Lê Tôn Nghiêm: Tiềm Năng Của ý Thức Thần Thoại | Thư Viện Phật Việt
Có thể bạn quan tâm
Danh từ thần thoại có lẽ là một danh từ tương đối mới được phổ biến trong tiếng Việt. Cơ hội gây ra sự phổ biến ấy là phong trào tư tưởng hiện tượng luận từ Tây phương đưa tới.
Tuy nhiên nội dung của thần thoại hình như không phải mới mẻ như thế đối với ý thức cá nhân và dân tộc Việt Nam. Thực vậy, danh từ thần thoại thường gợi lên trong đầu óc ta hình ảnh những gì ly kỳ, bí ẩn và thần tiên. Nhưng không riêng gì dân tộc Việt Nam, sự kỳ ảo ấy còn là sức ám ảnh phi thường cho trí tưởng tượng của con người nói chung, không phân biệt chủng tộc, giai cấp hay tuổi tác. Nó như thâm nhập vào nhịp sống thường nhật của con người từ những cuộc giải trí, chơi đùa phóng khoáng cho tới những công việc nghiêm nghị như suy tư, tính toán, làm ăn hay tin tưởng. Thần thoại còn tiềm tàng dưới địa tầng tâm thức của con người.
Lần giở lại những hầm tiền sử, những bảo tàng viện, những văn khố, những đống tài liệu… đâu đâu cũng còn thấy vết tích của ý thức thần thoại: thần thoại truyền khẩu cũng có mà thần thoại thành văn có lẽ còn nhan nhản hơn nhiều, đến nỗi ngày nay đã có những bộ tự điển vĩ đại về thần thoại học ghi chép, giải thích rất tỉ mỉ về những thần thoại của các dân tộc bán khai hay văn minh cổ xưa như Ai Cập, Ấn Độ, Hy Lạp v. v… hay xa hơn nữa, người ta còn ghi chép được cả những câu chuyện thần thoại của các dân tộc sơ khai, mà các nhà chuyên môn thường gọi là “những chuyện Sáng thế sơ khai” (Grandes Cosmogonies Primitives) do những thầy tư tế và các nhạc sĩ rong thời xưa kể lại.
Đứng trước kho tàng sử liệu vĩ đại ấy, người ta không khỏi liên tưởng đến một “con người thần thoại” (homo mythologicus), bên cạnh những “homo sapiens”, “homo faber” hay “homo symbolicus” v.v…
Nói tóm, hình như khuynh hướng thần thoại là một cấu tính bản năng của con người và của loài người nói chung.
Chính cấu tính bản năng ấy hình như không cho phép con người suy tư dễ dàng tự cắt đứt mình để nghiên cứu và khảo sát ý thức thần thoại ấy một cách hệ thống, minh bạch. Hơn nữa, có lẽ cũng vì ảnh hưởng những điều kiện khí hậu, xã hội và văn hóa, mà một số dân tộc không những muốn cố thủ trong lối sống bất di dịch của mình mà còn như không có khả tính nhìn thần thoại như một đối tượng khách quan.
Trái lại, một số dân tộc khác đã có thể tự cắt đứt với lối sống thần thoại ấy, ít là theo quan điểm lịch sử và lý thuyết của họ. Đây là một đặc tính của tư tưởng Tây phương hay đúng hơn có lẽ đây chỉ là một giai đoạn tư tưởng của họ.
Thực vậy, ngay từ những buổi sơ khai ít là từ lịch sử thành văn, triết học Hy Lạp đã bắt đầu chú ý tới thần thoại trước tất cả mọi biểu thị tinh thần khác của con người, như ma thuật, tôn giáo, nghệ thuật v.v… Đó là một yêu sách tự nhiên, vì không gì tiện lợi, dễ dàng hơn nhìn những gì đối lập với mình để tự thức chính mình: thần thoại là những gì u uẩn, mông lung; trái lại tư tưởng nhất là tư tưởng suy lý là những gì minh nhiên, sáng sủa. Do đó, muốn nhận được chính mình và thiết định được đường tương lai của mình, tư tưởng cũng phải tự so sánh và đối chiếu với thần thoại. Triết học Hy Lạp đã khởi sự bằng sự so sánh, đối chiếu ấy. Với họ, thần thoại là những gì còn được truyền tụng qua những biến ngôn, những tin tưởng của dân gian, kết tinh thành một ý thức cộng đồng, không phản tỉnh cá nhân, hay rõ rệt hơn nữa, thần thoại còn là những câu chuyện về hình ảnh thần thánh do những người tuyển lọc như Homère và Hésode còn ghi lại, nhưng triết lý thiết yếu lại muốn ly khai với những tin tưởng của dân gian, nhất là muốn trở thành một phản tỉnh cá nhân. Tinh thần phân minh, sảng sủa của Apollon muốn đẩy sự u tối, say sưa, mơ màng của Dionysios vào bóng tối. Logos phải thế cho Muthos. Aletheia đánh đuổi Doxa!
Từ đó, khởi phát một thái độ chống đối, một cuộc tranh luận giữa các trường phái triết lý khởi thủy với Homère và các thi sĩ bi kịch. Thoạt tiên, hình như đây chỉ là một cuộc tranh luận vì những lý do ngoại phụ hay đây chỉ là cơ hội cho hai bên thao luyện biện chứng pháp, hay cùng lắm đây chỉ là một cuộc tranh luận với các Ngụy luận gia. Nhưng tựu chung, đây lại là một trận tuyến ác liệt, gay cấn hơn cuộc tranh luận với các Ngụy luận gia, vì thực tình các Ngụy luận gia chỉ là hình bóng của triết gia, nghĩa là cũng chủ trương dùng Logos như triết gia, nhưng Logos của họ lại là một thứ văn chương bay bướm (rhétorique). Nếu sử dụng một cách hợp lý Logos của mình, triết gia sẽ phanh phui được bất lực và ảo tưởng của các Ngụy luận gia ảo tưởng kia. Hơn nữa, trong trận tuyến này, triết gia và Ngụy luận gia chỉ tự giới hạn trong khuôn khổ của khái niệm mà thôi. Trái lại, với Homère và các thi sĩ bi kịch, trận tuyến lại thao diễn trên một bình diện rộng lớn và tận căn hơn: ở đây thi sĩ vừa là khán giả, vừa là diễn viên, vừa là thần bí thấu thị trực giác được toàn cục cái “Trò Tạo hóa” (Pais paizon), trong đó gồm không những tất cả guồng máy cai trị của thần thánh mà cả những công trạng của các vị anh hùng và những đau khổ của loài người. Thực vậy, trong mỗi bài ca bất hủ của họ, thi sĩ bi kịch hình như muốn tiết lộ cho muôn thế hệ những gì họ đã trực giác được. Đó là những gì một Nietzsche đã muốn hô hào khôi phục lại và ngày nay Heidegger, Fink, Axelos v.v… đang mãnh liệt tiếp tục con đường đó!
Nhưng tai hại thay! Giai đoạn tranh đấu chống lại các thi sĩ bi kịch ấy đã mở màn cho trường phái Élée xuất hiện trên sân khấu lịch sử, khi họ đề nghị giải pháp Hữu thể và phương pháp Krisis để quan niệm ý tưởng ấy. Rồi cả hai đã được đúc kết thành một công thức thời danh muôn thuở: hữu thể và tư tưởng về hữu thể là một ! Gilson — một triết sử gia người Pháp — gần đây đã ca tụng ý niệm và phương pháp ấy là giải pháp táo bạo nhất, vượt xa giải pháp của các trường phái đi trước như Milet, Pythagorisme và Héraclitéisme. Lý do là vì giải pháp này đã phân định một cách khúc chiết một bên là hữu một bên là vô, một bên là thực một bên là hư, một bên là tất cả, một bân là không gì cả, nhất là đã thành công trong việc hủy diệt những con người như Héraclite mà Nietzsche đã gọi một cách mỉa mai và hình ảnh là “những con người hình như có hai đầu” (des hommes qui semblent avoir deux têtes).
Tuy nhiên, ở đây hình như triết lý chưa sao tự tách rời hoàn toàn với thần thoại như thi ca bi kịch được. Do đó, người ta vẫn còn phải nêu ra quan niệm “archè” để hòa giải triết lý và thi ca. Hơn nữa, ngày nay có người còn đề nghị “cơ cấu hòa lẫn trong tư tưởng Parménide” điều chế tính cách loại trừ quá khích trong ý niệm hữu thể và tư tưởng của Parménide. (Xem N. f.Boussoulas: Lastructure du mélange dans la Pensée de Parménide. Revue de Métaphysique et de Morale, Janvier — Mars 1964, pp. 1 — 12).
Nhưng một nhân vật điển hình đã xuất hiện. Đó là Socrate người đã giáng một nhát búa thù tử trên đầu tư tưởng thần thoại, kết tinh trong thi ca bi kịch, đến nỗi Nietzsche đã phải gọi biến cố ấy là biến cố tai họa: “Con đại bàng đã chết!” (legrand Pan est mort!)tương đương với biến cố: “Thiên chúa đã chết!” (Dieu est mort!) sau này. Trong quyển “Sự khai sinh ra Bi kịch” (die Geburt der Tragodie), Nietzsche đã đau đớn ghi nhận rằng “Quả vậy, thần thoại nền tảng cần thiết cho mọi tôn giáo đã bị tê liệt khắp nơi.” (Le mythe, en effet, fondement nécessaire de toute religion est déjà paralysé partout) (Bd. pháp, Gallimard, trg 93). Nguyên do cũng chỉ vì thái độ mà Nietzsche gọi là “lạc quan” (optimisme) quá ngây thơ của Socrate, khi ông bắt đầu lầm tưởng rằng: có thể dùng lý trí suy lý để nhìn muôn vàn thực tại phức tạp, u uẩn, say sưa triền miên như sức sống của Dionysios. “Và cả trong lãnh vực này nữa —Nietzsche viết tiếp — cái gì tiêu biểu nhất chính là tinh thần “lạc quan” mà ta vừa gọi là mầm mống gây phá hoại cho xã hội của chúng ta.” (sd.)
Từ đó, Socrate bị Nietzsche nguyền rủa là một bàn tay phá hoại ý thức thần thoại để xây dựng căn bản cho lý trí, và do đó, Socrate là một “tiêu biểu cho sự sa đọa” (le décadent — type) của một công trình văn hóa vĩ đại tức là văn hóa Hy Lạp và Tây phương.
Thái độ “lạc quan” nói trên đã đầu thai trong học thuyết Lý tưởng (théorie des Idées) của Platon. Dưới ảnh hưởng của học thuyết này, càng ngày ý thức suy lý càng phát triển mạnh và tìm cách loại bỏ mọi vết tích của thi sĩ bi kịch. Platon tố cáo các thi sĩ đã cả gan trình bày các thần bằng hình ảnh (Républiq. 378 tiếp): thi sĩ chỉ nhìn toàn bằng hình ảnh, mà hình ảnh chẳng qua chỉ là những bản sao, bắt chước (metexis) những gì thực hữu trên thế giới lý tưởng. Để chống đối và tiêu diệt hoàn toàn ảnh hưởng của thần thoại, Platon đã thiết định ra hai thế giới phân minh, nhưng chính sự phân chia ấy đã làm Platon bối rối suốt một đời trong thế giới “nhị nguyên” (dualisme) mà Nietzsche đã gọi là “một lời nguyền rủa đè nặng trên Tây phương” (une malédiction pesée sur l’ Occident).
Chính tinh thần nhị nguyên ấy còn dẫn nền thần học Tây phương sau này đi vào con đường tiêu diệt mất thần bí (mystique) là những gì tinh hoa nhất của một tôn giáo, Aristote, là người mang tội lớn nhất với lịch sử vì đã quyến rũ các nhà thần học vào mê lộ ấy, đến nỗi cô Simone Weil đã phải gọi ông là “kẻ đào mồ chôn mất thần bí” (Arislote est le fossoyeur de la mystique) (trong Pesanteur et la grâce)
Trong một viễn tượng tư tưởng mở rộng thiết tưởng thần bí có những liên hệ mật thiết với thần thoại hơn là với lý trí. Do đó, một khi ngôn ngữ luận lý càng ngày càng chiếm chỗ thì ý thức thần thoại càng ngày càng bị diệt. Trong lịch sử tôn giáo đã xảy ra bao cuộc tàn phá thần thoại như thế, nhân danh những ảo tưởng thần học! Thậm chí tôn giáo — một hoạt động rất tự nhiên của thần thoại — và hình như là hai đứa con sinh đôi (Cassirer) của nhân loại, cũng ùa chạy theo luận lý để tiêu diệt thần thoại. Điển hình là cuộc xung đột giữa các nhà tư tưởng Thiên chúa giáo như Aelius Théon, Justin nhất là Origène (thế kỷ thứ 2) một bên và các nhà tư tưởng Docétistes và Gnostiques một bên, khi hai đàng tranh luận nhau về “nhân vật thần thoại” và “nhân vật lịch sử” nơi đấng sáng lập Thiên chúa giáo. Từ đó, tư tưởng trung cổ Tây phương cố thủ lập trường lịch sử để tiêu diệt những giải thích thần thoại của những người bị coi là tà đạo! Cũng vì vậy danh từ thần thoại càng ngày càng mang một giá trị từ ngữ khác, nghĩa là đáng khinh bỉ như “chuyện biến ngôn, viển vông, hoang đường” v.v…
Nói tóm, quan niệm Muthos dần dần coi là thuộc “những gì không hữu thể thực sự”. Tuy nhiên nhiều câu chuyện thần thoại vẫn còn rơi rớt đây đó hay đúng hơn trong tin tưởng quần chúng nhiều hình ảnh thần thoại ngây thơ vẫn còn linh động mạnh mẽ, nhưng lại được giải thích là những sự kiện lịch sử có thực!
Ý thức lịch sử đến duy sử như thế của tôn giáo cộng với khuynh hướng duy lý của trí não Hi Lạp sa đọa và có lẽ cả trí não pháp lý của La Mã đã đầy suy tư thần học đốn mức suy lý cùng độ, quan niệm Thiên chúa của Siêu hình học suy lý, hay một Thiên chúa dưới bộ mặt một đế vương! (Alan Watts trong Nature, Man and Woman).
Hơn nữa, gần đây hình như nhà khoa học còn tiếp tay với triết lý và tôn giáo để triệt hạ cho được ý thức thần thoại. Trường phái Duy kiện của A. Comte với luật tam trạng thời danh và Trường phái Xã hội học của Durkheim, Levy-Bruhl đã đương nhiên liệt những văn hoá và tư tưởng ngoại lai với luận lý nhị giả thông thường của họ, vào loại “tâm trạng tiền luận” (mentalité prélogique) với một thái độ khinh bỉ khó chịu!
Nói tóm, trước những tấn công vũ bão ấy, hầu như ý thức thần thoại phải bó tay đầu hàng hay ít ra đã vắng bóng lâu trong lịch sử tư tưởng Tây phương, trên môi trường nghiên cứu của các nhà bác học.
Nhưng dưới ảnh hưởng của nhiều biến động về tư tưởng, triết lý cũng như khoa học và nghệ thuật, “từ gần một nửa thế kỷ nay — Mircea Eliade viết — các nhà bác học Tây phương đã đặt vấn đề thần thoại vào một viễn tượng đối lập hẳn với viễn tượng của thế kỷ 19. Thực vậy, trước kia người ta thường coi thần thoại là “những chuyện biến ngôn”, “bịa đặt”, “hoang đường”, nhưng ngày nay, họ lại công nhận chúng như chính những con người của những xã hội sơ khai quan niệm, nghĩa là như “những chuyện lịch sử có thực”. Hơn nữa, những chuyện lịch sử ấy lại có giá trị quý báu vì chúng có tính cách linh thánh, mô phạm và đầy ý nghĩa. Nói tóm, danh từ thần thoại ngày nay đã mang một ý nghĩa từ ngữ mới mẻ hẳn.” (Aspects du Mythe, trg 9).
Từ khuynh hướng trở về này, nhiều nhà chuyên môn về vấn đề nhân chủng học, nhân thể học và tôn giáo sử học v.v… đã thâu thập được nhiều sự kiện thần thoại thành một kho tàng vô tận trong các bảo tàng viện, trong các tạp chí quốc tế và sách vở của họ. Tất cả đã kết tinh thành một chương dài trong lịch sử tư tưởng hiện đại.
Theo những tài liệu ấy, không một hiện tượng thiên nhiên nào hay một biến cố nào trong cuộc đời con người đã không được giải thích bằng thần thoại, có thể nói: có bao nhiêu dân lộc là có bấy nhiêu Vũ trụ quan (Weltanschauung) và Nhân sinh quan (Menschanschauung). Sự khác biệt ấy phát xuất từ những điều kiện địa lý, lịch sử, xã hội và tâm lý, văn hóa rất khác nhau. Với tinh thần thực nghiệm, khách quan, vô tư, nhiều nhà bác học chỉ làm công việc quan sát, rồi ghi nhận thật tường tận những điều mắt thấy tai nghe. Ngày nay những phương pháp và dụng cu ghi chép quá tinh vi và tiện lợi đã đẩy mạnh công việc không ít! Hơn nữa. những máy ghi âm và vi phim còn bảo vệ trung thành và truyền bá những tài liệu ấy một cách mau lẹ và rộng rãi phi thường!
Trái lại, không bằng lòng với việc ghi nhận suông, nhiều nhà bác học còn giải thích và giảng nghĩa những tài liệu ấy. Trong lịch sử thần thoại học, người ta nêu ra không biết bao nhiêu những lối giải thích khác nhau như thế!
Trước một mớ tài liệu bao la như vậy, sau đây là tiêu biểu một số những thần thoại về Vũ trụ quan và Nhân sinh quan do sự giải thích của nhà chuyên môn, tiếp đó sẽ trình bày một ít nét đặc trưng về triết lý thần thoại và những vết tích thần thoại trong trí óc của người thời đại chúng ta.
Trước hết, về Vũ trụ quan thần thoại: mỗi khi nói tới vũ trụ quan trong tư tưởng hiện đại, thường thường người ta nghĩ ngay đến những phân biệt sau đây:
— Thứ nhất, là những hình ảnh vũ trụ (Weltbild). Theo nghĩa thông thường, vũ trụ thường được hình dung như chân trời gồm những sự vật rất quen thuộc với ta như nhà cửa, vườn tược, đồng áng, quê cha đất tổ của ta v.v… Hoặc là rộng hơn nữa, vũ trụ là cuộc tuần hoàn của thiên nhiên theo tứ thì bát tiết như xuân, hạ, thu, đông.
Nhưng theo nghĩa suy lý và khoa học, vũ trụ không còn là thế giới thông thường, thân mật hay cuộc tuần hoàn suông nữa, mà lại nhất thiết mang hai ý nghĩa đặc biệt sau đây, và theo đó, ý niệm ấy loại trừ hẳn những gì thần thoại ra ngoài, vì giá trị hữu thể của chúng khác hẳn giá trị hữu thể của thần thoại. Cũng chính vì vậy tư tưởng Tây phương đã đánh mất sợi dây liên lạc tính thể mà Heidegger gọi là “hiện-hữu-tại-thế” (in-der-Welt-sein).
(còn tiếp)
LÊ TÔN NGHIÊM
[Tạp chí Tư Tưởng, số 3, 1970]
Từ khóa » Tiểu Sử Lê Tôn Nghiêm
-
Tiểu Sử | MINH TRIẾT VIỆT
-
Nhớ Thầy Lê Tôn Nghiêm | VIETNAM GLOBAL NETWORK
-
Chương XII: Trường Văn Khoa
-
Lịch Sử Triết Học Tây Phương (Bộ 2 Quyển) – Lê Tôn Nghiêm
-
Lịch Sử Triết Học Tây Phương - Lê Tôn Nghiêm | Mê Tải Sách
-
Lịch Sử Triết Học Tây Phương Lê Tôn Nghiêm PDF - ViecLamVui
-
Lê Tôn Nghiêm - THU VIEN DA MINH
-
Lịch Sử Triết Học Tây Phương - THƯ VIỆN PHẬT GIÁO
-
Lịch Sử Triết Học Tây Phương Tập 3
-
[PDF] Môc Lôc - Thư Viện
-
Lê Tôn Nghiêm - Thư Viện ĐCV Bùi Chu
-
Lê Văn Nghiêm – Wikipedia Tiếng Việt
-
Lịch Sử Triết Học Tây Phương – Lê Tôn Nghiêm Năm 2022 | Bản-đồ.vn