Lịch Sử Của Một Bức ảnh

lich-su-1-buc-anh2-1628475241.jpg
 

Đại đội sơn cước này thuộc trung đoàn bộ binh 448, sư đoàn 150, quân đoàn 50, quân khu Thành Đô. Đơn vị còn có đầy đủ cả bộ sậu: Đại đội trưởng Lý Hòa Bình, chính trị viên Phùng Tăng Mẫn, ban chi ủy, các trung đội trưởng… và đầy đủ vũ khí trang bị. Cùng đi với đại đội còn có hai cán bộ do trung đoàn phái xuống để đốc chiến, một vị là tham mưu phó trung đoàn Phó Bồi Đức, vị kia là phó chính ủy trung đoàn Long Đức Xương. Cả đại đội còn đầy đủ 104 người.

Theo lời khai của hàng binh: Đại đội sơn cước tính luồn sâu vào đất ta, nhưng do dùng tấm bản đồ cũ nên không biết gì về địa hình, địa thế đất Việt Nam, và thậm chí là cả chiến trường vùng rừng núi phía Bắc mà họ đang chiến đấu, rồi vô hình chung họ trở thành một đám “trẻ lạc”. Khi đến Minh Tâm (Nguyên Bình – Cao Bằng), đại đội dừng chân trên một mỏm đồi đá thì bỗng phát hiện ra sự khác lạ của bản đồ mình dùng và thực địa. Nhìn xung quanh, thấy đâu đâu cũng có quân đội Việt Nam, ban chỉ huy đại đội biết rằng, đánh để mở đường về là vô vọng trong khi thức ăn đã hết, nguồn nước không có. Chính vì vậy, chi ủy chi bộ đại đội đã tiến hành họp cấp ủy khẩn, có ghi nghị quyết đàng hoàng. Và để đi đến cái quyết định đầu hàng ấy, họ đã phải họp “đảng bộ” mất nửa ngày mới ra được nghị quyết…

Trong Nghị quyết ra hàng, có ghi rõ :

“Tuân theo lời dạy của lãnh tụ Lê-Nin, là: Hãy làm việc cụ thể – trong từng giai đoạn cụ thể. Vậy nay quyết nghị ra hàng, để bảo toàn lực lượng, đặng còn về với Tổ quốc”.

Đại đội lính Trung Quốc đầu hàng trong cuộc chiến tranh này là có thật. Nhưng điều kiện hoàn cảnh cụ thể có như lời khai của đám hàng binh?

 Nhiều nguồn đưa tin việc vây bắt đại đội này có sự chưa thống nhất, có bài viết là Tiểu đoàn tự vệ của Gang thép Thái Nguyên, có báo dẫn nguồn nói lực lượng tự vệ Mỏ thiếc Tĩnh Túc và dân quân xã Minh Tâm. Có báo nêu chung là một đơn vị quân đội Việt Nam. Trong một vài bức ảnh chụp đại đội hàng binh có hình ảnh các nữ dân quân bồng súng gác. Vậy đơn vị nào đã trực tiếp bắt sống đại đội ấy? Và chúng ta bắt vào thời gian nào? Liệu có phải đại đội lính sơn cước buông súng đầu hàng một cách “tự nguyện”?

Vì nhiều lý do, thời điểm đó báo chí chưa tiếp cận để có các bài viết chi tiết. Trong vài năm gần đây, tôi cố gắng liên hệ với một số đơn vị và các cựu chiến binh để tìm hiểu sự việc. Sau cuộc chiến các đơn vị quân đội sáp nhập và chiến tranh lùi xa, người trong cuộc đã ra quân, hoặc chuyển ngành trở về sinh sống khắp các miền quê, việc tìm kiếm nhân chứng để có câu trả lời tưởng chừng như không thể.

May mắn thay, tôi đã gặp các cựu chiến binh nguyên là cán bộ chiến sĩ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Thái (nay là Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên) thời điểm năm 1979 và được biết đơn vị chiến đấu tại Nguyên Bình – Cao Bằng và trực tiếp tham gia bắt đại đội hàng binh là Tiểu đoàn 4 Bắc Thái. Cũng qua các cựu chiến binh, tôi được giới thiệu và có dịp trò chuyện cùng anh Phạm Minh Hùng, cựu chiến binh Tiểu đoàn 4 Bắc Thái, hiện sinh sống tại xã Cù Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Ký ức một thời mặc áo trận năm xưa với tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết đường như làm anh trẻ lại. Anh cho tôi xem ghi chép về năm tháng ấy qua những câu thơ hào sảng và hồ hởi. Anh kể:

– Tôi là chiến sĩ tiểu đội 3, trung đội 1,  đại đội 2 – Tiểu đoàn 4 Bắc Thái và được giao sử dụng súng B41. Ngay khi quân Trung Quốc nổ súng xâm lược nước ta, tiểu đoàn 4 Bắc Thái chúng tôi nhận lệnh lên đường tăng cường cho tuyến lửa biên giới.

lich-su-1-buc-anh2-1628475241.jpg
 

Ngày 19/2 chúng tôi chiếm lĩnh vị trí tại Tà Sa, Bản Hỏ xã Minh Thanh huyện Nguyên Bình. Sau khi trinh sát nắm tình hình địch, tiểu đoàn tổ chức tiến công lực lượng địch đóng tại thôn Bản Hỏ, xóm Nà Luộc.

Ngày 8/3 tiểu đoàn gồm bộ đội tái ngũ của khu gang thép hành quân đến Nguyên Bình gặp địch tại ngã ba Nà Pao, các cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, rất nhiều cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn này hy sinh.

Ngày 10/3 chúng tôi chặn đánh địch tại khu vực trại chăn nuôi trâu bò của tỉnh Cao Bằng, trận đánh giằng co diễn ra suốt một ngày. Đại đội tôi được tăng cường súng 12 ly7, cối 82 bắn thẳng vào đội hình địch. Phát hiện hỏa lực ta, địch dùng DKZ, dàn hỏa tiễn H12 phản pháo điên cuồng.

Đêm 12/3 địch tiến công mở đường máu rút chạy, chúng bám đường dây thông tin hữu tuyến tập kích vào tiểu đoàn bộ làm một số cán bộ chiến sĩ hy sinh…

Nghe tôi nhắc đến sự kiện bắt đại đội lính sơn cước Trung Quốc, anh Phạm Minh Hùng trầm tư:

– Tiểu đoàn chúng tôi và tiểu đoàn mới đến từ gang thép cùng dân quân địa phương triển khai các phương án hiệp đồng tác chiến, quyết không để địch gây tội ác. Phát hiện một nhóm binh lính Trung Quốc chốt giữ một ngọn núi, do địa hình dốc đứng đá tai mèo hiểm trở, trinh sát không thể tiếp cận mục tiêu nên dự đoán số lượng khoảng một trung đội. Tiến công ngọn núi này rất khó khăn và có thể chịu thương vong lớn. Ban chỉ huy Tiểu đoàn 4 Bắc Thái bố trí bao vây chặt và tìm cách tiêu diệt. Đồng chí Bắc chính trị viên đại đội pháo C23, nguyên là giáo viên tiếng Trung được giao cầm loa kêu gọi địch đầu hàng. Lúc này Tiểu đoàn 5 Bắc Thái tăng cường cho mặt trận cũng vừa hành quân đến.

Chiều 14/3 một tên lính Trung Quốc cầm cờ trắng xuống chân núi. Tên hàng binh khai đại đội hắn có khoảng 100 người đang ở trên núi, xin ra hàng. Đề nghị ta cho người lên đàm phán. Ban chỉ huy tiểu đoàn không chấp nhận đàm phán và cho phép đầu hàng với điều kiện bỏ hết vũ khí tại chỗ, không được gài mìn, mang cờ trắng và giơ tay lên trời đi một hàng dọc xuống núi.

Trung đội 1, thuộc đại đội 2 chúng tôi do đồng chí Đào Ngọc Khoa, Trung đội trưởng chỉ huy, được giao bắt tù binh (Khi đó trên chiến trường bộ đội gọi là tàn binh). Hai chiến sĩ trinh sát áp giải tên lính lên núi liên hệ với đồng bọn. Chúng tôi trong tư thế sẵn sàng chiến đấu đề phòng chúng trở mặt. Một lúc sau, toàn bộ bọn lính lũ lượt ra hàng, tất cả có 104 tên. Phải rất khó khăn chúng tôi mới lên được đỉnh núi vì lởm chởm dốc đá, không thể tưởng tượng bằng cách nào bọn chúng leo lên được. Từ  đây bọn địch có thể quan sát toàn bộ địa hình khu vực, chắc chắn chúng đã thấy rõ quân và dân ta triển khai đội hình chiến đấu, trong đó có khá đông bộ đội thuộc Tiểu đoàn 5 Bắc Thái vừa tập kết. Tại nơi chúng ém quân, vũ khí quân tư trang vứt la liệt tại mọi vị trí từng tên ngồi. Không ai biết chúng thực sự lạc đường hay quá sợ hãi. Nếu tham chiến đại đội này khó có cơ hội trở về. Khoảng 5 giờ chiều toàn bộ đại đội lính Trung Quốc trở thành hàng binh.

Tôi hỏi:

– Bọn sơn cước chắc vũ khí hiện đại?

Anh lắc đầu cười:

– Không! Chủ yếu là CKC, các loại mìn đè nổ và thuốc nổ, rất ít tiểu liên AK. Bức ảnh chụp đại đội hàng binh ấy là lúc tiểu đoàn áp giải chúng về tập trung tại trụ sở ủy ban xã Minh Tâm.

Bất luận mọi lời biện minh, tôi vẫn nghĩ thật hài hước nếu tin đại đội sơn cước (biệt kích) khai là lạc đường. Ta và địch đánh nhau suốt ngày đêm, đạn pháo hai bên chiến tuyến gầm rít liên tục, không khó để chúng liên lạc với đồng bọn. Cách đây gần 1000 năm, khi chưa có đường xá, các đội quân khê động miền biên viễn Quảng Nguyên vẫn có thể nhìn hướng mặt trời vượt hàng trăm cây số rừng kéo về Ung Châu trên đất Tống giúp Lý Thường Kiệt công thành. Cũng không thể có chuyện chúng “tự nguyện” đầu hàng, bởi quân ta đã vây chặt và dùng loa kêu gọi “hàng thì sống, chống thì chết”.

Đơn vị bắt đại đội hàng binh là Tiểu đoàn 4 Bắc Thái. (Trực tiếp là Trung đội 1 – Đại đội 2). Lực lượng dân quân tự vệ địa phương, các đơn vị cùng hiệp đồng tác chiến là một phần trong chiến thuật chiến đấu của quân dân Nguyên Bình dưới sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh mặt trận Cao Bằng.

Nhớ lại năm tháng chiến đấu tại Nguyên Bình, anh Phạm Minh Hùng không giấu nổi xúc động:

– Quân và dân ta đã chiến đấu kiên cường và chịu nhiều mất mát hy sinh, nhất là tiểu đoàn bộ đội gang thép mới nhập ngũ. Đại đội tôi Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thọi bị thương nặng đút 3 khúc ruột ngay trận đầu tiên. Chính trị viên Dương Xuân Ngọc hy sinh trong trận đánh cuối cùng. Nhiều cán bộ chiến sĩ khác cũng nằm lại trên mảnh đất Nguyên Bình.

Theo thông tin từ báo Vietnamnet,  “Trận chiến nhục nhã nhất” – là nhan đề bài báo đăng trên mạng “Chiến lược” Trung Quốc (Chinaiiss.com) ngày 12/11/2013. Bài báo kể lại sự kiện toàn bộ đại đội 8, trung đoàn 448, sư đoàn 150, quân đoàn 50 đầu hàng tập thể khi bị quân đội Việt Nam bao vây, cô lập. Bài báo cho rằng đây là vết nhơ, sự kiện ô nhục trong lịch sử quân đội Trung Quốc. Sau khi được Việt Nam trao trả, những cán bộ, binh sĩ này đã bị trừng phạt nghiêm khắc: tất cả đều bị kỷ luật, riêng đại đội trưởng Lý Hòa Bình và chính trị viên Phùng Tăng Mẫn bị phạt tù “mức 10 năm trở lên”. Quân đoàn 50 cũng bị thẳng tay trừng trị: 1 phó tư lệnh bị cách chức, 1 phó tư lệnh khác bị giáng chức, 1 phó chính ủy bị cảnh cáo. Sau đó, vào năm 1985, quân đoàn 50 và sư đoàn 150 bị xóa phiên hiệu khỏi biên chế quân đội Trung Quốc.

Chuyện bắt sống đại đội lính sơn cước chỉ là một trong vô vàn chiến công trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy, nó cũng để lại bài học kinh nghiệm quan trọng trong việc xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân.

Bài viết có tham khảo thông tin trên báo Vietnamnet và các tư liệu lịch sử.

 

Theo trái tim người lính

 

 

Từ khóa » Bộ Binh Sơn Cước Là Gì