Kỹ Thuật Sản Xuất Con Giống - Công Ty Thuốc Lá Nguyên Liệu Khatoco

Ths. Dương văn Hoài

Sản xuất cây con tốt, khỏe, sạch sâu bệnh và đủ số lượng theo kế hoạch là yếu tố thành công trong bước khởi đầu một vụ trồng. Cây con khỏe đạt tiêu chuẩn là tiền đề cho một vụ mùa thắng lợi.

Để sản xuất con giống vụ đông xuân việc gieo ươm cây con rơi vào lúc thời tiết có mưa nhiều, trời nhiều mây gây thiếu ánh sáng, ẩm độ không khí cao nên dễ phát sinh sâu bệnh. Do đó, công tác gieo ươm cần được chú trọng thật kỹ các khâu kỹ thuật nhằm hạn chế thiệt hại, tạo cây con phát triển tốt nhất. Qui trình kỹ thuật này đều áp dụng cho tất cả các sản xuất con giống thuốc lá như: thuốc lá nâu, thuốc lá vàng sấy, thuốc lá burley.

I. GIAI ĐOẠN VƯỜN ƯƠM:

1. Chọn địa điểm: Đất làm vườn ươm phải đạt các yêu cầu sau:

– Vụ trước không trồng các cây họ cà, các cây rau như dưa chuột, đậu bắp…

– Cao thoát nước tốt, dốc nhẹ (1 – 5%)

– Tơi xốp, tầng canh tác dày, pH: (5,5 – 6,2)

– Có đủ nguồn nước, sạch phục vụ tưới cây con.

– Thoáng nhưng khuất gió.

– Xa khu dân cư, kho tàng, chuồng trại gia súc, vườn cây.

– Thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển.

2. Chuẩn bị đất:

– Tùy độ Ph, đất có thể bón thêm vôi từ 500 – 1.000kg trên mặt rồi cày đất sâu 25 – 30 cm trước ngày gieo từ 3 – 4 tuần lễ. Đến trước ngày gieo 1 tuần, cày trở đất và bừa tơi, san phẳng.

– Lên luống kích thước 1m x 10m, khoảng cách 2 luống kề nhau 0,5 – 0,6m. Nếu cây con trồng thẳng cần 7 – 10 luống/ha, trồng bầu cần 4 – 5 luống/ha.

– Cào phẳng mặt luống, gom hết tất cả các tàn dư thực vật, cỏ dại ra ngoài.

– Dùng CuSO4 70g + 30 lít nước, hòa tan đều tưới cho 10m2 mặt luống, lấy tấm che PE che phủ mặt luống sau 5 – 7 ngày mới gieo hạt.

3. Bón phân: Cách ngày gieo 2 – 3 ngày, bón phân lót vào các luống ươm, rải đều lên bề mặt rồi dùng cào xới chôn sâu khoảng 7 – 8 cm.

– Phân hữu cơ vi sinh (phân chuồng hoai): 5 kg

– NH4NO3                                                  : 100g

– Super lân                                                 : 300g

– K2SO4                                                      : 150g

– Furadan                                                   : 70g

(Có thể dùng vimoca 20ND pha trong 30 lít nước tưới đều lên mặt luống để trừ kiến, sâu đất, tuyến trùng…)

Dùng tấm PE đậy lại chờ gieo.

4. Gieo hạt:

– Dỡ tấm bạt, tạo gờ và làm bằng mặt luống bằng cách đầm nhẹ để chống xói mòn.

– Lượng hạt gieo: 1,0 – 1,2g/ 10m2 (tỉ lệ nảy mầm > 85%).

– Hạt được xử lý bằng CuSO4 1% trong 15 phút. Vớt hạt cho vào túi vải rửa sạch bằng nước lã. Ngâm hạt trong điều kiện nhiệt độ bình thường từ 12 – 24 giờ để hạt hút trương nước. Lấy ra rũ nước và ủ ở nhiệt độ không khí 27 – 28oC trong vòng 2 – 3 ngày hạt nứt nanh trắng. Chú ý không nên để nứt nanh quá dài khó gieo, dễ dính chùm.

– Trước khi gieo phải tưới cho luống ươm đủ ẩm.

– Cho hạt đã nứt nanh vào thùng gieo khuấy đều, hay trộn với cát sạch, tiến hành gieo đều trên mặt luống.

– Phủ lên bề mặt đã gieo một lớp tro trấu hay phân hữu cơ vi sinh 1 lớp dày 0,5 cm. Tưới nước giữ ẩm cho mặt luống.

5. Làm dàn che:

– Thực hiện làm giàn che ngay sau khi gieo hạt.

– Dùng tre cột uốn cong hình vòm từ mặt luống cách đỉnh 50 – 60cm (cung tre phải có độ dài 2,4m).

6. Chăm sóc cây con:

– Tưới nước: Sau khi gieo mặt luống cần phải giữ ẩm liên tục và vừa phải, nếu để thiếu nước hạt đang nứt nanh dễ bị thui chột. Trong suốt thời kỳ sinh trưởng cây con cần cung cấp đủ nước. Từ khi gieo hạt đến khi mọc 2 lá mầm, bộ rễ chưa đủ bám chặt vào đất nên dễ bị trôi dạt; do đó phải sử dụng búp sen có tia thật mịn để tưới cho cây con. Sau khi gieo mỗi ngày cần tưới 2 – 3 lần (mỗi lần 20 – 30 lít nước/10m2) cho đến khi hạt mọc mầm đều và giảm dần còn từ 1 – 2 lần/ ngày tùy theo độ ẩm mặt luống.

– Tỉa cây, làm cỏ: Sau khi cây mọc từ 5 – 7 ngày cần tiến hành làm cỏ ngay, kết hợp tỉa bỏ cây con những chỗ có mật độ dày. Mật độ cây con từ 500 – 550 cây/ 1m2 nếu cây con cấy bầu, từ 350 – 400 cây/ 1m2 nếu cây con trồng thẳng. Trước và sau khi tỉa bỏ cây hay làm cỏ phải tưới nước thật đẫm trên mặt luống để ổn định bộ rễ cây con. Dọn vệ sinh trong và ngồi vườn ươm sạch sẽ.

– Điều khiển mái che: Từ khi cây con có 2 lá thật rất cần ánh sáng để phát triển bộ rế, thiếu ánh sáng cây dễ bị vống, yếu, dễ bị bệnh nên giai đoạn này cần luôn điều chỉnh mái che để cho cây hưởng ánh sáng tối đa. Những ngày nắng nóng lưu ý phải che phủ mái che cản bớt ánh nắng khoảng từ 11 – 14 giờ tránh gây tổn thương cho cây.

– Tưới thúc: đôi khi cây con bị xấu, kém phát triển có thể thúc bằng cách hòa tan 50 – 100 gr NH4NO3 trong 20 lít nước tưới đều trên mặt luống ươm. Rửa lại bằng nước sạch.

7. Phòng trừ sâu bệnh:

·        Các loại sâu thường hại vườn ươm: sâu xanh (Heliothis armigera), sâu khoang (Prodenia litura), sâu đục thân (Phthorimaea operculella), bọ trĩ (Thrips tabasi), rệp muội (Myzus persicae)… Phòng trừ các loại thuốc BVTV như: Confidor 100SL pha nồng độ 6-8cc/8lít nước, hoặc Lancer 75SP để trị côn trùng chích hút; các loại thuốc cúc tổng hợp khác như: Fastac 5EC, Vifast 5ND… Để tăng cường hiệu lực thuốc trừ sâu có thể luân phiên thay đổi các loại thuốc khác nhau hay phối trộn với nhau để tăng phổ diệt côn trùng.

·        Bệnh: bệnh do nấm như chết rạp, lỡ cổ rễ (Rhizoctonia solani), đốm mắt cua (Cercospora nicotianae)… dùng thuốc hóa học như: Ridomil MZ 72WP, Funguran, Aliette… Bệnh thối nhũng do vi khuẩn (Erwinia carotovora), bệnh héo rũ vi khuẩn (Pseudomonas solani)… dùng thuốc Kasuran, Starner… Bệnh do virut như: TMV, CMV, TLCV… thường khó phát hiện rõ nét trên cây con. Nếu phát hiện nên nhổ bỏ, tích cực tiêu diệt côn trùng chích hút, luân canh cây trồng.

·        Tuyến trùng: có 2 loại gây nguy hiểm đó là tuyến trùng sưng rễ (Meloidogyne spp), tuyến trùng gây vết thương (Prtylenchus spp)… đất đã xử lý tốt bằng Furadan hay vimoca nên ít bị ảnh hưởng nếu có cần xử lý vimoca pha nước tưới tỉ lệ 10cc/ 10lít nước.

·        Lưu ý: Vườn ươm phải có rào chắn ngăn không cho người lạ, gia súc phá, không cho hút thuốc lá trong vườn ươm. Sau khi nhổ cây xong phải thu don vệ sinh sạch sẽ.

II. HƯỚNG DẪN SẢN XUẤT CÂY CON TRỒNG THẲNG:

1. Chăm sóc:

– Khi cây con đạt 3 – 4 lá thật, tiếp tục chăm sóc làm cỏ, tỉa cây chỗ dày cho đúng mật độ 350 – 400 cây/m2.

– Tưới cây: giảm tưới 1- 2 lần/ ngày, giữ độ ẩm vừa phải.

– Nếu cây con chậm phát triển có thể bón thúc đạm NH4NO3 50 – 100 gr/20lít nước, tưới lại bằng nước để rửa lá.

– Tập chịu hạn: Khi cây cao khoảng 8 – 10cm (40 – 45 ngày) phải ngưng tưới, chỉ tưới khi cây héo vào lúc 10 giờ sáng. Lập lại vài lần cho đến khi nhổ đem trồng.

– Xén lá: khi cây con được 28 – 30 ngày thì cần xén lá đợt đầu, lưu ý cần khử trùng dụng cụ và tay làm, nên cắt lá vào lúc trời nắng ráo, cắt xén xong phun thuốc Kasuran, Riđomin… Cây con sản xuất theo phương pháp trồng thẳng trước khi xuất vườn cần xén ít nhất 2 lần.

2. Xuất vườn: Khi cây con đủ tiêu chuẩn trồng cần xén lá trước 2 ngày, tưới đẫm nước và phun thuốc phòng sâu bệnh, nhổ cây con xếp vào giỏ đem trồng.

* Tiêu chuẩn cây con trồng thẳng:

– Chiều cao cây: 10 – 15cm

– Đường kính thân: 4 – 6cm

– Cây có 6 – 8 lá thật, rễ nhiều, sạch bệnh.

– Thân cây dẻo (uốn tròn không gãy).

III. HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC CÂY CON THUỐC LÁ Ở VƯỜN BẦU

I. Chọn và xử lý đất:

1. Chọn đất:

–  Đất phải gần ruộng trồng, hoặc làm ngay trên ruộng dự định trồng thuốc lá, để thuận lợi đưa cây giống ra trồng.

–  Đất phải gần nguồn nước tưới, ánh sáng đầy đủ có đường thoát nước tốt.

2. Xử lý đất:

–  Đất được lên luống cao 20 – 24cm, rộng 1,2m dài 10m. Khoảng cách giữa 2 luống cách nhau 50cm để tiện đi lại chăm sóc (9 luống/ha).

–  Đất được làm bằng phẳng mặt, cho xử lý CuSO4 (70g/luống) hòa nuớc 20 lít nước tưới đều trước khi vô bầu 2 – 3 ngày.

–  Đất xử lý xong, bón thêm các loại phân sau:

– NH4NO3    : 150g

– Super lân  :400g

– (DAP: 250g, thay 2 loại trên)

– Furadan 3G :100g

– Phân hữu cơ vi sinh : 5 kg

– K2SO4 : 150g

–  Đất được trộn đều các nguyên liệu lại với nhau (xới sâu xuống mặt đất 10 – 12cm).

–  Bầu bằng nylon rỗng đáy hình ống, có kích thước 8cmx11cm.

–  Có thể dùng tay hoặc lon nhựa hoặc lon bia xúc đất vào bầu. Chú ý không nên ém chặt bầu khi cho đất vào bầu.

II. Cấy cây con vô bầu:

1. Chuẩn bị và cấy cây con:

–  Cây con được nhổ phải đúng tiêu chuẩn:

– Có 3 – 4 lá thật.

– Cây có chiều cao tương đối đồng đều.

– Sạch bệnh, rễ trắng.

– Nhổ cây vào lúc sáng sớm cho vào giỏ, giữ cây đứng không chồng lên nhau, vận chuyển vào chổ mát và phun sương khi cần thiết.

– Xử lý rễ cây con trước khi cấy bầu bằng validacin 5SP (pha 10g/5lít).

– Thời điểm khi cấy bầu thích hợp nhất là 15 giờ trở đi, tưới thật đẫm vào bầu trước khi cấy, thao tác cấy như sau:

– Dùng que chọt lổ sâu 1-1,5 cm, cho gọn bộ rễ vào lổ (không cho rễ lồi trên mặt bầu). Và ém nhẹ đất.

– Tưới 10-20 lít nước/10 m2 nhằm rửa sạch đất dính lá trong quá trình cấy, cũng như ổn định bộ rễ.

2. Dàn che phủ:

Cây cấy xong lập dàn che bằng cung tre (dài 2,4m): 7 – 9 cung trên luống và che phủ bằng tấm nylon đề giữ ẩm và che mát cho cây, giúp cây không bị héo, chết ở giai đọan đầu, tạo cho cây mau hồi phục.

III. Chăm sóc cây bầu:

1. Tưới nước:

–  Những ngày đầu cây bầu được che nắng và giữ  ẩm rất quan trọng, thông thường nên tưới 2– 3 lần/ngày với lượng nước tước 20 – 30 lít/10m2/lần, tránh tưới vào thời điểm trưa nắng gắt cây đang héo. Thời gian tưới 7 – 8h sáng, 10 –11h và 15 – 16h chiều.

–  Sau khi cấy bầu 4 – 5 ngày sau, cây đã phục hồi. Dần dần giảm bớt lượng nước tưới. Số lần tưới và kết hợp mở dần dàn che để huấn luyện cây con.

– Nếu cây chậm phát triển có thể tưới thúc với các loại phân sau: Urê: 30 – 50g hoặc Nitrat (NH4NO3) 50g/luống (10m2 ) sau đó tưới lại bằng nước lã để rửa lá.

2. Dặm cây con: Sau 3 – 5 ngày cấy dặm những cây con bị yếu khó phục hồi.

3. Xén lá: để tạo cây đồng đều và tăng đường kính thân, chú ý các thao tác sau:

–  Nên cắt, xén lá vào buổi sáng trời khô ráo và có nắng.

–  Loại bỏ những cây bị bệnh trước khi xén lá.

–  Chọn cây cao nhất làm chuẩn, cắt theo mặt phẳng, cách đỉnh ngọn cây từ 1 – 2cm.

– Xử lý kéo và tây vào nước xà phòng hoặc dung dịch có chứa đồng để tránh nhiễm bệnh.

– Cắt khoảng 1 m2 phải xử lý kéo 1 lần.

4. Tập chịu hạn:

Nhằm tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển mạnh, sâu, rộng và tăng cường khả năng chống chịu hạn bằng cách khi cây 15 – 17 ngày cho ngưng tưới nước, khi nào thấy cây thuốc vào khỏang 10 giờ héo cho tưới lại, lặp lại cách này ít nhất 3 lần.

5. Phòng trừ sâu bệnh:

– Sâu: các loại sâu thường gây hại trong vườn ươm: sâu xanh, sâu xám, sâu khoang, sâu đo, sâu đục thân sử dụng các loại thuốc trừ sâu như : sec sài gòn, Mosplan, Mospilan, lancer 75Sp, lannat, biocin, dragon… theo sự hướng dẫn ghi trên nhãn.

– Bệnh:

– Bệnh do nấm: chết rạp cây con: thối đen rễ, lở cổ rễ… nên xử lý bằng Ridomil MZ 72, Benlat C…

– Bệnh do vi khuẩn: thối nhũn, héo vi khuẩn… nên sử dụng thuốc Kasuran, Kasumil, Boocdo 1%.

– Bệnh virus: TMV, CMV, TSWV gây xoăn lá… nên loại bỏ ngay.

* Tiêu chuẩn cây con bầu:

– Chiều cao cây: 10 – 15cm.

– Đường kính thân: 4 – 6 mm.

– Cây có 6 – 8 lá thật, sạch sâu bệnh, rễ nhiều.

Tags: Kỹ thuật sản xuất con giống

Từ khóa » Cây Con Là Gì