Thành Phố Hồ Chí Minh Thúc đẩy Phát Triển Kinh Tế-xã Hội Sau đại Dịch

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch ảnh 1Các đại biểu HĐND Thành phố Hồ Chí Minh biểu quyết nhất trí thông qua các Nghị quyết của kỳ họp. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Ngày 7/4, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X (2021-2026) tổ chức kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề), thảo luận, quyết nghị thông qua một số nội dung quan trọng cấp bách, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Thúc đẩy các dự án giao thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội

Hội đồng Nhân dân Thành phố đã xem xét ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương đảm bảo thực hiện cân đối đủ vốn ngân sách thành phố bố trí để thực hiện dự án đường Vành đai 3. Trong trường hợp tổng mức đầu tư dự án thành phần có điều chỉnh, phần vốn tăng thêm sẽ bố trí từ nguồn ngân sách Thành phố.

Dự án xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là dự án trọng điểm quốc gia, đi qua 4 tỉnh, thành phố là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công (kết hợp vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương). Chiều dài dự án khoảng 76km, đầu tư 4 làn xe cao tốc hạn chế; đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe.

Dự án chia làm 8 dự án thành phần và giao các địa phương tổ chức thực hiện. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là hơn 75.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố gần 24.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2022-2027.

Hội đồng Nhân dân Thành phố nhất trí về tầm quan trọng, cần thiết của việc thực hiện dự án, góp phần tăng khả năng kết nối đô thị vệ tinh, phát huy lợi thế các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố, có tính kết nối liên vùng.

Đồng thời, Hội đồng Nhân dân Thành phố đưa ra yêu cầu cần khẩn trương hoàn thiện thành phần hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, chấp thuận cho thành phố được thực hiện huy động bổ sung ngân sách Thành phố để chi đầu tư phát triển, cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho dự án đúng tiến độ.

Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân Thành phố xem xét, quyết nghị về chủ trương đầu tư dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành-Suối Tiên với tổng mức đầu tư hơn 93 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2022-2024.

Dự án nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành-Suối Tiên, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thông của người dân, nâng cao hiệu quả đầu tư và góp phần hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đô thị.

Nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19

Tại kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, quyết nghị về chính sách đặc thù để củng cố, nâng cao năng lực Trạm Y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Theo đó, bác sỹ đang trong thời gian tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với Trạm Y tế được hỗ trợ 60 triệu đồng trong vòng 18 tháng; điều dưỡng, hộ sinh đang trong thời gian tham gia thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với Trạm Y tế được hỗ trợ 30 triệu đồng trong 9 tháng. Với mức hỗ trợ trên, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến hằng năm có thể thu hút 300 bác sỹ, 100 điều dưỡng, hộ sinh tham gia chương trình.

[HĐND TP.HCM họp giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách]

Bên cạnh đó, Hội đồng Nhân dân Thành phố sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ đối tượng người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế thực hiện công việc tại Trạm Y tế ở các mức từ 7-9 triệu đồng/người/tháng nhằm khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, hỗ trợ nâng cao năng lực cho Trạm Y tế, đáp ứng yêu cầu thực tế trong giai đoạn mới.

Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch ảnh 2Quang cảnh kỳ họp. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Hội đồng Nhân dân Thành phố quyết nghị thông qua chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố bằng cách hỗ trợ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ tài chính hàng tháng, cung ấp học bổng... Thời gian thực hiện chính sách từ ngày 1/5/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Từ nay đến hết ngày 31/12/2022, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai chính sách đặc thù hỗ trợ cho tình nguyện viên (được huy động hoặc tình nguyện) tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn với mức hỗ trợ 130.000 đồng/người/ngày, từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước.

Nâng cao hiệu lực hoạt động giám sát

Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã biểu quyết thông qua Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân Thành phố trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị nhiệm kỳ 2021-2026.

Đề án nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của các Kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố; nâng cao chất lượng công tác giám sát và khảo sát, nâng cao tính đại diện của đại biểu Hội đồng Nhân dân trong quyết định những vấn đề quan trọng của thành phố, đưa hoạt động của Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân sát cơ sở, sát dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Nội dung Đề án gồm các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với Hội đồng Nhân dân; kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động của Hội đồng Nhân dân, nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố; nâng cao chất lượng giám sát tại kỳ họp của Hội đồng Nhân dân, của Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban chuyên môn của Hội đồng Nhân dân, các tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng Nhân dân; nâng cao chất lượng thực hiện các hình thức giám sát của Hội đồng Nhân dân Thành phố; tăng cường mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị; nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy giúp việc và điều kiện phục vụ cho hoạt động giám sát Hội đồng Nhân dân Thành phố...

Trong điều kiện Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tổ chức chính quyền đô thị và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động giám sát càng thể hiện vai trò quan trọng nhằm đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo các nghị quyết, chính sách được thực thi trong đời sống.

Đề án sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát Hội đồng Nhân dân cùng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo dõi, xem xét, đánh giá việc triển khai chương trình, kế hoạch, việc tuân thủ quy định pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nhằm góp phần thúc đẩy, phát huy hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn lực; góp phần đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh ở địa phương. Đồng thời, Đề án giúp Hội đồng Nhân dân Thành phố thực hiện quyền giám sát trong tình hình mới, các quyền mới được giao và phù hợp trong điều kiện thực hiện tổ chức chính quyền đô thị.

Cũng trong kỳ họp lần này, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết về quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thành phố; Nghị quyết bổ sung dự toán thu, chi ngân sách Thành phố năm 2022; Nghị quyết bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương từ nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn; Nghị quyết về chế độ trợ cấp hàng tháng của Khu (ấp) đội trưởng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Từ khóa » đặc điểm Kinh Tế Xã Hội Tp Hồ Chí Minh