Lễ Tôn Nhang Bản Mệnh – Bước Đầu Vào Cửa Đạo - Hát Văn

Lễ Tôn Nhang Bản Mệnh – Bước Đầu Vào Cửa Đạo

Tôn nhang bản mệnh là một nghi lễ đầu tiên dành cho những tín đồ của Đạo Mẫu, bắt đầu bước chân vào cửa Đạo, làm tôi con của nhà Thánh.

Từ đây, người làm lễ nhận được sự gia hộ độ trì của chư Thánh để thân tâm được khang thái, bản mệnh được bình an, công việc được hanh thông, gia đình hạnh phúc. Cùng với sự tu tập, người làm lễ sẽ ngày càng có nhiều bước tiến trên con đường tâm linh, nhưng cũng như lễ Tam Quy bên Đạo Phật thì lễ tôn nhang bên Đạo Mẫu cũng chỉ là những bước khởi đầu của hành trình dài.

Bước vào cửa Đạo, vào ngôi nhà tâm linh là một bước ngoặt trong cuộc đời. Có người từ đây chỉ dừng lại ở mức độ suốt đời đội bát nhang là xong, cũng có người phải đi tiếp rất xa trở thành người truyền đạo. Nhưng dù thế nào, tất cả ít nhiều đều nhận được sự gia trì của chư Phật và chư Thánh để có một cuộc sống an lạc tốt đẹp hơn. Hiểu cho đúng về lễ tôn nhang là điều cần thiết với những ai đang quan tâm tìm hiểu hay những người vừa bắt đầu bước chân vào cửa Đạo.

Nhân vì một số bạn quan tâm thắc mắc về lễ tôn nhang bản mệnh, xin giải đáp những câu hỏi thường gặp như sau:

1. Tôn nhang bản mệnh là gì?

Tôn nhang bản mệnh hay đội bát nhang là một trong những nghi lễ của Đạo Mẫu dành cho những ai mới bước chân vào đạo. Người xưa quan niệm rằng mỗi người sinh ra đều chịu sự cai quản của một số vị thánh nhất định, các vị thánh đó chính là người cầm mệnh của mình, ảnh hưởng đến cuộc sống của mình nơi trần thế.

Tôn nhang bản mệnh hay đội bát nhang chính là một hình thức phụng thờ các vị thánh bản mệnh, cầu mong nhận được sự trở che bao bọc, ban tài tiếp lộc, giáng phúc lưu ân, gia hộ độ trì của chư vị thánh bản mệnh để cho bản mệnh được bình an, thân cung được khang thái, cuộc sống được may mắn hanh thông, gia đình thịnh vượng…

2. Ai cần làm lễ tôn nhang bản mệnh?

Chắc chắn người cần làm lễ ít nhiều phải có duyên nợ với nhà thánh, với đức Thánh Mẫu, công đồng tam tứ phủ.

Đa số những người cần tôn nhang khi thấy có các biểu hiện như sau: hay ngủ mơ thấy chư thánh, đền phủ, thấy đi lễ, đôi khi trong giấc mơ có hiện tượng gặp rắn như cuốn vào người hay bị đuổi, giấc mơ chạy… Nhiều khi giấc mơ có tính lặp đi lặp lại dù không cố ý nghĩ hay để ý đến. Một số người có biểu hiện sức khoẻ kém, bệnh tật nhưng đi khám bệnh viện lại không ra. Một số người có biểu hiện sự lo âu, căng thẳng thái quá, nhưng lại thấy khá thoải mái khi được đi lễ đền điện

Một số người tự cảm thấy bản thân công việc làm ăn không thuận lợi, hay gặp các mất mát rủi ro ngoài ý muốn, hoặc cuộc sống hôn nhân gia đạo trắc trở, đường nhân duyên lận đận… Một số người tự cảm thấy đặc biệt kính ngưỡng Thánh Mẫu, muốn lân mẫn tìm về cửa thánh. Phải nhấn mạnh những trường hợp chỉ tôn nhang bản mệnh là những người có căn quả nhưng ở dạng nhẹ, chưa đến mức phải ra trình đồng mở phủ làm đồng, hoặc những người chưa thể ra trình đồng mở phủ vì điều kiện nào đó, tạm thời tiến lễ tôn nhang cầu đảo chư thánh đại xá.

3. Thời điểm làm lễ tôn nhang bản mệnh?

Thông thường lễ này được làm vào hai mùa xuân và thu tức tháng 2-3 và 8-9 âm lịch. Một số trường hợp đặc biệt có thể không cần chọn thời điểm miễn là kén ngày lành giờ tốt.

4. Làm lễ tôn nhang bản mệnh tại đâu?

Tại bất kì nơi nào phụng thờ Thánh Mẫu và chư vị công đồng tam tứ phủ như tại đền, phủ, điện thờ thánh hoặc tại cung thờ mẫu các chùa đều được cả

5. Ai được phép làm lễ tôn nhang bản mệnh cho mình?

– Đồng thầy của bản đền điện nào đó ngay tại điện thờ của thầy hoặc tại đền phủ khác – Các pháp sư làm lễ nhưng pháp sư cũng phải có đồng

6. Sắm lễ tôn nhang bản mệnh:

– Hoa tươi, quả mới, trầu cau, trà thuốc, bánh kẹo mỗi thứ một ít – Lễ mặn như sôi gà hoặc sôi giò rượu trắng tuỳ điều kiện – Mâm hài xảo tiến lễ Thánh Mẫu, thánh chầu và các thánh cô – Một ngàn vàng tứ phủ và vàng cô cậu – Trứng sống cúng hạ ban kèm ít muối gạo – Hương thơm nến sáng

7. Qui trình lễ tôn nhang bản mệnh:

– Pháp sư vào đàn cúng, khoa giáo thỉnh chư Thánh giáng đền điện chứng lễ – Đồng thầy phủ khăn cho người làm lễ, bên trên có một bát hương bản mệnh, trong bát hương có bài vị ghi rõ cốt hiệu của các vị thánh cầm bản mệnh của mình. Đồng thầy tuyên đọc hiệu của vị thánh bản mệnh. – Đôi khi có cả người hát văn hát lên khúc văn tiến lễ dâng hương, nhưng đa số hiện không có phần này – Đưa bát hương bản mệnh vào nơi thờ tự của đền điện. – Kết thúc khoá lễ, lễ tạ thánh.

8. Lưu ý trước và sau khi làm lễ?

– Trước khi làm lễ, người tôn nhang cần giữ mình sạch sẽ, không ăn uống nằm ngủ nghỉ ở những nơi hay làm các việc uế tạp, giữ thân tâm thanh tịnh, tránh ăn đồ có gia vị kích thích. – Sau khi làm lễ tôn nhang bản mệnh đội lệnh làm tôi, người tôn nhang mặc nhiên đã trở thành con nhang của nhà Thánh, làm lính của nhà Thánh, làm con hương đệ tử của bản đền điện. Nên thường xuyên đến đền điện làm lễ vào các dịp rằm mùng một hoặc một năm bốn tiết lễ lớn là thượng nguyên, vào hè, ra hè, tạ tất niên hay tối thiểu nhất cũng đầu năm cuối năm như thế là trọn đạo đầu trình cuối tạ. – Có điều kiện, người mới tôn nhang nên theo đồng thầy dẫn đi trình lễ các đền các phủ gọi là trình danh trình diện để xin lộc thánh

9. Vai trò trách nhiệm của người thầy và vài lưu ý?

– Người thầy là cầu nối tâm linh cho người tôn nhang, đưa họ vào con đường chính đạo, hướng dẫn con nhang các nghi thức của việc lễ lạt cửa thánh, bản thân cần làm gương sáng cho con nhang noi theo, gây dựng mối đoàn kết giữa thầy trò và bản hội. – Con nhang cần kính thánh trọng thầy, đã theo lễ ở đền điện nào thì nơi đó coi như chốn tổ, nên thường xuyên đến lễ thánh, hỏi thăm thầy như thế là tròn đạo với thánh với thầy, nhất là phải thành tâm, tôn kính. – Một số trường hợp do công tác sinh hoạt chuyển chỗ ở hay do những mâu thuẫn với đồng thầy đến mức không giải quyết được mà con nhang cần phải thay đổi nơi tôn nhang thì có thể xin phép thầy, xin phép thánh cho chuyển đổi bát nhang sang đền phủ mới tức là làm lễ tôn nhang lại ở nơi khác, việc này không phải quan ngại và cũng không trái phép tắc nhà thánh, đồng thầy không thể ngăn cản hay cấm đoán được. – Lễ tôn nhang không tốn kém, có thể làm chung một khoá lễ nhiều người cùng lúc càng tiết kiệm chi phí. – Hiện tại do qui mô đền điện chật mà số lượng người làm lễ ngày càng đông nên nhiều nơi không còn có bát nhang bản mệnh cho từng người, sau khi làm lễ cốt bản mệnh được để vào một hòm bản mệnh chung, cũng không sao cả, tất cả là phương tiện.

 Dẫn “TinhhoaDaoMau”

Từ khóa » Cách Tôn Nhang Bản Mệnh