Lá Lách To Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân & Triệu Chứng • Hello Bacsi

Một số người bị lá lách to thường không có bất cứ triệu chứng nào. Tình trạng này thường chỉ phát hiện qua thăm khám sức khỏe định kỳ. Vậy lá lách to là bệnh gì, có nguy hiểm không? Điều trị thế nào? 

Theo các chuyên gia sức khỏe, với người bị lá lách to thì việc chẩn đoán và điều trị sớm là cần thiết giúp ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy ra. Mời bạn cùng tham khảo những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được xoay quanh tình trạng lá lách to trong bài viết sau nhé!

Lách to là bệnh gì?

Lá lách bình thường có kích thước bằng khoảng một nắm tay, nằm ở phía trên bên trái của ổ bụng. Lá lách tham gia vào quá trình lọc máu, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống bạch huyết và hệ miễn dịch của cơ thể. Nó đóng vai trò loại bỏ chất thải và tạo ra bạch cầu, chống lại nhiễm trùng.

Các chuyên gia đánh giá kích thước lá lách từ 12 – 20 cm và nặng hơn 1000 g thì được xem lá lách to. Có rất nhiều nguyên nhân khiến lá lách phình to, có thể do viêm nhiễm, chất béo tích tụ và máu tích trữ, khối u lành tính hoặc ác tính… Một số nguyên nhân là tạm thời nhưng cũng có thể là tình trạng mãn tính hoặc tiến triển.

Những dấu hiệu và triệu chứng lá lách to là gì?

triệu chứng lá lách to

Nhiều trường hợp lá lách to không biểu hiện triệu chứng bên ngoài. Các triệu chứng phổ biến có thể giúp bệnh nhân nhận diện tình trạng lá lách to bao gồm:

  • Đau hoặc cảm giác đầy ở vùng bụng trên bên trái có thể lan tới vai trái.
  • Sờ, ấn thấy lá lách, với kích thích bình thường thì bạn khó để cảm nhận được khi sờ từ bên ngoài trừ khi nó phình to.
  • Cảm thấy no mặc dù không ăn hoặc sau khi ăn chỉ một lượng nhỏ do lách to ép vào dạ dày.
  • Suy nhược, mệt mỏi và có các triệu chứng khác của tình trạng thiếu máu.
  • Dễ bị chảy máu, bầm tím.
  • Cảm lạnh và thường xuyên bị nhiễm trùng.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Hãy đi khám sớm nếu bạn bị đau ở vùng bụng trên bên trái, đặc biệt nếu nó nặng lên hoặc đau hơn khi bạn hít một hơi thật sâu.

Nguyên nhân gây bệnh lá lách to là gì?

nguyên nhân lách to

Lá lách to là bệnh gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, lách to có thể bắt nguồn từ các vấn đề sức khỏe sau:

1. Nhiễm trùng

  • Nhiễm virus, chẳng hạn như bạch cầu đơn nhân và HIV
  • Nhiễm ký sinh trùng, như toxoplasmosis
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm nội tâm mạc (nhiễm trùng van tim)

Những bệnh lý này đều có thể gây “áp lực” cho lá lách khiến nó sản xuất quá nhiều kháng thể và tế bào miễn dịch, dẫn đến phình to.

2. Ung thư

  • Ung thư bạch cầu, một loại ung thư trong đó bạch cầu thay thế các tế bào máu bình thường
  • U lympho, ung thư hạch bạch huyết, chẳng hạn như bệnh Hodgkin

3. Các nguyên nhân khác gây lá lách to 

  • Các bệnh gây viêm tự miễn như sarcoidosis, lupus và viêm khớp dạng thấp
  • Chấn thương, chẳng hạn như chấn thương khi chơi các môn thể thao đối kháng
  • Ung thư đã di căn đến lá lách
  • U nang, một túi dịch không chứa tế bào ung thư
  • Một áp xe lớn, một ổ viêm chứa đầy mủ thường gây ra bởi nhiễm trùng do vi khuẩn
  • Các bệnh truyền nhiễm như bệnh Gaucher, bệnh tăng tích đạm hoặc các bệnh tăng tích trữ glycogen
  • Rối loạn máu như thiếu máu tán huyết, giảm bạch cầu trung tính
  • Huyết khối: Cục máu đông có thể ngăn chặn một trong các mạch của gan hoặc lá lách dẫn đến tích tụ máu trong lá lách.

Cách điều trị bệnh lách to là gì?

điều trị lách to

Làm thế nào để chẩn đoán lá lách to?

Việc chẩn đoán lách to thường gặp nhất khi thăm khám lâm sàng. Bác sĩ có thể khám xem lách to hay không khi một chẩn đoán nào đó đã được thực hiện hoặc bất ngờ phát hiện tình trạng này khi thăm khám cho bệnh nhân (nó là dấu hiệu của một chẩn đoán cơ bản).

Khi to ra, lá lách phát triển từ góc trên bên trái vùng từ bụng tới rốn. Đôi khi bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân quay sang phải để dễ dàng chạm vào lá lách. Việc khám thấy lách to ở bệnh nhân béo phì có thể gặp khó khăn.

Trong một số trường hợp, lá lách to có thể được chẩn đoán bằng chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) vùng bụng hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

Những phương pháp nào dùng để điều trị lá lách to?

Khi mắc tình trạng này, bạn cần hạn chế bất kỳ hoạt động nào có thể làm vỡ lách, chẳng hạn như chơi một số môn thể thao đối kháng. Một khi lá lách vỡ có thể gây ra mất rất nhiều máu và đe dọa đến tính mạng. Điều quan trọng là bạn cần được điều trị nguyên nhân lách to. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Một số trường hợp, lá lách phình to cần được phẫu thuật cắt bỏ.

Nếu có chỉ định phẫu thuật, bác sĩ có thể cắt lách bằng kỹ thuật nội soi thay vì phẫu thuật mở. Phẫu thuật nội soi cho phép bác sĩ phẫu thuật quan sát qua màn hình và cắt bỏ lách.

Sau khi cắt lách, cơ thể không loại bỏ được một số vi khuẩn và bạn sẽ dễ bị nhiễm khuẩn. Vì vậy, việc chủng ngừa bằng vắc-xin hoặc thuốc là cần thiết để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Lá lách to có nguy hiểm không?

Ngoài việc đi tìm lời giải đáp cho thắc mắc lá lách to là bệnh gì thì nhiều người cũng quan tâm đến các biến chứng có thể gặp phải nếu lá lách phình to. Theo các chuyên gia sức khỏe, lách to có thể dẫn đến một số biến chứng như:

  • Chết mô: Lá lách một khi bị phì đại nghiêm trọng sẽ phát triển nhanh hơn nguồn cung cấp máu của chính nó. Khi đó, máu không đến được mô, chúng sẽ ngừng hoạt động hoặc chết mô lá lách.
  • Cường lách: Một lá lách to có thể dẫn đến hoạt động quá mức, nó có thể bắt đầu lọc cả những tế bào máu bình thường và bất thường, làm giảm số lượng tế bào máu khỏe mạnh, dẫn đến thiếu máu, giảm bạch cầu và tiểu cầu.
  • Vỡ lá lách: Khi bị lách to, nguy cơ vỡ lá lách sẽ cao hơn. Vỡ lá lách có thể gây chảy máu nghiêm trọng vào khoang bụng, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Hello Bacsi hi vọng qua bài viết này, bạn có thể hiểu rõ hơn về tình trạng lách, những dấu hiệu chỉ điểm bệnh để kịp thời phát hiện và điều trị nhé!

[embed-health-tool-bmr]

Từ khóa » Các Bệnh Lý Lách To