Tổng Quan Kinh Tế Việt Nam Năm 2006 Và Triển Vọng Năm 2007
Có thể bạn quan tâm
Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và có Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn, nền kinh tế nước ta cũng còn không ít khó khăn, thách thức, thậm chí còn gay gắt. Tuy vậy, những kết quả đạt được trong năm 2006 là rất khả quan, thể hiện sự cố gắng lớn của các cấp, các ngành, các địa phương... Sự gia tăng các dự án của những tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản vào cuối năm 2006, Hội nghị APEC 14 thành công tốt đẹp... đang làm sôi động dòng vốn đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam.
1 - Tổng quan năm 2006
Năm 2006, bên cạnh những thuận lợi cơ bản do 20 năm đổi mới tạo ra, nền kinh tế Việt Nam phải đương đầu với nhiều khó khăn về thiên tai: đầu năm nắng hạn, giữa và cuối năm mưa lớn, lũ quét, lốc xoáy, mưa đá, bão, nhất là ba cơn bão thế kỷ số 1, số 6 và bão số 9 tàn phá nặng nề. Dịch bệnh lở mồm long móng đàn gia súc bùng phát trên diện rộng. Bệnh rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá phá hại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại nặng nề. Giá cả một số mặt hàng như xăng dầu, phân bón, thuốc sâu trên thế giới biến động lớn. Thị trường xuất khẩu da giày vào EU bị thu hẹp... Song, nhờ sự chỉ đạo điều hành sát sao của Chính phủ thông qua những chính sách phù hợp và kịp thời, cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp nên nền kinh tế Việt Nam năm 2006 vẫn phát triển toàn diện theo hướng bền vững.
Nền kinh tế nước ta năm 2006 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu do Quốc hội đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng gần 8,2% (kế hoạch 8%), trong đó khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,23% (kế hoạch 3,8%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,46% (kế hoạch 10,2%), riêng công nghiệp tăng 10,28% và khu vực dịch vụ tăng 8,26%, kế hoạch tăng 8%). Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng kinh tế thời kỳ sau cao hơn thời kỳ trước: quý I tăng 7,2%; quý II tăng 7,4%; quý III tăng 7,8% và quý IV ước tăng 8,4%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ: tỷ trọng khu vực I từ 20,89% GDP năm 2005 giảm còn 20,37% năm 2006, khu vực II tăng từ 41,03% lên 41,56% và khu vực III từ 38,07% tăng lên 38,08% trong 2 năm tương ứng. GDP bình quân đầu người đạt trên 11,5 triệu đồng, tương đương 720 USD, tăng 80 USD so năm 2005.
Do kinh tế tăng trưởng khá nên tình hình tài chính lành mạnh. Tổng thu ngân sách năm 2006 ước đạt trên 261,1 nghìn tỉ đồng vượt dự toán 9,8% (dự toán là 237,9 nghìn tỉ đồng), tăng 20,3% so năm 2005. Các khoản thu lớn trong nước đều tăng khá và đạt kế hoạch đề ra. Tổng chi ngân sách ước đạt trên 315 nghìn tỉ đồng, vượt dự toán (dự toán 294,4 nghìn tỉ đồng) và tăng 20% so với năm 2005. Các khoản chi lớn như: đầu tư phát triển, lương và bảo hiểm xã hội, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục, điều chỉnh lương tối thiểu, chi đột xuất hỗ trợ vùng bị thiên tai, phòng chống dịch bệnh, sâu bệnh... đều được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Bội chi ngân sách nhà nước ước bằng 5% GDP (dự toán 5%), trong đó trên 80% được bù đắp bằng vay trong nước, 20% vay nước ngoài.
Sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng trưởng. Giá trị sản xuất khu vực này năm 2006 ước tăng 4,15% so năm 2005, trong đó nông nghiệp tăng 3,1%, lâm nghiệp, tăng 1,0%, thủy sản tăng 8,5%.
Dù bị thiên tai, sâu bệnh phá hoại nặng nề nhưng sản xuất lương thực vẫn phát triển. Diện tích lúa cả năm 2006 đạt 7,32 triệu héc ta, xấp xỉ năm 2005, năng suất đạt 48,9 tạ/ha, tăng 0,1% và sản lượng đạt 35,83 triệu tấn, bằng năm 2005. Nếu tính thêm 3,81 triệu tấn ngô, sản lượng lương thực có hạt ước đạt 39,64 triệu tấn, tăng 26,6 nghìn tấn so với năm 2005. Sản lượng gạo xuất khẩu cả năm ước đạt gần 4,8 triệu tấn, kim ngạch đạt trên 1,2 tỉ USD. Kết quả đó đạt được tuy thấp hơn 2005, nhưng trong điều kiện rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá làm thiệt hại 990 nghìn tấn thóc tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, là một thành tựu đáng ghi nhận.
Sản xuất rau màu cây công nghiệp, cây ăn quả có một số tiến bộ. Sản lượng một số cây trồng tăng khá, trong đó: cây chất bột khác tăng 5,6%, rau các loại tăng 5%, đậu các loại tăng 9,5%, mía tăng 6,9%, thuốc lá tăng 61,9%... Diện tích cây lâu năm đạt 2.490 nghìn ha, tăng 22,2 nghìn héc ta so với năm 2005, trong đó diện tích công nghiệp lâu năm đạt 1.652 nghìn héc ta, tăng 18,4 nghìn héc ta. Sản lượng các cây công nghiệp chủ yếu đều tăng khá, trong đó chè tăng 5,2%; cà phê tăng 9,6%; cao su tăng 11,8%; hạt tiêu tăng 2,4%, dừa tăng 1,4%.
Chăn nuôi tiếp tục phát triển và một số đàn tăng trưởng khá: đàn bò đạt 6,5 triệu con tăng 17,5%, chủ yếu tăng đàn bò thịt... Đàn lợn đạt 26,9 triệu con, tăng khoảng 3%. Đàn trâu đạt 2,92 triệu con, xấp xỉ năm 2005. Đàn gia cầm đã khôi phục sau dịch cúm, đạt 214,5 triệu con xấp xỉ cùng kỳ năm 2005. Sản lượng thịt hơi các loại tăng đạt 3,1 triệu tấn, tăng 9,3%.
Dịch cúm gia cầm không phát sinh thêm ổ dịch mới kể từ đầu năm đến đầu tháng 12-2006, được quốc tế đánh giá cao. Dịch lở mồm, long móng ở gia súc đã được khống chế và đến nay cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước.
Chỉ trong 1 ngày trong tháng 11-2006, Việt Nam đã thu hút 2 tỉ USD vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, đạt mức kỷ lục so với các năm trước. |
Sản xuất lâm nghiệp tuy có khó khăn về nguồn vốn, nhưng diện tích rừng trồng tập trung năm 2006 vẫn tăng 2,9% so năm 2005.
Thủy sản vẫn tăng khá, nhất là nuôi trồng thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản năm 2006 ước đạt trên 3,68 triệu tấn tăng khoảng 8% so với năm 2005. Trong điều kiện bão lũ lớn, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản ven biển bị mất trắng hoặc giảm năng suất sau bão số 6, số 9..., nhưng sản lượng thủy sản nuôi trồng cả năm vẫn đạt khoảng 1,68 triệu tấn, tăng trên 16% so năm 2005. Nét mới trong nuôi trồng thủy sản năm 2006 là nuôi tôm sú theo phương pháp thâm canh và bán thâm canh vụ chính phát triển mạnh, tập trung nhiều ở các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng... Nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến và kết hợp tôm - lúa đang vào vụ thu hoạch chính (Cà Mau, Kiên Giang). Nuôi tôm càng xanh trong vùng nước ngọt cũng đang được nhân rộng (An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp). Phong trào nuôi các loại cá khác đang phát triển mạnh không những phục vụ cho xuất khẩu mà còn cho thị trường tiêu thụ trong nước với đa dạng loài cá cho giá trị, hiệu quả kinh tế cao như cá chình, cá kèo, cá chẽm, cá bống tượng, cá lóc, diêu hồng, cá rô phi...
Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt khoảng 2 triệu tấn, tăng 1% so năm 2005. Đối với khai thác nội địa, năm nay lũ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long lớn hơn so với năm trước nên tôm cá về nhiều, người dân được mùa khai thác.
Sản xuất công nghiệp tăng khá, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2006 ước tăng 17% so với năm 2005, trong đó khu vực nhà nước tăng 9,4%, khu vực ngoài nhà nước tăng 22,4% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 19,5%. Các tỉnh thành phố có có tốc độ tăng cao là: Hải Phòng 17,1%, Hà Tây 22,7%, Hải Dương 23%; Hưng Yên 28,2%, Vĩnh Phúc 23,5%, Quảng Ninh 18,3%, Bình Dương 23,4%, Đồng Nai 21,2% và Cần Thơ 22,2%. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố có tỷ trọng công nghiệp lớn lại tăng chậm, như thành phố Hồ Chí Minh 14,5%, Bà Rịa - Vũng Tàu 5,4%,(do sản lượng khai thác dầu thô giảm), Hà Nội 15,8%, Đà Nẵng 6,9%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao, trong đó: than ước tăng 20,8%, sản xuất thực phẩm và đồ uống tỷ trọng 21,5%, trong đó giá trị xuất khẩu thủy sản chế biến tăng 24,6%; sản xuất các sản phẩm từ da giày tỷ trọng 4,7% tăng 18,4%; sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tỷ trọng 2%, tăng 23,15 (trong đó giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tăng 24,6%); sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tỷ trọng 5,25, tăng 26,8% (trong đó giá trị xuất khẩu các sản phẩm nhựa tăng 38%); sản xuất các sản phẩm kim loại chiếm 4,1% và tăng 25%; sản xuất thiết bị điện tỷ trọng 3,1% và tăng 28%; sản xuất Radio và thiết bị truyền thông tỷ trọng 2,3% và tăng trên 185; sản xuất các phương tiện vận tải khác (chủ yếu là đóng mới và sửa chữa tàu thuyền) tỷ trọng 4,3% và tăng 22,8%; quần áo may sẵn tăng 18,5%, sứ vệ sinh tăng 18,9% so với năm 2005. Nét mới của công nghiệp năm 2006 là một số sản phẩm đã đạt chất lượng cao đứng vững trên thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó đáng chú ý là công nghiệp đóng tàu xuất sang EU với công suất lớn, đi biển dài ngày, sản xuất phân hóa học, sản xuất và lắp ráp điện tử, tin học, sản phẩm đồ gỗ...
Đầu tư xây dựng có tiến bộ, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội năm 2006 ước đạt khoảng 41% GDP, là mức cao nhất trong nhiều năm qua (vốn của các doanh nghiệp dân doanh chiếm tỷ trọng gần 33%). Đây là sự cố gắng lớn trong việc huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển và là yếu tố thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế.
Tình hình đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách có khởi sắc nhưng không đều. Tổng vốn đầu tư thực hiện cả năm 2006 ước đạt kế hoạch đề ra. Các công trình trọng điểm quốc gia và các dự án nhóm A được tập trung chỉ đạo và giải ngân đúng tiến độ. Một số công trình lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như Trung tâm Hội nghị quốc gia phục vụ Hội nghị APEC, tổ máy số 1 Thủy điện Sê-san 3, Cầu Bãi Cháy; Cầu Thị Nại, cầu vượt biển dài nhất Việt Nam 2,5 km nối thành phố Quy Nhơn với Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định), nút giao thông Ngã Tư Sở, Hà Nội, các tuyến đê biển, một phần đường Hồ Chí Minh, khởi công xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, hợp long cầu Thanh Trì, đẩy nhanh tiến độ Thủy điện Sơn La, và nhiều công trình khác...
Đầu tư trực tiếp nước ngoài là điểm sáng nổi bật nhất trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Năm 2006, tổng số vốn FDI đăng ký mới và đầu tư bổ sung đạt trên 10,2 tỉ USD, mức cao nhất kể từ năm 1988 (8,6 tỉ USD năm 1995). Vốn bình quân 1 dự án 8,4 triệu USD, tăng 1,2 triệu USD năm 2005. Địa phương thu hút nhiều dự án và vốn đầu tư là Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh; Bình Dương. Nét mới của năm 2006 là có những dự án đầu tư mới khá lớn như Công ty thép Posco 1126 triệu USD; Công ty TNHH Intel products VN 605 triệu USD; công ty TNHH phát triển THT 314 triệu USD; Công ty TNHH thép Tycoon Steel VN 556 triệu USD. Một số công ty tăng vốn nhiều như: Công ty Intel Produce VN tăng 395 triệu USD; Công ty Bạch Mã tăng 10 triệu USD; Công ty giày Linh Luh tăng 98 triệu USD; Công ty Canon tăng 70 triệu USD. Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chuyển dự án từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tập đoàn Nike lo ngại rủi ro kinh doanh ở Trung Quốc đã tuyển dụng 50.000 lao động tại Việt Nam để mở rộng sản xuất. Tập đoàn Intel gia tăng vốn đầu tư lên trên 1 tỉ USD tại Việt Nam trong năm 2006 là minh chứng rõ ràng.
Các đối tác đầu tư vốn lớn trong năm 2006 là: Hàn Quốc; Hồng Công, Hoa Kỳ, Nhật Bản, quần đảo Caymen Island, quần đảo Vigines thuộc Anh, Xin-ga-po. Sự gia tăng các dự án của những tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, nhất là Hoa Kỳ và Nhật Bản trong tháng 11 qua Hội nghị APEC 14 đã báo hiệu dòng đầu tư nước ngoài mới đang dồn về Việt Nam. Chỉ trong 1 ngày, tháng 11-2006 Việt Nam đã thu hút 2 tỉ USD vốn đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài, đạt mức kỷ lục so với các năm trước. Cuối năm tỉnh Hà Tây đã trao giấy phép đầu tư cho Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam - Nhật Bản với số vốn lên tới 300 triệu USD,...
Nét nổi bật trong thương mại năm 2006 có 3 sự kiện lớn: Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam và xuất khẩu đạt 39,6 tỉ USD vượt xa kế hoạch đầu năm, tăng 22,1% so với năm trước. Ba sự kiện đó đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động thương mại của Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.
Thị trường trong nước vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ toàn xã hội năm 2006 ước tăng 20,4%, nếu loại trừ tốc độ trượt giá cũng tăng 11%; doanh thu du lịch tăng 28,5%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2006 tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,6% so cùng kỳ năm ngoái, đạt mục tiêu đề ra, thấp hơn tốc độ tăng GDP. Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh dồn dập trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề nhưng thị trường và giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống vẫn ổn định, không có sốt giá là thắng lợi lớn của Chính phủ trong chỉ đạo vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Giá USD khá ổn định: tháng 12 tăng 1,2% so cùng kỳ năm 2005. Giá vàng không ổn định và đứng ở mức cao, ước tháng 12-2006 tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2005.
Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 40 tỉ USD, tăng 24% so năm 2005. Điều đáng chú ý là hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng trưởng cao và đạt kim ngạch cao. Đã có 9 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD là gạo, cao su, dầu thô, hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, thủy sản, điện tử, máy tính, hàng hóa khác... Nhiều mặt hàng trong nhóm này sẽ vượt kế hoạch năm với khoảng cách lớn. Hai mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là cao su, than đá. Hạt tiêu cũng là mặt hàng tăng trưởng mạnh, đạt kim ngạch cao nhất trong các năm gần đây. Mặt hàng giày dép vẫn tiếp tục có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong điều kiện bị áp thuế chống bán phá giá vào thị trường EU. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giày dép vẫn tăng tới 21,5% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng trên có sự đóng góp rất lớn của thị trường châu Mỹ.
Kim ngạch nhập khẩu cả năm 2006 ước đạt 44 tỉ USD tăng 20% so năm trước. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, nhiên liệu, nguyên liệu, phụ liệu dệt may. Hàng tiêu dùng chiếm tỷ trọng nhỏ. Nhập siêu năm 2006 ước đạt 4,4 tỉ USD, bằng 10,4% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn năm 2005.
Hoạt động du lịch tuy chưa đều nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam cả năm đạt khoảng trên 3,56 triệu lượt người, tăng gần 3,7% so năm 2005. Khách đến từ các nước ASEAN, châu Á và châu Âu tăng mạnh, trong đó từ Xin-ga-po tăng 24,3%, từ Ma-lai-xi-a tăng 23,4%, từ Hàn Quốc tăng 29,3%, từ Thái Lan tăng 38%, từ Na Uy tăng 24,8%; từ Đan Mạch tăng 21%...
Do kinh tế tăng trưởng khá nên các mục tiêu của chiến lược phát triển xã hội và môi trường đạt kết quả khá. Hầu hết các chỉ tiêu do Quốc hội đề ra về lĩnh vực này đạt kế hoạch. Đã tạo việc làm mới cho 1,6 triệu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới xuống 19%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 24%. Các lĩnh vực về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa thông tin, dạy nghề, y tế, thể dục thể thao... cũng có chuyển biến tích cực. Đời sống dân cư ổn định và được cải thiện đáng kể. Thu nhập của cán bộ viên chức và người về hưu đựợc nâng lên do tăng lương tối thiểu từ 350 nghìn đồng lên 450 nghìn đồng/tháng từ ngày 1-10-2006. Bộ mặt nông thôn đổi mới, cơ sở hạ tầng được xây dựng mới và nâng cấp. Tình trạng thiếu đói giáp hạt trong nông thôn đã giảm so với các năm trước: số hộ giảm 58% và số khẩu giảm 58,9%, dù cho thiên tai, dịch bệnh năm 2006 nhiều hơn các năm trước. An ninh quốc phòng được giữ vững, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Điều đó đã được chứng minh qua Hội nghị Cấp cao APEC 14 tại Hà Nội.
Bên cạnh thành tựu và tiến bộ, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2006 vẫn còn nhiều yếu kém và bất cập. Tốc độ tăng GDP chưa vững, chưa đều và còn thấp so với tiềm năng. Chất lượng của sự tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và không đều. Tình trạng thất thoát nguồn lực tài chính, tài nguyên thiên nhiên và lao động còn lớn. Tham nhũng, lãng phí tài sản nhà nước, ngân sách quốc gia vẫn còn nghiêm trọng. Công tác cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm và không đạt kế hoạch. Các cân đối vĩ mô của nền kinh tế - tài chính chưa vững chắc. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, nhất là vùng nông thôn, miền núi. Một số vấn đề về phát triển kinh tế bền vững... còn nhiều hạn chế. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập WTO và có PNTR còn nhiều bất cập. Nợ nước ngoài đã chạm ngưỡng khung an toàn... Những hạn chế và bất cập đó thể hiện rõ trong từng ngành và lĩnh vực kinh tế.
Trong nông nghiệp, hạn chế và bất cập thể hiện cả trong trồng trọt và chăn nuôi. Trong trồng trọt, xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng tự phát vẫn phổ biến, trong đó đáng quan tâm là đã xuất hiện xu hướng chuyển dịch ngược từ diện tích trồng màu, nuôi tôm sang trồng lúa ở một số vùng, nhất là phía Nam. Diện tích lúa đông xuân 2006 của các tỉnh phía Nam tăng 3,2% do một số tỉnh chuyển diện tích trồng màu và nuôi thủy sản sang trồng lúa, trong đó đồng bằng sông Cửu Long chuyển 21 nghìn héc-ta, các tỉnh Đông Nam Bộ 22 nghìn héc-ta và Tây Nguyên 10 nghìn héc-ta. Sự chuyển đổi này đã làm năng suất lúa đông xuân vùng đồng bằng sông Cửu Long giảm 1,4 tạ/ha nên sản lượng giảm 7,9 vạn tấn so vụ trước (dù diện tích tăng).
Tuy Chính phủ đã có chủ trương không gieo sạ lúa hè - thu, nhưng đồng bằng sông Cửu Long vẫn gieo sạ 1,55 triệu héc-ta, tăng 3%, chủ yếu do tăng lúa vụ 3. Đáng chú ý là sâu đục thân, vàng lùn, lùn xoắn lá lây lan trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề. Năng suất lúa hè thu vùng này giảm 3,6 tạ/ha và sản lượng giảm 990 nghìn tấn. Khuyết điểm của các địa phương là chỉ đạo không kiên quyết, một số nơi còn có chủ trương cho bà con nông dân mở rộng lúa vụ 3 để hưởng lợi trước mắt do giá lúa tăng cao, nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến nguy cơ lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này. Cuối tháng 12, một vài địa phương ở các tỉnh miền Nam xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm.
Trong chăn nuôi đến nay cả nước vẫn còn 25 xã, thuộc 6 tỉnh còn dịch lở mồm long móng. Dịch cúm gia cầm tuy đã bị khống chế nhưng công tác kiểm dịch chưa nghiêm, tình trạng gia cầm thả rong vẫn phổ biến, vận chuyển gia cầm nhập lậu qua biên giới phía Bắc còn nhiều, giết mổ gia cầm phân tán không kiểm soát vẫn còn phổ biến... Vì vậy, nguy cơ tái dịch vẫn còn lớn... Chương trình chăn nuôi bò sữa, bò lai sind bị phá sản ở một số tỉnh miền Bắc và miền Trung ngày càng rõ nét, nhưng chưa có biện pháp khắc phục đồng bộ.
Sản xuất lâm nghiệp vẫn tăng chậm và chưa ổn định. Diện tích trồng cây phân tán bằng 98,4%, chăm sóc rừng trồng tăng 0,9%, khoanh nuôi tái sinh tăng 0,7% năm 2005. Chương trình trồng mới 5 triệu héc-ta rừng không đạt kế hoạch và Quốc hội phải điều chỉnh mục tiêu, kéo dài thời gian.
Hạn chế của thủy sản là một số diện tích nuôi tôm vùng bán đảo Cà Mau và Nam Trung Bộ, thất thu do dịch bệnh và công tác chuẩn bị ao đìa, thủy lợi, giống,.. không bảo đảm kỹ thuật.. Hâụ quả là nhiều hộ nuôi tôm phá sản phải chuyển sang trồng lúa, công nợ chồng chất (Bạc Liêu, Cà Mau). Hoạt động khai thác hải sản bị ảnh hưởng của các cơn bão số 6, và 8, 9, 10 nên tỷ lệ tàu ra khơi giảm, sản lượng khai thác tăng chậm. Sản lượng nuôi cá tra tăng không nhiều do trong những tháng đầu năm giá cá thấp, không ổn định nên nhiều hộ dân đã chuyển sang làm nghề khác. Một số nhà máy đã phải ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu.
Trong công nghiệp, tốc độ tăng trưởng của công nghiệp thấp hơn năm 2005 (năm 2005 tăng 17,2%), có nhiều sản phẩm công nghiệp giảm. Công nghiệp khu vực nhà nước tăng chậm, nhất là công nghiệp nhà nước do địa phương quản lý. Một số tỉnh, thành phố có tỷ trọng công nghiệp lớn lại tăng chậm. Chênh lệch giữa tốc độ tăng giá trị sản xuất và tốc độ tăng giá trị tăng thêm còn lớn +6,6%, bằng năm 2005. Điều đó chứng tỏ công tác quản lý sản xuất công nghiệp chưa có chuyển biến tích cực, chi phí trung gian vẫn còn cao và chưa giảm so năm 2005.
Nguyên nhân của tình hình trên, về khách quan, thị trường xuất khẩu biến động theo chiều hướng giảm, trong khi đó giá vật tư, nguyên liệu, xăng dầu... tăng kéo theo giá thành cao. Về chủ quan, chất lượng và sức cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp khu vực nhà nước còn hạn chế. Cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm, cơ sở hạ tầng yếu, luật kinh tế chưa đồng bộ, công tác quản lý và trình độ kỹ thuật của cán bộ và công nhân chưa theo kịp yêu cầu tăng chất lượng, giảm chi phí. Công nghiệp các tỉnh, thành phố có tỷ trọng lớn tăng chậm.
Trong đầu tư xây dựng, tình trạng chậm tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia vẫn còn phổ biến. Công trình cầu Thanh Trì, đường vành đai 3 Hà Nội, cải tạo nâng cấp quốc lộ 1A, sửa chữa cầu Văn Thánh, đường xuyên Á, một số hạng mục Thủy điện Sơn La... Nguyên nhân có nhiều: quy hoạch chưa hoàn thiện, vốn chậm, khâu giải phóng mặt bằng, giá cả vật tư, nhiên liệu tăng cao, không ổn định, tác động của vụ tiêu cực PMU 18. Vấn đề tồn tại trong thu hút vốn FDI năm 2006 là tập trung quá lớn vào công nghiệp, dịch vụ trong khi đó khu vực yếu thế nhất là nông lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn quá ít dự án nhưng chưa khắc phục được. Tiến độ giải ngân vốn ODA chỉ bằng 50% vốn của các nhà tài trợ cam kết (3,7 tỉ USD).
Về giá cả, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng lớn nhất liên quan đến đời sống hàng chục triệu hộ gia đình giá lại tăng liên tục trong 12 tháng với mức trên 8%. Đáng lo ngại là giá lương thực tăng cao và liên tục, trong đó tháng 9 tăng 0,4%, tháng 10 tăng 1,3%, tháng 11 tăng 3,8% và ước tháng 12 vẫn tăng trên 2%, chung 12 tháng tăng trên 13%. Do vậy, Chính phủ đã quyết định ngừng xuất khẩu gạo. Nguyên nhân tăng giá lương thực là do cầu tăng nhanh, cung tăng chậm: lúa hàng hóa vụ hè thu giảm mạnh, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, trong khi đó nhu cầu gạo xuất khẩu tăng cao. Tốc độ và kim ngạch xuất khẩu năm 2006 tăng cao, nhưng chưa vững vì tỷ trọng hàng xuất là hàng thô như dầu thô, than đá, thủy sản, cao su, cà phê, hạt tiêu, gạo... còn lớn, hàng tinh chế chất lượng cao còn ít. Những khó khăn và yếu kém trên cần được chú ý khắc phục trong những năm tiếp theo.
2 - Triển vọng năm 2007
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI đã ra Nghị quyết về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2007. Về kinh tế, Nghị quyết chỉ rõ: tốc độ tăng GDP đạt từ 5,2% - 5,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 17,4%, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 40% GDP... Với thế và lực mới được tạo ra trong năm 2006, dự báo triển vọng tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2007 sẽ lạc quan. Cơ sở của dự báo đó là: Nguồn lực, nhất là vốn cho đầu tư phát triển sẽ tăng mạnh, nhất là vốn ODA, FDI. Với việc Quốc hội Hoa Kỳ thông qua PNTR, khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn ODA sẽ tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm. Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam họp từ ngày 14 đến 15-12-2006, theo Giám đốc WB tại Hà Nội, ông Klaus Rohland, vốn ODA cho Việt Nam năm 2007 cao hơn năm 2006 (3,74 tỉ USD). Về vốn FDI từ Mỹ, có PNTR hai quỹ OPIC và Eximbank sẽ hoạt động tốt hơn trong việc thúc đẩy đầu tư và thương mại của các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài (Quỹ OPIC bảo đảm đầu tư còn quỹ EXimbank bảo đảm tín dung xuất khẩu). Theo ông Michael Marine, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, "đầu tư của Mỹ và Việt Nam (năm 2007) sẽ tăng gấp đôi mức hiện nay" (4 tỉ USD). Đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ tăng vọt sẽ thúc đẩy doanh nghiệp các nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU không đứng yên. Một dòng đầu tư mới vào Việt Nam sẽ chảy mạnh, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là công nghiệp và dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Dự báo vốn FDI năm 2007 ít nhất sẽ lên tới trên 11 tỉ USD, tăng 2 tỉ USD so năm 2006. Hoạt động xuất nhập khẩu sẽ nhộn nhịp hơn năm 2006. Về thương mại, PNTR là cơ sở để Mỹ xét lại các mức thuế ưu đãi (trước đây là 3600 dòng, còn từ năm 2007 là 10 nghìn dòng) cho hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Thêm vào đó, có PNTR và Việt Nam là thành viên WTO hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may, giày dép, thủy sản vào Mỹ cũng như các vấn đề về bán phá giá cá basa, tôm, giày da..., sẽ bị bãi bỏ. Do đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tăng mạnh nhất là gạo, cà phê, cao su... Chắc chắn quan hệ đầu tư và buôn bán giữa nền kinh tế số 1 thế giới và Việt Nam sẽ có bước ngoặt mới, đầy triển vọng. Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước sẽ đạt trên 11 tỉ USD trong năm 2007 (năm 2006 đã đạt gần 10 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu gần 8 tỉ USD). Theo các nhà kinh tế Hoa Kỳ sau PNTR và WTO, "Nền kinh tế Việt Nam sẽ thay đổi lớn trong đó cán cân thương mại sẽ nghiêng về Việt Nam" (Nhận định của Ông Walter Blocker, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh). Cùng với Mỹ quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các thị trường khác nhất là EU, Trung Quốc, Nhật Bản cũng sẽ có bước đột biến và tăng tốc.
Sự tăng tốc về đầu tư và xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ có vốn và thị trường mới sẽ tiếp tục phát triển và tăng trưởng cao hơn năm 2006. Do đó, khả năng tăng trưởng GDP 8,5% của năm 2007 là hiện thực. Nếu năm 2006 không có bão lũ lớn và dịch bệnh lúa đồng bằng sông Cửu Long thì GDP cũng sẽ tăng trên 8,5% cho dù chưa có PNTR và WTO. Vậy không có lý do gì từ nay kinh tế Việt Nam lại tăng chậm hơn năm 2006. Kinh nghiệm Trung Quốc sau 5 năm vào WTO và có PNTR, tốc độ tăng GDP của nước này luôn đạt trên 9%/năm và năm 2006 đã ước đạt trên 10,5%.
Để biến triển vọng thành thực tế, ngay từ đầu năm các ngành, các cấp, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cần thực hiện nghiêm chỉnh sự điều hành của Chính phủ trong việc triển khai nhiều giải pháp, tận dụng thời cơ, khắc phục yếu kém, vượt qua thách thức nhằm thực hiện vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2007.
Lễ hạ thuỷ tàu HLS-205 SEA DREAM |
Từ khóa » Tốc độ Tăng Gdp Thực Tế Của Việt Nam Năm 2006 Là 8 2 điều đó Có Nghĩa Là
-
788 Câu Trắc Nghiệm Kinh Tế Vĩ Mô - P1 - VietLOD
-
Kinh Tế – Xã Hội Thời Kỳ 2006-2010 Qua Số Liệu Một Số Chỉ Tiêu Thống ...
-
đáP án Ktvm - SlideShare
-
Chất Lượng Tăng Trưởng Kinh Tế Của Việt Nam Hiện Nay
-
Kinh Tế Việt Nam Dự Kiến Tăng Trưởng Khoảng 4,8% Năm 2021: WB
-
Giá Tiêu Dùng Sẽ Không Tăng Cao (27/09/2006 10:51) - Tin Bộ Tài Chính
-
Giá Tiêu Dùng Tăng Cao: Những Tác Nhân Bên Ngoài - Chi Tiết Tin
-
In Bài Viết
-
In Bài Viết - Ngân Hàng Nhà Nước
-
Cung Tiền Của Các Nước Asean Giai đoạn 2000 - 2020 Và Hàm ý Khu ...
-
[PDF] Triển Vọng Phát Triển Châu Á 2007: Việt Nam
-
2021: Kinh Tế VN Từ 1975 đến Đổi Mới Và Nhu Cầu Cải Cách Sắp Tới
-
Kinh Tế- Xã Hội - Chính Phủ
-
Năng Suất Yếu Tố Tổng Hợp - Sở KH&CN QUẢNG TRỊ
-
71 Năm Ngành Công Thương Việt Nam Vững Mạnh Cùng đất Nước
-
Kinh Tế Việt Nam – Wikipedia Tiếng Việt
-
Báo Cáo đánh Giá Kết Quả Thực Hiện Nhiệm Vụ Phát Triển Kinh Tế
-
[PDF] BÁO CÁO QUỐC GIA - Economica Vietnam
-
Magazine Detail - Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước