Kinh Tế – Xã Hội Thời Kỳ 2006-2010 Qua Số Liệu Một Số Chỉ Tiêu Thống ...

I. Tăng trưởng kinh tế

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2006 đạt 8,23%, năm 2007 đạt 8,46%, năm 2008 đạt 6,31%, năm 2009 đạt 5,32% và năm 2010 ước tính đạt 6,78%. Bình quân thời kỳ 2006-2010, tăng trưởng kinh tế đạt 7,01%/năm, trong đó bình quân giai đoạn 2006-2007 đạt 8,34%; bình quân giai đoạn 2008-2010 đạt 6,14% do ảnh hưởng của lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế thế giới. Tăng trưởng ba khu vực kinh tế như sau:

– Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,34%/năm thời kỳ 2006-2010, trong đó giai đoạn 2006-2007 tăng 3,72%; giai đoạn 2008-2010 tăng 3,09%.

– Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,94%/năm thời kỳ 2006-2010, trong đó giai đoạn 2006-2007 tăng 10,30%; giai đoạn 2008-2010 tăng 6,40%.

– Khu vực dịch vụ tăng 7,73%/năm thời kỳ 2006-2010, trong đó giai đoạn 2006-2007 tăng 8,57%; giai đoạn 2008-2010 tăng 7,17%.

Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người tăng từ 11694 nghìn đồng năm 2006 lên 22778 nghìn đồng năm 2010, gấp gần 2 lần, tương đương 11084 nghìn đồng. Nếu tính theo USD (Theo tỷ giá hối đoái bình quân năm), tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người tăng từ 730 USD năm 2006 lên 1168 USD năm 2010, gấp 1,6 lần, tương đương 438 USD.

II. Sản xuất công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994 năm 2010 tăng 63,2% so với năm 2006. Bình quân trong thời kỳ 2006-2010, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994 tăng 13,8%/năm (Công nghiệp khai thác mỏ tăng 0,3%; công nghiệp chế biến tăng 15%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước tăng 12,1%), trong đó giai đoạn 2006-2007 tăng 16,8%/năm (Công nghiệp khai thác mỏ giảm 1,7%; công nghiệp chế biến tăng 19%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước tăng 11,1%); giai đoạn 2008-2010 tăng 11,8%/năm (Công nghiệp khai thác mỏ tăng 1,6%; công nghiệp chế biến tăng 12,4%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước tăng 12,8%).

III. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng bình quân 5%/năm thời kỳ 2006-2010, trong đó nông nghiệp tăng 4,2%; lâm nghiệp tăng 3,1%; thuỷ sản tăng 8%. Kết quả sản xuất một số sản phẩm chủ yếu thời kỳ 2006-2010 như sau:

– Sản lượng lương thực có hạt năm 2010 đạt 44,6 triệu tấn, tăng 12,3% so với năm 2006, tương đương 4,9 triệu tấn. Bình quân mỗi năm thời kỳ 2006-2010 sản lượng lương thực tăng 2,4% (trong đó sản lượng lúa tăng 2,2%/năm). Sản xuất lương thực đã đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và nâng cao lượng xuất khẩu.

– Diện tích lúa năm 2010 ước tính đạt 7513,7 nghìn ha, tăng 2,6% so với năm 2006, tương đương 188,9 nghìn ha. Bình quân thời kỳ 2006-2010, diện tích lúa tăng 0,5%.

– Thời kỳ 2006 -2010, mô hình chăn nuôi quy mô lớn theo hướng sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao được phát triển mạnh. Tại thời điểm 01/7/2010, cả nước có 23558 trang trại chăn nuôi, tăng 42% so với năm 2006. Tại thời điểm 01/10/2010, đàn lợn cả nước tăng 1,9% so với cùng thời điểm năm 2006; đàn trâu giảm 0,3%; đàn bò giảm 9,1%; đàn gia cầm tăng 40%. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2006-2010, đàn lợn giảm 0,04%; đàn trâu giảm 0,06%; đàn bò tăng 1,32%; đàn gia cầm tăng 6,4%.

– Sản xuất lâm nghiệp đã có sự phát triển nhanh theo hướng chuyển từ khai thác sang xây dựng vốn rừng là chủ yếu và đầu tư theo các chương trình, dự án, giao đất lâm nghiệp ổn định lâu dài cho hộ gia đình. Trong thời kỳ 2006- 2010, bình quân mỗi năm diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 215 nghìn ha, tốc độ tăng đạt 7,3%/năm. Sản lượng gỗ khai thác giai đoạn 2006-2010 bình quân đạt 3602 nghìn m3/năm, mỗi năm tăng 6,2%, nét mới là chuyển khai thác gỗ từ rừng tự nhiên sang khai thác từ rừng trồng là chủ yếu.

– Sản xuất thủy sản tuy gặp không ít khó khăn trong quá trình Việt Nam gia nhập WTO và việc áp dụng thuế chống bán phá giá hàng thủy sản của Mỹ. Nhưng đây vẫn là sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn của nước ta. Sản lượng thủy sản năm 2010 ước tính tăng 37,8% so với năm 2006, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2006-2010, sản lượng thủy sản tăng 8,1%. Cơ cấu sản lượng thủy sản thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng từ 45,5% năm 2006 lên 52,8% năm 2010.

IV. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư xã hội thực hiện năm 2010 theo giá so sánh 1994 tăng 64,5% so với năm 2006, bình quân mỗi năm thời kỳ 2006-2010 vốn đầu tư tăng 13,3%. Vốn đầu tư khu vực Nhà nước thực hiện năm 2010 tăng 42% so với năm 2006, bình quân mỗi năm thời kỳ 2006-2010 tăng 9,3%. Vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước thực hiện năm 2010 tăng 47,6% so với năm 2006, bình quân mỗi năm thời kỳ 2006-2010 tăng 11,4%. Vốn đầu tư khu vực FDI thực hiện năm 2010 tăng 157,5% so với năm 2006, bình quân mỗi năm thời kỳ 2006-2010 tăng 25,7%.

Đầu tư nước ngoài năm 2010 giảm 18 dự án và tăng 54,9% về vốn đăng ký so với năm 2006. Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2006-2010 có 1253 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép với vốn đăng ký bình quân 29,4 tỷ USD.

V. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

1. Xuất khẩu hàng hóa

Thời kỳ 2006- 2010, hoạt động xuất nhập khẩu đạt được những bước tiến mạnh nhờ việc Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế như: Tháng 1/2007 Việt nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Tiếp đó là đàm phán FTA song phương với EU, Nhật Bản, Chi Lê được khởi động và thu được những kết quả quan trọng. Đến tháng 12/2008 Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với Nhật Bản được ký kết.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thời kỳ 2006 – 2010 đạt 56 tỷ USD/năm, bằng 2,5 lần thời kỳ 2001 – 2005 và tăng 17,2%/năm. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng ngày càng tăng, từ 4 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD năm 2006 tăng lên 8 mặt hàng năm 2010.

Một số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao trong giai đoạn này là: Hàng dệt may đứng đầu với bình quân 8,6 tỷ USD/năm, tăng mạnh so với 3,5 tỷ USD của giai đoạn trước. Giày dép đạt 4,3 tỷ USD/năm, tăng so với 2,3 tỷ USD/năm của thời kỳ trước. Hải sản đạt 4,2 tỷ USD/năm, giai đoạn trước là 2,2 tỷ USD/năm. Kim ngạch gạo xuất khẩu tăng mạnh với mức tăng 17,9%/năm. Riêng dầu thô xuất khẩu giai đoạn 2006 – 2010 giảm đáng kể do tăng tăng nguồn nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thay thế dần hàng nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu dầu thô giai đoạn này chiếm 13,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhiều so với 21% của thời kỳ trước.

Về thị trường xuất khẩu giai đoạn 2006-2010, châu Á đứng đầu với 45,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, Châu Mỹ tiếp tục tăng mạnh và ở vị trí thứ hai với 23%; châu Âu chiếm 20,8%; châu Đại Dương chiếm 6,2%; châu Phi tuy chiếm tỷ lệ nhỏ với 2,7% nhưng đã gấp 3,8 lần so với thời kỳ 5 năm trước.

2. Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh trong thời kỳ 2006-2010, đặc biệt trong 2 năm đầu khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt bình quân 68,5 tỷ USD/năm trong thời kỳ này, bằng 2,6 lần thời kỳ 5 năm trước và tăng bình quân 18%/năm. Đáng chú ý là nhập khẩu của khu vực FDI tăng cao, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu, thường chiếm trên 34%.

Cơ cấu hàng nhập khẩu trọng tâm là tư liệu, nguyên liệu cho sản xuất do sản xuất trong nước phát triển khá, đặc biệt là sản xuất hàng xuất khẩu nhưng vẫn phụ thuộc hàng nhập khẩu là chủ yếu, cụ thể là: Nhập khẩu xăng dầu bình quân giai đoạn 2006-2010 tăng 2,7%/năm và tăng 19,7% so với giai đoạn trước. Sắt thép nhập khẩu bình quân tăng 15,7%/năm và tăng 71% so với giai đoạn trước. Vải nhập khẩu bình quân tăng 16,8%/năm và tăng 140% so với giai đoạn trước. Linh kiện điện tử nhập khẩu bình quân tăng 25,8% năm và tăng 226,3% so với giai đoạn trước. Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giai đoạn 2006-2010 tăng 174% so với giai đoạn trước.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, thời kỳ 2006-2010 là thời kỳ mức nhập siêu tăng mạnh, bình quân 12,5 tỷ USD/năm, bằng 3,3 lần thời kỳ trước và chiếm 22,3% kim ngạch xuất khẩu bình quân năm, cao hơn mức 17,3% của thời kỳ 2001-2005.

VI. Xã hội

1. Dân số, lao động

Dân số trung bình cả nước năm 2010 tăng 4,34% so với năm 2006, tương đương 3,62 triệu người. Bình quân thời kỳ 2006-2010, mỗi năm dân số trung bình tăng 1,08%. Tỷ lệ dân số thành thị tăng từ 27,66% năm 2006 lên 29,92% năm 2010. Tỷ lệ giới tính khi sinh năm 2006 là 109,8 trẻ em trai/100 trẻ em gái; năm 2007 là 111,6/100; năm 2008 là 112,1/100; năm 2009 là 110,5/100 và năm 2010 là 111,2/100. Tỷ lệ giới tính năm 2006 là 96,89 nam/100 nữ, tỷ lệ này tăng lên 97,7 nam/100 nữ trong năm 2010.

Cơ cấu lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các khu vực kinh tế có sự chuyển dịch đáng kể và theo hướng tích cực từ năm 2006 đến 2010, trong đó cơ cấu lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 55,4% năm 2006 xuống 48,2% năm 2010; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 19,3% lên 22,4%; khu vực dịch vụ tăng từ 25,3% lên 29,4%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị giảm từ 4,82% năm 2006 xuống 4,43% năm 2010.

2. Giáo dục phổ thông

Số trường phổ thông năm học 2010-2011 tăng 4% so với năm học 2006-2007. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2006-2010, số trường phổ thông tăng 1,06%. Số giáo viên phổ thông năm học 2010-2011 tăng 1,06% so với năm học 2006-2007, trong đó giáo viên tiểu học tăng 1,04%; giáo viên trung học cơ sở tăng 1,03%; giáo viên trung học phổ thông tăng 1,19%. Bình quân thời kỳ 2006-2010, số giáo viên phổ thông tăng 1,4%/năm, trong đó giáo viên tiểu học tăng 0,4%; giáo viên trung học cơ sở tăng 0,8%; giáo viên trung học phổ thông tăng 5,3%.

3. Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp

Năm học 2010-2011 cả nước có 413 trường đại học và cao đẳng, tăng 91 trường so với năm học 2006-2007; 2200 nghìn sinh viên, tăng 32% và 78,3 nghìn giáo viên, tăng 46,6%. Trong thời kỳ 2006-2010, bình quân mỗi năm số trường tăng 8,3%; số sinh viên tăng 9,7% và số giáo viên tăng 10%, trong đó số trường và sinh viên ngoài công lập tăng mạnh hơn khối công lập: Số trường tăng 18,4% so với 6,6%; số sinh viên tăng 16% so với 8,7%. Tuy nhiên số giáo viên ngoài công lập tăng ít hơn giáo viên công lập với mức tăng 9,6% so với 10%.

Ở khối trung học chuyên nghiệp, năm 2010-2011 cả nước có 286 trường trung cấp chuyên nghiệp, tăng 17 trường so với năm học 2006-2007; 820 nghìn sinh viên, tăng 59% và 21,1 nghìn giáo viên, tăng 45,5%. Trong thời kỳ 2006-2010, bình quân mỗi năm số trường tăng 1,2%, số sinh viên tăng 9,7% và số giáo viên tăng 7,8%.

TỔNG CỤC THỐNG KÊ

Từ khóa » Tốc độ Tăng Gdp Thực Tế Của Việt Nam Năm 2006 Là 8 2 điều đó Có Nghĩa Là