Kỹ Thuật Trồng Cây đậu đen Vùng Bán Ngập

Mục Lục

  • 1.1. Kỹ thuật trồng 1.1. Chọn giống 1.2. Làm đất 1.3. Thời vụ trồng 1.4. Kỹ thuật trồng Phương pháp gieo trồng Bón phân Phương pháp bón phân
  • 2.2. Chăm sóc 2.1. Trồng dặm 2.2. Làm cỏ 2.3. Hãm ngọn
  • 3.3. Biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại 3.1. Các loại sâu, bệnh hại 3.2. Biện pháp phòng trừ
  • 4.4.Thu hoạch và bảo quản.
Kỹ thuật trồng cây đậu đen vùng bán ngập  

1. Kỹ thuật trồng

1.1. Chọn giống

Hiện nay ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên chủ yếu sử dụng các giống đậu đen lòng trắng và giống đậu đen lòng xanh để trồng (tốt nhất sử dụng giống đậu đen Bình Định và đậu đen Gia Lai). Các giống đậu đen này có thời gian sinh trưởng từ 80 – 90 ngày,  rất  dễ  trồng và không đòi hỏi nghiêm ngặt về đất đai.

Hạt giống đem trồng phải: Hạt to tròn, đều to bằng nhau, vỏ mịn, không xước, giống phải đạt tỷ lệ nẩy mầm trên 80%.

1.2. Làm đất

Đậu đen thích nghi với các loại đất tơi xốp, nhiều mùn, không chua phèn, không qúa ẩm ướt, không bị chai cứng khi khô, đất thoát nước tốt và không ngập úng.

Cày hoặc cuốc lật đất phơi khô, rồi bừa hoặc đập nhỏ đất, nhặt sạch cỏ và đánh luống với chiều rộng 1,2 m, cao 35 cm, dài tùy thuộc vào diện tích ruộng. 

1.3. Thời vụ trồng

– Căn  cứ  điều  kiện  khí  hậu từng  vùng, tập  quán  và  kinh  nghiệm  của  địa phương để bố trí thời vụ gieo hợp lý.

– Đối với đất bán ngập thời vụ gieo trồng:

+ Vụ Xuân hè gieo từ tháng 2 – 3 dương lịch

+ Vụ Hè thu gieo từ tháng 4 – 5 dương lịch

1.4. Kỹ thuật trồng

Lượng hạt giống:

Lượng hạt giống đậu đen cần cho 1 sào hay 1.000m2  là 1,8 kg

Khoảng cách trồng:

– Hàng cách hàng 40 cm.; Cây cách cây 25 cm.

– Mỗi hốc gieo 2 hạt, sau đó có thể tỉa bỏ bớt

Phương pháp gieo trồng

Dùng  cày  rạch  thành  những  rãnh  như khoảng cách nói trên và sâu 4 đến 5cm, sau đó vãi đều toàn bộ lượng vôi lên ruộng, và cho phân bón lót (phân lân trộn đều với phân chuồng hoai) và thuốc Basudin vào rãnh vừa rạch, tiếp đến gieo 2 hạt vào hốc và lấp kín đất lại.

Bón phân

Lượng phân bón (cho 1 sào hay 1.000 m2)

– Phân chuồng hoai:  500 kg.

– Phân đạm SA:           15 kg.

– Phân lân Văn điển:    30 kg.

– Phân kali KCl:           10 kg.

– Vôi bột:                      50 kg.

Phương pháp bón phân

– Vôi: Được vãi đều trên mặt ruộng khi làm đất lần cuối, hay khi rạch hàng để gieo hạt.

– Bón lót: Trộn toàn bộ phân chuồng hoai với phân lân, bón rải theo hàng trước khi gieo hạt.

– Bón thúc lần 1: 10 ngày sau khi gieo, kết hợp với làm cỏ lần 1, trộn đều 7,5 kg phân đạm SA với 5 kg phân Kali Clorua (KCl) để bón cách gốc đậu đen 10 cm, sau đó xới nhẹ đất để lấp phân.

– Bón thúc lần 2: 30 ngày sau khi gieo, kết hợp với làm cỏ lần 2, trộn đều 7,5 kg phân đạm SA với 5 kg phân Kali Clorua (KCl) để bón cách gốc đậu đen 15 cm, sau đó xới nhẹ đất để lấp phân.

2. Chăm sóc

2.1. Trồng dặm

Sau khi đậu mọc đều và có 2 lá mầm cần kiểm tra đồng ruộng để dặm ngay những hốc không mọc bằng chính hạt giống đã sử dụng để đảm bảo được số cây trên đơn vị diện tích.

2.2. Làm cỏ

– Làm cỏ lần 1: Khi cây mọc khoảng 10 ngày thì tiến hành làm cỏ, xới nhẹ phá váng và xới xa gốc. Đồng thời, kết hợp nhổ bỏ bớt cây yếu, còi cọc, sâu bệnh.

– Làm cỏ lần 2: Sau làm cỏ lần 1 khoảng 20 ngày thì làm cỏ xới đất, vun gốc lần 2. Tiếp tục nhổ bỏ những cây sinh trưởng kém, sâu bệnh, dị dạng để có mật độ thích hợp cuối cùng.

– Làm cỏ lần 3: Trước khi cây ra hoa cần làm cỏ, xới đất và vun gốc để chống đổ ngã.

2.3. Hãm ngọn

Khi cây đậu đen được chăm sóc tốt, bón phân đầy đủ thì nó sẽ phát triển rất nhanh và mọc ra rất nhiều ngọn non vươn dài. Vì vậy, khi đậu đen chuẩn bị ra hoa phải thường xuyên ngắt ngồng lá để cây ra nhiều hoa và cho năng suất cao.

3. Biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại

3.1. Các loại sâu, bệnh hại

Cây đậu đen thường có các loại sâu, bệnh hại: Dòi đục thân, sâu ăn lá, sâu đục trái, rầy rệp, bệnh lở cổ rễ, đốm lá, cháy lá…

3.2. Biện pháp phòng trừ

– Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ.

– Luân canh với các loại cây trồng khác như lúa, ngô…

– Không phun thuốc khi mật độ sâu ít, để bảo vệ thiên địch trên đồng ruộng.

4.Thu hoạch và bảo quản.

– Khi  quả vàng đã chuyển hoàn toàn sang màu nâu đậm thì tiến hành thu hoạch. Quả hái xong đem phơi, tách vỏ lấy hạt, không ủ đống. Những quả đậu hái đợt 1 và 2 có hạt to, mẩy, không bị sâu, mọt thì có thể dùng làm giống cho vụ sau.

– Hạt sau khi tách vỏ được phơi khô tới ẩm độ 10% và loại bỏ tạp chất, làm sạch hạt rồi đóng bao bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Trong thời gian bảo quản cần chú ý kiểm tra sâu mọt.

Nguồn báo cáo kết quả ĐTNCKH

Từ khóa » Cây đỗ đen Có Leo Không