Lãnh Tụ Nguyễn Ái Quốc Với Việc Thành Lập ... - Đảng Bộ Tỉnh Nghệ An

Đầu năm 1941, trước những thay đổi mạnh mẽ của tình hình trong nước và những biến động to lớn trên thế giới. Ở trong nước các cuộc khởi nghỉa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương tuy thất bại nhưng đã gây tiếng vang lớn báo hiệu một khí thế mới cho phong trào cách mạng Việt Nam. Trên thế giới, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. Tháng 6/1940, phát xít Đức tấn công nước Pháp, chính phủ Pháp nhanh chóng đầu hàng. Nhân cơ hội này, phát xít Nhật nhảy vào xâm lược Đông Dương. Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc nhận định đây là cơ hội thuận lợi cho cách mạng nước ta và Người quyết định chuẩn bị về nước. Người phân tích: "Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”[1].

Ngày 28-1-1941 (mồng 2 Tết Tân Tỵ), sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Quảng Tây, Trung Quốc lên đường về nước để cùng Trung ương lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Trước khi lên đường về nước, nhằm chuẩn bị thành lập mặt trận dân tộc rộng rãi ở nước ta, đầu tháng 1-1941, tại làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc tổ chức lớp học và trực tiếp huấn luyện chính trị cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam. Cộng sự của Người có các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... Chương trình huấn luyện gồm ba phần chính, bao gồm: Tình hình thế giới và trong nước; Tổ chức đoàn thể quần chúng; Cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng. Đây là lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh đầu tiên của nước ta.

Cuối tháng 4-1941, Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cho đồng chí Vũ Anh triệu tập hội nghị cán bộ tỉnh Cao Bằng để rút kinh nghiệm tổ chức thí điểm Mặt trận Việt Minh tại Cao Bằng.

Từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, tại Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị khẳng định:“Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, đòi hỏi Đảng ta phải tập hợp, đoàn kết được mọi lực lượng trong xã hội, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc vào một mặt trận dân tộc thống nhất. Theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Hội nghị nêu rõ: Khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm và quyết định lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Mặt trận Việt Minh và sẽ là cờ của Tổ quốc khi giành được chính quyền.

Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh ra đời. Ngày 25-10-1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Mặt trận trình bày rõ ràng đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu nước của mình. Điều lệ của Mặt trận Việt Minh ghi rõ: liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước. Kết nạp từng đoàn thể không cứ đảng phái, đoàn thể nào của người Việt Nam hay của các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị, để cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập.

Ngày 6-6-1941, triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ tám về tổ chức Việt Minh, Nguyễn Ái Quốc viết thư Kính cáo đồng bào gửi các tầng lớp nhân dân cả nước. Mở đầu bức thư, Người nêu lên tình cảnh khổ nhục của nhân dân ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Người ca ngợi những tấm gương oanh liệt của các bậc tiền bối trong cuộc đấu tranh giành quyền độc lập tự do. Tuy nhiên, việc lớn chưa thành vì “cơ hội chưa chín” và vì “dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”. Người chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”... Người chỉ rõ hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: “Toàn dân đoàn kết... Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng...”. Cuối thư, Người kêu gọi: “... Hỡi các chiến sĩ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của bậc anh hùng đương sục sôi trong lòng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí!...".

Với Cương lĩnh chính trị đúng đắn của mình, dưới sự lãnh đạo của Đảng và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, chỉ sau một thời gian ngắn, Mặt trận Việt Minh đã phát triển nhanh chóng, từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, thu hút đông đảo các giai tầng xã hội tham gia Mặt trận và đã góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhận định: “Vì sao có cuộc thắng lợi đó?, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ "Một phần là vì tình hình quốc tế thuận lợi cho ta. Nhất là vì lực lượng của toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo Lá cờ Việt Nam để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc. Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai thắng được lực lượng đó”.

Mặt trận Việt Minh đã trở thành biểu tượng sáng ngời của khối đại đoàn kết toàn dân, của tư tưởng Hồ Chí Minh về Mặt trận dân tộc thống nhất và để lại cho Đảng ta những bài học quý báu, được Đảng ta vận dụng một cách linh hoạt, hiệu quả trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thành công và uy tín của Việt Minh đó là thành công và uy tín của một Đảng đã thực sự hóa thân vào Mặt trận, sống cùng Nhân dân để lãnh đạo Nhân dân làm cách mạng; vừa đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, vừa tôn trọng tính độc lập, tự chủ, sáng tạo, khuyến khích và tạo điều kiện để Mặt trận hoạt động có hiệu quả.

Nguyễn Thị Hồng Vui

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

[1] Hồi ký của Vũ Anh, Đầu nguồn- Hồi ký về Bác Hồ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1975, tr.234.

Từ khóa » Việt Nam độc Lập đồng Minh Nghĩa Là Gì