Thành Phố Hồ Chí Minh Giữ Vững Vai Trò đầu Tàu Phát Triển Của Vùng ...

Toàn cảnh Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh: Tư liệu

Hạt nhân phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của Vùng. Thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số 9,2 triệu người nhưng có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Kinh tế thành phố tăng trưởng khá và ổn định qua các năm, GRDP tăng bình quân đạt 8,3%/năm, quy mô GRDP của Thành phố năm 2020 ước chiếm 22,8% GDP cả nước và khoảng 48,4% GRDP của Vùng. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 6.799 USD (cả nước ước trên 3.000 USD/người). Cơ cấu kinh tế luôn duy trì tỷ trọng hợp lý, khu vực dịch vụ thường xuyên giữ tỷ trọng lớn nhất trong GRDP, năm 2020 ước đạt 62,13%, vượt chỉ tiêu đề ra là 56% - 58%, khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 24,61%. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước từ khu vực kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 là 12,17%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GRDP. Ước thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 là 1.857.204 tỷ đồng, trong đó dự toán thu ngân sách năm 2020 là 405.828 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước (khoảng 27%).

Không chỉ tập trung cho phát triển kinh tế, Thành phố còn phát triển đều trên các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Điển hình như, hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đang từng bước trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế - xã hội, gắn với phát triển kinh tế tri thức thông qua tập trung nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu cải tiến công nghệ, hiện đại hóa thiết bị sản xuất, hỗ trợ đào tạo, tư vấn nâng cao năng suất, chất lượng và quản trị, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khẳng định giá trị thương hiệu… Vì vậy, số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt tỷ lệ 36,4%. Thành phố cũng ban hành nhiều chính sách để từng bước hình thành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đang trở thành điểm sáng của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước. Tính đến năm 2020, tổng số các nhóm, các doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động trên địa bàn ước khoảng 2.200 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 55% so với cả nước. Thành phố tiếp tục đầu tư, khai thác hiệu quả các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ tại các trường đại học, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung để hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững. Ngoài ra, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo cũng được chú trọng; từ năm 2018, Thành phố triển khai đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông (gồm Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức) tạo ra trung tâm động lực tăng trưởng mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần củng cố vững vàng vai trò đầu tàu, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dự và tham quan Triển lãm Giải pháp, sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Ngày hội doanh nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2020_Ảnh: TTXVN

Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân không ngừng được nâng cao. Quy mô đào tạo các cấp học tăng dần qua từng năm, đến nay đã hoàn thành quy hoạch chi tiết mạng lưới trường học tại các quận - huyện, bố trí quỹ đất và tăng đầu tư xây dựng trường học theo quy hoạch phát triển giáo dục - đào tạo, chi cho giáo dục chiếm 27,7% ngân sách chi thường xuyên, 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của Thành phố.

Đời sống văn hóa của người dân ngày càng được cải thiện. Phát huy truyền thống nhân ái, nghĩa tình trở thành nét đặc trưng của người dân Thành phố. Tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư nâng cấp các công trình, thiết chế văn hóa; xây dựng nhiều phong trào, thực hiện nhiều cuộc vận động xây dựng văn hóa đô thị lành mạnh, văn minh.

Với vai trò đầu tàu, Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng. Điểm nhấn quan trọng ở giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố và các tỉnh trong vùng đã triển khai liên kết về cung cầu hàng hóa, phát triển giao thông, du lịch, bảo vệ môi trường, kiểm soát dịch bệnh, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Vùng. Năm 2019, Thành phố và tỉnh Tây Ninh ký kết hợp tác triển khai dự án đường cao tốc Thành phố - Mộc Bài (Tây Ninh). Thành phố cùng với 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo chủ trương của Đảng. Thành phố tích cực giải quyết việc làm cho người lao động ở các địa phương trong Vùng, giảm áp lực di dân trong độ tuổi lao động đến Thành phố qua việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của mình thực hiện đầu tư, góp phần hình thành nhiều khu công nghiệp tại các tỉnh trong Vùng…

Vẫn còn những “rào cản” hạn chế sự phát triển

Kết cấu hạ tầng giao thông hiện nay của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang quá tải: Các sân bay bị quá tải, chưa có cảng biển nước sâu để đón tàu tải trọng lớn, đường bộ thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Theo đánh giá của các chuyên gia về đô thị, thì với tốc độ này, phải mất 50 năm nữa Thành phố mới xây dựng đủ đường giao thông. Đóng góp giá trị GDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lớn hơn của 3 vùng cộng lại, tuy nhiên xét về kết cấu hạ tầng thì đang có sự mất cân đối lớn khi chỉ có khoảng 91km đường cao tốc, bằng 11% cao tốc cả nước…

Nguồn vốn và phân bổ vốn ngân sách từ Trung ương cho Thành phố hiện nay có mặt chưa hợp lý. Thành phố luôn đóng góp cho ngân sách cao nhất nước (chiếm hơn ¼ tổng số nguồn thu ngân sách của cả nước), nhưng điều tiết ngân sách của Trung ương cho Thành phố lại ở mức thấp. Kể từ năm 2017 (năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020), tỷ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách Thành phố giảm từ 23% xuống còn 18%. Trong khi, nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và kinh phí để bảo đảm các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao đã gây áp lực không nhỏ cho ngân sách Thành phố. Đơn cử, tình trạng thiếu vốn dẫn đến Thành phố không có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng giao thông đối với một số dự án quan trọng, như dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái và Hiệp Phước, xây dựng đường vành đai 3, nạo vét và triển khai xây dựng luồng Soài Rạp thành cảng nước sâu, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên…

Nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng cao đã gây áp lực không nhỏ cho ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh: Tư liệu

Thành phố vẫn còn thiếu cơ chế điều hành linh hoạt. Nghị quyết số 54/2017/QH14, ngày 24-11-2017, của Quốc hội cho phép Thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù nhưng việc cụ thể hóa Nghị quyết vẫn chưa được tiến hành thống nhất, đồng bộ, mới dừng lại ở quy định chung, chưa được luật hóa để có thể thiết lập cơ chế bảo đảm thực hiện đầy đủ. Vì vậy, nhiều lĩnh vực, Thành phố muốn thực hiện theo quy định đều phải xin ý kiến chỉ đạo hoặc chờ đợi phê duyệt từ Trung ương, như trong việc sử dụng và phân bổ nguồn vốn; tuyển dụng và bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tinh gọn bộ máy; áp dụng chế độ trả lương phù hợp với hiệu quả công việc không theo hệ thống thang bảng chung… Điều này dẫn đến hệ lụy là sự thiếu chủ động, thậm chí chậm trễ trong các quyết sách phát triển, nhất là tái đầu tư cũng như đầu tư mới các dự án nâng cấp, chỉnh trang, phát triển đô thị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hoạt động công vụ.

Nhìn rộng ra, cơ chế, chính sách cho phát triển Vùng chưa tạo được đột phá trong quản lý; các thành viên trong Vùng chưa rõ về quyền lợi, trách nhiệm; sự liên kết vùng còn manh mún, còn tình trạng các địa phương mạnh ai nấy làm, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau; kết nối chiến lược và quy hoạch vùng còn nhiều bất cập, trùng lặp, khi việc liên kết chủ yếu dựa trên sự thỏa thuận, chứ không có hệ thống pháp lý đủ mạnh, cơ chế Hội đồng vùng không có chức năng điều hành, ra quyết định… Đây là hạn chế chung của Vùng, song tác động không nhỏ đến sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển Vùng. Do đó, vấn đề đặt ra là rất cần có một cơ chế điều phối để bảo đảm tính chủ động, sáng tạo trong việc phát triển Vùng. Liên kết vùng là để các địa phương phát huy thế mạnh của mình, dựa trên lợi thế so sánh của từng địa phương. Muốn duy trì tăng trưởng bền vững cần hành động tập thể. Nếu có cơ chế điều phối, mỗi địa phương phát huy được lợi thế để phát triển, đồng thời sẽ giảm áp lực dân di cư đến Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Cũng từ hạn chế này, đến thời điểm hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả Vùng nói chung vẫn chưa xây dựng được một chiến lược phát triển chung; việc phối hợp các bộ, ngành với các tỉnh hoặc giữa các tỉnh trong trong Vùng vẫn mang tính tự phát, dừng lại ở mức độ ký kết các cam kết, thỏa thuận hợp tác giữa một vài địa phương.

Để giữ vững vai trò đầu tàu phát triển

Với quan điểm không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh xác định mục tiêu và phương hướng phát triển đến năm 2025, là tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới…, tập trung thực hiện số giải pháp sau:

Một là, Thành phố triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, tập trung thực hiện 3 chương trình đột phá: Đổi mới quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nhân lực và văn hóa, cùng với chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực.

Hai là, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ kết nối Thành phố với các tỉnh lân cận để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố, làm động lực phát triển kinh tế của Vùng và cả nước. Hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, hợp tác với các nước đầu tư xây dựng, phát triển các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Ba là, đổi mới tư duy, phương pháp lập quy hoạch. Rà soát, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố gắn với quy hoạch Vùng và triển khai các quy hoạch phân khu; nghiên cứu tổ chức bộ máy quản lý đô thị đồng bộ theo vùng, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại (GIS), thu hút nhân lực quản lý chất lượng cao để khai thác tối đa các thế mạnh của Vùng để phát triển. Công tác quy hoạch phải là nhiệm vụ được ưu tiên đi đầu trước khi thực hiện trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong nhiệm vụ kế hoạch hằng năm của địa phương, của các ngành và các cấp chính quyền.

Bốn là, tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố để giữ vững vai trò đầu tàu trong Vùng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu ngành nghề theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; lấy phát triển công nghiệp công nghệ cao làm mũi nhọn (công nghệ thông tin và viễn thông, chế tạo máy, cơ khí chính xác và tự động hoá, vi điện tử…); sớm đưa Thành phố trở thành một trung tâm tài chính lớn, có tác động lan tỏa và có khả năng chi phối các luồng di chuyển vốn đầu tư trong Vùng, phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tận dụng thời cơ thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác, liên kết với vai trò đầu tàu, hạt nhân. Tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh liên kết 3 nhà (nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) để thực hiện chuyển giao, ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ từ viện, trường đến doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong Vùng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Văn Lang trong giờ thực nghiệm khoa học_Ảnh: Tư liệu

Để thực hiện các giải pháp trên Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị, đề xuất với Trung ương:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế điều phối hoạt động vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để vùng kinh tế trọng điểm trở thành các cực tăng trưởng mạnh của cả nước cần có một cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm chính điều phối; cơ quan này có bộ máy hoạt động chuyên trách và để gia tăng thực quyền điều phối chung, thay vì Chủ tịch Hội đồng vùng được đề cử luân phiên giữa các địa phương như hiện nay thì các chức danh này nên do một Phó Thủ tướng Chính phủ đảm nhiệm.

Thứ hai, Chính phủ và Quốc hội xem xét cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được giữ lại tỷ lệ thu ngân sách cao hơn hiện nay để tăng nguồn lực thực hiện tái đầu tư./.

Từ khóa » đặc điểm Kinh Tế Xã Hội Tp Hồ Chí Minh