Kỹ Thuật Bó Bột Hip Spica Cast điều Trị Trật Khớp Háng Bẩm Sinh

ĐẠI CƯƠNG

Định nghĩa:

Bó bột Hip Spica Cast trong điều trị trật khớp háng bẩm sinh là biện pháp cố định lại chỏm xương đùi của trẻ bị trật khớp háng hoàn toàn hoặc bán trật khớp háng bẩm sinh.

CHỈ ĐỊNH

Trẻ trật khớp háng bẩm sinh hoàn toàn dưới 36 tháng tuổi.

Trẻ bán trật khớp háng, viêm chỏm xương đùi vô khuẩn..

Sau phẫu thuật khớp háng, sau tiêm Botox trên trẻ bại não.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Trẻ trật khớp háng bẩm sinh trên 36 tháng tuổi.

Các tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm trùng sâu vùng khung chậu, khớp háng.

Trẻ mắc nhiều dị tật bẩm sinh như cứng đa khớp, thoát vị não tủy....

CHUẨN BỊ

Người thực hiện:

Bác sỹ chuyên khoa Phục hồi chức năng, kỹ thuật viên chỉnh hình, kỹ thuật viên Vật lý trị liệu.

Phương tiện

Băng cotton hoặc giấy vệ sinh, bột bó.

Thuốc: thuốc giảm đau (Paracetamol…), thuốc khử trùng (Betadine).

Người bệnh:

Trẻ đặt nằm trên bàn bó bột, bộc lộ toàn bộ vùng thắt lưng và chi dưới.

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Tâm lý tiếp xúc

Giải thích rõ cho cha mẹ bệnh nhi và người nhà hiểu được tình trạng bệnh tật của trẻ và các bước sẽ tiến hành để tạo ra sự hợp tác chặt chẽ và tuân thủ.

Bó bột chỉnh hình Hip Spica Cast

Trẻ được đặt nằm ngửa trên bàn bó bột bộc lộ toàn bộ vùng ngực -bụng- thắt lưng và hai chân. Làm vệ sinh sạch và khô.

Tiến hành bó bột:

+ Quấn toàn bộ vùng thắt lưng-hông-đùi, hoặc thắt lưng-hông-đùi-cẳng-bàn chân bằng băng cotton hoặc giấy vệ sinh.

+ Quấn bột từ vùng thắt lưng-hông-đùi (Short Leg-Hip Spica Cast) hoặc thắt lưnghông-đùi-cẳng chân và bàn chân (Long Leg-Hip Spica Cast).Người bệnh được bó bột tư thế ếch với khớp háng hai bên gấp về phía bụng và dạng.

+ Giữ chân trẻ ở tư thế này đến khi khô bột.

+ Cố định bột trong 2 - 4 - 8 - 12 tuần(tùy thuộc lứa tuổi bắt đầu bó bột).

+ Tháo bột, làm vệ sinh sạch chân trẻ, bôi Betadine vào chỗ loét, xước.

THEO DÕI

Theo dõi sau bó bột tại nhà: Nếu các ngón chân sưng, tím, hoặc trẻ xuất hiện sốt và quấy khóc không rõ nguyên nhân cần tháo bột ngay để kiểm tra.

Thời gian bó bột: 2 tuần/ đợt, khoảng 04- 06 đợt.

Cuối đợt bó cần chụp kiểm tra để xem vị trí chỏm xương đùi và ổ chảo đã vào đúng vị trí.

TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Gây tỳ đè dẫn đến viêm hoặc loét da và tổ chức dưới da

Tổn thương phần mềm như gân, cơ, dây chằng.

Teo cơ và giảm vận động do bất động lâu.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Bó Bột Chậu Lưng Chân