Lạng Sơn Chủ động Phát Triển Lâm Nghiệp Bền Vững
Có thể bạn quan tâm
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của đất nước; nằm trong vĩ độ 21o19’ - 22o27’vĩ Bắc, kinh độ 106o06 - 107o21’ kinh Đông, thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa, rất thuận tiện cho phát triển lâm nghiệp. Địa hình đa dạng, gồm kiểu địa hình núi cao, núi thấp, núi đá vôi và vùng đồi gò bát úp; xen kẽ các khu vực đồi, núi là các dải thung lũng, bãi bằng… Tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh là 617.766,84 ha, chiếm 74,34% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Phong cảnh rừng tỉnh Lạng Sơn (Nguồn ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
Hệ thực vật, ở Lạng Sơn rất đa dạng và phong phú về thành phần loài. Theo số liệu điều tra, đánh giá đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi tháng 10/2008, tại Khu dự trữ thiên nhiên Hữu Liên đã xác định được 776 loài thuộc 532 chi và 161 họ thực vật, trong đó có >30 loài thực vật quý hiếm nhưng số lượng cá thể còn lại ít, đặc biệt là các loài: Hoàng đàn, Nghiến, Trai lý, Chò chỉ,...; hiện nay nhiều loài thực vật bậc cao đang tiếp tục được phát hiện thêm tại đây. Các loài thực vật rừng chính phổ biến ở Lạng Sơn gồm các loài cây: Lim, Nghiến, Sau sau, Kháo, Vối, Hồi, Thông, Keo, Bạch đàn,… Kiểu rừng chính ở Lạng Sơn là rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới.
Hệ động vật, theo các tài liệu điều tra, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 61 loài thú, 239 loài chim, 67 loài bò sát, 42 loài lưỡng cư, trong đó có 61 loài quý hiếm. Nguồn tài nguyên động vật rừng những năm gần đây giảm sút về thành phần loài và số lượng cá thể do điều kiện môi trường sống ngày càng bị thu hẹp và tình trạng săn bắn thiếu kiểm soát, nhiều loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, trong đó có loài Hươu xạ Hữu Liên là loài đặc hữu của tỉnh Lạng Sơn. Do đó, cần phải thường xuyên có các biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên động vật rừng.
Ngày 11/10/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2011 - 2020. Sau 10 năm triển khai thực hiện, tình hình phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng:
Đến nay tổng diện tích đất quy hoạch rừng đặc dụng của tỉnh là 13.112,69 ha, chiếm 2,1% tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng được triển khai tích cực, việc giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng được triển khai nghiêm túc và có hiệu quả. Thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng với các xã giáp ranh; công tác nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học được tăng cường.
Rừng và đất rừng phòng hộ hiện có là 103.417,76 ha, trong đó đất có rừng là 77.468,73ha, đất trống là 25.949,03 ha, chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn của các con sông lớn, phòng hộ bảo vệ vành đai biên giới, do đó có vai trò, vị trí hết sức quan trọng.
Rừng sản xuất được đầu tư phát triển theo hướng thâm canh tăng năng suất. Diện tích rừng sản xuất tập trung được trồng mới là 46.595 ha; trồng cây phân tán được 56.068,0 ha. Đến nay diện tích đất rừng sản xuất toàn tỉnh là 501.236,39 ha, trong đó đất có rừng là 395.417,22 ha, đất chưa có rừng là 105.819,17 ha; trung bình rừng trồng tăng trưởng 13-15 m3/ha/năm, năng suất nhựa Thông đạt khoảng 2,0-2,5 tấn/ha/năm.
Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh được chú trọng quản lý, bảo vệ, diện tích rừng tự nhiên tăng từ 203.235,0 ha năm 2011 lên 295.664,05 ha năm 2020, trữ lượng rừng tăng tương đương 4.753.258m3, cơ cấu diện tích rừng tự nhiên trong tổng diện tích đất có rừng tăng từ 50,8% năm 2011 lên 56,43% năm 2020.
Công tác phát triển rừng được quan tâm đầu tư, kết quả đến hết năm 2020 trồng rừng mới được 106.680 ha, khoanh nuôi tái sinh được 67.215,0 lượt ha. Đã hình thành các vùng sản xuất tập trung một số loài cây chủ lực, cây gỗ lớn như: Vùng cây Thông ở các huyện: Lộc Bình, Đình Lập và Cao Lộc với diện tích 110.000 ha, chiếm 86,22% tổng số diện tích Thông toàn tỉnh; vùng trồng Keo, Bạch đàn tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng, Đình Lập với diện tích trên 31.200 ha, chiếm 68,74% tổng số diện tích Keo, Bạch đàn toàn tỉnh; vùng Hồi ở các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng với diện tích trên 25.000 ha, chiếm 74,1% trong tổng số diện tích Hồi toàn tỉnh; đang dần hình thành vùng trồng Quế ở các huyện: Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn, hiện nay đã có trên 3.000 ha; diện tích cây Sở đang dần được phục hồi và mở rộng diện tích, hiện nay có khoảng 2.000 ha cây Sở ở các huyện: Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình.
Diện tích đất có rừng tăng qua các năm (từ 419.049,7 ha năm 2011 lên 518.766,49 ha năm 2020). Độ che phủ rừng của tỉnh tăng từ 47,6% năm 2011 lên 63,0% năm 2020 vượt 3,0% mục tiêu Nghị quyết, đã góp phần bảo vệ tốt môi trường như bảo vệ nguồn nước, bảo đảm nguồn sinh thủy cho các hồ đập, hạn chế lũ lụt, nhất là lũ quét, nguy cơ sạt lở đất.
Kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng phát triển mạnh. Toàn tỉnh có 52 trang trại lâm nghiệp, trồng trọt, tổng hợp đủ tiêu chí trang trại với tổng vốn đầu tư 15.902 triệu đồng, tổng doanh thu các trang trại hàng năm đạt 17.845 triệu đồng, bình quân mỗi trang trại đạt 343,2 triệu đồng/năm.
Công tác phát triển các cơ sở chế biến lâm sản tiếp tục được quan tâm đầu tư, giai đoạn 2011 - 2020 đã phê duyệt hỗ trợ 46 đề án hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến lâm sản, với tổng kinh phí hỗ trợ là 5.151 triệu đồng. Toàn tỉnh hiện nay có 249 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản các loại. Sản lượng chế biến các loại sản phẩm như ván bóc, ván ép, ván dán, gỗ xẻ,...và các sản phẩm từ rừng trồng năm 2020 đạt 126 nghìn m3, tăng gấp 5,75 lần so với năm 2011.
Công tác xúc tiến đầu tư đã đạt những kết quả tích cực, đã thu hút 24 dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực trồng rừng, bảo vệ rừng, sản xuất, chế biến lâm sản và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các hoạt động lâm nghiệp với tổng vốn đăng ký là 3.529.984 triệu đồng. Có 25 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, chủ yếu về sản xuất cây giống, mỗi năm sản xuất khoảng 5-8 triệu cây giống và dịch vụ nông lâm nghiệp tổng hợp như trồng rừng, chế biến gỗ, cung ứng vật tư nông lâm nghiệp.
Việc giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (rừng sản xuất) đối với hộ gia đình, cá nhân được đẩy mạnh. Diện tích đất lâm nghiệp đã đo đạc là 627.066,53 ha; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân được 129.890 Giấy; về giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (rừng sản xuất) đối với tổ chức: Đã giao đất cho các tổ chức thuê với diện tích 14.612,93 ha để trồng rừng. Kể từ khi đất lâm nghiệp được giao cho các tổ chức (nhất là tổ chức ngoài quốc doanh), hộ gia đình, cá nhân quản lý, tổ chức sản xuất lâm nghiệp đã được quan tâm đầu tư phát triển về chiều sâu và đất lâm nghiệp được quản lý, sử dụng ngày càng hiệu quả hơn.
Sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 đã mang lại hiệu quả kinh tế khá rõ nét. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp (theo giá thực tế) năm 2010 là 1.149,18 tỷ đồng, năm 2020 đạt 4.122 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 5,8%/năm; giá trị lâm nghiệp chiếm 43,9% trong nội ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Sản xuất lâm nghiệp góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Phát huy những kết quả đạt được, đồng thời nhằm đẩy mạnh việc phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh, ngày 03/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TU về “Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 -2030.
Nghị quyết số 30-NQ/TU xác định mục tiêu chung là: Xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm, đóng góp ngày càng tăng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất rừng trồng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, đáp ứng cho chế biến, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, khả năng cạnh tranh cao. Bảo đảm sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư, huy động các nguồn lực xã hội vào quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phát huy tiềm năng, vai trò, tác dụng của rừng, phát triển bền vững ngành lâm nghiệp; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp các dịch vụ sinh thái rừng; góp phần giảm nghèo bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, biên giới, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giữ vững quốc phòng an ninh. Thiết lập quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, phục hồi rừng tự nhiên nhằm bảo tồn lâu dài, bền vững tài nguyên đa dạng sinh học, nguồn gen cây rừng, bảo tồn thiên nhiên. Triển khai thực hiện tốt Đề án trồng một tỷ cây xanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về mục tiêu cụ thể, Nghị quyết xác định: (1) Giai đoạn 2021 – 2025 phấn đấu tăng trưởng giá trị của ngành lâm nghiệp đạt 7,0-7,2%/năm; giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2025 (theo giá thực tế) đạt 5.600 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu gỗ, các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 510 tỷ đồng; thu tiền dịch vụ môi trường rừng 31,49 tỷ đồng; năng suất gỗ rừng trồng đạt 15-18 m3/ha/năm; sản lượng khai thác gỗ đạt 350.000 m3/năm; sản lượng hoa Hồi khô đạt 13.000 tấn/năm; sản lượng nhựa Thông đạt 30.000 tấn/năm; sản lượng hạt Sở đạt 6.000 tấn/năm; sản lượng vỏ Quế đạt 600 tấn/năm; sản xuất cây giống lâm nghiệp đạt 200 triệu cây/năm; trồng rừng mới hằng năm 9.000 ha, trong đó trồng rừng gỗ lớn 800 ha/năm; trồng dược liệu dưới tán rừng 400 ha/năm; diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC hoặc PEFC) đạt 5.000 ha; 05 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được thiết lập; độ che phủ rừng đạt 65,0% vào năm 2025. (2) Giai đoạn 2026 – 2030 phấn đấu tăng trưởng giá trị của ngành lâm nghiệp đạt 7,2-7,4%/năm; giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2030 (theo giá thực tế) đạt 7.100 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu gỗ, các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 1.000 tỷ đồng; thu tiền dịch vụ môi trường rừng 40,85 tỷ đồng; năng suất gỗ rừng trồng đạt 18-20 m3/ha/năm; sản lượng khai thác gỗ đạt 600.000 m3/năm; sản lượng hoa Hồi khô đạt 15.000 tấn/năm; sản lượng nhựa Thông đạt 40.000 tấn/năm; sản lượng hạt Sở đạt 7.000 tấn/năm; sản lượng vỏ Quế đạt 3.000 tấn/năm; sản xuất cây giống lâm nghiệp đạt 250 triệu cây/năm; trồng rừng mới hằng năm 10.000 ha, trong đó trồng rừng gỗ lớn 1.500 ha/năm; trồng dược liệu dưới tán rừng 500 ha/năm; diện tích rừng được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC hoặc PEFC) đạt 10.000 ha; 10 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được thiết lập; độ che phủ rừng đạt 67,0% vào năm 2030.
Việc ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TU, ngày 03/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 -2030” có ý nghĩa rất quan trọng. Để triển khai thực hiện tốt các nội dung, mục tiêu của Nghị quyết, yêu cầu các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân cần nghiên cứu, tìm hiểu, nắm rõ các nội dung của Nghị quyết; tích cực, chủ động sáng tạo trong triển khai thực hiện, gắn phát triển lâm nghiệp bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững để nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành lâm nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giúp cho người dân nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, làm giàu từ rừng; gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Vương Hòa
Từ khóa » Cây Kinh Tế ở Lạng Sơn
-
Lạng Sơn: Hiệu Quả Kinh Tế Từ Trồng Cây Mắc Ca - Báo Tuổi Trẻ
-
Lạng Sơn Chú Trọng Phát Triển Vùng Cây Nguyên Liệu
-
Lạng Sơn: Phát Triển Nhiều Cây Trồng Có Giá Trị Kinh Tế Trên đất Lân ...
-
Tiềm Năng Phát Triển Cây Mắc Ca ở Lạng Sơn - VOV
-
Phát Triển Vùng Sản Xuất Hữu Cơ Thạch đen Tại Huyện Bình Gia
-
Tràng Định (Lạng Sơn): Phát Huy Hiệu Quả Kinh Tế Từ Cây Thạch đen
-
Triển Vọng Kinh Tế Từ Cây Dược Liệu | Báo Lạng Sơn
-
Khuyến Công Lạng Sơn: Tăng Vị Thế Cây Quế, Cây Hồi
-
Sản Xuất Nông Sản Theo Chuỗi Giá Trị ở Lạng Sơn
-
Lạng Sơn Phát Triển Cây ăn Quả - Thông Tin Nhà Nông
-
Diện Tích Trồng Thuốc Lá Trên địa Bàn Tỉnh Lạng Sơn
-
Toàn Văn - Lạng Sơn
-
Bình Gia: Phát Triển Kinh Tế Từ Trồng Quế