Mặt Trận Việt Minh - Biểu Tượng Của Khối đại đoàn Kết Toàn Dân Tộc

Ngày 28/01/1941, sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc về nước. Tháng 5/1941, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (khóa I) của Đảng ở Khuổi Nậm, Pác Bó (Cao Bằng), quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng - khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Hội nghị khẳng định: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Khẩu hiệu của Việt Minh kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh và đoàn kết đánh đuổi Nhật - Pháp. Ảnh tư liệu

Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, phải vận dụng phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc cho nhân dân, nên Mặt trận không thể gọi như trước mà phải dùng tên khác phù hợp hơn với nhiệm vụ cách mạng giai đoạn hiện tại. Bởi vậy, theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới… vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.

Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh ra đời thay cho Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương và đặt ra nhiệm vụ giúp đỡ các dân tộc Lào và Campuchia thành lập mặt trận dân tộc của nước mình. Mặt trận Việt Minh lấy lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh làm huy hiệu, khẩu hiệu chính là: phản Pháp - kháng Nhật - liên Hoa - độc lập.

Về tổ chức: Mặt trận Việt Minh được tổ chức theo hệ thống từ Trung ương đến cơ sở: Ở cấp xã có Ban Chấp hành Việt Minh do các đoàn thể Việt Minh ở làng hay xã cử ra; ở cấp tổng, huyện (hay phủ, châu, quận), tỉnh, kỳ có Ban Chấp ủy Việt Minh của mỗi cấp tương ứng; ở cấp toàn quốc có Tổng bộ Việt Minh.

Về chủ trương: Mặt trận Việt Minh liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở; giúp đỡ Ai Lao Độc lập Đồng minh và Cao Miên Độc lập Đồng minh để cùng thành lập Đông Dương Độc lập Đồng minh. Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một Chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng nǎm cánh làm lá cờ toàn quốc.

Tháng 10/1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, thể hiện chủ trương cứu nước của Đảng: “Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Chương trình của Việt Minh được tóm tắt thành “Mười chính sách của Việt Minh” và phổ biến trong nhân dân. Đây là lần đầu tiên một Mặt trận Dân tộc Thống nhất trình bày công khai đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu nước của mình.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa đánh đuổi Nhật - Pháp, Việt Minh triển khai công tác tuyên truyền mạnh mẽ. Uy tín của Việt Minh tăng lên và các tổ chức của Việt Minh phát triển rất nhanh. Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, tại các vùng căn cứ địa cách mạng, công cuộc chuẩn bị mọi mặt để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền được xúc tiến mạnh mẽ, gấp rút. Đến giữa năm 1945, Việt Minh đã có 5 triệu hội viên. Đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, với khoảng 5.000 đảng viên, cùng Mặt trận Việt Minh, Đảng đã lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Hà Nội trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám. Ảnh tư liệu

Lịch sử đã chứng minh, việc thành lập Mặt trận Việt Minh là một chủ trương hết sức sáng suốt của Trung ương Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Mặt trận Việt Minh thể hiện tính sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhờ có Mặt trận Việt Minh, sau này là Mặt trận Liên Việt, Nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng hoàn toàn, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam ruột thịt.

Mặt trận Việt Minh và các hình thức mặt trận sau đó (Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), luôn lấy liên minh công - nông - trí thức làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Ở mỗi thời kỳ, tên gọi các hình thức mặt trận có thể khác nhau, song đều là mặt trận dân tộc thống nhất với sứ mệnh tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các đảng phái, các dân tộc, tôn giáo, phát huy lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng, ý chí đấu tranh, sự hy sinh và cống hiến của mỗi người, góp phần tạo nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Khẳng định những đóng góp của Mặt trận Việt Minh trong công cuộc giành độc lập cho đất nước, nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Mặt trận Việt Minh đã động viên, tổ chức mọi tầng lớp Nhân dân đoàn kết, vùng lên Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, giành độc lập dân tộc, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, nhằm đoàn kết các tầng lớp nhân dân yêu nước, lấy liên minh công nhân - nông dân - trí thức làm nền tảng, kết hợp tinh thần yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế vô sản, Việt Minh và Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) đã hợp nhất thành một mặt trận dân tộc thống nhất, lấy tên là Mặt trận Liên - Việt. Mặt trận Liên - Việt ra đời là cơ sở quần chúng rộng rãi để bảo vệ Đảng và Nhà nước ta, trở thành trụ cột quan trọng của Nhà nước Dân chủ Nhân dân, tập hợp được sức mạnh to lớn của toàn dân ta, đưa cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn”.

Ảnh minh họa: VOV

Suốt 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Mặt trận cũng thể hiện rất rõ và thực hiện rất tốt vai trò, vị trí của mình, luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động, tinh thần và lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc để hoàn thành những mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Trong công cuộc đổi mới, với nhiều hình thức tổ chức và vận động nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng với Đảng và Nhà nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giải quyết những khó khăn về đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí, sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội; kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhiều nội dung quan trọng, góp phần hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giữ nước và xây dựng đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xứng đáng là tổ chức đại diện của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta".

Từ khóa » Việt Nam độc Lập đồng Minh Nghĩa Là Gì