Kỹ Thuật Bón Phân Hiệu Quả Cho Cây Cà Phê

Nguyên tắc chung: Bón phân cho các loại cây trồng nói chung và cây cà phê nói riêng phải đảm bảo các nguyên tắc: Bón phân cân đối (đúng tỷ lệ). Bón phân kịp thời vụ (đúng lúc). Bón phân đúng cách. Bón phân đủ hàm lượng (đúng hàm lượng).

 

 

1. Phân hữu cơ

1.1. Liều lượng và thời điểm bón phân hữu cơ

 

Loại phân

Liều lượng bón

Phân chuồng

- Trồng mới: 8-10 tấn/ha

- Các năm sau: 10 tấn /ha (2 năm bón 1 lần)

Phân hữu cơ vi sinh

1,2-2 tấn/ha/năm

Tàn dư thực vật hữu cơ (cỏ dại, phế phụ phẩm từ việc tạo hình, vỏ quả cà phê)

Giữ lại tất cả tàn dư thực vật trên vườn cà phê (trừ những thân, cành bị nhiễm bệnh phải đem ra ngoài tiêu hủy)

Phân chuồng và vỏ cà phê được ủ hoai mục trước khi bón, phân hữu cơ được bón theo rãnh vào đầu hoặc giữa mùa mưa, rãnh được đào theo hình vành khăn dọc theo một bên thành bồn, rộng 20cm, sâu 25-30cm, sau khi bón phân cần lấp đất lại. Các năm sau rãnh được đào và bón phân hữu cơ theo hướng khác.

1.2. Kỹ thuật xử lý vỏ cà phê làm phân bón

Nguyên liệu: 1 tấn vỏ cà phê + 50kg phân lân + 200-250kg phân chuồng + 8-10kg vôi + 8-10kg urê + 2-3kg men ủ vi sinh vật (chế phẩm nấm Trichoderma).

Kỹ thuật ủ như sau:

- Phối trộn nguyên liệu: trộn đều vỏ quả cà phê, phân chuồng, phân lân, phân urê theo tỷ lệ trên, kết hợp tưới nước cho đến khi đống ủ nguyên liệu có độ ẩm từ 50-60% (dùng tay bốc lên, nắm chặt thấy có nước rỉ ra là được). Sau đó đánh luống nguyên liệu cao khoảng 1,5-2,0m. Dùng bạt hoặc các vật liệu khác che đậy đống ủ tránh mưa, nắng.

- Hoạt hóa men: sau 5 ngày ủ, hòa 2-3kg vi sinh vật trong 200 lít nước sạch + 1kg rỉ mật mía hoặc đường kính + 0,1 kg urê khuấy đều cho tan hết hỗn hợp.

- Tưới men: Sau khi đã hoạt hóa men xong, tiến hành tưới toàn bộ hỗn hợp men (kể cả phần cặn không tan) lên đống nguyên liệu và trộn đều. Sau đó gom nguyên liệu thành đống cao 1,5m, rộng 2-2,5m, chiều dài tùy theo vị trí và khối lượng nguyên liệu. Dùng bạt hoặc các vật liệu khác che đậy đống ủ để tránh mưa, nắng.

- Đảo đống nguyên liệu: Sau khi ủ được từ 20-30 ngày, tiến hành đảo trộn lại đống ủ, nếu thiếu ẩm, cần bổ sung thêm nước để đạt được độ ẩm từ 50-60%. Dùng bạt hoặc các vật liệu khác che đậy đống ủ để tránh mưa, tránh nắng. Đống nguyên liệu ủ trong 2,5-3 tháng sẽ hoai mục và có thể đem đi bón cho cây trồng. Liều lượng và cách bón thực hiện như quy trình bón phân hữu cơ khác đã được khuyến cáo.

2. Phân hóa học

Để xác định chế độ phân bón cân đối và hợp lý cho từng vùng cần căn cứ vào độ phì của đất và khả năng cho năng suất của vườn cây cà phê. Những vùng chưa có điều kiện phân tích đất, phân tích lá thì có thể áp dụng định lượng phân bón vô cơ như sau:

2.1. Liều lượng phân bón vô cơ cho cà phê vối (tính theo hàm lượng nguyên chất):

 

Tuổi cây

Kg nguyên chất

N

P2O5

K2O

Năm 1

60

60

30

Năm 2

120

75

100

Năm 3

150

90

130

Năm 4 trở đi

280

100

300

Lưu ý: Cứ mỗi tấn cà phê nhân khô tăng thêm cần bón tăng 60kg N+ 20kg P2O5+ 60kg K2O

2.2. Lượng phân thương phẩm bón cho cà phê hàng năm:

Nếu dùng các loại phân đơn thì bón với lượng như sau

Tuổi cây

Loại phân

Sunphát Amôn (SA)

Urê

Lân super

Kali Clorua

Năm 1

-

130

400

50

Năm 2

80

220

500

170

Năm 3

100

280

600

280

Năm 4 trở đi

200

520

700

500

 

Nếu dùng các loại phân hỗn hợp như NPK16-16-8 + 13S thì dùng với lượng sau:

 

Tuổi cây

Loại phân

Sunphát Amon (SA)

Urê

 

Phân NPK

16:16:8+13S

Kali Clorua

Năm 1

0

0

400

0

Năm 2

0

93

500

103

Năm 3

0

117

600

200

Năm 4 trở đi

0

368

700

407

 

2.3. Thời kỳ bón phân

Tùy theo điều kiện thời tiết của từng vùng mà các đợt bón phân có thể vào các tháng khác nhau giữa các vùng. Ở Lâm Đồng, mỗi năm có thể bón 4 lần như sau:

Lần 1 (giữa mùa khô, kết hợp tưới nước lần 2, tháng 1-2): Bón 100% lượng phân SA.

Lần 2 (đầu mùa mưa, tháng 5-6): 30% phân urê, 30% phân kali và 100% phân lân.

Lần 3 (giữa mùa mưa, tháng 7-8): 40% phân urê, 30% phân kali.

Lần 4 (cuối mùa mưa, tháng 9-10): 30% phân urê, 40% phân kali.

Riêng năm thứ nhất (năm trồng mới): bón lót toàn bộ phân lân, phân urê và kali được chia đều và bón 2 lần trong mùa mưa.

Nếu sử dụng phân NPK16-16-8 +13S, urê, kali clorua thì bón như sau:

Lần 1: Bón 80% lượng phân urê.

Lần 2: Bón 60% phân NPK + 20% phân kali.

Lần 3: Bón 40% phân NPK + 40% phân kali.

Lần 4: Bón 20% phân urê còn lại + 40% phân kali còn lại.

Đối với trồng mới thì bón lót 70% lượng phân NPK, 30% còn lại bón sau trồng 2 tháng trong mùa mưa.

2.4. Cách bón

- Phân lân: rải đều trên mặt, cách gốc 30-40cm. Lưu ý: Không được trộn phân lân nung chảy với phân đạm.

- Phân đạm và kali có thể trộn đều và bón ngay. Đào rãnh chung quanh tán cây cà phê, rộng 10-15cm, sâu 5cm, rải phân đều và lấp đất.

3. Bón phân trung, vi lượng

Ngoài các yếu tố đa lượng (N, P, K), cây cà phê cần một số nguyên tố trung, vi lượng (Zn, B, Mn, Mg...).

Khi vườn cà phê có triệu chứng thiếu các yếu tố trung, vi lượng, có thể cung cấp các chất này cho vườn cà phê bằng cách phun qua lá các hợp chất có chứa các nguyên tố cần thiết đó.

Một số hợp chất có chứa trung, vi lượng thường dùng cho cây cà phê:

 

Nguyên tố vi lượng

Hợp chất hóa học

Nồng độ sử dụng (%)

Zn

ZnSO4

0,4 - 0,6

B

H3BO4

0,3 - 0,4

Mg

MgSO4

0,4 - 0,6

Mn

MnSO4

0,4 - 0,6

 

Cách bón: Phun 600-800 lít dung dịch hòa tan hợp chất cần thiết/ha hoặc bón vào gốc cùng với phân vô cơ.

Ngoài ra, để tăng khả năng sinh trưởng phát triển và phục hồi bộ rễ cà phê có thể sử dụng một số loại phân bón lá để phun hoặc tưới gốc cho cà phê theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Nguyễn Minh Trường – TTKN Lâm Đồng

Từ khóa » Bón Sa Cho Cà Phê