Kinh Tế TP.HCM Năm 2021: Bức Tranh Toàn Cảnh Giữa Mùa Covid-19
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù kinh tế TP.HCM đang dần lấy lại đà hồi phục, đặc biệt là sau gần ba tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến bức tranh kinh tế - xã hội của thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước có ít điểm sáng, các động lực tăng trưởng kinh tế bị kéo lùi nghiêm trọng.
Số liệu vừa mới được công bố của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của TP.HCM lần đầu tiên trong lịch sử giảm sâu hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước và của các địa phương.
GRDP GIẢM SÂU NHẤT TRONG LỊCH SỬ
Tất cả các thành phần của GRDP đều giảm. Theo đó, khu vực nông - lâm - thuỷ sản giảm 13,68%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 12,96%; khu vực thương mại dịch vụ giảm 5,5%; thuế sản phẩm giảm 0,43%. Đặc biệt, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm rất mạnh (-54,93%) và ngành kinh doanh bất động sản giảm 17,32% so với cùng kỳ.
Một số ngành khác có mức tăng trưởng dương, gồm: thông tin và truyền thông, tăng 6,08%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,16%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng 3,8%; giáo dục và đào tạo tăng 3,12%; y tế và cứu trợ xã hội tăng 28,68%.
Ở lĩnh vực dịch vụ, 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố chiếm 58,6% trong GRDP, chiếm 92,5% trong khu vực dịch vụ.
Thống kê cũng cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm sâu 14,3%. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 14,7%; sản xuất và phân phối điện giảm 4,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 3,8%. Dịch Covid-19 vẫn còn tác động lớn khiến cho chỉ có ba ngành có chỉ số tăng so với năm 2020 đó là sản xuất kim loại tăng 6,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 2,7%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 0,7%; còn lại, hầu hết các ngành công nghiệp đều giảm.
Đối với bốn ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 giảm 10,6% so với năm truớc. Trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử giảm 17,8%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 14,2%, ngành cơ khí giảm 9,2%; ngành hóa dược giảm 4,3%.
Đối với ngành công nghiệp truyền thống, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 giảm 23,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản xuất trang phục giảm 27,0%; ngành dệt giảm 23,7%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 19,6%.
Chịu tác động nặng nề và kéo dài của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 2 (đầu năm 2021) và đặc biệt lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021), cộng đồng doanh nghiệp không ngừng gặp nhiều cản trở, khó khăn, thậm chí phải giải thể, phá sản hoặc hoạt động cầm chừng dẫn đến nguy cơ tiềm tàng mất thanh khoản, nợ xấu gia tăng.
KHÓ KHĂN BỦA VÂY CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP
Về số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký thành lập doanh nghiệp mới trong năm 2021 trên địa bàn TP.HCM, ghi nhận sụt giảm so với năm 2020. Cụ thể, từ ngày 01/01/2021 đến 15/12/2021, thành phố đã cấp phép 30.829 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 517.694 tỷ đồng. So với năm trước, số giấy phép giảm 23,5% và vốn giảm 53,5%.
Kết quả một cuộc khảo sát, ghi nhận có 67,7% số doanh nghiệp nhận định rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV năm 2021 so với quý III năm 2021 tốt lên và giữ ổn định (48,4% doanh nghiệp đánh giá tốt lên và 19,3% doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định); trong khi 32,3% doanh nghiệp cho rằng họ có khó khăn hơn. Về dự báo tình hình quý I/2022 so với quý IV/2021, khảo sát cho biết: Có 71,7% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và giữ ổn định (43,6% tốt hơn và 28,1% giữ ổn định), tỷ lệ doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn là 28,3%.
Nhìn lại bức tranh tổng thể của hoạt động thương mại dịch vụ năm 2021, doanh thu của cả ngành sụt giảm mạnh so với năm 2020, trước khi tình hình dịch Covid-19 tại thành phố diễn biến phức tạp. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh thực hiện giãn cách, tạm ngưng kinh doanh để phòng chống dịch trong quý III; đặc biệt là các ngành như ăn uống, lưu trú chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, đơn vị kinh doanh lữ hành trong nhiều tháng không phát sinh doanh thu. Thống kê ghi nhận, ước tính cả năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 822.592 tỷ đồng, giảm 21,9% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá giảm 23,7%).
Tuy nhiên, có một điểm đáng ghi nhận, đó là các đơn vị kinh doanh trong năm 2021 cũng kịp thời thích ứng với tình hình dịch bằng việc thay đổi phương thức bán hàng, đẩy mạnh hoạt động mua bán và thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt. Việc quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, website của doanh nghiệp, kênh truyền hình trực tuyến nhằm giảm thiểu thiệt hại doanh thu do ảnh hưởng dịch Covid-19.
XUẤT KHẨU ĐẠT TĂNG TRƯỞNG DƯƠNG
Đại dịch Covid-19 tiếp tục làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế; tuy nhiên hoạt động xuất khẩu hàng hóa của TP.HCM vẫn đạt được mức tăng trưởng dương. Đây là điểm sáng của kinh tế thành phố.
Ước tính cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 43.896,9 triệu USD, giảm 1,0% so với năm 2020; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 41.975,4 triệu USD, giảm 1,6% so với năm 2020.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp TP.HCM xuất qua cảng thành phố bao gồm cả dầu thô, năm 2021 đạt 40.298,6 triệu USD, chiếm 91,8% tổng giá trị xuất khẩu của thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 2.423,8 triệu USD, tăng 6,4%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 11.580,2 triệu USD, tăng 7,1%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 26.294,6 triệu USD, giảm 3,2%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp TP.HCM với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 9.368,2 triệu USD, giảm 10,8% so với năm 2020 và chiếm 23,2% tỷ trọng xuất khẩu. Kế đến lần lượt là: Hoa Kỳ đạt 6.671,0 triệu USD, tăng 0,2% và chiếm 16,6% tỷ trọng xuất khẩu; Hong Kong đạt 3.992,6 triệu USD, tăng 21,9% so với năm 2020 và chiếm 9,9% tỷ trọng xuất khẩu; Nhật Bản đạt 2.469,4 triệu USD, giảm 11,9% và chiếm 6,1% tỷ trọng xuất khẩu; và EU đạt 5.083,9 triệu USD, giảm 0,5% và chiếm 12,6% tỷ trọng xuất khẩu.
TỔNG THU CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH TĂNG
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tăng trưởng kinh tế TP.HCM, nhất là làn sóng bùng phát dịch lần thứ 4 kéo dài; tuy nhiên thống kê cho biết, ước tổng thu cân đối ngân sách năm 2021 tăng 3% so với cùng kỳ, không kể nguồn thu từ quỹ dự trữ tài chính thì tổng thu ngân sách năm 2021 tăng 1% so với năm 2020.
Theo ông Trần Phước Tường, Phó cục trưởng phụ trách Cục Thống kê TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến nguồn thu ngân sách tăng tăng chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh khả quan từ các doanh nghiệp trong khối kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, chứng khoán, và tác động từ chính sách gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ, đã góp phần làm tăng tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2021.
Theo đó, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2021 ước thực hiện 383.703 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán và tăng 3% so với năm 2020. Nếu không kể nguồn thu từ quỹ dự trữ tài chính thì tổng thu ngân sách tăng 1% so năm 2020 và vượt 3,1% dự toán năm 2021. Cụ thể, thu nội địa năm 2021 ước thực hiện 253.281 tỷ đồng, vượt 2% dự toán, chiếm 66% tổng thu cân đối và giảm 0,9% so với năm 2020; thu dầu thô ước thực hiện 14.000 tỷ đồng, vượt 63,7% dự toán năm, chiếm 3,7% tổng thu cân đối và tăng 26% so với năm ngoái; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 116.400 tỷ đồng, vượt 7,8% dự toán, chiếm 30,3% tổng thu cân đối và tăng 9,8% so với năm 2020.
Khái quát lại, kinh tế TP.HCM trong năm 2021 diễn ra giữa lúc đà tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu bị đe doạ do tác động của làn sóng dịch Covid-19. Việc bảo vệ sức khoẻ và ổn định sản xuất, giữ vững an ninh và an sinh xã hội là thách thức đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Chính quyền cùng doanh nghiệp và người dân thành phố. Qua gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM cơ bản được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội bắt đầu khởi sắc trở lại với nhiều điểm sáng như đã nói ở trên.
Các nhà kinh tế dự báo trong năm 2022, kinh tế TP.HCM sẽ phục hồi theo chữ V, tương tự như nhận định của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại báo cáo “Cập nhật kinh tế khu vực mới nhất”của WB công bố hồi cuối tháng 3/2021
Từ khóa » đặc điểm Kinh Tế Xã Hội Tp Hồ Chí Minh
-
ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ XÃ HỘI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 1. Đặc ...
-
Thành Phố Hồ Chí Minh – Wikipedia Tiếng Việt
-
Cổng Thông Tin điện Tử VPUBND TP Hồ Chí Minh
-
Thành Phố Hồ Chí Minh Thúc đẩy Phát Triển Kinh Tế-xã Hội Sau đại Dịch
-
Hồ Chí Minh - Thành Phố Kinh Tế Năng động - Trung Tâm Tài Chính Của ...
-
Thành Phố Hồ Chí Minh - Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư
-
Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh: Hướng đến Mục Tiêu Phục Hồi Và ...
-
TPHCM: Tình Hình Kinh Tế - Xã Hội Tháng 10 đã được Cải Thiện đáng Kể
-
Thành Phố Hồ Chí Minh Giữ Vững Vai Trò đầu Tàu Phát Triển Của Vùng ...
-
TP. Hồ Chí Minh: Kinh Tế- Xã Hội Có Nhiều điểm Sáng
-
Nghị Quyết 111/2016/NQ-HĐND - Thành Phố Hồ Chí Minh
-
Vực Dậy Nền Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh - Tạp Chí Tuyên Giáo
-
Thành Phố Hồ Chí Minh Khẳng định Sức Sống Mạnh Mẽ, Tiên Phong ...
-
Tình Hình Kinh Tế - Xã Hội Có Nhiều điểm Sáng - TP. Hồ Chí Minh