Làm Thế Nào để Ngôn Ngữ Báo Chí đạt Hiệu Quả Giao Tiếp Tốt Nhất

      Trong lĩnh vực giao tiếp báo chí, ngôn ngữ được xem như yếu tố quan trọng hàng đầu. Nó là cầu nối giữa nhà báo - tác phẩm - công chúng, là hình thức bao chứa toàn bộ nội dung thông tin mà nhà báo muốn gửi đến người đọc. Một nhà báo nổi tiếng bao giờ cũng là người giỏi về câu chữ. Tất cả các nhà báo muốn viết hay, viết tốt cũng đều phải rèn giũa ngôn từ... Nhưng không phải ngôn ngữ báo chí lúc nào cũng đạt được hiệu quả giao tiếp đúng như mục đích của nhà báo và đúng với yêu cầu của công chúng. Vì vậy cần phải có một tiêu chí chung để có thể đạt hiệu quả giao tiếp cao nhất, nghĩa là các tác phẩm báo chí không chỉ thoả mãn nhu cầu thông tin của công chúng, mà còn phải thỏa mãn được nhu cầu tiếp nhận cái hay, cái đẹp của ngôn từ, làm giàu thêm đời sống tinh thần của họ.

Ngôn ngữ báo chí phải đảm bảo các yêu cầu sau:

     1. Tính chính xác

     Hiện nay, ở hầu hết các báo, việc sử dụng từ ngữ thiếu chính xác rất phổ biến. Nó như những hạt sạn khiến người đọc, người nghe khó chịu. Việc viết câu , dùng từ chưa chính xác có thể là do người viết chưa có vốn từ ngữ phong phú, chưa nắm vững tri thức ngôn ngữ học, hoặc do nhà báo cố ý “vượt chuẩn” tạo ra sự khác biệt trong cách diễn đạt, nhưng không đạt yêu cầu.

Tính chính xác là một nhân tố quan trọng bậc nhất đảm bảo sự thành công trong quá trình giao tiếp. Chính xác có nghĩa là, ngôn từ phải biểu đạt “đúng”, thậm chí là “trúng” bản chất của sự vật, hiện tượng. Bởi vì, báo chí định hướng dư luận xã hội. Đôi khi nhà báo còn được coi như một nhà sư phạm. Sự phân tích, nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng của các nhà báo được coi như chuẩn mực của tư duy. Vì vậy, chỉ cần dùng một từ không chính xác, báo chí có thể gây nên sự hiểu lầm, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Càng trên các tờ báo lớn, đặc biệt là ở báo Nhân dân, báo Lao động, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam..., tính chính xác càng phải được coi trọng.

Vậy, làm thế nào để ngôn ngữ đạt được tính chính xác? Trước hết, phải sử dụng từ đúng, câu đúng. Nghĩa là, sử dụng từ mang nghĩa đen, tuyệt đối tránh những từ ngữ mang nhiều ngữ nghĩa khác nhau làm cho người đọc khó hiểu. Muốn có được những câu chữ đúng, hơn ai hết, nhà báo phải hiểu được đúng bản chất của sự vật, hiện tượng, hiểu được ý nghĩa của những từ ngữ mà mình sẽ sử dụng.

Hơn thế, ngôn ngữ không chỉ “đúng” mà còn phải “trúng”, phải “đắt”, phải “hay”. Yêu cầu này có lẽ chỉ được thực hiện với những nhà báo dành nhiều tâm huyết và thực sự giàu kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Nhà báo phải tích luỹ được một vốn ngôn ngữ giàu có, phong phú. Nhờ đó, anh ta có thể “gạn đục khơi trong”, để tìm được những từ ngữ đắt nhất, hay nhất, biểu đạt được chính xác nhất ý tưởng của mình.

 Thứ hai, nhà báo phải biết sử dụng ngôn ngữ phù hợp với những đặc trưng thể loại và loại hình báo chí.

 Như chúng ta đã biết, mỗi loại hình báo chí có đặc trưng riêng về hình thức chuyển tải thông tin, đồng thời, công chúng cũng có cách tiếp cận khác nhau.  Ví dụ: đặc trưng của báo phát thanh là sử dụng âm thanh tổng hợp để tác động vào thính giác người nghe, nó chỉ có thể nghe được một lần, cho nên, ngôn ngữ phát thanh phải ngắn gọn, chính xác, dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu. Đặc trưng của báo truyền hình là sử dụng hình ảnh và âm thanh để tác động vào mắt nhìn và tai nghe, nên ngôn ngữ hình ảnh chiếm vị trí chủ đạo, tuy nhiên, lời nói cũng phải được tinh lọc, không thể dùng tuỳ tiện. Đối với báo in, nhà báo có thể sử dụng tất cả các biện pháp  tu từ, những thủ pháp nghệ thuật về ngôn ngữ để diễn đạt ý tưởng. Như vậy, tuỳ mỗi loại hình báo chí khác nhau mà đặc trưng ngôn ngữ của chúng cũng khác nhau. Nắm được đúng yêu cầu về đặc trưng loại hình báo chí cho phép nhà báo sử dụng được ngôn ngữ đúng “lãnh địa” làm cho ngôn ngữ đắc dụng hơn.

 Bên cạnh đó, nhà báo sử dụng ngôn ngữ phải phù hợp với từng thể loại. Không thể lấy chuẩn mực ngôn ngữ của một bài bình luận để áp dụng cho thể loại phóng sự, cũng như để viết một tin báo chí, bởi vì mỗi thể loại có một đặc tính thông tin khác nhau. Ngôn ngữ thể hiện phải phù hợp với đặc tính thông tin đó. Sử dụng ngôn ngữ không đúng tiêu chí thể loại, nhà báo khó có thể thể hiện được trọn vẹn ý tưởng của mình, đó là chưa nói đến có thể tạo nên “độ vênh” thông tin do việc sử dụng không đúng ngôn từ.

 Ngôn ngữ là chìa khoá mà chỉ ai có đủ năng lực đặc biệt về ngôn từ mới có thể mở được nó để đến với kho tàng tri thức nhân loại. Hiểu đúng ngôn từ, có một vốn kiến thức ngôn từ dày dặn, nhà báo mới mong sử dụng từ ngữ chính xác và tạo nên những giá trị thông tin to lớn.

     2. Tính đại chúng

     Để ngôn ngữ đạt hiệu quả thông tin cao, ngôn từ báo chí phải có tính đại chúng. Có nghĩa là, ngôn ngữ sử dụng phải phù hợp với trình độ văn hoá, nhận thức và phù hợp với tâm lý, vốn và thói quen sử dụng ngôn ngữ của đối tượng tiếp nhận. Nhà báo phải sử dụng ngôn ngữ để tất cả mọi người dân, từ những trí thức đến người nông dân, công nhân ít học đều có thể đọc và lĩnh hội được. Đó là thứ ngôn ngữ gần với lời ăn tiếng nói, tình cảm, suy nghĩ... của người dân. Bác đã từng nhắc nhở: “Báo chí ta không phải cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân... cho nên, phải có tính quần chúng” (Bài nói chuyện của Bác tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 17.4.1954). Khi viết báo cho dân đọc, dân xem, Bác sử dụng những từ ngữ đời thường, rất dung dị, dễ hiểu. Đặc biệt, Bác thường vận dụng tục ngữ, ca dao, những lối ví von dân dã trong tác phẩm của mình.

Muốn ngôn ngữ có tính đại chúng, nhà báo phải tránh sử dụng từ ngữ đao to búa lớn, những thuật ngữ khó hiêủ, những câu chữ nhiều nghĩa rối rắm, đặc biệt tránh sử dụng từ nước ngoài, những từ viết tắt... Với những thuật ngữ không thể không dùng, đặc biệt là thuật ngữ khoa học, nhà báo cần phải có sự giải thích để người đọc không thuộc lĩnh vực đó vẫn có thể hiểu được. Có một thực tế là, trong nhiều bài viết, tác giả cố gắng “lên gân”, muốn diễn đạt ý tưởng bằng những câu chữ mới lạ để có vẻ như “độc đáo”, nhưng thực ra lại phản tác dụng. Người dân nước mình, họ hài lòng với những gì dễ nhớ, dễ hiểu! Đó là lý do tại sao người dân lại thích nghe đài Tiếng nói Việt Nam. Ngoài việc chuyển tải thông tin bằng ngôn ngữ nói truyền cảm, dễ đi vào lòng người, các phóng viên “nhà đài” còn chú ý đến yếu tố ngắn gọn, giản dị của ngôn ngữ. Nhờ vậy, báo phát thanh khơi gợi, lôi kéo và trò chuyện được với các quan chức chốn thị thành, anh chiến sĩ đóng quân nơi hải đảo xa xôi, bà con lên rẫy, hay những ngư dân ngoài biển khơi...

 Tuy nhiên, nói tính đại chúng của ngôn ngữ báo chí không có nghĩa là chúng ta tầm thường hoá ngôn ngữ, làm cho nó giản đơn, nghèo thông tin, làm cho nó ngày càng mòn cùn đi và triệt tiêu mọi sáng tạo cá nhân của nhà báo. Cũng không có nghĩa là nhà báo phải tự kìm hãm ngòi bút của mình vào lối viết quy chuẩn, mực thước đến cứng nhắc. Có những tờ báo sử dụng ngôn ngữ còn khô khan và khuôn mẫu, không tạo được ấn tượng cho người đọc, không có phong cách ngôn ngữ cá nhân. Điều đó không thuận theo tâm lý tiếp nhận của người đọc. Nhà báo hoàn toàn có quyền để lại dấu ấn ngôn ngữ cá nhân - với lối viết giàu hình ảnh, chau chuốt, mài dũa, thể hiện tính trí tuệ. Vượt qua được sự đơn điệu, mòn cũ, xơ cứng của ngôn ngữ cũng có nghĩa là nhà báo đã vượt lên được chính bản thân mình. Giản dị, chân xác, đó là điều cốt yếu mà báo chí cần đạt được, nhưng làm cho mỗi câu chữ đạt được giá trị mỹ cảm, làm giàu có hơn đời sống tinh thần của người đọc, đó cũng chính là làm cho ngôn ngữ mang tính đại chúng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, nhà báo phải có một sự nhạy cảm đặc biệt trong việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa tính cá nhân và tính đại chúng của ngôn ngữ sao cho không làm mất đi phong cách sáng tạo riêng, nhưng cũng không xa rời tính đại chúng.

      3.Tính biểu cảm của ngôn ngữ

      Tính biểu cảm là cách nói, cách diễn đạt mới lạ, giàu hình ảnh, thể hiện tính sinh động, hấp dẫn và gây được ấn tượng với người đọc. Có lẽ chỉ trừ thể loại tin, còn tất cả các thể loại tác phẩm báo chí khác đều có thể sử dụng ngôn ngữ mang tính biểu cảm. Với khái niệm này, người ta đã trả lời cho câu hỏi vì sao ngôn ngữ báo chí cần tính biểu cảm?

Tính biểu cảm là cách nói, cách diễn đạt mới lạ, giàu hình ảnh. Từ quan điểm này, nó nhấn mạnh tới phong cách ngôn ngữ cá nhân của người viết. Để có ngôn ngữ mới lạ, giàu hình ảnh, yêu cầu nhà báo phải biết tìm tòi, sáng tạo ngôn từ mới, những cách diễn đạt mới. Tuy nhiên, mới không có nghĩa là làm câu văn rắc rối thêm, làm cho từ ngữ trở nên khó hiểu, mù mờ về ngữ nghiã. Trong văn chương, có trường phái thơ “tắc tị”, thơ cách điệu, có trường phái văn học lãng mạn... Nhà thơ, nhà văn luôn có xu hướng tìm tòi cách thể hiện ý tưởng mới, đôi khi vượt ra khỏi ranh giới của cách hiểu thông thường. Tuy nhiên, trong báo chí, không thể có trường phái này, trường phái nọ, không thể có phong cách báo chí “tắc tị”. Người cầm bút viết báo, nghĩa là đem thông tin đến cho người đọc, và mục đích tối thượng là làm cho công chúng hiểu được, nắm bắt được tất cả những thông tin ấy. Chính vì vậy, nhà báo phải sáng tạo trên cơ sở ngôn từ giản dị, trong sáng và mang tính đại chúng. Tính biểu cảm của ngôn ngữ không đối lập với tính đại chúng, mà ngược lai, nó góp phần làm tăng tính đại chúng của báo chí.

 Có rất nhiều cách để tạo nên tính biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí. Trước hết là việc sử dụng các biện pháp tu từ. Đó là cách nhà báo sử dụng những cách thức, những thủ pháp để tạo ra sắc thái bổ sung cho các phương tiện ngôn ngữ.  Ví dụ, biện pháp ẩn dụ, biện pháp nhân cách hoá, biện pháp chơi chữ (nói lái, đối nghĩa), sử dụng các thành ngữ, tục ngữ... Những thủ pháp này có khả năng tạo ấn tượng rất lớn, thu hút sự chú ý của người đọc. Ngoài ra, việc sử dụng dấu câu, đặc biệt là dấu ba chấm (...) và dấu ngoặc kép (“”) cũng góp phần làm tăng giá trị biểu cảm của bài viết. Trong câu văn, nó có khả năng tạo nên những ý tưởng bất ngờ và gợi mở các định hướng suy nghĩ khác nhau cho người đọc. Dấu ba chấm có thể đứng đầu đoạn, đầu câu, đứng giữa hai hoặc nhiều từ tuỳ vào dụng ý của người viết.

 Biện pháp sử dụng câu tỉnh lược cũng có khả năng tạo giá trị biểu cảm rất lớn. Đó là những câu thiếu chủ hoặc vị ngữ. Câu tỉnh lược như một điểm nhấn, nhằm thu hút sự chú ý của độc  giả.

 Ngoài ra, nhà báo còn có thể mượn chất liệu của các tác phẩm văn học nghệ thuật cốt truyện, kết cấu, từ ngữ, lối nói... để làm tăng  tính biểu cảm của ngôn ngữ báo chí. Những phương pháp này được áp dụng rộng rãi trong ở các thể loại phóng sự, bài báo, ghi chép ... trên báo in. Việc sử dụng những ngôn từ gần gũi với văn học có thể tạo nên những  trường cảm xúc lớn lao ở người đọc, làm cho câu văn trở nên mềm mại, óng mượt.

 Tuy nhiên, cần phải hiểu một cách chính xác những từ ngữ mang sắc thái biểu cảm với những từ ngữ sáo rỗng, sử dụng vô tội vạ mà lý do là nhà báo không hiểu được tác hại của nó. Thậm chí là vay mượn chữ nghĩa, không phù hợp với ngữ cảnh. Nhiều đoạn văn mang tính chất “hô khẩu hiệu” hơn là những tình cảm chân thành.  Muốn có được những câu văn, đoạn văn giàu giá trị biểu cảm, người viết không chỉ cần có vốn ngôn ngữ dày dặn, phong phú, mà còn phải thực sự rung động trước cảnh vật, con người. Chỉ cần một chút bất cẩn, thiếu cân nhắc trong lựa chọn là hiệu quả biểu đạt sẽ trái với mong muốn của cả chủ thể biểu đạt và khách thể tiếp nhận.

  Việc sử dụng biện pháp tu từ thế nào, đó là tuỳ thuộc vào chủ đề, đề tài, mục đích thông tin và đặc biệt là “kỹ năng” sử dụng ngôn từ của nhà báo. Để có được những bài báo mang giá trị biểu cảm cao, yêu cầu mỗi nhà báo phải tự tìm tòi, tự  chiêm nghiệm bằng nỗ lực của chính mình.

       4. Tính ngắn gọn        

       Đây là xu thế tất yếu của báo chí. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, người ta không chấp nhận cách viết dài dòng trong những bài báo dài lê thê. Chú ý đến khía cạnh này, chính là chúng ta đã chú ý đến tâm lý tiếp nhận sản phẩm báo chí của công chúng.

Chúng ta đều biết rằng, hiện nay, con người hàng ngày được tiếp xúc với nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, như: báo in, báo phát thanh, truyền hình, báo ảnh, báo mạng (Internet), đó là chưa kể đến các phương tiện giải trí hữu hiệu khác như phim ảnh, sân khấu, băng đĩa nhạc... Với sự bừa bộn và đầy ắp các sản phẩm đó, con người buộc phải lựa chọn cho mình sản phẩm phù hợp nhất. Người ta đến với báo chí nhằm mục đích cao nhất là tìm kiếm, cập nhật thông tin. Chính vì vậy, nếu báo chí chỉ chú trọng vào việc đưa tin mà không chú ý đến hình thức ngôn ngữ chuyển tải thông tin thì cũng sẽ không thu hút được sự chú ý của công chúng.

 Ngoài yêu cầu về ngôn ngữ với những điều đã nói đến ở trên, chúng ta thấy rằng, ngắn gọn cũng là một ưu thế của báo chí. Trên một trang báo, với những thông tin, những bài viết ngắn gọn, tờ báo đó có thể đăng tải được nhiều thông tin, thu hút người đọc đến với họ thay vì tìm mua những tờ báo khác.  Đó chính là ưu thế trong cạnh tranh thông tin. Xu thế của báo chí hiện đại ngày nay là ngắn gọn, súc tích để có hàm lượng thông tin nhiều nhất. Để đạt được yêu cầu đó, nhà báo phải thận trọng, cân nhắc, chắt lọc câu chữ, gạt bỏ những “phần thô” để lấy cái phần tinh tuý nhất.

 Thiết nghĩ, việc các toà soạn báo nên định lượng đối với mỗi bài viết sẽ góp phần nhắc nhở phóng viên viết ngắn hơn, cô đọng hơn, chú ý gọt giũa câu chữ hơn. Nó chính là yếu tố làm ngôn ngữ  báo chí đạt hiệu quả giao tiếp tốt nhất./.

 _______________________

Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 3 (tháng 5+6).2005

ThS Trương Thị Kiên

Từ khóa » Từ Báo Chí Có Nghĩa Là Gì