Lệch Trục Xương Chi Dưới - Tuổi Trẻ Online

dMotVdKk.jpgPhóng to
Ảnh Tăng Hà Nam Anh
TTO - Mẹ cháu năm nay 45 tuổi, bị gãy hở xương cẳng chân phải 1/3 (D) từ khi nằm viện đến giờ đã được 4 tháng. Xương đã có hiện tượng cal nhưng bác sĩ chẩn đoán là bị lệch trục mở góc ra ngoài. Mẹ cháu đã được đóng đinh bằng khung cố định ngoài.

Bác sĩ tư vấn cho cháu 2 phương án :

Thứ 1: Để tình trạng bị lệch cũng có thể đi lại được nhưng sẽ bị chân ngắn, chân dài và có nguy cơ bị khớp giả.

Thứ 2: Tháo đinh cố định ngoài ra, bó bột chờ các vết thương ổn định rồi đóng đinh trong, nhưng đóng đinh trong cũng có các nguy cơ là có thể phải mổ lại nếu bị viêm.

Mẹ cháu bị gãy đa chấn thương nên đã phải lên bàn mổ rất nhiều lần, giờ mẹ cháu rất sợ mổ tiếp, bác sĩ khi tháo đinh bó bột cho mẹ cháu đã nắn lại xương và nói đã được 80%, trục xương cũng đã thẳng nhưng cháu nhìn phim thì thấy vẫn đang còn rất lệch. Bác sĩ bảo nếu mẹ cháu không muốn mổ thì để thế cũng được.

Cháu đưa mẹ sang khám ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), giờ chân mẹ cháu đã được 4 tháng mà đi khám cháu thấy vẫn chưa được ổn định, cháu rất mong bác sĩ tư vấn cho cháu để cháu có phương án điều trị sớm cho mẹ cháu. Cháu rất thương mẹ cháu. Cháu cảm ơn bác sĩ.

Dinh Cu

- Trả lời của phòng mạch online:

Tình trạng lệch trục xương chi dưới như vùng cẳng chân sẽ làm tăng áp lực lên vùng cổ chân và như vậy sẽ dễ gây thoái hóa khớp về lâu dài sau này. Tùy thuộc vùng gãy nằm ở đâu mà mức độ lệch trục có thể chấp nhận được hay không.

Thông thường gãy càng sát cổ chân thì sự lệch trục càng khó chấp nhận vì chỉ cần một sự lệch trục nhỏ cũng làm tăng áp lực lên cổ chân và làm mau hư cổ chân. Ngược lại nếu gãy xương ở trên cao so với cổ chân thì có thể chấp nhận lệch trục khoảng 10 độ trở lại.

Việc đóng đinh nội tủy sau khi đã đặt cố định ngoài sẽ có nhiều nguy cơ nhiễm trùng. Một khi đã nhiễm trùng thì việc mổ đi mổ lại nhiều lần là điều không thể tránh khỏi. Nếu may mắn không nhiễm trùng thì tốt vì đóng đinh nội tủy sẽ làm chỉnh thẳng trục cẳng chân.

Việc lệch trục cẳng chân không làm khớp giả mà làm cal lệch xấu và gây hậu quả thoái hóa khớp cổ chân như chúng tôi vừa trình bày ở trên. Mẹ bạn 45 tuổi nghĩa là vẫn còn trẻ nên nếu lệch trục thì sẽ bị hư khớp cổ chân sớm. Khi đó có thể phải hàn khớp cổ chân nếu hư nhiều. Tuy vậy có nhiều người vẫn không bị hư khớp cổ chân dù chân bị lệch trục.

Vấn đề còn lại là cần phải đo xem mức độ lệch trục là bao nhiêu? Có thể chấp nhận được hay không? So với nguy cơ viêm xương sau đóng đinh thì lệch trục vẫn dễ trị hơn nhiều.

Điều cần làm bây giờ là bạn nhờ các bác sĩ đo thử mức độ lệch trục là bao nhiêu? Có chấp nhận được không? Nếu không vẫn có thể đặt khung cố định ngoài và chỉnh trục được mà không cần phải đóng đinh nội tủy.

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

Từ khóa » Trục Chi Dưới