Lá Trúc Che Ngang Mặt Chữ điền... - TẠP CHÍ TAO ĐÀN

ĐỌC THƠ VÀ HIỂU THƠ.

Thơ là khách thể; tôi là chủ thể. Đọc thơ là mới bước vào ngưỡng cửa của lâu đài thơ. Vào và xem gì – có thấy được gì không thì còn là vấn đề. Có khi vào rồi nhưng mắt người xem chẳng thấy chi – hoặc có thấy nhưng lại qua lăng kính riêng của mình thành ra cái vốn có của thơ bị biến dạng đi. Cũng nhiều khi kiến văn của người xem thơ hẹp cộng với cái chủ quan khiến cái hiểu cũng lệch lạc.

Ta đã từng được nghe nhiều người bình thơ hùng hồn nhưng nội dung sai lạc. Có người bàn về hình tượng “bướm” trong thơ Nguyễn Bính đã cho rằng ý nghĩa hình tượng này là “thiếu khí cốt, là nhảm”, có người cho rằng Nguyễn Khuyến khi viết “một tiếng trên không, ngỗng nước nào” là để tả trời… Có người giảng thơ Hồ Chí Minh cứ khen mãi cái hay của chữ “rát mặt” trong câu “Rát mặt đêm thu trận gió hàn” của bài thơ Giải đi sớm, mà không biết từ này là của người dịch thơ đã dịch ép chữ “nghênh diện” trong nguyên tác Tảo giải của Ngục trung nhật kí.

Có người hiểu biết nhiều nhưng khi bình, nặng chủ quan nên cũng đôi khi nhầm lẫn. Nhà thơ rất nổi tiếng là Xuân Diệu bình bài thơ Đề miếu Sầm Nghi Đống của Hồ Xuân Hương, đến câu “Ghé mắt trông lên thấy bảng treo” thì cứ khăng khăng phải là “Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo” thì mới đúng, mới thể hiện được khí phách… mà quên mất rằng chữ “lên” đã rành rành trong bản thơ Nôm lưu trữ (1).

Nếu chỉ diễn tả cái xúc cảm chủ quan của mình thôi thì chẳng có gì đáng gọi là bình. Người bình thơ cần khai thác văn bản được chu đáo và một việc tưởng như rất đơn giản là “đọc hiểu văn bản” lại là rất cần thiết bởi vì có khi người ta chưa đọc, chưa hiểu hết văn bản mà vẫn bình. Chính vì lí do này, thời gian gần đây người ta bắt đầu từ bỏ dần việc bình thơ bằng khuynh hướng “duy cảm” để thay bằng việc chuyên chú bám sát văn bản, vận dụng được vốn kiến thức cần có để hiểu thơ rồi sau đó mới trình bày cảm xúc riêng.

Việc đọc và hiểu thơ quả không đơn giản chút nào. Không phải chỉ đối với những bài thơ viết bằng chữ Hán mà ngay cả với thơ tiếng Việt, việc hiểu thơ cũng không dễ. Không chỉ thơ quốc âm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… viết bằng chữ Nôm khó đọc, khó hiểu mà cả thơ viết bằng quốc ngữ: muốn đọc và hiểu được đầy đủ cũng lắm công phu.

Một nhà thơ quốc ngữ nổi tiếng xuất hiện đầu thế kỉ XX là Hàn Mạc Tử (2). Lúc này, chữ quốc ngữ đã thịnh; thơ của Tử dễ đọc, rành mạch lắm…Thơ Tử có lúc phẳng lặng trong trẻo như ánh xuân tươi có khi lại lạc thần, đau đớn đến điên cuồng và kinh dị. Chính sự bất thường ấy khiến người đọc nhiều khi phải băn khoăn suy nghĩ.

HIỂU THƠ HÀN MẠC TỬ – HIỂU CÂU THƠ “LÁ TRÚC CHE NGANG MẶT CHỮ ĐIỀN”

Đây thôn Vĩ Dạ (3), bài thơ được in trong tập Thơ điên nhưng  ta chẳng bắt gặp chút nào dấu vết của điên cả mà chỉ thấy cảnh và người trong thơ thật hồn nhiên, cái hồn nhiên ấy là những tưởng tượng, mơ ước của một thanh niên đau khổ đang yêu :

Sao anh không về chơi thôn Vĩ ? Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên Vườn ai mướt quá xanh như ngọc Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay… Thuyền ai đậu bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay ?

Mơ khách đường xa, khách đường xa Áo em trắng quá nhìn không ra Ở đây sương khói mờ nhân ảnh Ai biết tình ai có đậm đà?

Bài thơ được Tử viết năm 1939 – một năm trước khi mất (4) – lúc này người mà Tử yêu tha thiết là Hoàng Cúc đang ở Vĩ Dạ. Hoàng Cúc vừa nhận được tin Tử phát bệnh phung (5) bèn gửi tặng Tử tấm bưu ảnh có mây nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có khóm trúc, có cả ánh trăng… cùng mấy lời thăm hỏi. Thư không kí tên nhưng Tử cũng cảm động lắm; Tử sáng tác bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ để tạ lòng người mình yêu. Bài thơ mở đầu bằng lời của cô gái Huế mời về thăm thôn Vĩ để nhân đó mà ca ngợi vẻ đẹp của Vĩ Dạ, nhân đó mà ca ngợi vẻ đẹp của người thôn Vĩ…

Cả bài thơ mà bình luận thì lắm ý lắm lời nên chỉ chú ý một chỗ khúc mắc nhất là câu thơ đã từng gây nên nhiều tranh cãi:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Lá trúc thì không có gì khó hiểu. Ở Vĩ Dạ cũng có lắm nơi trồng trúc, nhưng sao lại “lá trúc che ngang mặt chữ điền” ? Đọc câu thơ, có người đã băn khoăn so sánh chữ và nghĩa của “che ngang” với “che nghiêng” nhưng có lẽ cái đáng băn khoăn nhất ở đây là 3 chữ “mặt chữ điền”. Sao lại mặt chữ điền? “chữ điền” là để tả mặt cô thiếu nữ thôn Vĩ chăng?

Ở đoạn thơ đầu, sau lời chào mời là 2 câu thơ tả cảnh thiên nhiên. Cảnh buồn và nên thơ: có nắng thắp sáng hàng cau nổi bật trên nền lá vườn xanh mướt; đến câu thứ tư : “Lá trúc che ngang mặt chữ điền…”  thì hẳn là để tả người? Có lẽ là vậy ! bởi vì để hiểu ý thơ, ta thường liên kết với ý toàn cục của bài thơ. Toàn cục bài thơ là muốn bộc lộ tình buồn của nhà thơ với cô gái thôn Vĩ. Đọc câu thơ : “lá trúc che ngang mặt chữ điền” ta hình dung ra cảnh cô thiếu nữ thôn Vĩ đang e ấp, thẹn thùng nhìn khách phương xa qua kẽ lá. Cách hình dung này là hợp lí… Nhiều nhà nghiên cứu thơ đã nghĩ như vậy và sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 hiện hành cũng đã nêu ý nghĩ này trong phần chú thích:

“Mặt chữ điền: Theo nhân tướng học, mặt vuông chữ điền được xem là loại tướng mạo ứng với đức tính thật thà trung hậu. Câu thơ vừa có vẻ đẹp tạo hình đơn thuần : một khuôn mặt đẹp ẩn hiện sau cành lá trúc đầy thi vị, vừa giàu tính tượng trưng (trúc biểu hiện cho vẻ thanh cao, gương mặt chữ điền biểu hiện cho sự trung hậu). Tất cả thật hài hòa với khung cảnh vốn đơn sơ mà thanh tú bao trùm cả vườn thôn Vĩ trong nắng mai”. (6)

Hiểu như vậy là xuôi lắm nhưng rồi lại vướng một chỗ khó lí giải là xưa nay chưa ai tả mặt thiếu nữ mà lại là… “mặt chữ điền”.  Vẫn biết như sách giáo khoa đã viết: “mặt vuông chữ điền là loại tướng mạo ứng với đức tính thật thà trung hậu…” nhưng ai lại dùng khuôn mặt này để tả người thiếu nữ đẹp!

Để hợp lí hóa, có người viện 4 câu ca dao:

“Mặt em vuông tựa chữ điền, Mình em thì trắng áo đen vận ngoài. Lòng em có đất có trời, Có câu nhân nghĩa có lời thủy chung”

Vin vào câu “mặt em vuông tựa chữ điền”, người ta cho rằng rõ ràng ca dao xưa đã từng tả thiếu nữ có “mặt chữ điền”…vậy thì cô gái thôn Vĩ mà Hàn Mạc tử tả có khuôn mặt chữ điền đâu có chi là lạ. Nhưng họ đã nhầm ! bởi vì 4 câu ca dao trên nguyên là câu đố; câu đố về cái bánh chưng ! Câu đố về đồ vật trong văn thơ dân gian vẫn thường dùng cách nhân hóa, gọi vật mình muốn nói đến bằng em; có lẽ là do người ra câu đố muốn làm cho nó trở nên khó đoán hơn và cũng là để làm tăng thêm tính hoa mĩ, chứ “em” đây chẳng phải để nói về người con gái nào cả. Ý kiến trên đã không lí giải được gì cho việc Hàn Mặc Tử đã tả mặt chữ điền của người thiếu nữ thôn Vĩ  trong thơ.

Ngược với những lí giải truyền thống cũ ở trên, gần đây có ý kiến cho rằng “mặt chữ điền” chẳng phải để tả người mà chỉ là tiếp nối các câu tả cảnh ở đầu bài thơ:  sau khi tả nắng hàng cau, tả vườn cây xanh lá… câu thứ tư tả thêm một nét kiến trúc đẹp: lá trúc che ngang …tấm chữ điền (chấn môn) trước cửa nhà. Quả thật theo phong thủy, kiến trúc xưa thường xây bức chấn môn chắn trước cửa ra vào, cách khoảng 5-7 mét. Tấm chắn này có khi được trang trí hoa lá, hổ phù, có khi đắp nổi nguyên hình một con hổ. Đơn giản hơn, có khi chỉ đắp nổi một hình chữ thập ở giữa khiến nó giống hệt chữ điền () và một số người bình dân vùng nông thôn Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định, vào cho đến các tỉnh nam Trung phần xưa vẫn gọi tấm chắn trước cửa ấy là “mặt chữ điền”. Hai bên chấn môn lại thường có trồng thêm hai bụi trúc, phía sau có hòn non bộ…

Thời niên thiếu, thân phụ là chủ sự thương chánh, phải đổi đi nhiều nơi; Hàn Mạc Tử đã theo gia đình và học ở nhiều trường khác nhau ở Quảng Ngãi, Bình Định và Huế: năm 1920 học ở trường Tiểu học Sa Kỳ, Quảng Ngãi; năm 1921- 1923 lại vào Quy Nhơn  rồi ra Bồng Sơn; năm 1924 lại trở lại Sa Kỳ. Năm 1926 sau khi thân phụ mất ở Huế (có lẽ lúc này Tử học tại trường Pellerin), gia đình mới chuyển về ở hẳn tại Quy Nhơn. Lớn lên ở vùng trung Trung phần, có thể hình ảnh mấy cành trúc lưa thưa lá che ngang trước chấn môn là hình ảnh rất quen thuộc với Hàn Mạc Tử và rồi hình ảnh ấy đã vào thơ…

Điều nêu trên không biết có độ chính xác đến đâu nhưng nếu hiểu vậy thì 4 câu thơ đầu của bài thơ chỉ toàn tả cảnh vật, vườn tược nhà cửa mà chưa có người. Đoạn thơ thiếu hẳn hình ảnh đáng yêu của cô gái Huế e ấp sau hàng cây lá xanh tươi và bài thơ đã mất bớt bao nhiêu là thi vị. Sự thật có thể đúng nhưng phũ phàng; bài thơ mất hay !

Thật vậy, có một điều trái khoáy là cái hay đôi khi đến với bài thơ nhiều năm sau khi tác giả sáng tác nó. Đôi khi có cái hay do người đọc hiểu lệch đi mà làm cho nó hay hơn ! thậm chí có khi do người ta biên tập sai, chép sai… tạo cho nó thêm một ý lạ và nó lại trở nên hay hơn ban đầu. Có giai thoại kể rằng nhà thơ Huy Cận sau khi viết xong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá; trong bài thơ có câu:

“… Cá nhụ, cá chim cùng cá đé, Cá đuôi én quẫy trăng vàng choé…”

Bài thơ được Ban biên tập duyệt đăng và in thử. Dò bản in, Huy Cận phát hiện thợ sắp chữ sắp sai mất hai chữ. Câu thơ thành ra là:

“… Cá nhụ, cá chim cùng cá đé, Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé…”

Chữ “Cá đuôi én” in nhầm thành “Cái đuôi em” khiến Huy Cận ban đầu rất bực nhưng rồi đọc lại thấy… hay quá, vội lên xe đạp chạy đến tòa soạn đưa bản mo-rát đã kí duyệt và cảm ơn người thợ sắp chữ kia của nhà in.

Xem thêm: Khoảng lặng trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Từ giai thoại trên ta có thể nghĩ ngợi rằng:  thôi cứ cho “mặt chữ điền” là khuôn mặt của thiếu nữ thôn Vĩ đi… thì e là hay hơn ! Câu thơ trở nên sống động, có thần mà lại rất lãng mạn, nên thơ… dù có thể là lúc đặt bút viết thơ Tử đã không nghĩ như thế; còn nếu ta cứ nhất quyết cho rằng sự thực là chính Tử đã cố ý tả cô thiếu nữ thôn Vĩ có khuôn mặt chữ điền thì có lẽ nên đề xuất cách lí giải sau: Ngoại trừ những bài thơ Đường được làm ở thời kì đầu, thơ Hàn Mạc Tử chẳng bao giờ theo khuôn sáo thông thường, kể cả ý thơ, hình tượng thơ. Thơ Tử đầy cả những ý kì dị như : “…Gió rít tầng cao, trăng ngã ngửa/ Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô/ Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra…”  hoặc đầy cả cảnh kì dị như “Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ/ Đầy mình lốm đốm những hào quang…”  và ở đây, bài Đây thôn Vĩ dạ cũng vậy: “mặt chữ điền” nằm trong nét riêng của phong cách thơ kì dị của Hàn Mạc tử –  cũng như hình ảnh “hoa bắp lay” ở đoạn thơ sau cũng là một hình ảnh kì dị, khác người. Từ cổ chí kim, tả hoa  thì người ta chọn hoa lê, hoa đào, mai vàng, mẫu đơn … rực rỡ, Tử lại chọn “hoa bắp”. Vậy mà hay quá! Có chi buồn hơn buổi chiều tà buồn bên rẫy bắp, nhìn hoa bắp trổ cờ phất phơ trong gió mà buồn đến ngơ ngẩn người … Tử đã không theo khuôn sáo tầm thường mực thước trói người lãng tử. Cô gái của Tử miêu tả trong Đây thôn Vĩ Dạ phải lạ đời  với khuôn mặt chữ điền… và khuôn mặt lạ ấy đã đem đến cho người đọc bao nhiêu là cảm nhận thú vị; vì thế cho mãi đến hôm nay người ta vẫn còn băn khoăn, xôn xao mãi và bàn tán nhiều như vậy. Phải chăng điều này là đúng với những gì Chế Lan Viên đã từng tiên đoán: “Mai sau, những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại ở cái thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử”. (7)

Nguyễn Cẩm Xuyên

Xem thêm: “Khoảng lặng” trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”

CHÚ THÍCH:

(1) “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương – Từ góc nhìn văn bản học”; GS-TS. Kiều Thu Hoạch; Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 9/2007.

(2) Hoài Thanh-Hoài Chân trong “Thi nhân Việt Nam”  cho rằng bút danh của Nguyễn Trọng Trí là HÀN MẶC TỬ chứ không phải là HÀN MẠC TỬ bởi vì Hàn mặc có nghĩa là bút-mực còn Hàn Mạc thì vô nghĩa. Thực ra Hoài Thanh đã nhầm vì theo Quách Tấn, người bạn thân nhất của Tử : Nguyễn Trọng Trí đã cố ý chọn bút danh HÀN MẠC TỬ với nghĩa là chàng «rèm lạnh» (mạc 幕 : tấm rèm, tấm màn). Khi mới làm thơ, ông chọn nhiều bút danh khác nhau, rồi lúc trở lại Quy Nhơn, dọn về ở gần nhà Hoàng Cúc;  lúc này, yêu Hoàng Cúc quá mà lại rụt rè, không dám thổ lộ; nhiều hôm anh ngồi thừ trên chiếc ghế mây, nhìn qua bức rèm tre trước cửa, đợi Hoàng Cúc đi ngang qua. Bút danh « Rèm lạnh » có lẽ xuất phát từ tình huống này (?). Nhân một lần trò chuyện với Quách Tấn,  anh khoe bút danh mới là Hàn Mạc tử. Quách Tấn cho rằng rèm lạnh thì phải có trăng soi mới thơ mộng, rồi vẽ lên trên chữ Mạc một vầng trăng khuyết. Có vầng trăng khuyết trên đầu chữ MẠC thành ra chữ MẶC… (Quách Tấn ; tạp chí Văn số 73-74 ngày  7/1/1967).

Từ đó anh thỉnh thoảng có dùng bút danh Hàn Mặc nhưng hầu hết ở bản thảo các bài thơ và đầu những tập thơ được in, đều ghi là Hàn Mạc Tử.

(3) PHANXIPĂNG trong loạt bài biên khảo rất công phu trên tạp chí THẾ GIỚI MỚI về Hàn Mạc Tử đã đề cập đến đầu đề bài thơ này : ”Điều nhầm lẫn phổ biến đầu tiên nằm ở… tiêu đề bài thơ ! Nguyên tác, Hàn viết Ở đây thôn Vỹ Giạ chứ không phải Đây thôn Vỹ Dạ  như sách báo – kể cả giáo khoa và giáo trình vẫn in –  Địa danh có thể chỉnh sửa cho thống nhất về chính tả : Vỹ Dạ thay vì Vỹ Giạ. Còn chữ Ở  hà cớ gì bị lược bỏ? Nhà văn Trần Thanh Địch nhận xét: Chữ Ở được Hàn dùng có chủ đích. Đọc kỹ bài thơ mới thấy chữ đó nhấn mạnh đến thôn Vỹ: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh…Tùy tiện “biên tập” cả “titre” mà không được tác giả ưng thuận là chuyện tối kỵ.… (THẾ GIỚI MỚI số 424, ngày 19/2/2001).

Để phục vụ kiến thức phổ thông, bài viết này xin vẫn ghi tên bài thơ là “Đây thôn Vĩ Dạ” , theo sách giáo khoa Ngữ văn cấp Trung học phổ thông hiện hành.

(4) Theo lời kể của Hoàng Cúc trong thư gửi Quách Tấn đề ngày 15/10/1971 :  “vào khoảng hè 1939, Hoàng Tùng Ngâm viết thư về Huế cho biết Tử mắc bệnh nan y, và khuyên tôi nên viết thư thăm Tử, để an ủi một tâm hồn đã vô cùng đau khổ. Thay vì viết thư thăm, tôi gửi bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái carte-visite. Trong ảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Tôi viết sau tấm ảnh mấy lời hỏi thăm sức khỏe Tử mà không ký tên, rồi nhờ Ngâm trao lại. Sau đó một thời gian, tôi nhận được bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ…”. nhưng theo Đào Quốc Toàn (Tuổi Trẻ Chủ Nhật; 7/1/1990) thì “Bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ chỉ có thể được viết trong khoảng 1936-1937 chứ không thể viết vào năm 1939 được, bởi vì bài thơ này được Hàn Mặc Tử tập hợp lại ở tập Đau thương trong thời gian cuối 1937 đầu 1938. Tập thơ này gồm khoảng 50 bài thơ, lúc đầu lấy tên là Thơ điên“…

(5)Ở đây xin không dùng chữ “phong” như nhiều tài liệu (kể cả sách giáo khoa) bởi vì: “Phong” 瘋 chữ Hán có nghĩa là bệnh điên; “lại” mới là bệnh phung (cùi). Theo Đông y xưa: “Phong, lao, cổ, lại: tứ chứng nan y” nghĩa là có 4 chứng nan y là điên, lao, cổ trướng, và phung (cùi).

(6) Ngữ văn (nâng cao) lớp 11, tập hai, Tr. 46; NXB Giáo dục; 2007.

(7) CHẾ LAN VIÊN; tạp chí Người Mới ; 23/11/1940.

Từ khóa » Câu Thơ Lá Trúc Che Ngang Mặt Chữ điền