Lá Lách To: Có Nguy Hiểm Hay Không?

Nội dung bài viết

  • Lách hoạt động như thế nào?
  • Lách to có thể biểu hiện ra những triệu chứng gì?
  • Nguyên nhân gây ra lách to là gì?
  • Ai là đối tượng dễ bị lách to?
  • Lách to nguy hiểm như thế nào?
  • Chẩn đoán lách to và tìm kiếm nguyên nhân
  • Điều trị lách to như thế nào?
  • Theo dõi
  • Lối sống và hướng dẫn tại nhà dành cho người bệnh

Lá lách là một cơ quan nằm bên trái, phía dưới lồng ngực. Khi bị những bệnh như nhiễm trùng, bệnh gan và ung thư, bệnh nhân có thể có lách to. Lách to thường không gây ra triệu chứng gì. Người bệnh thường phát hiện lách to khi đi khám định kỳ hoặc do bệnh khác. Khi đó, bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm máu và hình ảnh học để xác định nguyên nhân. Mục tiêu trong điều trị lách to là tập trung vào điều trị nguyên nhân gây ra chứng này. Phẫu thuật cắt lách không phải là phương pháp ưu tiên lựa chọn nhưng cũng được cân nhắc trong một số trường hợp. Sau đây, mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên tìm hiểu chi tiết hơn về tình trạng lá lách to nhé.

Lách hoạt động như thế nào?

Lách là một cơ quan nằm ẩn bên dưới khung xương sườn và bên trái dạ dày. Cơ quan này có mật độ mềm, xốp, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Lách giúp:

  • Lọc và tiêu diệt những tế bào máu già và đã bị hư hỏng.
  • Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách sản xuất tế bào bạch cầu (tế bào lympho), đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các sinh vật gây bệnh.
  • Lưu trữ tế bào hồng cầu và tiểu cầu (tiểu cầu giúp máu đông lại, đóng vai trò quan trọng trong cầm máu).

Do đó, lách to sẽ ảnh hưởng những chức năng trên. Khi phì đại, lách sẽ tăng quá trình lọc những tế bào hồng cầu bất thường và cả bình thường. Tình trạng này làm giảm tế bào hồng cầu bình thường trong máu. Việc tăng lọc cũng làm giảm tiểu cầu.

Sau khi giữ lại quá nhiều hồng cầu và tiểu cầu, những tế bào này sẽ gây tình trạng tắc nghẽn và ảnh hưởng hoạt động của lách. Lách to có thể phát triển quá mức đến nỗi không thể cung cấp đủ máu nuôi, dẫn đến tổn thương hoặc hoại tử một số khu vực của lách.

Lách to có thể biểu hiện ra những triệu chứng gì?

  • Một số bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng gì
  • Cảm giác đau hoặc đầy bụng ở một phần tư trên, bên trái bụng và có thể lan sang vai trái
  • Cảm thấy no dù không ăn hoặc sau khi ăn rất ít. Triệu chứng này thường do lách to lên và chèn vào dạ dày.
  • Thiếu máu
  • Mệt mỏi
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng
  • Dễ chảy máu

Bạn nên đi khám bác sĩ khi xuất hiện cơn đau ở vùng trên, bên trái bụng, đặc biệt nếu có cơn đau dữ dội và tăng lên khi hít sâu.

Nguyên nhân gây ra lách to là gì?

Một số bệnh lý và nhiễm trùng có thể gây ra lách to. Nếu điều trị phù hợp, chứng lách to có thể hồi phục trở về bình thường. Những nguyên nhân thường gặp gồm:

  • Nhiễm virus, chẳng hạn như tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng do EBV gây ra.
  • Nhiễm vi khuẩn. Chẳng hạn như bệnh giang mai hoặc viêm nội tâm mạc (lớp mô bên trong tim bị nhiễm trùng) có thể gây ra lách to.
  • Nhiễm ký sinh trùng, ví dụ như sốt rét.
  • Xơ gan và những bệnh gan khác.
  • Những bệnh lý gây ra thiếu máu tán huyết (thiếu máu tán huyết là tình trạng các hồng cầu bị phá huỷ sớm).
  • Ung thư máu (như bệnh bạch cầu và bệnh tăng sinh tuỷ ác tính) hay ung thư hạch bạch huyết (như bệnh Hodgkin).
  • Rối loạn chuyển hoá, ví dụ như bệnh Gaucher và bệnh Niemann-Pick
  • Tăng áp lực lên tĩnh mạch lách, tĩnh mạch gan hoặc xuất hiện huyết khối trong những tĩnh mạch này.

Ai là đối tượng dễ bị lách to?

Mọi độ tuổi đều có thể bị lách to. Tuy nhiên, những yếu tố sau làm tăng nguy cơ:

  • Trẻ em và người lớn bị nhiễm trùng.
  • Những người mắc bệnh Gaucher, bệnh Niemann-Pick và những rối loạn chuyển hoá ảnh hưởng đến gan và lách.
  • Những người sống hoặc đi du lịch đến những vùng dịch tễ sốt rét.

Lách to nguy hiểm như thế nào?

Các biến chứng có thể xảy ra ở những bệnh nhân bị lách to gồm:

  • Dễ bị nhiễm trùng. Lách to làm giảm số lượng tế bào bạch cầu trong máu khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng hơn bình thường. Ngoài ra, do giảm tiểu cầu và hồng cầu nên bệnh nhân cũng thường xuất hiện thiếu máu và chảy máu khó cầm.
  • Vỡ lách. Lách với kích thước bình thường cũng có mật độ mềm và dễ vỡ, đặc biệt trong tai nạn giao thông. Tuy nhiên, lách to làm nguy cơ vỡ lách tăng lên. Vỡ lách là tình trạng đe doạ tính mạng vì nó gây xuất huyết vào khoang bụng ồ ạt.

Chẩn đoán lách to và tìm kiếm nguyên nhân

Bác sĩ có thể phát hiện lách to qua khám lâm sàng bằng cách sờ vùng bụng trên, bên trái. Để xác định chẩn đoán, bác sĩ có thể sẽ đề nghị thêm những xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu giúp đếm số tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
  • Siêu âm hoặc CT-scan giúp xác định kích thước lách và xem tình trạng những cơ quan xung quanh có bị lách chèn ép không.
  • MRI giúp quan sát dòng máu đi qua lách.
Lá lách to
Hình ảnh lách trên CT-scan vùng bụng

Tìm nguyên nhân gây lách to bằng những phương pháp nào?

Đôi khi bác sĩ sẽ đề nghị nhiều xét nghiệm hơn để xác định nguyên nhân gây lách to, bao gồm xét nghiệm chức năng gan và tuỷ xương.

Xét nghiệm tuỷ xương bao gồm hai phương pháp là làm tuỷ đồ và sinh thiết tuỷ. Tuỷ đồ là phương pháp xét nghiệm sử dụng mẫu là chất lỏng trong tuỷ xương. Trong khi đó, sinh thiết tuỷ sử dụng một mẫu tuỷ xương để quan sát. Cả hai phương pháp này thường được thực hiện cùng lúc và từ cùng một vị trí là xương chậu.

Sinh thiết lách hiếm khi được thực hiện vì nguy cơ xuất huyết cao. Ngoài ra nếu không thể xác định nguyên nhân gây lách to, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật cắt lách. Sau đó, lách sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để tìm dấu hiệu ung thư hạch bạch huyết.

Điều trị lách to như thế nào?

Điều trị chủ yếu tập trung vào nguyên nhân gây ra lách to. Chằng hạn như nếu do tình trạng nhiễm trùng, điều trị sẽ chủ yếu sử dụng kháng sinh.

Theo dõi

Nếu bệnh nhân chỉ bị lách to và không kèm bất kỳ triệu chứng nào khác, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khoẻ trong một thời gian. Thông thường bệnh nhân sẽ tái khám sau 6 đến 12 tháng và sớm hơn nếu có triệu chứng khác.

Phẫu thuật cắt lách

Nếu lách to gây nhiều biến chứng hoặc không thể điều trị nguyên nhân gây lách to, bác sĩ sẽ cân nhắc thực hiện phẫu thuật để cắt lách. Trong những trường hợp đặc biệt như lách to mạn hay vỡ lách, phẫu thuật là lựa chọn ưu tiên và giúp bệnh nhân tăng khả năng hồi phục.

Tuy nhiên cắt lách cần được xem xét cẩn thận. Dù bệnh nhân vẫn có thể có một cuộc sống năng động sau khi cắt lách, nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng hay thậm chí đe doạ tính mạng sẽ tăng lên. Một số trường hợp có thể dùng xạ trị để thu nhỏ lách giúp tránh phẫu thuật.

Sau phẫu thuật cắt lách, bệnh nhân nên làm gì để tránh bị nhiễm trùng?

Những cách sau đây có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng:

  • Tiêm chủng những vắc xin cần thiết trước và sau khi cắt lách. Người bệnh sẽ được tiêm vắc xin ngừa phế cầu (Pneumovax 23), não mô cầu và haemophilus influenzae nhóm B (Hib) giúp bảo vệ khỏi những bệnh như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết và nhiễm trùng xương, khớp. Vắc xin phế cầu nên được tiêm mỗi 5 năm sau khi cắt lách.
  • Dùng kháng sinh như penicillin sau phẫu thuật và khi có nguy cơ bị nhiễm trùng.
  • Đi khám ngay khi có những triệu chứng như sốt.
  • Tránh du lịch đến những vùng dịch tễ sốt rét.

Lối sống và hướng dẫn tại nhà dành cho người bệnh

Tránh những môn thể thao có tính va chạm cao, chẳng hạn như bóng đá và hạn chế những hành động theo lời khuyên của bác sĩ. Kiểm soát những thói quen vận động này giúp giảm nguy cơ xuất hiện vỡ lách.

Nếu di chuyển bằng xe hơi, hãy nhớ thắt dây an toàn. Trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, dây an toàn có thể giúp ngăn ngừa tổn thương lách.

Cuối cùng, hãy nhớ tuân thủ đúng lịch tiêm chủng vì người bệnh có nguy cơ cao bị bệnh nhiễm trùng. Bệnh nhân phải tiêm vắc xin cúm mỗi năm và tiêm nhắc lại uốn ván, bạch hầu, ho gà mỗi 10 năm. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để nắm rõ lịch và những mũi tiêm cần thiết.

Lách to thường do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như nhiễm trùng, ung thư hay những ảnh hưởng lên tĩnh mạch lách. Do đó, điều trị chủ yếu tập trung vào tìm kiếm và giải quyết nguyên nhân gây bệnh. Khi xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị thích hợp, tránh những ảnh hưởng xấu đến đời sống sau này. Ngoài ra nếu đã phẫu thuật cắt lách, bạn nên tuân thủ theo những lời khuyên của bác sĩ để tránh những nguy cơ như nhiễm trùng.

Xem thêm: Bệnh viêm màng phổi, bệnh lý thường gặp mà bạn cần biết

Từ khóa » Các Bệnh Lý Lách To