiểu sử sự nghiệp, lưu niệm sinh hoạt đời sống của Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Sân tiền tế đền Xưa, thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng, Hải Dương.

Hai là thời gian ra đời của di tích. Nhìn chung các di tích nói trên đều được xây dựng từ rất sớm và đều đã được BVHTTDL xếp hạng là di tích quốc gia. Chùa Giám được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1974, tòa cửu phẩm Liên hoa của di tích này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia (năm 2015); Đền Xưa được xếp hạng năm 1990: Đền Bia được xếp hạng năm 1994.

Chùa Giám thôn Tân Sơn, xã Cẩm Sơn, Cẩm Giàng, Hải Dương.

Cửu phẩm liên hoa - chùa Giám, được công nhận là Bảo vật Quốc gia, năm 2015.

Ba là về vị trí xây dựng và quy mô kiến trúc công trình. Khảo sát tại chỗ, chúng tôi nhận ra: về vị trí cả ba di tích nói trên đều tọa lạc ở nơi cao ráo, cảnh quan đẹp, sát đường giao thông liên thôn, liên xã rất thuận tiện cho việc tham quan, du lịch. Khuôn viên của các di tích đều khá rộng. Chùa Giám, Đền Bia tọa lạc trên khuôn viên rộng 4ha, Đền Xưa tọa lạc trên khuôn viên 1ha. Các đơn nguyên kiến trúc của các di tích này đều được sắp đặt trên trục thần đạo dẫn từ tam quan đến hậu cung theo mô thức kiến trúc truyền thống. Đó là tam quan, hai dãy hành lang, tiền đường, tam bảo, nhà tổ, nhà Cửu phẩm Liên hoa (Chùa Giám); là Nghi môn, hệ thống sân vườn, tả vu, hữu vu, tiền tế, trung từ, hậu cung (Đền Bia, Đền Xưa). Tất cả các đơn nguyên kiến trúc nêu trên đều được thiết kế, xây dựng chỉn chu, chuẩn mực, đăng đối, liên hoàn và tương đối đồng bộ. Đặc biệt là trong khuôn viên các di tích này đều bố trí các tòa nhà (cấp 4) làm nơi bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc, khám chữa bệnh cho nhân dân. Riêng Đền Bia có khu y xá với đầy đủ các phòng chức năng từ bắt mạch, kê đơn, chẩn trị, bốc thuốc và có một mảnh đất rộng trồng nhiều cây thuốc gắn với các bài thuốc chữa trị của Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh. Bước vào sân y xá chúng tôi đã nghe tiếng dao cầu cắt thuốc, đã được ngửi mùi thuốc thơm lừng thật thú vị.

Bốn là hệ thống tượng thờ: Chùa Giám, Đền Bia, Đền Xưa đều có tượng thờ Tuệ Tĩnh và đặt nơi trang trọng nhất – đấy là Hậu cung, là nhà tổ. Tổng cộng có ba pho tượng bằng đồng, một pho tượng bằng gỗ. Pho tượng có niên đại sớm nhất là năm 1936, đặt ở Đền Bia – tượng được đúc bằng đồng, sơn son, thếp vàng lộng lẫy. Tượng được tạc ở tư thế ngồi, đầu đội mũ, khuôn mặt nhân từ, mắt sáng, nhìn thẳng, râu dài đen, tai to, hai bàn tay để ngay ngực trong thế kết ấn. Chùa Giám trước đây thờ tượng Tuệ Tĩnh bằng chất liệu gỗ - kiểu dáng, kích thước, tư thế như tượng ở Đền Bia. Niên đại muộn của tượng Tuệ Tĩnh bằng chất liệu đồng, được Bộ Y tế cung tiến đặt ở Đền Xưa, Chùa Giám năm 2005.

Nhìn chung, tượng Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh được thờ trong các di tích nói trên đều được chế tác từ chất liệu gỗ hoặc đồng. Tượng được tạo tác ở thế ngồi, đầu đội mũ, râu dài, đen, tai to, cổ cao, mắt nhìn thẳng, nhân từ, hai tay để trước ngực với tư thế Kiết ấn (Chùa Giám, Đền Xưa), hoặc cầm Lãnh bài (Đền Bia). Tượng được đặt nơi hậu cung (Đền Bia, Đền Xưa), hoặc ở trung tâm ban thờ Tổ (Chùa Giám) điều đó thể hiện lòng tôn kính với thánh thuốc Nam.

Hội thảo khoa học “Giá trị cụm di tích lưu niệm Đại danh y -Thiền sư Tuệ Tĩnh” do huyện UBND huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức, ngày 15-11-2017.

Nhìn xuyên thấu bốn tương quan kể trên, so sánh với hiện trạng chúng tôi nhận ra di tích Chùa Giám, Đền Bia, Đền Xưa đã được chăm sóc kỹ lưỡng, bảo tồn chu đáo. Các công trình đều đã được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được giá trị kiến trúc, giá trị văn hóa tín ngưỡng xanh, sạch đẹp. Di sản luôn gắn với đời sống hiện hữu của cộng đồng dân cư, di sản tuy tọa lạc ở các vị trí, địa điểm khác nhau nhưng gẫn gũi, với kết cấu hạ tầng giao thông thuận lợi, lại thờ chung một vị thánh nên tạo thành cụm di tích rất sống động. Nhân vật được tôn thờ là vị thánh thuốc Nam. Tư tưởng trị bệnh cứu người của ông theo phương châm xuyên suốt: “Nam dược trị nam nhân” là tư tưởng đi trước thời đại ông sống. Căn cứ các tiêu chí nhận diện di tích quốc gia đặc biệt được quy định tại Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, chúng tôi cho rằng cụm di tích lưu niệm, tưởng niệm Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh là Chùa Giám, Đền Bia, Đền Xưa xứng đáng được lập hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

PGS.TS. Phạm Mai Hùng

Chú thích:

(1). Nguồn: Hồ sơ lưu trữ Bộ VHTTDL, Cục DSVH, Hội đồng DSVHQG.

Từ khóa » Di Tích Lưu Niệm Danh Nhân Là Gì