Ký ức Vệ út - Sự Kiện Nhân Chứng
Có thể bạn quan tâm
Đội Vệ út được mệnh danh là những “chiếc điện thoại sống” đã sát cánh cùng các tiểu đoàn vệ quốc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong những ngày mùa đông năm 1946. Tôi có lần về làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) và may mắn gặp được ông Đặng Văn Tích, nguyên chiến sĩ Vệ út Thủ đô. Dù đã ở tuổi gần 90, nhưng ký ức hào hùng, tràn đầy nhiệt huyết chưa bao giờ phai mờ trong ông. “Thành viên nhỏ nhất của đội mới 9 tuổi, lớn nhất 15 tuổi. Gọi chúng tôi là thiếu sinh quân thì không đúng, nên mọi người gọi là Vệ út, nghĩa là những đứa em út của các anh Vệ Quốc đoàn”, ông Tích bắt đầu câu chuyện.
Mới 9 tuổi, Đặng Văn Tích đã mồ côi mẹ. Do gia đình có cửa hiệu buôn bán trên phố Hàng Vôi, cậu bé Đặng Văn Tích nhiều lần chứng kiến những hành động bạo ngược của lính Pháp, nên ngay từ khi ấy cậu đã rất căm ghét quân Pháp. Lên 10 tuổi, hằng ngày Tích giấu cha đến xem các anh tự vệ huấn luyện làm nhiệm vụ bảo vệ khu phố. Đêm 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Khi dòng người Hà Nội hối hả tản cư ra vùng hậu chiến thì Tích lại không theo bố về quê, mà ở lại làm liên lạc cho các chú Vệ Quốc đoàn. Khu vực Tích được giao đảm nhiệm là chiến trường Liên khu 1 (gồm Đồng Xuân, Đông Thành, Đông Kinh Nghĩa Thục). “Và từ đây, tôi chính thức đứng vào hàng ngũ những người làm cách mạng. Chỉ có điều day dứt là sau cuộc chia tay cha lần đó, nhiều năm sau tôi quay trở về thì cha tôi đã mất, nhà không còn và gia đình ly tán”, ông nói trong niềm xúc động.
Ông Đặng Văn Tích. Ảnh: HIỀN THU |
Kể lại chuyện xưa, ông Tích như thấy mình trở lại tuổi thơ, sống trong những ngày toàn quốc kháng chiến. Nhớ những đêm khi tiếng súng tạm ngưng, cậu bé Tích được các anh chị rửa chân, cõng lên gác ngủ. Sáng ra, Tích và các bạn lại hăng hái làm nhiệm vụ. Đó là giữ liên lạc giữa các khu phố được giao phụ trách. Vì còn nhỏ nên họ dễ luồn dọc bao cát trên phố hoặc chui qua các lỗ tường nhà dân đã đục sẵn. Những Vệ út không chỉ truyền mệnh lệnh khắp chiến trường, mà còn đi xem xét tình hình chiến sự các nơi để báo cáo chỉ huy có phương án kịp thời tiếp tế đạn dược, quân số. Vệ út không chỉ thông thuộc mọi ngóc ngách trên phố và hệ thống đường xuyên tường giữa các nhà, mà còn phải ghi nhớ mật khẩu quy định của từng đêm. Đề phòng Việt gian, mỗi tối, các đơn vị từ tiểu đoàn đến đại đội, trung đội, tiểu đội đều có mật khẩu riêng. Có đêm là “hòa bình”, đêm khác lại là ‘’tự do” hay “độc lập”... Nhiều đêm, Tích cùng các bạn còn vượt đê ra ngoài bãi Phúc Xá ven sông Hồng dẫn du kích đưa lương thực, thực phẩm, công văn, báo chí vào Liên khu 1.
Theo lời kể của ông Đặng Văn Tích, trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội, nhiều Vệ út đã hy sinh. Trong đó có Trần Văn Lai, 12 tuổi, là liên lạc, cứu thương ở Liên khu 1. Ông nhớ hôm ấy, Pháp tập trung quân đánh chiếm Trường Ke ở ngay đầu phố Ô Quan Chưởng. Sau nhiều giờ chiến đấu, đơn vị dù đẩy lùi được nhiều đợt tấn công của địch, nhưng nhiệm vụ vẫn chưa thể hoàn thành. Thấy vậy, Trần Văn Lai tụt theo đường ống nước xuống đường về báo cáo ban chỉ huy xin tiếp viện. Báo cáo xong, Lai chạy vội trở lại theo đường cũ nhưng bị quân Pháp phát hiện. Chưa kịp trèo lên gác thì Lai trúng đạn, hy sinh. Nhưng nhờ có sự dũng cảm của em, ta kịp thời cử lực lượng chi viện mà Trường Ke được bảo vệ.
Đến đầu năm 1947, sau những ngày chiến đấu gian khổ cầm chân địch thì tình hình ngày càng khó khăn. Lương thực, đạn dược vơi dần, trong khi ta cần bảo toàn lực lượng để chiến đấu lâu dài. Vì vậy, ngày 14-1-1947, Trung đoàn Thủ Đô được lệnh để lại một lực lượng nhất định để chiến đấu trong nội thành. Quân số còn lại rút về hậu phương. Các Vệ út cũng buộc phải rút ra. Vậy mà khi kiểm đếm quân số thì có tới 175 Vệ út, trong đó có Đặng Văn Tích không tuân lệnh cấp trên. Họ trốn trong tủ, dưới gầm giường, trên nóc nhà... để không bị phát hiện lúc điểm quân chỉ với nguyện vọng được ở lại quyết giữ Thủ Đô. Những Vệ út “trốn lệnh” sau đó chính là những người dẫn đường đưa cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô rút khỏi Hà Nội an toàn vào tháng 2-1947. Ông Tích khẳng khái: “Biết đây là hành động vi phạm kỷ luật, nhưng vì tinh thần yêu nước, những cô bé, cậu bé chúng tôi vẫn làm. Rất mừng là cấp trên không kỷ luật và vẫn tin tưởng giao các nhiệm vụ tiếp theo!”.
BẢO LINH
Từ khóa » đội Vệ út 1947
-
Những Vệ út Trên Chiến Hào Vệ Quốc - Tuổi Trẻ Online
-
Những Vệ út Cảm Tử Vì Hà Nội Hơn 70 Năm Trước - VnExpress
-
Những "vệ út" Trong 60 Ngày đêm Quyết Tử Bảo Vệ Thủ đô
-
“Vệ út” Thủ đô Và Những Bức ảnh Xúc động - Báo Nhân Dân
-
Vệ út Anh Hùng - Báo Người Lao động
-
Những Vệ út Tuổi Lên 10 Trong Ngày Toàn Quốc Kháng Chiến
-
Người Chép Sử Vệ út - Thành Đoàn TPHCM
-
Cuộc Rút Lui Huyền Thoại - Hànộimới
-
'Vệ Quốc Quân Nhí' Và Những Chiến Công Làm Nên Hà Nội Mùa đông ...
-
Vệ Út “con Thoi” Giữa Làn đạn Thực Dân Pháp Mùa Đông Năm 1946
-
Những Vệ út Cảm Tử Vì Hà Nội - Trải Nghiệm Sống
-
Trận Hà Nội 1946 – Wikipedia Tiếng Việt
-
Vang Vọng Lời Kêu Gọi Toàn Quốc Kháng Chiến | Phụ Nữ Thủ đô