Phát Triển Vùng Sản Xuất Hữu Cơ Thạch đen Tại Huyện Bình Gia

Với việc triển khai những giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị cây thạch đen, năm 2021, người dân của huyện đã mở rộng diện tích trồng nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu. Huyện đã chỉ đạo phát triển phát triển sản xuất cây thạch đen tập trung tại các xã Hoa Thám, Hưng Đạo, Hồng Phong, Quý Hòa, Vĩnh Yên... Thực hiện cấp 23 mã vùng trồng, trong đó 16 mã số vùng trồng Thạch đen tại ruộng của 12 Tổ hợp tác trên địa bàn các Hưng Đạo, Hoa Thám, Hồng Phong với tổng diện tích 63,01 ha với 339 hộ tham gia. Phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh rà soát, kiểm tra mức độ đáp ứng trồng thạch nương với các yêu cầu theo TCCS 774:2020/BVTV của 07 vùng trồng của 03 tổ hợp tác sản xuất trên địa bàn xã Yên Lỗ, Thiện Hòa, Hồng Phong, Vĩnh Yên với tổng diện tích 11,39 ha và 21 hộ tham gia. Năng suất thạch đen năm 2021 ước đạt từ 5 - 5,5 tấn/ha, tăng khoảng 7,2 tạ/ha so với năm 2020. Giá thu mua thạch năm nay từ 30.000 - 32.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với năm 2020. Doanh thu thạch đen năm 2021 ước đạt 96 tỷ đồng, ước tăng 10 tỷ đồng so với năm 2020.

Để nâng cao chất lượng, giá trị cây Thạch đen, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, cơ quan chuyên môn của huyện đã quan tâm mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản cây thạch đen cho bà con, hộ dân trên địa bàn các xã. Năm 2021, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở được 6 lớp tập huấn về trồng, chăm sóc, bảo quản thạch cho người dân. Bên cạnh đó, nhân viên khuyến nông tại các xã cũng thực hiện phối hợp, lồng ghép nội dung tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc cây thạch đen.

Cùng với đó, huyện Bình Gia cũng đã quan tâm, liên kết với một số doanh nghiệp để tiêu thụ Thạch trên địa bàn. Hiện nay, toàn huyện có 2 công ty đăng ký thu mua thạch gồm: Công ty TNHH MTV Nông nghiệp VIGA, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông lâm sản Đông Bắc. Từ năm 2020 đến nay, chính quyền huyện Bình Gia cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai cấp mã số vùng trồng thạch đen cho các xã đăng ký diện tích đủ điều kiện.

Việc phát triển cây thạch đen trên địa bàn huyện hiện nay tuy chưa tạo ra được bước đột phá trong lĩnh vực phát triển kinh tế, chưa xây dựng được mô hình kinh tế có quy mô lớn nhưng bước đầu đã tạo ra tiền đề cho người dân trong huyện có ý thức vươn lên để phát triển, nhân rộng diện tích hằng năm, nâng cao thu nhập gia đình, biết khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để làm giàu chính đáng./

Từ khóa » Cây Kinh Tế ở Lạng Sơn