Phương Pháp Nắn, Bó Bột, Tập Vận động Trong điều Trị Gãy Xương

Nạn nhân cần hiểu rõ phương pháp này để cùng hợp tác, tham gia thực hiện nhằm đạt được hiệu quả điều trị tốt.

Việc điều trị gãy xương sau tai nạn giao thông hay tai nạn lao động nhằm mục đích phục hồi hình thái giải phẫu của xương bị gãy cho được hoàn hảo, nhờ đó phục hồi chức năng hoàn toàn cho xương bị gãy. Phương pháp nắn xương, bó bột bất động hai khớp lân cận và tập vận động thường được thực hiện khá phổ biến trong điều trị tại các cơ sở y tế để đạt được mục đích này.

Kỹ thuật nắn xương

Phần lớn các trường hợp gãy xương trên thực tế nạn nhân thường được xử trí can thiệp nắn xương cấp cứu vì ngay lúc này ổ gãy chưa bị sưng và phù nề, da chưa có nốt phỏng, cơ chưa co, sờ thấy được các mốc xương nên dễ biết kết quả nắn xương. Khi bị gãy xương chi trên, phần nhiều các trường hợp đều được nắn xương bằng tay. Nếu bị gãy các xương lớn, phải nắn xương bằng những loại dụng cụ, khung và bàn chỉnh hình phù hợp. Nơi cơ sở y tế nào thiếu điều kiện thực hiện nắn xương cấp cấp cứu thì có thể bất động tạm thời chỗ xương gãy và để lại một vài ngày sau thực hiện; trường hợp nạn nhân đang bị sốc, đang được theo dõi các biến chứng nguy hiểm thì cũng phải tạm để lại thực hiện sau. Thực tế những loại thuốc gây mê có tác dụng ngắn trong vòng vài phút sẽ giúp cho việc nắn xương được dễ dàng. Nếu nạn nhân mới ăn no, việc gây mê rất nguy hiểm nên có thể gây tê bằng cách tiêm thuốc tê vào đám rối thần kinh, các thân thần kinh chi phối ổ gãy; hiện nay các bác sĩ không dùng phương pháp gây tê tại ổ xương gãy vì thuốc tê tiêm vào ổ gãy có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình liền xương.

Phương pháp nắn,  bó bột, tập vận động trong điều trị gãy xươngNắn xương, bó bột và tập vận động là phương pháp điều trị chỉnh hình chủ yếu khi gãy xương

Sau khi thực hiện gây mê hoặc gây tê để cho nạn nhân được vô cảm, phải tiến hành việc nắn xương bằng cách đặt đoạn chi bị gãy xương ở tư thế chùng cơ, nếu gãy cả hai xương cẳng chân tốt nhất là nên nắn trên khung. Phải nắn đoạn xương gãy ở dưới theo đoạn xương gãy ở trên. Dùng sức kéo của hai tay hay dụng cụ và sức kéo ngược lại bằng đai vải cố định vào bàn hay vào tường. Trước hết kéo chi bị gãy xương cho thẳng trục, hết gấp góc. Sau đó chỉnh lại các di lệch xoay, không cho xoay, dựa vào các mốc xương sinh lý. Tiếp theo từ từ và liên tục tăng sức kéo để nắn cho hết di lệch chồng nhau. Khi hai đầu xương gãy vừa rời nhau thì nắn sang bên cho mất di lệch bên.

Kỹ thuật bó bột bất động hai khớp xương lân cận

Sau khi thực hiện kỹ thuật nắn xương, đoạn xương gãy được bó bột tròn bất động cả hai khớp lân cận. Bột bó được rạch dọc cho đến tận da để đề phòng sưng nề ở ổ gãy, gây chèn ép trong bột bó. Chi bị gãy được gác lên cao khoảng 3 - 5 ngày. Sau bó bột 24 giờ, cần lưu ý bắt buộc phải kiểm tra lại bột bó xem các ngón chân, ngón tay có cử động được không; có bị sưng nề, tím tái và lạnh hay không. Nạn nhân cần được dặn dò thật kỹ sau khi bó bột, nếu có biểu hiện các dấu hiệu như đã nêu trên thì không chờ đến 24 giờ, phải đến ngay bệnh viện để nới bột lỏng bớt. Thực tế nếu bó bột quá chặt, máu không thể nuôi dưỡng được bắp thịt trong 6 giờ thì rất dễ có nguy cơ dẫn đến hoại tử chi. Sau 7 - 10 ngày, nhờ gác cao chi và tập cử động các phần chi không bó bột nên chi sẽ hết sưng nề; bột rạch dọc bị lỏng ra, vì vậy cần quấn tròn thêm bột hoặc thay bằng một vòng tròn bột khác, in khuôn thật tốt phần chi gãy và để cho đến ngày liền xương, trung bình mất khoảng thời gian 3 tháng đối với người lớn. Ở trẻ em tùy theo tuổi chỉ để bột bó khoảng 4 - 6 tuần. Ở người lớn, một số xương dễ liền cũng cần bất động thời gian ngắn khoảng 3 - 4 tuần như xương đòn gánh, xương sườn, xương chậu...

Tập vận động các chi

Ở chi trên, các khớp không bất động như khớp vai, khớp bàn tay và ngón tay... được bác sĩ khuyến khích nạn nhân tập vận động chủ động sớm và tích cực để ngăn ngừa xơ cứng khớp, tăng cường tuần hoàn ở đoạn chi bị gãy, giúp chóng liền xương. Ở chi dưới, khuyến khích nạn nhân tập đứng dậy sớm với đôi nạng chống hỗ trợ; nếu nạn nhân nằm lâu ngày, khi đứng dậy có thể dễ bị chóng mặt nhưng sẽ hết dần; hướng dẫn nạn nhân tập di chuyển bằng một chiếc nạng, rồi sau đó dùng cả hai nạng; lưu ý nên sắp xếp người bảo hiểm khi nạn nhân tập đi để đề phòng sự cố khi nạn nhân bị ngã; lúc đầu tập bước đi với chân lành và đôi tay nạng, chân gãy được khuyến khích tì sớm với sức ban đầu nhẹ, sau tăng dần. Các loại gãy xương ngang nếu nắn xương vững có thể tì sớm sau 3 - 4 ngày, các loại gãy xương nắn không vững có thể cho tì sau 3 tuần; tác động của việc tì sẽ giúp cho xương được liền sớm. Đối với các loại gãy xương bó bột to, bó bột chậu lưng chân, bó bột lên tận ngực cũng được khuyến khích nạn nhân tập vận động sớm với đôi nạng.

Cần lưu ý rằng nếu nạn nhân bị gãy xương mà không cố gắng tập luyện, không dậy sớm với tư thế đứng thì các cơ sẽ teo, xương bị loãng vôi, dây chằng của khớp bị xơ cứng và mất đi sự mềm mại, ổ gãy thiếu máu nuôi dưỡng, quá trình liền xương sẽ chậm lại và sẽ mất thời gian rất lâu nạn nhân mới trở lại việc sinh hoạt và hoạt động bình thường.

Lời khuyên của thầy thuốcNhư trên đã nêu, sau khi nạn nhân bị gãy xương do tai nạn giao thông hay tai nạn lao động, việc điều trị gãy xương nhằm mục đích phục hồi hình thái giải phẫu của xương bị gãy cho được hoàn hảo, nhờ đó sẽ phục hồi chức năng hoàn toàn cho xương bị gãy. Thực tế có nhiều phương pháp điều trị khác nhau nhưng phương pháp nắn xương, bó bột bất động hai khớp xương lân cận và tập vận động là phương pháp truyền thống được thực hiện để điều trị chỉnh hình chủ yếu được áp dụng tại nước ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Để phương pháp điều trị này đạt được hiệu quả tốt, ngoài kỹ thuật chuyên môn can thiệp của bác sĩ thì sự hợp tác, tự tập luyện vận động sớm của nạn nhân cũng góp phần rất quan trọng giúp nhanh chóng phục hồi chức năng trở lại bình thường.

Từ khóa » Bó Bột Chậu Lưng Chân