Khu Di Tích Cổ Loa Thành Công Viên Lịch Sử | Con Người Và Thiên Nhiên

ThienNhien.Net – Sáng qua (26/10), UBND TP Hà Nội đã chính thức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000). Lễ công bố diễn ra với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành cùng đông đảo nhân dân địa phương.

Kết nối các vùng di sản Hà Nội

Với diện tích 860,4ha, phạm vi quy hoạch Khu di tích Thành Cổ Loa và phụ cận thuộc địa bàn các xã: Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ… trong đó, mục tiêu mà quy hoạch đặt ra là bảo tồn, tôn tạo hướng tới xây dựng và tôn vinh Khu di tích Cổ Loa trở thành Công viên Lịch sử – Sinh thái – Nhân văn, phù hợp với quy hoạch phân khu tại khu vực và quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội.

Theo đánh giá, Khu di tích Cổ Loa là không gian quan trọng kết nối các tuyến du lịch văn hóa lớn của Thủ đô như: Tuyến cảnh quan văn hóa sông Hồng – Hồ Tây – Ba Vì; tuyến không gian bảo tồn hệ thống di tích Đền Hùng – Mê Linh – Cổ Loa – Hoàng thành Thăng Long – Sơn Tây – thành cổ Luy Lâu. Dự kiến, sau khi quy hoạch hoàn chỉnh, di tích này sẽ dần chuyển đổi từ vùng dân cư nông thôn nội thành Hà Nội sang mô hình công viên lịch sử, trong đó ngành kinh tế chủ đạo là phát triển dịch vụ và du lịch dựa trên bảo tồn và khảo cổ học.

Đặc biệt, việc bảo tồn gắn với an sinh xã hội, duy trì tính nguyên bản của hệ thống di sản tiềm ẩn dưới lòng đất cũng như trên mặt đất cùng toàn bộ môi trường lịch sử, xã hội nông thôn và môi trường sinh thái công nghiệp. Dự kiến, dân số sẽ duy trì ở quy mô 1,55 vạn người. Số lượng khách du lịch dự báo đến năm 2020 đạt khoảng 229.000 lượt khách/năm.

Sơ đồ quy hoạch tổng thể Khu di tích Cổ Loa
Sơ đồ quy hoạch tổng thể Khu di tích Cổ Loa

Phân vùng quản lý

Theo quy hoạch vừa được công bố, toàn bộ di tích Cổ Loa được chia thành 4 vùng: Vùng lõi, vùng trung, vùng ngoại và vùng biên. Vùng trung tâm của di tích – vùng lõi sẽ tiến tới nghiên cứu, phục dựng một số đoạn thành Nội. Hình thành không gian tôn nghiêm tại trục lõi Ngự Triều Di Quy, tiếp tục bảo tồn các di tích đã xếp hạng như Đền Thượng, Giếng Ngọc… các di tích chưa xếp hạng như xóm Chùa, điếm xóm Chợ, khai thác di tích Mả Tre thành công viên khảo cổ học.

Tại 2 khu dân cư xóm Chợ và xóm Chùa, nhà ở xây mới chiều cao quy định không quá 9m, không tăng mật độ xây dựng. Tiến hành khôi phục một số nhà cổ tiêu biểu để giới thiệu sản phẩm du lịch. Hình thành lõi hoạt động văn hóa với khuôn viên quần thể trục di tích Ngự Triều Di Quy, khuôn viên tuyến Hào và thành Nội, quảng trường khánh tiết…

Đối với phân khu vùng trung, toàn bộ dấu vết hiện còn đều sẽ được bảo tồn, nghiên cứu phục dựng một số đoạn thành. Tái hiện không gian nước của Hào thành Trung và khu vườn thuyền Ao Mắm, Ngự Xạ Đài trở thành công viên truyền thuyết. Các không gian dịch vụ cũng được hình thành tại phân khu vùng trung. Cảnh quan xanh rìa làng sẽ điều chỉnh theo hướng dịch vụ sinh thái với các vùng trồng hoa màu công nghệ cao. Phân khu vùng ngoại, dự kiến khoảng 247,3ha, phân khu vùng biên khoảng 356ha đóng vai trò vùng đệm. Tại đây sẽ tiếp tục các nghiên cứu khảo cổ, bảo tồn di sản vật thể và chỉnh trang các điểm dân cư thôn Sằn và Mạch Tràng…

Bên cạnh việc bảo tồn, quy hoạch cũng chú trọng tới các vấn đề như hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch giao thông, thiết lập hệ thống giao thông công cộng, giao thông tĩnh. Bà Phạm Thị Nhâm – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch kiến trúc đô thị và nông thông quốc gia cho biết, việc quy hoạch Khu di tích Cổ Loa đặc biệt khó, bởi đây vừa là di tích quốc gia vừa tích hợp tổng thể các quy hoạch bảo tồn với 60 hạng mục gồm các di tích tưởng niệm, công trình tín ngưỡng và thành hào.

Bên cạnh đó, di sản này vẫn gìn giữ được một hệ sinh thái rộng lớn cách trung tâm thành phố không xa. Bản thân quy hoạch đã nhấn mạnh vào việc duy trì tính toàn vẹn không gian di sản, đồng thời không phá vỡ cấu trúc làng xóm. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng đề cao tính khả thi của quy hoạch, đồng thời đề nghị sớm phê duyệt đầu tư di tích, khẩn trương lập, thẩm định quy hoạch chi tiết 1/500.

Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, đây là việc làm thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.  Nhấn mạnh tầm quan trọng của Khu di tích Cổ Loa trong lịch sử hình thành và phát triển Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP đánh giá, với việc bảo tồn nguyên trạng, trên cơ sở đó phát huy giá trị di sản, quy hoạch tổng thể đã đáp ứng được sự mong mỏi của người dân địa phương nói riêng, nhân dân Thủ đô nói chung.

Thời gian tới UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực thành Nội để đảm bảo ổn định cuộc sống của cộng đồng dân cư đang sinh sống trong khu di tích. Tiếp đó, tập trung chỉnh trang hạ tầng, cảnh quan, bảo tồn các di tích chính như đình, đền, am tại khu vực trung tâm, xây dựng khu trưng bày để phục vụ khách tham quan, đồng thời tạo nên một không gian lễ hội hàng năm. Lựa chọn một khu vực thành, hào đặc trưng để bảo tồn, phục dựng lại phục vụ mục đích quảng bá cộng đồng, khai thác du lịch…

Nguồn: Quỳnh Vân/An ninh Thủ đô

Bài liên quan:

  1. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  2. Các loài rùa nguy cấp trước mối đe dọa từ buôn bán và tiêu thụ
  3. Buôn bán trái phép ĐVHD cần được xem là hình thức tội phạm nghiêm trọng nhất
  4. Thúc đẩy du lịch sinh thái nông nghiệp trong bối cảnh ứng phó với tác động của BĐKH
  5. Nhâm Dần 2022: Năm Hổ và câu chuyện nuôi hổ để “bảo tồn” tại Việt Nam
  6. Quản lý động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm: Bất cập và khuyến nghị
  7. Tình nguyện trồng cây bản địa ở New Zealand
  8. Xu hướng áp dụng thuế carbon và bài học cho Việt Nam
  9. Bài 3: Kiến nghị khẩn cấp để bảo vệ các “sứ giả bầu trời”

Từ khóa » Sơ đồ Khu Di Tích Thành Cổ Loa