Vệ út Anh Hùng - Báo Người Lao động
Có thể bạn quan tâm
175 em nhỏ đã tham gia làm cứu thương, tiếp tế, trinh sát, liên lạc như con thoi dưới làn đạn địch. Không những vậy, những Vệ út hồi ấy mới chỉ 9-16 tuổi đã trực tiếp cầm vũ khí chiến đấu và nhiều người đã anh dũng hy sinh.
Tuổi nhỏ chí lớn
Ngày Toàn quốc kháng chiến đã trải qua đúng 70 năm. Đến nay, những Vệ út ngày ấy người trẻ nhất đã bước sang tuổi 79, còn lại đa phần đều ngoài 80. Thế nhưng, khi nhắc về 60 ngày đêm khói lửa, chiến đấu vào mùa đông 1946, họ vẫn kể lại một cách rành rọt và tràn đầy cảm xúc, như tất cả vừa mới diễn ra...
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm - nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, Trưởng Ban Liên lạc truyền thống quyết tử Liên khu 1 - cho biết 175 Vệ út hầu hết đều xuất thân nghèo khó. Người là con công nhân, người mồ côi cả cha lẫn mẹ, người bán báo, bán bánh mì, đánh giày, thậm chí lang thang, không nhà cửa… Trận đói lịch sử năm 1945 đã đẩy những đứa trẻ phiêu bạt về hội tụ cùng một nơi: Xóm lao động nghèo bãi Phúc Tân ven sông Hồng.
Những Vệ út năm xưa giờ đã là những cụ già 80-90 tuổiNhững Vệ út: Tống Bá Hiển, Phùng Đệ, Vũ Thị Nhâm, Đặng Văn Tích… đều lớn lên từ bãi Phúc Tân. Trong đó, Phùng Đệ mồ côi cha từ năm 4 tuổi. Nạn đói năm 1945 lại cướp đi người mẹ hiền, ông phải ra bãi Phúc Tân ở nhờ người cô. Cách mạng Tháng Tám thành công khi Đệ 12 tuổi. Mùa đông 1946, ở tuổi 13, ông trở thành Vệ út và là liên lạc viên Đại đội 15, Tiểu đoàn 103, khu Đông Kinh Nghĩa Thục.
Tống Bá Hiển, một thiếu niên quê Nam Định, cũng cư ngụ cùng xóm với Phùng Đệ. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ khi Hiển 16 tuổi. Với tinh thần xung phong, dũng cảm, Hiển được chọn là một trong 3 người tự vệ Phúc Tân ghi tên vào đội cảm tử, dự lễ tuyên thệ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Những thiếu niên Phúc Tân ở lại phục vụ chiến đấu còn có cô bé Vũ Thị Nhâm. Nhà Nhâm rất nghèo, năm 10 tuổi, cô đã tự lao động kiếm sống. Kháng chiến nổ ra, Nhâm 13 tuổi, là Vệ út ở Tiểu đoàn 103, làm liên lạc và cứu thương.
“Những cô bé, cậu bé nghèo hằng ngày phải lam lũ kiếm sống, mưu sinh. Thế nhưng, khi giặc Pháp nổ súng cướp Hà Nội, họ không về quê hay đi tản cư mà xin ở lại cùng các chiến sĩ quyết tử quân bảo vệ thủ đô” - đại tá Hàm cảm động.
Vệ út Vũ Thị Nhâm năm nào giờ đã là bà cụ 83 tuổi. Bà Nhâm cho biết ngày ấy, bà và đồng đội còn quá nhỏ để cảm nhận về sự ác liệt của chiến tranh nên không run sợ trước lằn ranh mong manh của sự sống - chết. “Lúc đó, chúng tôi chỉ mong được ở lại thủ đô để tham gia quân đội, chiến đấu và đánh bại những kẻ đã đốt nhà mình” - bà kể.
Với tâm trạng như vậy, trong khi dòng người vội vã rời Hà Nội về các vùng sau lưng địch theo lệnh tản cư kháng chiến, bà Nhâm và nhiều bạn thiếu nhi cùng trang lứa ở bãi Phúc Tân đã tìm mọi cách “trốn” lại thủ đô chiến đấu. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến ác liệt, ngoài những thiếu niên nghèo khó tham gia Vệ út, điều đáng quý là có một số em nhỏ dù gia đình khá giả hoặc đã tản cư nhưng vẫn tìm đường trở về nội thành tham gia chiến đấu.
Quyết tử vì thủ đô
Bà Vũ Thị Nhâm cho biết mỗi đại đội của Trung đoàn Thủ đô có hơn 10 Vệ út. Những chiến sĩ cảm tử quân nhí được giao nhiệm vụ liên lạc, đưa công văn, giấy tờ, truyền tin, mật khẩu, mật lệnh chiến đấu, tiếp tế, cứu thương… Những lúc tạm ngưng tiếng súng, Vệ út lại cất tiếng hát, múa trên chiến hào, trong lũy cát cùng với các Vệ quốc quân.
Một trong những chiến công mà bà Nhâm nhớ nhất là trận đánh tiêu diệt địch vào sáng 7-2-1947 tại chốt Trường Ke, khu Đông Kinh Nghĩa Thục. Bà Nhâm cho biết mọi ngày đứng từ chốt nhìn lên cầu Long Biên thấy bình thường nhưng hôm đó, giặc Pháp tập trung rất đông. Các Vệ út vừa kịp băng qua giao thông hào cấp báo thì quân Pháp đã bao vây 3 mặt để đánh úp chiến lũy Trường Ke, súng bắn như vãi đạn.
“Lúc này, chúng tôi chỉ có 15 chiến sĩ và mấy khẩu tiểu liên, phải xin cứu viện. Ban chỉ huy tiểu đoàn chỉ ở bên kia phố nhưng phải đi xuyên qua làn lửa đạn của địch mới tới” - bà Nhâm nhớ lại.
Theo đại tá Nguyễn Trọng Hàm, trận phòng thủ vị trí chiến lược Trường Ke diễn ra trước khi ta rút quân rời thủ đô 10 ngày. Đây là trận chiến quyết tử bởi nếu để mất Trường Ke và địch án ngữ tại điểm chốt cửa ngõ này thì việc lui quân của ta sẽ vô cùng khó khăn.
Trong giờ phút nguy nan đó, không hề nao núng, Vệ út 12 tuổi Trần Ngọc Lai đã xung phong xin trung đội trưởng đi cầu viện. Chưa dứt lời, Lai đã thoăn thoắt bám vào đường máng dẫn nước tụt nhanh xuống vượt qua làn đạn, chạy nhanh về phía ban chỉ huy tiểu đoàn. Khoảng 10 phút sau, Lai trở về cùng đoàn quân cứu viện.
“Chúng tôi leo lên gác, ném lựu đạn xuống. Giặc Pháp thất bại với kế hoạch đánh úp Trường Ke, trong khi ta không có thương vong nào lớn” - bà Nhâm hồi tưởng.
Sau đợt tấn công này, quân Pháp biết có một thiếu niên làm giao liên đã dũng cảm, nhanh nhẹn cắt làn đạn đi xin cứu viện. Chỉ huy của giặc ra lệnh cho binh lính phải bao vây bắt sống cậu.
Trong một lần khác, Vệ út Trần Ngọc Lai lọt vào vòng vây của lính Pháp. Chúng quyết bắt sống cậu nên tràn tới. Lai không hề nao núng, tháo ngay ngòi nổ quả lựu đạn và ném về phía quân Pháp. Nhiều tên địch chết nhưng Lai cũng bị thương nặng.
“Không để giặc bắt sống, Lai leo lên máng nước của tòa nhà rồi từ từ gục xuống. Lai hy sinh trên tay các anh trong trung đội” - bà Nhâm rơi lệ khi nhắc lại người Vệ út anh hùng.
Vệ út Trần Ngọc Lai đã anh dũng hy sinh trong những ngày cuối cùng của 60 ngày đêm quyết tử vì thủ đô. Đại tá Nguyễn Trọng Hàm cho biết tấm gương hy sinh của Lai đã nhanh chóng được truyền đi trên tất cả mặt trận. Khắp chiến hào Liên khu 1 những ngày sau đó, tấm gương anh dũng hy sinh của Vệ út Trần Ngọc Lai hóa thành sức mạnh trong mỗi chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, thúc giục mọi người xông lên tiêu diệt địch.
Em mới tuổi 13…
Đến nay, bà Vũ Thị Nhâm vẫn còn giữ bài thơ mà bà coi như báu vật đời mình suốt 70 năm qua. Đó là bài thơ của một chiến sĩ Vệ quốc đoàn tặng bà trong đêm giao thừa giữa chiến khu, lúc Vệ út này nhớ nhà và khóc: “Em mới tuổi mười ba/ Tuy bé, lòng hăng hái/ Bỏ nhà quyết xông pha/ Nắng mưa quen dầu dãi/ Đói rét dạ chẳng sờn…/ Ngoài kia súng còn nổ/ Chinh chiến gác tình quê/ Ngày mai vui Độc lập/ Mẹ ơi con sẽ về”.
Chiến sĩ ấy tên là Trần Viết Nuôi. Sau này, anh đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến đấu.
Từ khóa » đội Vệ út 1947
-
Những Vệ út Trên Chiến Hào Vệ Quốc - Tuổi Trẻ Online
-
Những Vệ út Cảm Tử Vì Hà Nội Hơn 70 Năm Trước - VnExpress
-
Những "vệ út" Trong 60 Ngày đêm Quyết Tử Bảo Vệ Thủ đô
-
“Vệ út” Thủ đô Và Những Bức ảnh Xúc động - Báo Nhân Dân
-
Ký ức Vệ út - Sự Kiện Nhân Chứng
-
Những Vệ út Tuổi Lên 10 Trong Ngày Toàn Quốc Kháng Chiến
-
Người Chép Sử Vệ út - Thành Đoàn TPHCM
-
Cuộc Rút Lui Huyền Thoại - Hànộimới
-
'Vệ Quốc Quân Nhí' Và Những Chiến Công Làm Nên Hà Nội Mùa đông ...
-
Vệ Út “con Thoi” Giữa Làn đạn Thực Dân Pháp Mùa Đông Năm 1946
-
Những Vệ út Cảm Tử Vì Hà Nội - Trải Nghiệm Sống
-
Trận Hà Nội 1946 – Wikipedia Tiếng Việt
-
Vang Vọng Lời Kêu Gọi Toàn Quốc Kháng Chiến | Phụ Nữ Thủ đô